Tin thế giới 9/2: Mỹ gửi tín hiệu 'cứng rắn' với Nga; Pháp, Mỹ 'nối đuôi nhau' điều tàu tuần tra Biển Đông; Triều Tiên-Iran bắt tay chế tạo tên lửa?

Quan hệ Mỹ-Nga, Triều Tiên-Iran, Anh-EU, vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông, tình hình chính biến Myanmar là những sự kiện quốc tế nổi bật 24h qua.

Phiên tòa luận tội ông Trump chính thức diễn ra

Ngày 9/2, Thượng viện Mỹ bắt đầu quá trình xét xử cựu Tổng thống Donald Trump với cáo buộc liên quan đến vụ bạo loạn tại Điện Capitol ngày 6/1.

Theo kế hoạch, các thượng nghị sĩ sẽ được triệu tập khoảng giữa trưa ngày 9/2 (theo giờ Mỹ) để bắt đầu thủ tục tố tụng.

Nguồn thạo tin cho biết nội dung tranh luận đầu tiên có thể sẽ là việc liệu các thủ tục tố tụng có vi hiến hay không, vì ông Trump không còn là Tổng thống. Cuộc tranh luận này có khả năng sẽ kéo dài tới 32 giờ.

Hiện chưa rõ thời điểm Thượng viện kết thúc quá trình xét xử luận tội. Tuy nhiên, theo một quy tắc đã có từ 3 thập kỉ trước, các thủ tục tố tụng sẽ kéo dài ít nhất 6 ngày.

Thông thường, khi bắt đầu một phiên luận tội tại Thượng viện, nhóm Hạ nghị sĩ dẫn đầu vụ kiện sẽ trình bày cáo buộc của mình nhằm vào đối tượng bị xét xử, trong trường hợp này là cựu Tổng thống Donald Trump. Tiếp đó, luật sư của ông Trump sẽ trình bày các lập luận phản bác.

Sau khi cả hai bên đưa ra các lập luận của mình, sự chú ý sẽ đổ dồn vào các thượng nghị sĩ, những người đóng vai trò là bồi thẩm viên trong phiên tòa. Thượng viện, sau đó, sẽ quyết định xem có cần mời nhân chứng hoặc yêu cầu xuất trình bằng chứng hay không. (Reuters)

Mỹ đưa máy bay ném bom đến sát Nga

Không quân Mỹ sẽ triển khai các máy bay ném bom B-1 đến Na Uy lần đầu tiên, nhằm gửi tín hiệu đến Nga rằng quân đội Mỹ sẽ hiện diện ở vùng Bắc cực có tầm quan trọng chiến lược và sẽ bảo vệ các đồng minh của Washington trước Moscow.

Cụ thể, 4 máy bay ném bom B-1 và khoảng 200 phi công thuộc lực lượng không quân Dyess ở Texas sẽ được điều đến căn cứ không quân Orland ở Na Uy. Trong 3 tuần tới, lực lượng này sẽ thực hiện các hoạt động ở Bắc cực và không phận quốc tế ở phía Tây Bắc của Nga.

“Mức độ sẵn sàng hành động và khả năng hỗ trợ các đồng minh và đối tác của chúng tôi cũng như năng lực phản ứng nhanh sẽ là những yếu tố quan trọng tạo nên thành công chung”, Tướng Jeff Harrigian, Tư lệnh không quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi, khẳng định. (CNN)

Biển Đông: Pháp điều tàu ngầm hạt nhân, Mỹ điều 2 nhóm tàu sân bay vào tuần tra và tập trận

Ngày 9/2, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly tuyên bố, một tàu ngầm tấn công sử dụng năng lượng hạt nhân của Pháp nằm trong số hai tàu hải quân gần đây đã tiến hành tuần tra qua Biển Đông.

"Cuộc tuần tra bất thường này vừa hoàn thành một đoạn trên Biển Đông. Một bằng chứng nổi bật về năng lực triển khai tầm xa và lâu dài của Hải quân Pháp cùng với các đối tác chiến lược Australia, Mỹ và Nhật Bản của chúng tôi" – bà Florence Parly viết trên Twitter cùng với một bức ảnh hai chụp hai con tàu trên biển.

Về phần mình, Hải quân Mỹ thông báo, 2 nhóm chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz “đã tiến hành các cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng phối hợp giữa các khí tài, cùng năng lực chỉ huy và kiểm soát”. Đây là lần đầu tiên trong năm nay, Mỹ cùng lúc triển khai 2 nhóm tàu tác chiến tới Biển Đông.

Cuộc tập trận của 2 tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz được tiến hành sau khi Trung Quốc lên tiếng chỉ trích tàu khu trục USS John S. McCain của Mỹ triển khai sứ mệnh tuần tra đảm bảo tự do hàng hải gần khu vực quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trên Biển Đông. (Reuters/AFP)

Nhật không chấp nhận Luật Hải cảnh của Trung Quốc

Ngày 8/2, sau khi các tàu Hải cảnh của Trung Quốc đi vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố không thể chấp nhận việc Trung Quốc sử dụng Luật Hải cảnh khiến tình hình ở biển Hoa Đông và Biển Đông gia tăng căng thẳng; đồng thời nhấn mạnh Nhật Bản đã truyền đạt "những quan ngại mạnh mẽ" tới Trung Quốc.

