Thiên đường thuế, nỗi ám ảnh của các chính phủ

Thỏa thuận của nhóm G7 về thuế đối với các tập đoàn toàn cầu được coi là quyết định lịch sử, đánh dấu bước tiến gần hơn tới việc xóa sổ các 'thiên đường thuế'.

Thỏa thuận của nhóm 7 nền kinh tế tiên tiến (G7) về thuế đối với các tập đoàn toàn cầu được coi là quyết định lịch sử, đánh dấu một bước tiến gần hơn tới việc xóa sổ các “thiên đường thuế”.

“Thiên đường thuế” được hiểu là nơi áp mức thuế rất thấp hoặc miễn thuế hoàn toàn đối với nhiều loại thu nhập và tài sản. Các quốc gia, vùng lãnh thổ được coi là thiên đường thuế thường không yêu cầu cá nhân phải cư trú hoặc doanh nghiệp phải hoạt động tại đây để được hưởng ưu đãi thuế. Họ duy trì hệ thống bảo mật cao, hạn chế cung cấp thông tin cho cơ quan thuế nước ngoài. Do đó, cá nhân, tổ chức ngoại quốc có thể tận dụng những nơi này để tránh nộp thuế tại nước cư trú hoặc đặt trụ sở chính.

Các thiên đường thuế là thỏi nam châm hút nhiều tập đoàn lớn, các nhân vật nổi tiếng, tầng lớp giàu có muốn giảm bớt hoặc né tránh nghĩa vụ nộp thuế và cả những tổ chức tội phạm.

Các thiên đường thuế nổi tiếng

Trên thế giới có hàng chục thiên đường thuế, phần lớn tập trung tại vùng Carribe, một vài bang của Mỹ, châu Âu, châu Á, Thái Bình Dương và cả Ấn Độ Dương. Một số cái tên thường được nhắc đến là Bahamas, Panama, quần đảo Cayman, Bermuda, quần đảo British Virgin, Hong Kong (Trung Quốc), Thụy Sĩ, Andorra, Belize, quần đảo Cook, Mauritius, Lichtenstein, Monaco…

Một trong những điểm đến hấp dẫn là Panama. Nước này không công khai luật thuế như các quốc gia khác và cũng không có nghĩa vụ chia sẻ thông tin tài chính với bất kỳ cơ quan chức năng nào. Hệ thống ngân hàng của Panama được xem là một trong những hệ thống bí mật nhất thế giới. Chính phủ nước này không đánh thuế thu nhập, cổ tức và lợi nhuận đầu tư.

Quần đảo British Virgin cũng được nhiều người giàu có biết đến với hệ thống ngân hàng bí mật. Tại đây, mức thuế 0% áp dụng cho cả doanh nghiệp lẫn lợi nhuận từ các khoản đầu tư hoặc thương mại, quà biếu, tiêu thụ hoặc tài sản thừa kế. Tương tự, quần đảo Cayman nổi tiếng là thiên đường thuế của nhiều tập đoàn đa quốc gia, kể cả đại gia công nghệ Mỹ Apple. Quần đảo Cayman không thu thuế doanh nghiệp và cũng không đánh thuế thu nhập hay lợi nhuận đầu tư.

Trước kia, danh sách thiên đường thuế còn có tên của một số cường quốc như Mỹ, Đức, Canada hay Nhật. Song, sau khi nhóm các nền kinh tế lớn (G20) cam kết tuân theo tiêu chuẩn thuế thống nhất, một số nước đã tìm cách ra khỏi danh sách để tránh bị trừng phạt.

Danh sách 10 thiên đường thuế hàng đầu thế giới năm 2021 theo xếp hạng của Mạng lưới Công bằng thuế

Theo bảng xếp hạng 10 thiên đường thuế hàng đầu thế giới năm 2021 do Mạng lưới Công bằng thuế công bố ngày 9/3, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) lần đầu tiên bị gọi tên. Trong danh sách còn có Thụy Sỹ, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Hà Lan và Luxembourg cũng như các vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc quyền quản lý của Chính phủ Anh, gồm quần đảo Virgin, quần đảo Cayman, Bermuda và Jersey.

Nghiên cứu của Mạng lưới Công bằng thuế cho thấy, số nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) trong "danh sách đen" về thuế gia tăng sau khi các công ty đa quốc gia ở Nam Phi và Mỹ chuyển các quỹ trị giá 218 tỷ USD từ Hà Lan đến UAE, tương đương hơn 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia vùng Vịnh. Các nước OECD và vùng lãnh thổ phụ thuộc chiếm tới 68% số vụ lạm dụng thuế doanh nghiệp trên toàn cầu.

Mánh lới gian lận gây tổn thất lớn

Trong một báo cáo năm 2019, Nghị viện châu Âu từng đánh giá, các thiên đường thuế có thể tạo ra kẽ hở cho những hoạt động trốn thuế, gian lận tài chính, rửa tiền và che giấu nguồn gốc tài sản. Nhiều ý kiến lo ngại, các hoạt động phi pháp được thực hiện thông qua hàng triệu công ty “bình phong” ra đời nhờ vào chính sách thuế lỏng lẻo, thủ tục thành lập dễ dàng, chi phí duy trì thấp và việc bảo mật danh tính cổ đông tại những nơi này.

