Tố Hữu - Tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng

Tố Hữu là một nhà thơ lớn của dân tộc, nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ cách mạng Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp thi ca của ông hòa quyện vào nhau trong từng bước đi của lịch sử và thời đại. Trải qua nhiều lĩnh vực công tác, đặc biệt trên lĩnh vực công tác tư tưởng - văn hóa, Tố Hữu luôn thể hiện là một nhà hoạt động chính trị năng nổ, người lãnh đạo ưu tú trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng.

Nhà thơ Tố Hữu.

Người cộng sản kiên trung

Tố Hữu sinh năm 1920, quê ở làng Phù Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tố Hữu đã hoạt động trong phong trào của Đoàn Thanh niên dân chủ ở Huế rồi nhanh chóng trở thành một người lãnh đạo của tổ chức này lúc mới 16 tuổi (1936) và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 17 tuổi (tháng 4/1937).

Năm 1939, mặc dù bị địch bắt và lưu đầy từ nhà tù này qua nhà tù khác1, Tố Hữu đã kiên cường vượt qua sự đàn áp và những mưu toan thâm độc của chế độ thực dân, phong kiến trong lao tù để đấu tranh, cùng các đồng chí biến nhà tù thành trường học cộng sản và tìm cách vượt ngục trở về tiếp tục hoạt động cách mạng. 25 tuổi, đồng chí trở thành một trong những nhà lãnh đạo tổ chức, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đẩy mạnh phong trào cách mạng ở Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, góp phần cùng nhân dân cả nước tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và xây dựng tỉnh Thanh Hóa thành một hậu phương vững chắc cho cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Thực hiện chiến lược kháng chiến toàn dân, toàn diện của Đảng, được Đảng phân công, Tố Hữu đã góp phần quan trọng trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa thực hiện chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy văn hóa “để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến của toàn dân” và triển khai trên thực tiễn quan điểm của Đảng về xây dựng nền văn hóa dân tộc - khoa học - đại chúng, đoàn kết các lực lượng hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, làm cho mỗi người hoạt động trên lĩnh vực này trở thành những chiến sĩ phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của nhân dân ta.

Sau cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta chống thực dân Pháp giành được thắng lợi, Tố Hữu lại hăng hái trong lãnh đạo, tổ chức công cuộc cải tạo và xây dựng miền Bắc và hòa bình đấu tranh thống nhất nước nhà. Trong muôn vàn gian khó của đất nước sau chiến tranh, ông đã góp phần quan trọng vào việc ổn định tư tưởng, đoàn kết toàn dân tiến hành công cuộc cải tạo và xây dựng miền Bắc, đặc biệt là sau những hạn chế của cuộc cải cách ruộng đất, làm thất bại những mưu toan làm mất ổn định trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, văn nghệ của kẻ thù trong và ngoài nước. Những hoạt động tích cực và có hiệu quả của ông đã giúp cho Đảng ta rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá trong lãnh đạo trên mặt trận văn hóa, tư tưởng đầy khó khăn và phức tạp.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Tố Hữu góp phần quan trọng và rất thành công trong việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đào tạo cán bộ phục vụ cho việc triển khai chiến lược của Đảng, vừa xây dựng miền Bắc thành hậu phương vững chắc và vừa tiến hành đấu tranh giải phóng miền Nam. Ông không chỉ đóng góp trong việc cổ động, khuyến khích toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thi đua thực hiện thắng lợi mục tiêu hoàn thành công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, mà còn góp phần to lớn trong việc xây dựng niềm tin yêu của toàn dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đất nước thống nhất, Tố Hữu lãnh đạo công tác ổn định tư tưởng, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ những tàn tích phong kiến và của chế độ thực dân mới trên các lĩnh vực, đoàn kết toàn dân xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Đặc biệt, ông đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng con người mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Những cống hiến của ông trên lĩnh vực giáo dục lý luận chính trị, đào tạo cán bộ của Đảng, đào tạo thế hệ trẻ trong điều kiện lịch sử mới đã để lại những bài học kinh nghiệm quý giá cho Đảng và Nhà nước ta.

Nhà lãnh đạo tài năng của Đảng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa

Tố Hữu bắt đầu cống hiến cho Đảng bắt đầu từ lĩnh vực văn hóa, tư tưởng. Khi trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo địa phương tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám, ông đã dành nhiều sự quan tâm đến công tác đặc biệt quan trọng này. Từ báo Đuổi giặc nước, tới sự ra đời của báo Khởi nghĩa (Thanh Hóa) và báo Kháng địch (Vinh) in đậm dấu ấn chỉ đạo của ông và sự xuất hiện của những tờ báo này ở thời kỳ tiền khởi nghĩa đã có tác động to lớn trong việc tập hợp, tổ chức lực lượng cách mạng ở Thanh Hóa, Nghệ An, cùng cả nước đứng lên làm nên thành công của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại.

