Tinh hoa nghề may áo dài truyền thống

Cả trăm năm qua, áo dài đã trở thành một biểu tượng, một phần tâm hồn người Việt trên chính quê hương hay ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Và công việc của những người thợ may áo dài vì thế cũng trở nên thiêng liêng, đặc biệt hơn khi họ không chỉ tạo ra những sản phẩm thời trang mà đó còn là một sản phẩm văn hóa chứa đựng bản sắc Việt.

Chị Lê Dơn đã gắn bó với nghề may áo dài 30 năm nay.

Cửa hàng may đo áo dài truyền thống của gia đình chị Lê Dơn tại TP Hạ Long những ngày giáp tết, luôn tấp nập khách ra, vào. Có người muốn đến tìm may chiếc áo dài cho sự kiện trọng đại sắp tới hoặc để chuẩn bị mặc trong dịp Tết, du xuân. Có người lại đến để ướm thử chiếc áo đã đặt may từ trước với sự mong chờ, háo hức. Áo dài vẫn là trang phục được các chị em ưa chuộng nhất bởi vẻ đẹp thanh cao, thướt tha, dịu dàng và mang tính biểu trưng của văn hóa Việt.

Cũng như biết bao người phụ nữ Việt dành tình yêu lớn cho chiếc áo dài, chị Lê Dơn là thế hệ kế cận thứ 3 trong một gia đình có truyền thống may áo dài từ thời thuộc Pháp. Bà nội của chị là một thợ may áo dài khi đó. Thừa hưởng truyền thống gia đình và sớm yêu thích vẻ đẹp của tà áo dài, chị Dơn quyết định khăn gói vào Sài Gòn học nghề may áo dài truyền thống từ những năm 90 của thế kỷ trước và gắn bó với nghề tới nay đã 30 năm.

Chị kể: “Gia đình mình sống ở khu vực dốc nhà thờ Hòn Gai, hàng tuần đều mặc áo dài để dâng hoa trong nhà thờ. Vì thế, từ khi còn học lớp 1, mình đã rất yêu áo dài. Lớn lên, mình quyết định học may áo dài, để vừa tiếp nối nghề của gia đình vừa thỏa đam mê của mình”.

Gia đình chị Dơn có truyền thống may áo dài từ thời Pháp thuộc. (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp)

May áo dài có những nét đặc thù riêng so với may những trang phục khác, bởi áo dài là một dòng thời trang vô cùng khó tính. Các công đoạn may áo dài phần lớn đều phải làm thủ công, kèm theo đó là phải luôn sáng tạo để phù hợp với xu thế thời đại. Sự cẩn trọng, tỉ mỉ để có một tà áo dài phù hợp với khách hàng là điều hết sức cần thiết, từ khâu lựa chọn vải, thiết kế, chọn kiểu cắt may với từng khách hàng.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại vải may áo dài, từ voan, lụa, gấm, nhung... Mỗi loại vải lại phù hợp với từng hoàn cảnh và mục đích sử dụng khác nhau. Mặt khác, người thợ may áo dài phải có khả năng nắm bắt vóc dáng của người mặc để tư vấn những mẫu vải cũng như kiểu may cho phù hợp. Đặc biệt phải may thế nào để che đi những khiếm khuyết của cơ thể người mặc.

Tư vấn chọn vải phù hợp với vóc dáng của khách hàng.

Sau khi đã chọn được vải và kiểu may phù hợp, công đoạn tiếp theo và cũng là công đoạn quan trọng nhất là cắt may. Phải đo ni thật kỹ, xếp vải thật khéo, canh vải để họa tiết ăn khớp và cần những lưu ý khác nhau khi cắt may đối với từng loại vải. Theo chị Dơn chia sẻ, với vải lụa thì phải chú ý là ủi thật kỹ trước khi cắt may để tránh co rút dẫn đến độ chính xác không cao. Với vải co giãn nhiều thì khi cắt cũng phải trừ độ co giãn. Còn với những loại vải mà mặt vải thưa thì phải dùng chỉ nhỏ và may với dung sai lớn một chút để khi mặc không bị lộ đường chỉ...