Bản đồ phân bố các thiên đường thuế trên thế giới (chấm xanh) và tỷ lệ thất thoát doanh thu thuế doanh nghiệp (đơn vị %) tại các quốc gia, vùng lãnh thổ không phải là thiên đường thuế. Đồ họa: missingprofits.world

Tại bang Delaware, một thiên đường thuế nổi tiếng tại Mỹ với thủ tục đăng ký kinh doanh được mô tả dễ hơn cả làm thẻ thư viện, hơn 60% doanh nghiệp trong Fortune 500 (bảng xếp hạng 500 công ty lớn nhất Mỹ) đăng ký hoạt động tại đây. Khảo sát năm 2011 đối với các doanh nghiệp trong FTSE 100 (100 công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán London) ở Anh cho thấy, họ đã mở hơn 2.000 chi nhánh ở Delaware.

Theo một nghiên cứu năm 2012 của tờ New York Times, việc Delaware không áp thuế với những thu nhập liên quan đến tài sản vô hình, như quyền sở hữu thương hiệu hay bằng sáng chế, đã tạo điều kiện cho các tập đoàn lớn thành lập chi nhánh tại bang và trả tiền cho những công ty bình phong này dưới danh nghĩa tiền sử dụng bằng sáng chế hay thương hiệu. Lỗ hổng đã giúp các doanh nghiệp “hô biến” 9,5 tỷ USD doanh thu một cách hợp lý trong vòng 10 năm trước đó.

Tháng 4/2016, Wolfgang Krach, Tổng biên tập của tờ Suddeutsche Zeitung (Đức) quyết định chia sẻ “Hồ sơ Panama”. Hồ sơ chứa thông tin trong suốt 40 năm hoạt động (từ 1977 đến tháng 12/2015) của hãng luật Mossack Fonseca, dính líu nhiều hoạt động rửa tiền, tham nhũng, trốn thuế và tránh các lệnh trừng phạt của 214.488 doanh nghiệp. Đây được coi là vụ rò rỉ tài liệu mật lớn nhất trong lịch sử.

Doanh thu (đơn vị: tỷ USD) của một số thiên đường thuế (màu xanh) và tổn thất do các chính sách ưu đãi thuế của chúng gây ra đối với những nước khác (màu đỏ) năm 2020. Nguồn: Mạng lưới Công bằng thuế

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, khoảng 21.000 - 32.000 tỷ USD, tương đương gần một nửa GDP toàn cầu, có thể đã bị cất giấu ở 100 thiên đường thuế hàng đầu. Báo cáo mới nhất của Mạng lưới Công bằng thuế nhận định, các nước trên thế giới bị thất thu hơn 427 tỷ USD tiền thuế mỗi năm vì các chiêu né thuế hợp pháp của các tập đoàn quốc tế và cá nhân. Trong đó, 245 tỷ USD là thất thoát thuế từ các doanh nghiệp và 182 tỷ USD là thất thoát thuế từ cá nhân.

Những nỗ lực xóa bỏ thiên đường thuế

Ngay từ những năm đầu thế kỷ 21, OECD đã đi đầu trong việc lập ra danh sách các thiên đường thuế, cập nhật trên cơ sở cam kết của các quốc gia thành viên với một số tiêu chí cụ thể để có hướng xử lý thích hợp.

Ước tính việc tăng doanh thu từ thuế nếu áp dụng đề xuất của OECD (màu cam) và mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu (MERT, màu xanh) trên toàn thế giới, tại các trung tâm đầu tư, các nước có thu nhập cao, các nước có thu nhập thấp và trung bình. Nguồn: Mạng lưới Công bằng thuế

Tháng 11/2015, tại Hội nghị cấp cao G20 diễn ra ở Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ), các nhà lãnh đạo đã thông qua kế hoạch triển khai 15 hành động cụ thể do OECD đề xuất, nhằm đối phó với tình trạng trốn thuế, cải thiện tính gắn kết của các quy tắc thuế quốc tế và đảm bảo môi trường thuế minh bạch hơn. Tháng 12/2017, EU thông qua “danh sách đen” gồm các thiên đường thuế hoạt động bên ngoài khối, kèm theo nhiều biện pháp trừng phạt và kiểm soát chặt chẽ mọi giao dịch tới các khu vực này.

Song, những nỗ lực trên chưa phát huy hiệu quả như mong đợi. Tổ chức Oxfam cảnh báo, dân thường, đặc biệt là những người nghèo nhất đang phải trả giá cho cuộc đua xuống đáy về thuế thu nhập doanh nghiệp kiểu này, với việc thuế cá nhân bị tăng lên và các dịch vụ thiết yếu, như chăm sóc sức khỏe và giáo dục bị cắt giảm.

Vì vậy, việc G7 ngày 5/6 đồng ý về mặt nguyên tắc ủng hộ áp mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu có thể là cột mốc quan trọng, đảm bảo các nước tăng nguồn thu từ thuế và hạn chế sự dịch chuyển đến các thiên đường thuế, dần dần dẫn tới việc xóa bỏ chúng.

Tuấn Anh

To Top