Để phục vụ cho kháng chiến trên mặt trận văn hóa, Tố Hữu được điều động lên Việt Bắc và đã góp phần tổ chức thành công Hội nghị văn hóa toàn quốc (năm 1948) với sự ra đời của Hội Văn hóa Việt Nam. Hội có ý nghĩa to lớn trong việc tập hợp, đoàn kết các nhà hoạt động văn học nghệ thuật, khoa học, giáo dục thành một mặt trận văn hóa kháng chiến thống nhất, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.

Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra đường lối xây dựng văn hóa, văn nghệ Việt Nam. Tố Hữu là một trong những người thiết kế và thực thi đường lối ấy, ông thực sự là một kiến trúc sư của nền văn hóa, văn nghệ mới của nước nhà.

Với Tố Hữu, văn nghệ phải trở thành một phong trào, một sự nghiệp của quần chúng, một phong trào do quảng đại nhân dân tham gia xây dựng; văn nghệ phải chịu và cần chịu sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, của Đảng Cộng sản để có thể tiến lên đúng hướng; văn nghệ phải vì dân, do dân và theo đường lối của Đảng Cộng sản; văn nghệ phải sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị góp phần giáo dục sâu sắc chủ nghĩa yêu nước, lý tưởng xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa anh hùng cách mạng... cho con người Việt Nam. Trong vai trò của người lãnh đạo, ở mỗi giai đoạn cách mạng, Tố Hữu luôn chú trọng công tác tổng kết, rút kinh nghiệm và trước tình hình nhiệm vụ mới, ông luôn có sự định hướng với những quan điểm đúng đắn đối với văn hóa, văn nghệ. Cho đến nay, những quan điểm đó của ông vẫn còn nguyên giá trị và có tính thời sự sâu sắc3.

Không chỉ là người lãnh đạo truyền đạt đường lối văn hóa, văn nghệ đúng đắn của Đảng đến đội ngũ những người làm văn hóa, văn nghệ, Tố Hữu còn là một tấm gương mẫu mực, một người lính xung kích thực hiện xuất sắc trên thực tiễn quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Ông không chỉ là người chăm lo xây dựng đoàn kết đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ, mà còn là chỗ dựa tin cậy của nhiều lớp văn nghệ sĩ ở buổi đầu dấn thân vào con đường cách mạng với sự kính trọng và tin yêu thực sự. Chính vì vậy, Tố Hữu đã cùng với đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước với tinh thần quốc tế trong sáng trong mỗi sáng tạo nghệ thuật hướng về Đảng và nhân dân để phục vụ cách mạng.

Tài năng lãnh đạo của Tố Hữu trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng càng được khẳng định khi Đảng ta liên tục giao cho ông đảm nhiệm trọng trách đứng đầu cơ quan tham mưu của Đảng (Trưởng ban Tuyên huấn và các tên gọi khác) về công tác về các mặt tuyên truyền, huấn học, khoa học giáo dục, văn hóa văn nghệ của Đảng (1956 - 1980). Khi không còn trực tiếp giữ trọng trách lãnh đạo, ông vẫn được Bộ Chính trị phân công phụ trách công tác tư tưởng và văn hóa của Đảng (1986 -1991). Từ năm 1991, ông tiếp tục được mời tham gia tổng kết, nghiên cứu một số vấn đề về tư tưởng, văn hóa, khoa học, giáo dục phục vụ cho sự nghiệp đổi mới ở nước ta.

Là người lãnh đạo công tác tư tưởng, Tố Hữu có tầm nhìn xa mang tính chiến lược thể hiện rõ trong việc tổ chức bộ máy, cán bộ và nội dung công việc khi Trung ương Đảng phân công ông, đồng thời ông kiêm nhiệm Giám đốc Trường Đảng cao cấp mang tên Nguyễn Ái Quốc (1969-1979). Nhìn thấy trước nhu cầu lớn về cán bộ để phục vụ cho cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam và các nhiệm vụ sau chiến thắng, thống nhất Tổ quốc, Tố Hữu đã đề nghị Ban Bí thư cho mở rộng quy mô đào tạo cán bộ lãnh đạo và cán bộ lý luận, mở thêm Trường Đảng Trung ương tại chức, Trường Nguyễn Ái Quốc ở vùng giải phóng miền Nam, đây là hệ đặc biệt các lớp ngắn ngày cho các cán bộ chuẩn bị làm nhiệm vụ tiếp quản các thành phố miền Nam. Sau giải phóng miền Nam, Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc gấp rút mở thêm cơ sở 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu về bồi dưỡng lý luận trung cao cấp cho hàng ngàn cán bộ các vùng mới được giải phóng, đồng thời tiến hành củng cố về tổ chức, nội dung, chương trình đào tạo các trường Đảng ở các tỉnh, thành phố.

