Thông điệp nhân văn trong 'Vết dao ngược đêm trăng'

Tiểu thuyết 'Vết dao ngược đêm trăng' của Tiến sĩ, Nhà văn Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa phát hành tháng 6/2021. Đó là một tác phẩm văn học, nhưng cũng là sách 'tham khảo' quý giá với những người làm công tác điều tra, kiểm sát, xử án…và cả những ai muốn tìm hiểu đúng về pháp luật.Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu bài viết của Nhà báo, nhà thơ, Đại tá Nguyễn Hữu Quý, cảm nhận khi đọc 'Vết dao ngược đêm trăng'.

Tiểu thuyết này là tác phẩm thứ ba của Tiến sĩ, Nhà văn Dương Thanh Biểu. Dù xuất hiện trên văn đàn Việt Nam khi tuổi không còn trẻ, Tiến sĩ, Nhà văn Dương Thanh Biểu đã có danh sách tác phẩm đáng khâm phục như các cuốn Một thời trận mạc; Theo dòng công lý; Tạ Đình Đề, những góc khuất; Từ cuộc chiến đến cuộc chiến…(Văn xuôi); Những đêm trắng mênh mang (Thơ)…Anh nguyên là Phó Viện trưởng VKSND tối cao.

Dương Thanh Biểu từng là lính đánh Mỹ, có nhiều năm lăn lộn ở những chiến trường ác liệt nhất như Quảng Trị, Tây Nguyên. Sau cuộc chiến, trước khi nghỉ hưu, anh có hàng chục năm làm việc trong ngành Kiểm sát, đối mặt với nhiều vụ án lớn bé, có những vụ động trời; nhiều loại tội phạm nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm. Cuộc chiến chống giặc ngoại xâm là sự đối kháng sinh tử, điều ấy nhiều người biết. Cuộc chiến chống lại tội phạm, tội ác trong xã hội thời bình cũng gay go, ác liệt và nguy hiểm không kém nhưng chưa chắc có nhiều người tường tận, thấu hiểu.

Tác phẩm của Dương Thanh Biểu viết bởi thể loại văn học nào thì tôi thấy đều in đậm dấu vết quá khứ cuộc đời anh, một quá khứ trải từ chiến tranh sang thời bình hết sức bộn bề và phong phú. Hiện thực từng trải của người lính trận cũng như của một cán bộ trong ngành bảo vệ pháp luật là vốn liếng rất giá trị của nhà văn. Tôi nghĩ, đấy là quặng, là phôi liệu để anh “luyện chế” nên những tác phẩm văn chương không hề non lép.

Tôi thường nghĩ rằng, bất luận thời nào, binh đao loạn lạc hay thái bình an hòa thì con người cũng phải lấy lẽ phải và tình thương làm điểm tựa. Nhân dân ta bao đời nay cũng luôn đề cao những giá trị luân lý đó. Đấy là gì nếu không phải tinh thần nhân văn mà con người đã, đang và sẽ hướng tới. Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo con đường mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn thì nhân văn vẫn phải là nền tảng tinh thần của dân tộc. Điều đó, dường như đã rất trùng khớp với thông điệp mà Tiến sĩ, Nhà văn Dương Thanh Biểu gửi gắm trong cuốn tiểu thuyết “Vết dao ngược đêm trăng’ này của anh.

TS, nhà văn Dương Thanh Biểu tặng cuốn truyện ký “Nỗi niềm người lính” cho Ban biên tập Báo Bảo vệ pháp luật. Ảnh: PV

Trước hết, đây là câu chuyện về một vụ án. Vụ án kéo dài 5 năm từ cái chết đầy bí ẩn của Hồ Quảng tại Bãi Cạn, Khe Mưng, xã Nghĩa Hồng thuộc tỉnh Hưng Đàn. Vết dao ngược trong đêm trăng rằm dẫn tới cái chết bi thương của Hồ Quảng. Ai là sát thủ trong vụ án giết người ghê tởm này? Câu hỏi không dễ trả lời.

Ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, thậm chí tháng này qua tháng khác, sát thủ vẫn bặt vô âm tín. Cơ quan điều tra tỉnh Hưng Đàn điều động nhiều trinh sát có kinh nghiệm vào cuộc nhưng rồi cũng bất lực. Cho đến khi Trung tá, Điều tra viên Trần Huy gặp Hoàng Thụy, một cán bộ biến chất bị sa thải về thành lập Công ty Đại Phát mà gã là giám đốc thì sự bế tắc của vụ án dần dần được hé lộ. “Kẻ giết người” được chỉ tên, vạch mặt. Đó là Lê Hoan, Giám đốc Công ty Ánh Sáng và Hà Hùng, nhân viên thuộc quyền. Phiên tòa sơ thẩm mở tại tỉnh Hưng Đàn ra Bản án xác quyết tội “Giết người” của Lê Hoan và Hà Hùng…

Nếu đúng như thế thì chuyện chẳng có gì để kể cả. Kẻ giết người phải bị trừng trị đích đáng. Nhưng, sau những phản biện của luật sư và báo chí cũng như dư luận công chúng, Bản án lộ ra những sơ hở, khuất tất dẫn tới những nghi ngờ về sự không minh định của nó. Và, nhờ những cán bộ tâm huyết trong ngành Kiểm sát, Công an, Tòa án…mà tiêu biểu là Nguyễn Hoàng, hai tội phạm Lê Hoan, Hà Hùng được giải oan. Kẻ giết Hồ Quảng không phải là họ mà chính là Trần Mai, thuộc hạ của Hoàng Thụy, một tên trùm xã hội đen mang lốt doanh nhân. Cuối cùng, bọn chúng bị vạch mặt và phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Tóm tắt là thế nhưng câu chuyện dích dắc, hấp dẫn, thu hút người đọc từ đầu đến cuối với cách dàn dựng, bố cục không rối rắm, rất mạch lạc, đầy chất “chuyên môn” của tác giả Dương Thanh Biểu.

Hai tuyến nhân vật tốt - xấu phân chia rõ ràng. Tốt có: Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hoàng; Kiểm sát viên Võ Quân; Cục trưởng Cục điều tra VKSND tối cao Phạm Hằng, Vụ trưởng Vụ điều tra Trần Phương, Thứ trưởng Bộ Công an Võ Thanh; Viện trưởng VKSND tối cao Trần Duy; phóng viên Kim Khánh; luật sư Trần Năm, luật sư Hoàng Nga…Xấu: có thể kể tới Hoàng Thụy, Giám đốc Công ty Đại Phát; Trần Mai; Vương Minh…và cả một số cán bộ thuộc ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án thoái hóa biến chất đã bán mình cho quỷ dữ, tiếp tay cho tội ác như: Trần Huy, Lê Kiên, Ngô Quý và cả Đặng Trung, Chủ tịch tỉnh Hưng Đàn…Xung đột, diễn biến, thắt - mở của tiểu thuyết bám sát vào hai tuyến nhân vật này trên cái “lõi” của nội dung là vụ án giết người gắn với các bị cáo Lê Hoan và Hà Hùng.

Cái ác được cụ thể hóa bằng những mưu mô, thủ đoạn, hành vi làm hại người khác, thậm chí giết người, vu oan, mua chuộc, hối lộ mà tiêu biểu là Hoàng Thụy và Trần Mai. Cái ác, còn nằm trong sự vụ lợi, lấy chức quyền, vị trí làm việc để kiếm tiền bất hợp pháp như trường hợp của Trần Huy, Lê Kiên, Ngô Quý, Đặng Trung…Cái ác, suy cho cùng còn nằm trong lối làm việc tắc trách, quan liêu, nhận hối lộ… dẫn đến oan khiên của người vô tội.

