Tin thế giới 27/5: EU tính 'kế' trừng phạt Belarus; Nguy cơ Azerbaijan-Armenia kích ngòi nổ; Trung Quốc nổi giận vì mệnh lệnh của ông Biden

Căng thẳng EU-Belarus quanh vụ máy bay của Ryanair, căng thẳng Armenia-Azerbaijan, Mỹ-Trung, Australia-Trung Quốc, vấn đề Hong Kong, xung đột Israel-Palestine... là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

EU-Belarus

Eu tính "kế" khiến Belarus trả giá

Ngày 27/5, Lithuania đã kiến nghị Liên minh châu Âu (EU) nên tập trung các biện pháp trừng phạt đối với Belarus nhằm vào những lĩnh vực mang lại lợi ích cho giới lãnh đạo nước này, nêu ví dụ về lĩnh vực sản xuất dầu.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn cho biết, Belarus là một trong những nhà xuất khẩu kali lớn nhất thế giới và bất kỳ biện pháp trừng phạt nào của EU liên quan đến Kali cũng có thể tác động đến đất nước của Tổng thống Alexander Lukashenko.

Trước đó, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết, khối này có ý định khiến Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko phải trả giá đắt vì vụ máy bay của Ryanair, cũng đề cập vấn đề Kali.

Theo ông Borrell: "Belarus là một nhà xuất khẩu kali lớn, trị giá 2,5 tỷ USD. Tất cả đều đi qua các nước Baltic. Dễ dàng để kiểm soát nước này nếu các bạn thực sự muốn".

Ông Borrell nói thêm: "Thời điểm này, chúng tôi thực sự phải đưa ra các biện pháp mà ông Lukashenko cảm nhận được". (Reuters, AFP)

Armenia-Azerbaijan

Azerbaijan bắt giữ 6 binh sĩ Armenia, nguy cơ "kích ngòi nổ" xung đột

Ngày 27/5, Bộ Quốc phòng Armenia cho biết, sáu binh sĩ nước này đã bị Azerbaijan bắt giữ, đánh dấu vụ việc mới nhất trong một loạt các sự cố leo thang ở biên giới sau cuộc chiến năm ngoái ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.

Trong một tuyên bố chính thức, Bộ Quốc phòng Armenia cho hay những binh sĩ nói trên bị “bao vây và bắt giữ” khi đang tiến hành công việc kỹ thuật tại một khu vực biên giới.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho hay, 6 binh sĩ Armenia bị bắt giữ trong khi cố gắng vượt biên để "do thám và phá hoại".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Azerbaijan Leyla Abdullayeva viết trên Twitter: "Một nhóm phá hoại Armenia đã mưu toan xâm nhập lãnh thổ của Azerbaijan. Đây là một hành động khiêu khích tiếp theo và là sự vi phạm tuyên bố ba bên của Armenia".

Việc bắt giữ binh lính Armenia diễn ra vào thời điểm tế nhị đối với Thủ tướng Nikol Pashinyan trước cuộc bầu cử được lên kế hoạch tháng tới. (Reuters, Sputnik)

Australia-Trung Quốc:

Trung Quốc "thanh minh" việc xét xử kín công dân Australia sau khi bị Canberra"tố"

Ngày 27/5, Trung Quốc đã bảo vệ việc xét xử kín một nhà văn kiêm học giả người Australia về tội gián điệp, nói rằng vụ việc này liên quan tới "những bí mật quốc gia".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nêu rõ: "Vụ việc công dân Australia Dương Hằng Quân liên quan tới những bí mật quốc gia nên không được xét xử công khai theo luật và không có những thỏa thuận cho các quan sát viên ngồi tại đó chứng kiến. Điều này hoàn toàn hợp pháp và hợp lý".

Ngoài ra, quan chức này còn nhấn mạnh, Bắc Kinh bác bỏ những nỗ lực của Canberra can thiệp vào vụ việc bắt giữ nhà văn Dương Hằng Quân.