Tài năng của Tố Hữu còn đáng trân trọng hơn bởi sự lan tỏa nhiệt huyết cách mạng của người chiến sĩ say sưa với lý tưởng của Đảng và đấu tranh không khoan nhượng với những tư tưởng sai trái, thù địch. Sức lan tỏa đó của ông đã khích lệ những cán bộ tuyên huấn, văn hóa, văn nghệ bám sát thực tiễn sản xuất và chiến đấu để tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, phản ảnh và biểu dương những người tốt, việc tốt, các tấm gương tiêu biểu một cách có hiệu quả, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng...

Nhà thơ cách mạng

Thơ của Tố Hữu gắn với từng chặng đường phát triển của cách mạng Việt Nam, gắn với Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và với đồng bào. Hơn nửa thế kỷ sáng tác, Tố Hữu đã cho ra đời 7 tập thơ nổi tiếng thể hiện sự gắn bó đó: Từ ấy (1936-1946), Việt Bắc (1947-1954), Gió lộng (1955-1961), Ra trận (1962-1971), Máu và hoa (1972-1977), Một tiếng đờn (1979-1992) và Ta với ta (1992-2002)...

Sự gắn bó với cách mạng nước nhà đã chắp cánh cho hồn thơ của Tố Hữu vì đường lối của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh và cuộc đấu tranh của nhân dân là phụng sự cho mục tiêu Độc lập cho dân tộc, Tự do và Hạnh phúc cho tất cả mọi người Việt Nam. Chính điều đó đã làm nên một nhà thơ cách mạng Tố Hữu và làm cho thơ của ông nhất quán một phương châm: “Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong” và luôn thực hiện tinh thần “Lấy cán bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”. Tố Hữu luôn coi lấy thực tiễn phục vụ dân tộc, phục vụ Đảng làm tiêu chuẩn: “Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ/ Hơn nghìn trang giấy luận văn chương”.

Nhận mình là “con của vạn nhà/ Là em của vạn kiếp phôi pha? Là anh của vạn đầu em nhỏ” và đồng hành, chia sẻ mọi nỗi vui, buồn, đau thương với nhân dân lao động, nâng niu từng số phận con người, nên nhân dân gọi Tố Hữu là nhà thơ của mình và thuộc thơ của ông . Nhân dân lao động, người chiến sĩ, mọi tầng lớp đồng bào đều trở thành trung tâm được ca ngợi trong thơ Tố Hữu và đồng thời kêu gọi, thúc giục con người hành động để giải phóng mình, giải phóng đồng loại theo chủ nghĩa anh hùng cách mạng6.

Thơ của Tố Hữu cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng và tinh thần lạc quan: Như những con tàu giữa biển mênh mông/ Còn xa đất vẫn tin ngày cập bến” với niềm tin “Ngày mai đây tất cả sẽ là chung/ Tất cả sẽ là vui và ánh sáng”, nên “đầu sắp rơi mà môi vẫn tươi cười”7. Trong những năm chiến đấu xây dựng đất nước, nhiều thế hệ đã đi vào cách mạng với niềm say sưa, tự tin bởi những vần thơ của Tố Hữu.

Sức cuốn hút và tác động lan tỏa của thơ Tố Hữu mạnh mẽ tới mức nhiều thế hệ người Việt Nam coi đó là tuyên ngôn, là hành trang đi suốt cuộc đời cách mạng của mình.

Tố Hữu để một khoảng rộng lớn trong thơ của mình để dành cho Tổ quốc, cho dân tộc và lòng kính yêu đối với Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh và cho đó là những cội nguồn thiêng liêng, hội tụ sức mạnh của dân tộc, sự sáng suốt, anh minh chiếu sáng con đường đi tới của toàn dân. Những trường ca của ông, như: Việt bắc, Ba mươi năm đời ta có Đảng, Theo chân Bác, Nước non ngàn dặm, Với Đảng, mùa xuân... là những thể hiện rõ nét nhất. Đặc biệt, Tố Hữu có nhiều sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh với tình cảm sâu nặng, trong đó hình ảnh của Người gắn liền với Tổ quốc, dân tộc, với Đảng và lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta.

Tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh

Ngay từ khi dấn thân vào con đường cách mạng, phấn đấu dưới ngọn cờ của Đảng, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, Tố Hữu đã “quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”8 Việt Nam.

