TP.HCM: 2 hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú phải làm lại

Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết, quá trình tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú có hai hội nghị phải tổ chức lại vì không đảm bảo theo quy định.

Sáng 17-4, trao đổi bên lề hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND TP.HCM, ông Ngô Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM thông tin: TP có 219 hội nghị đã được tổ chức để lấy ý kiến cử tri nơi cư trú.

Trong đó, có hai hội nghị phải tổ chức lại.

Ông Ngô Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết hai hội nghị lấy ý kiến nơi cư trú phải tổ chức lại. Ảnh: THANH TUYỀN

Cụ thể, theo Luật định thì Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM có hướng dẫn số 41 về quy trình tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú. Nhưng trên thực tế, ở cấp cơ sở có sự chủ quan, không đọc kỹ nội dung theo hướng dẫn 41.

Ông Sơn thông tin thêm, cái chính là phải lấy ý kiến cử tri nơi khu phố thì hai nơi này chỉ tổ chức lấy ý kiến một cụm chung cư nên không đạt yêu cầu. Cùng đó, trong quy định của luật, nơi có trên 100 cử tri thì phải mời ít nhất trên 50% hoặc ít nhất là 55 cử tri tham dự nhưng có hội nghị không đạt đến tỷ lệ đó.

Với vai trò giám sát, khi Mặt trận nắm thông tin đã quyết định cơ sở phải tổ chức lại vì không đảm bảo theo Luật.

Nói về sự tín nhiệm cử tri nơi cư trú của một số ứng viên có tỷ lệ thấp, ông lý giải: đa số các ứng cử viên này ở nhiều nơi dẫn tới việc cử tri ở nơi mà ứng cử viên đăng ký lấy ý kiến lại không biết nhiều. Có những ứng cử viên thì ít tham gia các hoạt động, ít xuất hiện nên sự tín nhiệm của cử tri không cao.

Ông Sơn cho biết, sau hiệp thương lần thứ ba, việc tổ chức giám sát, kiểm tra hoạt động bầu cử là trách nhiệm của hệ thống Mặt trận.

“Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã có các kế hoạch để giám sát, kiểm tra trong thời gian tới. Cụ thể, triển khai kế hoạch 304 giám sát đợt 1 ở tại TP Thủ Đức và ba huyện để kiểm tra việc tổ chức thành lập các đơn vị bầu cử, trong giám sát đó cũng lập tổ giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân”- ông nói.

Tính đến ngày 13-4, MTTQ TP.HCM đã nhận 8 đơn khiếu nại, tố cáo; trong đó có 3 đơn thư nặc danh. Các đơn thư khiếu nại hợp lệ đã được chuyển tới các cơ quan chức năng để giải quyết theo Luật định.

Cùng đó, Mặt trận sẽ giám sát việc niêm yết danh sách cử tri, giám sát việc chuẩn bị giới thiệu niêm yết danh sách ứng cử viên sau khi đã tiến hành hiệp thương lần thứ 3. Mặt trận tập trung giám sát việc trả lời khiếu nại của các cơ quan chức năng; giám sát các hội nghị tiếp xúc cử tri để giới thiệu tiểu sử, chương trình hành động của ứng cử viên.

Theo đó, sau khi hiệp thương lần ba, MTTQ sẽ chia khu vực ứng cử.

Đối với ứng cử viên đại biểu Quốc hội sẽ có ít nhất 10 cuộc tiếp xúc cử tri. Ứng cử viên đại biểu HĐND TP.HCM có ít nhất 5 cuộc tiếp xúc cử tri. Ứng cử viên tại TP Thủ Đức, các huyện, xã, thị trấn thì có ít nhất 3 cuộc tiếp xúc cử tri.

Đảm bảo dân chủ trong suốt quá trình sàng lọc, giới thiệu ứng viên

Ông Ngô Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết, MTTQ đã cố gắng để luôn đảm bảo tinh thần dân chủ trong sàng lọc ứng viên.

Ông cho hay, công tác lấy ý kiến cử tri nơi cư trú tại TP.HCM được tổ chức theo đúng quy định, đúng thời gian quy định, đảm bảo công khai, dân chủ và minh bạch. Tại các hội nghị cử tri nơi cư trú, người ứng cử và lãnh đạo các cơ quan đơn vị người ứng cử (nếu có) đều được mời tham dự.

“Tại hội nghị cử tri, người ứng cử và đại diện lãnh đạo cũng tham gia phát biểu, thông tin và giải thích các vấn đề mà cử tri nêu ý kiến. Những nội dung này diễn ra trước khi cử tri lấy phiếu tín nhiệm đối với người ứng cử. Đây là việc rất công khai, dân chủ”- ông nhấn mạnh.

Ông cũng cho hay, hệ thống Mặt trận cũng đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền về quy định pháp luật trong bầu cử, về quyền và trách nhiệm của cử tri.

Ông nói thêm, một trong những quyền dân chủ của cử tri là quyền được biết tiểu sử tóm tắt, chương trình hành động của các ứng viên. Cử tri dựa vào đó có thể bỏ lá phiếu của mình cho ứng cử viên đủ tiêu chuẩn, đủ đức, đủ tài, đại diện cho tiếng nói của người dân.

“Chính người dân sẽ thực hiện tiếng nói của mình trong biểu quyết để chọn người làm đại biểu nhân dân”- ông nói.

THANH TUYỀN

To Top