Tiếp cận truyện Kiều bằng âm nhạc

Dự án 'Ngâm Kiều toàn truyện' do nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cùng một số nghệ sĩ thực hiện đã chính thức ra mắt. Toàn bộ 3.254 câu thơ trong 'Truyện Kiều' của đại thi hào Nguyễn Du được ngâm trong 10 tiếng đồng hồ là công trình độc đáo tôn vinh tác phẩm được đánh giá là hồn cốt của dân tộc này.

Ngâm “Kiều thăm mộ Đạm Tiên” nằm trong chương 1 của dự án “Ngâm Kiều toàn truyện”.

Xưa kia, ngâm Kiều xuất hiện thường xuyên trong hoạt động sinh hoạt của người dân. Ngày nay, ngâm Kiều vẫn còn tồn tại ở trong các thể loại kịch hát truyền thống và ca hát dân gian như Chèo, Xẩm, Ca trù… tuy nhiên nó chỉ tồn tại với tư cách một phần nhỏ nằm trong một tác phẩm.

“Ngâm Kiều toàn truyện” là dự án được nhiều nghệ sĩ ủng hộ và tham gia. Trong đó phải kể đến NSND Thanh Hoài, NSND Thúy Ngần… Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ - nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long về dự án.

PV: Thưa nhạc sĩ, anh có thể cho biết lý do để anh và đồng nghiệp thực hiện dự án “Ngâm Kiều toàn truyện”?

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long: Dự án là ước mơ mà tôi đã ấp ủ từ khi còn bé. Đặc biệt là khi học nghiên cứu lý luận âm nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Tôi luôn suy nghĩ và mong rằng ngày nào đó mình có đủ khả năng để thực hiện. Chúng ta thấy rằng Truyện Kiều là một di sản, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam chúng ta.

Và có một điều đặc biệt nữa mà những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc sẽ nhìn thấy, đó là từ trong kiệt tác lại phát sinh ra một thể hát, một lối hát riêng mà chúng ta gọi đó là lối hát ngâm Kiều. Hay các nghệ sĩ âm nhạc dân gian của nghệ thuật truyền thống còn gọi là lối hát lảy Kiều. Có lẽ rằng chỉ có Truyện Kiều - tác phẩm văn học có thể khởi nguồn để sinh ra một lối hát, đó là một điều rất thú vị.

Tôi mong rằng điều đó được nhiều người biết đến để góp phần nhỏ bé để vinh danh, tôn vinh sự độc đáo của tác phẩm này. Và cũng là để cho mọi người biết rằng sự độc đáo trong thưởng thức những giá trị của dân tộc Việt Nam chúng ta mà cha ông chúng ta đã từng làm.

Tuy nhiên đây là một dự án rất là lớn, chỉ tính riêng các câu thơ lục bát cũng đã có đến 3.254 câu. Để thực hiện hết cả Truyện Kiều, tôi nghĩ sức của một người không làm nổi. Và rất là may là trong quá trình hoạt động âm nhạc truyền thống, tôi cũng đã được sự đồng hành của rất nhiều nghệ sĩ tài năng, và cụ thể như trong dự án này đó là NSND Thúy Ngần, NSND Thanh Hoài, NSƯT Quốc Khanh, NS Thúy Nga, NS Văn Phương, NS Phan Đình Dũng và rất nhiều nghệ sĩ khác nữa.

Các nghệ sĩ đều đến từ các đoàn nghệ thuật lớn, uy tín, chuyên nghiệp. Bên cạnh đó tôi còn được sự ủng hộ một phần nhỏ kinh phí của quỹ Thiện Tâm, và tất cả những điều đó đều là động lực cho tôi quyết tâm thực hiện xong đầy đủ toàn bộ phần ngâm Kiều theo lối “Lảy kiều”, toàn bộ kiệt tác này.

Từ dự định đến ra mắt mất bao lâu thời gian, thưa nhạc sĩ?

Khi trực tiếp triển khai dự án cho tới thời điểm này là mất tròn một năm, tức là từ tháng 3/2020 cho đến đầu tháng 4/2021 thì dự án đã hoàn thiện và giới thiệu với những người yêu văn học nghệ thuật, yêu âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Khi thực hiện anh đã gặp những khó khăn và thuận lợi gì vì Truyện Kiều là một di sản vĩ đại, là kiệt tác của nền văn học dân tộc?

Trong quá trình thực hiện thì gặp vô vàn những khó khăn. Thứ nhất là khó khăn về kinh phí. Thứ hai là khó khăn về việc đây là một tác phẩm văn học vô cùng lớn và nó còn mang tính kinh điển nữa. Thế nên mình phải làm để cho theo đúng khuôn khổ, đúng theo lối truyền thống và nó vẫn có cái giá trị hấp dẫn đối với người nghe khi mà tiếp cận tác phẩm này.

Cùng với đó là các nghệ sĩ cũng không quen ngâm quá dài một tác phẩm. Chính vì vậy khi mà tôi đưa ra thì ai cũng bất ngờ. Tuy nhiên trong quá trình luyện tập và thu âm, sau khi mọi người thấy được sự hiệu quả của việc ngâm kéo dài một mạch truyện, một phần nội dung cụ thể thì chính cái sự hấp dẫn đã tạo được sự quan tâm và yêu mến của các nghệ sĩ tham gia dự án này.

Sau dự án này thì anh còn những ý tưởng gì để thực hiện những cái dự án sắp tới?

Sau dự án này thì khoảng nửa tháng, tôi sẽ giới thiệu một tác phẩm sẩm “Thập ân phụ mẫu” do NSND Thu Hoài thể hiện. Đây là một tác phẩm đã thất truyền, người hát cuối cùng là cụ Trùm Nguyên. Đây là nỗ lực của NSND Thu Hoài với sự hỗ trợ cùng tham gia của tôi ở trong dự án này. Bên cạnh đó thì tôi cũng muốn trong tương lai gần sẽ tiếp tục hỗ trợ phường Xoan ở Phú Thọ cổ để thực hiện toàn bộ các bài Xoan cổ ở theo nguyện vọng của các nghệ nhân.

Trân trọng cảm ơn anh!

Phạm Sỹ (thực hiện)

To Top