Thúc đẩy du lịch miền biên cương Cao Bằng

Miền biên cương Cao Bằng có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nhiều 'địa chỉ đỏ', cũng là vùng đất lưu giữ bản sắc văn hóa đa dạng của các dân tộc thiểu số. Đây là những tiềm năng, thế mạnh đang được tỉnh Cao Bằng nỗ lực khai thác trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, vào mùa Đông, tại đây lại rất thưa vắng khách du lịch, tốc độ phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có…

Thôn Nũng Niếc đìu hiu, vắng khách trong mùa Đông. Ảnh: Thanh Thuận

Miền biên cương giàu tiềm năng

Cao Bằng là vùng đất tươi đẹp nơi địa đầu Tổ quốc, được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều danh thắng đẹp như: Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, chùa Trúc Lâm (Trùng Khánh), hang Dơi (Hạ Lang), núi Mắt Thần, thác Nặm Trá, quần thể hồ - sông hang ngầm Thang Hen (Trà Lĩnh)... Trong đó, thác Bản Giốc được mệnh danh là thác nước lớn và đẹp thứ tư trên thế giới (trong số các thác nước nằm trên đường biên giới giữa hai quốc gia) và là trung tâm của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Bên cạnh đó, miền biên cương Cao Bằng cũng là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số cùng nền văn hóa đậm đà bản sắc các dân tộc. Cao Bằng nói chung, miền biên cương Cao Bằng nói riêng là vùng đất có khí hậu ôn hòa dễ chịu quanh năm, nơi đây ngày càng hấp dẫn du khách từ mọi miền Tổ quốc.

Khách du lịch tìm đến miền biên cương Cao Bằng rất đông vào mùa Hè và mùa Thu để “trốn” cái nắng nóng oi bức, ngột ngạt nơi thành thị, tận hưởng không khí thoáng đãng, dễ chịu bên dòng chảy mãnh liệt của thác Bản Giốc, đắm chìm vào khung cảnh lãng mạn, sơn thủy hữu tình của mảnh đất "địa linh nhân kiệt”; chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hồ Thang Hen xanh mát giữa tiết trời mùa Hạ; thăm những bản làng của đồng bào các dân tộc nép mình dưới chân núi...

Mùa Thu là thời điểm đẹp và quyến rũ nhất của non nước biên cương Cao Bằng. Đây là thời gian lý tưởng để khám phá thác Bản Giốc. Bởi thời điểm này, dòng chảy của thác rất mạnh, tung bọt trắng xóa, tạo nên khung cảnh vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng giữa đất trời biên cương. Đây cũng là thời điểm những ruộng lúa chín vàng ươm trên thung lũng Phong Nậm tạo nên bức tranh nổi bật sắc vàng bên thác Bản Giốc. Gần đó, dòng Quây Sơn nước trong xanh, uốn lượn với hai bên bờ là những rặng tre, ruộng lúa, xa xa, từng đàn ngựa, đàn trâu đang nhởn nhơ gặm cỏ trên cánh đồng rộng lớn dưới chân núi...

Khung cảnh thiên nhiên đẹp, yên bình đã mê hoặc người lữ khách đến với miền biên cương Cao Bằng khám phá danh thắng và trải nghiệm cuộc sống dân dã, khám phá văn hóa bản địa còn nhiều bí ẩn với số đông du khách.

Thiếu sản phẩm du lịch cho mùa Đông

Chúng tôi có mặt tại thôn Nũng Niếc, cách thác Bản Giốc hơn 1km (nay đã sáp nhập thành thôn Bản Giốc thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng) vào một ngày mùa Đông năm 2020, ai nấy đều nhận thấy sự vắng vẻ, quạnh hiu nơi đây. Ghé thăm vài cơ sở du lịch cộng đồng (homestay) từng nhộn nhịp du khách lưu trú, nghỉ ngơi vào mùa Hè và mùa Thu, thì nay tịnh không một bóng người. Những ngôi nhà sàn đá tại làng bản của đồng bào vốn là điểm homestay yêu thích của du khách, nhất là du khách nước ngoài dường như im lìm hơn trong ngày mùa Đông lạnh lẽo. Lúc này, những cánh rừng xanh mát, suối, thác, sông hồ và núi đá không còn hấp lực lớn với khách du lịch.

Anh Điệp, chủ Mr Điệp Homestay cho biết: “Homestay nhà tôi vào mùa Hè và mùa Thu rất đông khách, nhưng mùa Đông lại không có khách lưu trú. Bởi vào mùa này với thời tiết giá lạnh, nơi đây không có sản phẩm du lịch đặc trưng nên khó thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, lưu trú”.

Anh Trần Văn Hưng, Công ty du lịch Viettravel chuyên khai thác các tour du lịch tại Cao Bằng nhận định: “Mùa Đông rất ít khách du lịch đến với non nước biên cương Cao Bằng. Để phát triển du lịch vào mùa này, các huyện vùng biên giới cần nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có, xây dựng thêm một số sản phẩm du lịch mới dựa trên đặc trưng của thác Bản Giốc và vùng Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng.

Bên cạnh đó, cần liên kết các cụm du lịch Hà Giang - Cao Bằng - Bắc Kạn hoặc Hà Giang - Cao Bằng - Lạng Sơn để tạo sức hút đối với khách du lịch; bổ sung các sản phẩm, chương trình du lịch mùa Đông, cơ sở lưu trú cao cấp; tổ chức các quầy bán sản phẩm đặc trưng của địa phương tại các khu du lịch; xây dựng thêm tuyến xe điện cho khách Việt Nam và Trung Quốc đi tham quan trong ngày”.

Thực tế này đặt ra những vấn đề đáng bàn, nếu như thắng cảnh, văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số là giá trị cốt lõi tạo sức hấp dẫn đối với du khách thì các chương trình du lịch chiến lược cho mùa Đông sẽ là giá trị tăng thêm. Tỉnh Quảng Ninh là một ví dụ điển hình. Bên cạnh các danh thắng nổi tiếng, địa phương này đã tạo ra những chương trình du lịch mới phù hợp, đáp ứng nhu cầu của du khách trong mùa Đông.

Ngành du lịch Cao Bằng, đặc biệt là một số huyện biên giới có danh lam thắng cảnh đẹp cũng nên coi đó là giải pháp để tăng lượng khách du lịch vào mùa Đông. Cùng với đó, khai thác có hiệu quả các di sản văn hóa, thiết kế các tour du lịch lễ hội, du lịch cộng đồng, du lịch về nguồn... nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch phong phú để thu hút du khách, góp phần đưa du lịch Cao Bằng phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Thanh Thuận

To Top