Trước mọi thử thách khốc liệt nơi lao tù đế quốc hay trong những cam go của cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hay trước những khó khăn của cuộc chiến đấu với kẻ thù có sức mạnh vật chất khổng lồ, khoa học kỹ thuật hiện đại để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, tới những phức tạp của công cuộc xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội không có tiền lệ lại bị bao vây, cấm vận, ông vẫn kiên định lập trường cách mạng, một lòng một dạ phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Sự kiên định, vững vàng đó còn được Tố Hữu làm lan tỏa tới đồng chí, đồng bào, góp phần tạo nên động lực và niềm tin chiến thắng của nhân dân ta trong thế kỷ XX. Suốt đời trung thành với lý tưởng cách mạng là phẩm chất hàng đầu, xuyên suốt đạo đức cách mạng của người cộng sản, nhà lãnh đạo tư tưởng của Đảng, nhà văn hóa, nhà thơ cách mạng - Tố Hữu.

Từ thực tiễn lịch sử sinh động đó, Đảng ta đã khẳng định: “Gần 70 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, ở mọi cương vị công tác, dù được giao bất cứ nhiệm vụ gì, Tố Hữu cũng hoàn thành xuất sắc, một lòng một dạ tận tụy vì sự nghiệp cách mạng, không quản ngại khó khăn, gian khổ, nêu cao truyền thống bất khuất, kiên cường của người đảng viên cộng sản trong cuộc đấu tranh đầy gian khổ, anh dũng, vẻ vang của Đảng và nhân dân ta”. Ông đã hoạt động không mệt mỏi, cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Những năm tháng cuối đời, tuy tuổi cao, ông vẫn hết lòng đóng góp vào sự nghiệp chung, với niềm tin son sắt vào thắng lợi cuối cùng của chủ nghĩa xã hội.

Tố Hữu là tấm gương sáng của một người cộng sản, nhà lãnh đạo tài năng đã hiến đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Tên tuổi của ông mãi mãi được ghi vào lịch sử vẻ vang của Đảng và của dân tộc Việt Nam, cùng với những thắng lợi vĩ đại của cách mạng nước ta trong thế kỷ XX.

Cuộc sống vận động không ngừng và có thể làm thay đổi những giá trị, nhưng những giá trị đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh được hiện thực hóa ở người cộng sản Tố Hữu mãi là những giá trị bất biến, như Đảng ta đã khẳng định: Hình ảnh về một chiến sĩ cộng sản trung kiên, một nhà văn hóa tài năng hết lòng vì sự nghiệp sống mãi. Tấm gương của đồng chí Tố Hữu mãi mãi để chúng ta học tập.

Phạm Hồng Chương

PGS.TS, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Chú thích:

1. Tháng 4/1939, Tố Hữu bị địch bắt và bị giam trong tù đến tháng 3/1942 ông vượt ngục.

2. Tham luận đọc tại Đại hội II của Đảng năm 1951.

3. Có thể thấy trong các tham luận, bài viết của Tố Hữu: Xây dựng một nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa xứng đáng với nhân dân ta (nhân Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ ba, 10/1962); Giá trị của nền văn nghệ các dân tộc thiểu số trong toàn bộ nền văn học nghệ thuật Việt Nam (Hội nghị sáng tác văn học của các dân tộc thiểu số miền Bắc); Cách mạng tư tưởng và văn hóa với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới, con người mới (Đại hội IV của Đảng tháng 12/1976); Vài suy nghĩ về công tác nghiên cứu văn học (Kỷ niệm 20 năm thành lập Viện Văn học)...

4. Sau Hội nghị tổng kết công tác giáo dục của Trường (tháng 3/1978), ngày 3/10/1978, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 54-CT/TƯ về nhiệm vụ của Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc trong giai đoạn mới.

5. Như các bài: Mồ côi, Hai đứa bé, Tương tri, Lão đầy tớ, Đi đi em, Vú em, Tiếng hát sông Hương.

6. Như các bài: Cá nước, Phá đường, Bà bủ, Bầm ơi, Lượm, Hoan hô chiến sĩ Điện biên, Tiếng chổi tre, Bài ca lái xe đêm, Mẹ Suốt, Hãy nhớ lấy lời tôi, Gặp anh Hồ Giáo...

7. Như các bài: Hầm người, Lao bảo, Liên hiệp lại, Những người không chết, Như những con tàu, Giờ quyết định, Tranh đấu, Châu ro, Trăng trối, Con cá chột nưa, Dậy mà đi...

8. Đạo đức cách mạng: Hồ Chí Minh Tuyển tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, tập 3, tr. 208.

To Top