Trước đó, Đại sứ Australia tại Trung Quốc cho hay, ông đã bị từ chối tham dự phiên tòa xét xử vụ gián điệp nói trên trong bối cảnh quan hệ hai nước ngày càng đi xuống. (AFP, Reuters)

Mỹ-Trung Quốc:

Trung Quốc nổi giận sau khi ông Biden ra lệnh điều tra thêm về nguồn gốc Covid-19

Ngày 27/5, trong một phát biểu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã bác bỏ sự cần thiết của việc tiến hành một cuộc điều tra mới về nguồn gốc đại dịch.

Trước đó, Tổng thống Biden đã đề nghị cộng đồng tình báo mở thêm cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch Covid-19 và gửi báo cáo cho ông trong 90 ngày nữa

Ông Triệu cho rằng, “động cơ và mục đích” của chính quyền ông Biden là rất rõ ràng, trong khi “cả thế giới từ lâu đã biết đến lịch sử đen tối của cộng đồng tình báo Mỹ”. (AFP, Reuters)

Mỹ-Trung chấm dứt gắn kết?

Ngày 26/5, Điều phối viên về các vấn đề Ấn Độ-Thái Bình Dương thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Kurt Campbell khẳng định, Mỹ đang tiến vào thời kỳ cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc.

Ông Campell nói rõ: "Thời kỳ được mô tả là gắn kết đã chấm dứt. Chính sách của Mỹ với Trung Quốc giờ đây sẽ vận hành với các mô hình chiến lược mới. Mô hình chiếm thế chủ đạo chính là cạnh tranh".

Quan chức được xem là "kiến trúc sư" về chính sách châu Á của chính quyền ông Biden lý giải rằng, chính sách của Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn tới sự thay đổi của Washington, viện dẫn một số ví dụ như cuộc xung đột quân sự Trung-Ấn, chiến dịch kinh tế của Trung Quốc nhằm trả đũa Australia...

Ông Campbell cho rằng, các động thái của Trung Quốc có xu hướng chuyển sang sử dụng "quyền lực cứng", báo hiệu rằng Bắc Kinh dự định có hành động quyết liệt hơn trong tương lai, đồng thời nhấn mạnh: "Cách tốt nhất để đối phó với một Trung Quốc ngày càng quyết liệt hơn là hợp tác với các đồng minh, đối tác và bạn bè". (Bloomberg)

Vấn đề Hong Kong: Chuẩn bị xem xét lại toàn bộ hệ thống bầu cử

Ngày 27/5, Hội đồng Lập pháp Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong đã thông qua một kế hoạch xem xét lại toàn bộ hệ thống bầu cử có ảnh hưởng sâu rộng theo chỉ đạo của chính quyền trung ương Trung Quốc để đảm bảo rằng, chỉ có những nhân vật trung thành với Bắc Kinh lãnh đạo thành phố này.

Dự luật sửa đổi được Hội đồng Lập pháp thông qua này sẽ thay đổi những phương pháp lựa chọn người lãnh đạo và các nhà lập pháp của đặc khu.

Những sửa đổi sẽ giảm số ghế được bầu trực tiếp trong Hội đồng Lập pháp từ 35 xuống 20 ghế hiện tại trong khi tăng tổng số thành viên trong cơ quan lập pháp từ 70 lên 90.

Trong khi đó, Ủy ban Bầu cử gồm 1.200 thành viên, có nhiệm vụ chọn trưởng đặc khu, sẽ được tăng lên 1.500 thành viên và cũng chịu trách nhiệm đề cử các ứng viên cho cuộc bầu cử lập pháp và bầu 40 thành viên của cơ quan lập pháp.