Phát biểu của ông Suga được đưa ra tại cuộc họp của Ủy ban Ngân sách Hạ viện đã phê phán Luật Hải cảnh của Trung Quốc cho phép ngành liên quan sử dụng vũ lực đối với tàu nước ngoài.

Thủ tướng Yoshihide Suga tuyên bố Luật Hải cảnh Trung Quốc “không thể gây hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia có liên quan, trong đó có Nhật Bản”.

Về phần mình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 8/2 nhắc lại “đảo Điếu Ngư và các đảo liên kết của nó là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, và các hoạt động tuần tra và thực thi pháp luật của Hải cảnh Trung Quốc trong vùng biển của quần đảo Điếu Ngư là hành động chính đáng để Trung Quốc bảo vệ chủ quyền phù hợp với quy định của pháp luật”. (Kyodo)

Tình hình Myanmar: New Zealand ‘thẳng tay’ cắt đứt quan hệ, Quân đội Myanmar cam kết tổ chức bầu cử tự do

Theo Reuters, Thủ tướng New Zealand tuyên bố đình chỉ tất cả các liên hệ cấp cao với Myanmar và áp đặt lệnh cấm đi lại đối với các lãnh đạo quân sự của quốc gia Đông Nam Á sau cuộc chính biến vừa qua.

Bà Ardern cho biết, New Zealand cũng sẽ đảm bảo mọi chương trình viện trợ của mình không có các dự án mà chính quyền quân sự của Myanmar có thể hưởng lợi.

Trong một thông cáo riêng rẽ, Ngoại trưởng Nanaia Mahuta tuyên bố New Zealand không công nhận tính hợp pháp của chính phủ quân sự ở Myanmar. Bà kêu gọi các tướng lĩnh nước này trả tự do cho các lãnh đạo chính trị bị bắt giữ và phục hồi quyền lãnh đạo dân sự.

Tại Myanmar, Tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing đã tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử tự do và giao quyền lực cho đảng chiến thắng. Thời điểm cụ thể tổ chức cuộc bầu cử chưa được thông báo, nhưng Tướng Min Aung Hlaing nhấn mạnh, tình trạng khẩn cấp sẽ kéo dài một năm và cuộc bầu cử sẽ diễn ra sau đó.

Bên cạnh đó, ông Min Aung Hlaing cho biết chính quyền quân sự mới sẽ khác so với chính quyền quân sự trước đó. Các Bộ trưởng thích hợp sẽ được bổ nhiệm và chính sách ngoại giao vẫn không thay đổi và khuyến khích các nước đầu tư vào Myanmar.

Trong khi đó, AFP đưa tin, cảnh sát tại thủ đô Naypyidaw đã bắn đạn cao su vào người biểu tình phản đối cuộc chính biến. Ngày 9/2, người biểu tình đã xuống đường ngày thứ tư liên tiếp tại nhiều nơi ở Myanmar để phản đối cuộc binh biến, bất chấp lệnh cấm biểu tình của quân đội. Tại Mandalay, cảnh sát đã dùng hơi cay để giải tán người biểu tình. (Reuters/AFP)

Triều Tiên và Iran hợp tác phát triển tên lửa trong năm 2020

Theo một báo cáo của Liên hợp quốc, Triều Tiên và Iran trong năm 2020 đã nối lại việc hợp tác phát triển tên lửa tầm xa và vi phạm các nghị quyết hạt nhân.

Báo cáo thường niên của Ủy ban độc lập giám sát các lệnh trừng phạt của LHQ đã được đệ trình lên Hội đồng Bảo an LHQ vào ngày 8/2.

Theo báo cáo, Iran đã phủ nhận không có bất kỳ quan hệ hợp tác phát triển tên lửa nào với Triều Tiên. Tuy nhiên, báo cáo dẫn nguồn một quốc gia thành viên LHQ giấu tên cho biết Triều Tiên và Iran "đã nối lại việc hợp tác trong các dự án phát triển tên lửa tầm xa".

Trong phần đánh giá về Triều Tiên, các chuyên gia cho biết Bình Nhưỡng vẫn phát triển kho hạt nhân và tên lửa đạn đạo bất chấp các lệnh cấm vận quốc tế, đầu tư khoảng 300 triệu USD cho những dự án này trong năm 2020 nhờ hoạt động tấn công mạng toàn cầu. (AP)

Anh kêu gọi ‘cài đặt lại’ quan hệ với EU và cải tiến Brexit

Ngày 8/2, Vương quốc Anh kêu gọi thiết lập lại quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) và cải cách một số điều khoản của thỏa thuận Brexit, chỉ việc Anh rời EU, bao gồm các điều khoản liên quan tới hoạt động thương mại với Bắc Ireland.

Anh lưu ý rằng niềm tin của nước này đã giảm bớt khi EU cố gắng hạn chế nguồn cung cấp vaccine ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 cho nước này.

Mối quan hệ giữa EU và Anh vốn đã trở nên kém thuận lợi do các cuộc đàm phán Brexit kéo dài nhiều năm qua, lại càng trở nên căng thẳng hơn vào tháng trước, khi EU cảnh báo về khả năng sử dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn vaccine từ khối này vào Bắc Ireland.

Mặc dù EU nhanh chóng thay đổi thái độ của mình đối với việc cung cấp vaccine, Anh hy vọng sẽ tận dụng điều này để thực hiện những thay đổi đối với thỏa thuận Brexit vì các quy tắc mới đã gây ra sự gián đoạn trong thương mại của Anh với Bắc Ireland. (AP)

To Top