Cái tốt đẹp không bao giờ mất đi, trái lại, nó luôn được gìn giữ, bảo tồn và nảy nở trong cuộc sống. Chính đó là nền tảng để xây dựng xã hội nhân văn, công bằng, giàu lòng trắc ẩn, vị tha. Thông điệp ấy xuyên suốt trong toàn bộ tiểu thuyết, chi phối sâu sắc đến cách xây dựng cốt truyện, nhân vật và cả cảm xúc của tác giả.

Nhân vật Nguyễn Hoàng được coi như một điển hình về cái tốt đẹp trong cuộc sống. Anh là một lính trận, sau bao nhiêu năm lăn lộn ở chiến trường ác liệt may mắn được sống sót để trở về quê. Tưởng được gặp gỡ, sum họp với người thân trong gia đình, nào ngờ đớn đau, tang tóc giáng xuống đầu anh khi vừa đặt chân vào làng. Phải nói rằng nỗi đau quá lớn! “Sau những năm tháng gian nguy, lăn lóc ở chiến trường khốc liệt Nguyễn Hoàng được về thăm nhà. Biết bao xúc động khi anh đặt chân lên làng Thanh Hồng, nơi mình sinh ra và lớn lên trong nghèo đói, thiếu thốn đủ bề. Chao ôi, ngôi làng nhỏ Thanh Hồng nép mình bên bờ sông Hoàng Long uốn khúc mềm mại hiền hòa, thơ mộng thuở nào mà bây giờ xơ xác, tiêu điều vì bom giặc.

Anh cũng không ngờ, căn nhà gắn bó với tuổi thơ bên cha mẹ bây giờ chỉ là hố bom sâu hoắm. Cái hố bom như con mắt đất khổng lồ mở to đang trân trân nhìn anh. Đau xót. Hụt hẫng, Nguyễn Hoàng đặt chiếc ba lô con cóc lấm láp bụi đường xuống cạnh hố bom rồi nằm úp mặt khóc. Khóc thầm rồi khóc nức nở. Tiếng khóc có lúc nghẹn ứ trong cổ người lính từ chiến trường về. Những dòng nước mắt chát mạn cứ thế chảy thấm xuống cỏ, xuống đất, xuống những tầng sâu vô hình thăm thẳm.

Trong tầng sâu ấy hình như đang lưu giữ những bóng hình thân thuộc dấu yêu của anh, từ thời ấu thơ, thời học trò, thời thanh xuân trước khi khoác ba lô vào mặt trận. Bà con xóm làng vội vàng chạy đến đỡ anh dậy nhưng Nguyễn Hoàng không thể ngồi lên được. Nỗi đau ngoài sức tưởng tượng đè nặng xuống người anh.

Anh nghẹn ngào, uất ức. Giọt nước mắt xót buốt của người lính sau chiến tranh như bị đông cứng lại, mắc cạn giữa cuộc đời”. Bố mẹ và các em của anh đã bị bom Mỹ giết hại trong chiến tranh khi Nguyễn Hoàng còn ở mặt trận. Tưởng sẽ bị gục ngã trước nỗi đau bất ngờ, may sao Nguyễn Hoàng đứng dậy được và trưởng thành để trở thành một cán bộ kiểm sát bản lĩnh, tinh thông và không kém phần tài hoa.

Nhà báo, nhà thơ, Đại tá Nguyễn Hữu Quý.

Không phải ngẫu nhiên mà tác giả đã cho nhân vật của mình biết làm thơ. Phải chăng thi ca là một biểu hiện cao đẹp, tinh tế của tâm hồn người, là văn hóa trong văn hóa của đời sống. Khi mang máng nhận ra những dấu hiệu không bình thường từ vụ án giết người, Nguyễn Hoàng quyết tâm “bám riết” nó để tìm ra sự thật. Sự thật này khi được xác quyết đã giải oan cho hai người vô tội là Lê Hoan và Hà Hùng. Kẻ sát thủ đã được tìm ra, không ai khác chính là Trần Mai, thuộc hạ của Hoàng Thụy.