Việc bầu thành viên Ủy ban Bầu cử được ấn định vào ngày 19/9. Cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp tiếp theo, vốn bị hoãn lại một năm từ tháng 9 năm ngoái vì lo ngại đại dịch, được ấn định diễn ra vào ngày 19/12, trong khi cuộc bầu cử trưởng đặc khu sẽ được tổ chức vào ngày 27/3/2022. (Kyodo)

Pháp nhận trách nhiệm về nạn diệt chủng ở Rwanda

Ngày 27/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thừa nhận vai trò của nước này trong nạn diệt chủng ở Rwanda năm 1994.

Phát biểu khi tới thăm Đài tưởng niệm diệt chủng Kigali, Tổng thống Pháp nói: “Đứng đây ngày hôm nay, với sự khiêm tốn và lòng tôn trọng, tôi thừa nhận chúng tôi có trách nhiệm”, bao gồm việc ủng hộ chế độ diệt chủng và phớt lờ những cảnh báo về nguy cơ gây ra các cuộc thảm sát.

Theo ông Macron, chỉ có người dân Rwanda mới có thể tha thứ cho Pháp vì vai trò của nước này trong nạn diệt chủng. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Pháp khẳng định, nước này “không phải tòng phạm” trong nạn diêt chủng tại Rwanda. (AFP, Reuters)

Đảo chính ở Mali: Tổng thống và Thủ tướng lâm thời được trả tự do

Ngày 27/5, một quan chức quân đội nói với AFP rằng Tổng thống lâm thời Bah Ndaw và Thủ tướng Moctar Ouane của Mali đã được trả tự do sau 3 ngày bị giam giữ và tước quyền.

Động thái diễn ra sau khi hai nhà lãnh đạo này tuyên bố từ chức.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ trích mạnh mẽ việc bắt giữ các nhà lãnh đạo dân sự của chính phủ chuyển tiếp ở Mali và tuyên bố sẽ đình chỉ hỗ trợ an ninh đối với các lực lượng quốc phòng và an ninh của quốc gia châu Phi này.

Israel-Palestine:

Tổng thống Palestine Abbas kêu gọi thiết lập lộ trình hòa bình do quốc tế bảo trợ

Theo hãng thông tấn chính thức Palestine WAFA, ngày 26/5, tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Anh Dominic Raab, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã kêu gọi thiết lập một lộ trình hòa bình được quốc tế bảo trợ ở Trung Đông nhằm chấm dứt sự chiếm đóng của Israel tại các vùng lãnh thổ Palestine.

Ông Abbas nhấn mạnh, người Palestine muốn thành lập một nhà nước độc lập với Đông Jerusalem là thủ đô, phù hợp với các nghị quyết quốc tế.

Tổng thống Palestine kêu gọi Anh giúp đỡ để chấm dứt các cuộc tấn công của Isarel nhằm vào người Palestine ở Bờ Tây và Đông Jerusalem, lưu ý cần phải thực hiện ngừng bắn không chỉ ở Dải Gaza mà ở tất cả các vùng lãnh thổ Palestine

Theo nhà lãnh đạo Palestine, cộng đồng quốc tế cần giúp người Palestine ở Gaza xây dựng lại những gì đã bị phá hủy trong cuộc xung đột.

Về phần mình, ông Raab nhắc lại lập trường của Anh ủng hộ giải pháp hai nhà nước và những nỗ lực nhằm đạt được hòa bình giữa Israel và Palestine.

Hàn Quốc-Nhật Bản:

Hàn Quốc phản đối Nhật Bản đưa quần đảo Dokdo/Takeshima vào bản đồ Tokyo Olympics

Ngày 27/5, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, việc Nhật Bản đưa quần đảo Dokdo ở cực Đông của Hàn Quốc, vốn cũng được Tokyo tuyên bố chủ quyền và gọi là Takeshima, vào bản đồ trên trang mạng “Tokyo Olympics” là điều “không thể chấp nhận”, đồng thời cảnh báo sẽ đưa ra phản hồi “tích cực và cần thiết”.

Trong cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Choi Young-sam cho biết, ông cũng cho biết sẽ tham vấn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban Thể thao và Olympic Hàn Quốc để đưa ra phản ứng. (Yonhap)

To Top