Cũng dựa trên những kỹ thuật cắt may cơ bản nhưng để tạo nên chiếc áo dài thì người thợ phải công phu hơn nhiều so với may những trang phục khác. Ngoài các công đoạn chọn vải, cắt, ráp, may máy lại thì phần cuốn bìa áo phải khâu tay và người làm phải thành thạo mới có thể may theo đúng yêu cầu để tránh bị lệch hoặc cứng tà áo.

Công phu, tỉ mỉ, khéo léo là vậy nên đòi hỏi người thợ may áo dài phải có niềm đam mê, sự tinh tế, sáng tạo trong từng công đoạn và chỉ có những người thợ thật sự yêu nghề mới tạo được phong cách riêng trên những tà áo dài.

Bên cạnh đó, để tạo điểm nhấn cho chiếc áo cũng như trang trí cho áo dài trở nên đẹp hơn, sinh động hơn, các thợ may áo dài còn gắn thêm hoa văn, phụ kiện như: kết, thêu hoa, xỏ chuỗi, đính hạt ngọc trai, pha lê… trên thân, cổ, tay và tà áo. Đây cũng là một công đoạn tốn nhiều thời gian và rất cần sự cẩn thận, khéo léo, có khi phải mất vài ngày mới xong công đoạn đính hạt.

Chiếc áo dài may khéo là khi người mặc vừa vặn, không chùn, nhăn, lộ đường chỉ. Tà áo phải kín đáo, thanh lịch, nhưng vẫn tôn lên những đường cong của phụ nữ. Đặc biệt, dù người mặc có vóc dáng không chuẩn thì khi mặc áo dài vẫn phải khép tà vào nhau, đó là tiêu chí quan trọng nhất. Với những khách hàng có cơ thể không hoàn hảo, đây sẽ là một thách thức với người thợ.

Mỗi giai đoạn thời trang, chiếc áo dài lại có những thay đổi, cách tân nhưng về cơ bản vẫn giữ được những nét truyền thống vốn có, tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt. Nếu trước đây, chiếc áo dài chỉ được may đơn giản và có chiều dài vừa tới đầu gối là được, thì hiện nay áo dài phải có chiều dài tới mũi chân và tà áo rộng.

Áo dài hiện nay rất đa dạng về mẫu mã, chủng loại, màu sắc, hoa văn, kiểu cách từ truyền thống đến tân thời. Người thợ phải luôn cập nhật nhanh các kiểu dáng, họa tiết áo dài đang thịnh hành. Để thấy rằng, người may áo dài không ngừng đổi mới, sáng tạo, tỉ mỉ hơn để đưa chiếc áo dài ngày càng thời thượng, phù hợp với từng lứa tuổi, ngành nghề...

So với các loại trang phục khác, áo dài luôn là bộ trang phục đặc biệt, được ưu tiên mặc trong các sự kiện trọng đại. Cũng vì vậy mà nghề may áo dài có một vị trí quan trọng. Không riêng gì khách trong nước, chị Dơn còn có cả khách nước ngoài đến đặt may. Họ rất yêu thích chiếc áo dài được coi là quốc phục của người Việt Nam.

Áo dài hiện nay rất đa dạng về mẫu mã, chủng loại, màu sắc, hoa văn

Theo cách đó, những người thợ may áo dài đang góp phần gìn giữ và quảng bá hình ảnh tà áo dài của dân tộc qua nghề nghiệp của mình. Họ mong muốn sẽ tạo ra được những sản phẩm áo dài thể hiện sự quý phái, đỉnh cao của thời trang và tiếp tục giữ lửa nghề để quảng bá hình ảnh tà áo dài đến gần hơn với thế giới.

Xuân Hòa

To Top