Khi đọc bức thư của hai người được giải oan gửi đến, Nguyễn Hoàng đã khóc. Không thể không xúc động khi đọc những dòng này trong tiểu thuyết: “Nguyễn Hoàng áp bức thư lên ngực. Nhịp tim anh dường như đang đập nhanh hơn. Lê Hoàn. Hà Hùng, Phạm Thị Xuân. Trần Linh. Những dòng tên ấy luôn hiện lên trước mắt anh. Giờ đây càng đậm nét hơn, khắc khoải hơn. Họ đã chịu đựng bao nhiêu dập vùi, cay đắng trong 5 năm qua và cuộc sống trước mắt cùng như lâu dài có biết bao khốn khó. Vết thương tinh thần sâu hoắm ấy chẳng biết bao giờ mới khép miệng, liền sẹo hay mãi mãi tấy nhức trong lòng họ. Càng nghĩ, anh càng xót xa, thương cảm. Nước mắt Nguyễn Hoàng ứa ra, lăn xuống má, thấm vào môi mằn mặn. Nếu không kìm nén lại, chắc tiếng khóc sẽ bật ra ngay. Khó khăn gian khổ, anh không rơi nước mắt. Bị thiếu thốn, thiệt thòi, anh cũng chẳng bao giờ khóc. Anh chỉ rơi nước mắt khi đồng đội ra đi, khi chứng kiến nỗi khổ của nhân dân, khi gặp những cảnh ngộ bất hạnh...Bây giờ, anh ứa nước mắt khi có những dân oan được trả lại tự do. Tự do của người khác cũng quý giá, đáng trân trọng, đáng giữ gìn, đáng bảo vệ như tự do của mình”….

Tự do của người khác cũng quý giá, đáng trân trọng, đáng giữ gìn, đáng bảo vệ như tự do của mình.

Đấy là gì, nếu không phải là nhân văn. Nguyễn Hoàng đã sống và làm việc theo quan điểm đó. Những người tốt cũng sẽ nghĩ và hành động như anh, biết trân trọng, bảo vệ tự do cho người khác như tôn trọng, bảo vệ tự do của mình. Tôi nghĩ, ai đọc “Vết dao ngược đêm trăng” của Dương Thanh Biểu chắc sẽ nhớ lâu, nhớ kỹ thông điệp ấy của anh. Bằng vốn sống dồi dào, cách dựng truyện giản dị, lối kể mạch lạc và dồi dào xúc cảm, tiểu thuyết “Vết dao ngược đêm trăng” giúp bạn đọc hiểu thêm công việc của những người làm công tác bảo vệ pháp luật, những trắng đen, trong đục, phải trái trên mặt trận “sinh tử” này.

Cuộc chiến chống tiêu cực là cuộc chiến chống lại cái xấu, cái ác. Nó vô cùng cam go, phức tạp và hiểm nguy với những ranh giới cực kỳ mong manh, dễ vỡ. Một tác phẩm văn học, nhưng tôi nghĩ, tiểu thuyết “Vết dao ngược đêm trăng” sẽ có cơ hội trở thành sách “tham khảo” quý giá với những người làm công tác điều tra, kiểm sát, xử án…và cả những ai muốn tìm hiểu đúng về pháp luật.

Cảm nhận tác phẩm là phần của người đọc. May mắn là tôi được tác giả tin cậy cho đọc bản thảo trước khi nó được xuất bản. Đây chỉ là những cảm nhận ban đầu của tôi về tiểu thuyết “Vết dao ngược đêm trăng” của Dương Thanh Biểu. Vượt lên câu chuyện vụ án nó đang tỏa vào lòng tôi ánh sáng nhân văn. Và tôi nghĩ đó mới là cái đích hướng đến của văn học nghệ thuật.

Ngày 30 tháng 4 năm 2021

Nguyễn Hữu Quý

To Top