Trái tim người lính và lời tâm thi tháng bảy tri ân

Kính tặng Nhà thơ Đặng Vương Hưng, cựu chiến binh mặt trận Lạng Sơn 1979 – 1989, người sáng lập Diễn đàn 'Trái tim người lính' Việt Nam.

Một thời gian khổ của những nhà văn Quân đội

Anh là một nhà văn, một nhà thơ, một nhà báo, nhà sưu tầm tư liệu chiến tranh, đã có cống hiến rất nhiều cho xã hội, từ những năm chiến tranh, là một tay súng nơi biên giới trực tiếp đánh giặc, rồi trở thành một cây bút xuất sắc thời kì đổi mới trong lực lượng Công an nhân dân. Giờ đây anh lại là tâm điểm là cầu nối giữa các thế hệ Cựu chiến binh Việt Nam với thế hệ trẻ…

Tôi thật vinh dự và tự hào khi được mời tham gia các sự kiện do TRÁI TIM NGƯỜI LÍNH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Hơn thế, còn được tham dự hiến tặng kỷ vật cho Bảo tàng và phát biểu ý kiến…

Tôi được biết nhà thơ Đặng Vương Hưng chuẩn bị ấn hành tuyển tập thơ đồ sộ LỤC BÁT MỖI NGÀY. Đó là kết quả sau 40 năm lao động sáng tác của một người lính cầm bút, nên mạo muội xin có đôi dòng.

Ngay từ khi những vần thơ đầu tiên được người lính trẻ sáng tác nơi biên cương đã có chỗ đứng trong lòng người mến mộ. Nếu không, Tạp chí Văn nghệ Quân đội – Cơ quan báo chí uy tín nhất về văn học nghệ thuật của lực lượng vũ trang đã không đăng thơ Đặng Vương Hưng và nhiều người lính thời ấy đã không chép thơ anh vào sổ tay!

Là một Người Lính, một thương binh cùng thế hệ, rất mến mộ và khâm phục những việc làm của anh. Tôi luôn hình dung hơn 40 năm trước, một anh thanh niên vừa mới lớn ở một vùng quê nghèo, Đặng Vương Hưng đã từ chối suất đi nước ngoài (tiểu chuẩn ưu tiên của con em cán bộ, gia đình có công với Nước) để nhập ngũ và lên đường cầm súng để bảo vệ Tổ quốc nơi biên giới Lạng Sơn.

Cũng như bao Người Lính chúng tôi hồi ấy, Đặng Vương Hưng đã chấp nhận những đói rét, những thiếu thốn những gian khổ, những hy sinh mất mát của Người Lính nơi tuyến đầu chống giặc. Thật xúc động và ấn tượng khi ngắm tấm ảnh tư liệu quý, anh chụp cùng tiểu đội 12 người lính bộ binh tại Điểm cao 820 (Trành Định - Lạng Sơn). Đó là những người lính chiến thực sự, với súng đạn đầy mình, tóc tốt chờm tai chưa kịp cắt, những bộ quân phục nhàu nát, đẫm mồ hôi và máu, đầy bụi bám và khét mùi thuốc súng. Những gương mặt trẻ măng nhưng lại phong trần trận mạc, vừa sau một trận đánh ác liệt. Ai cũng nở nụ cười chiến thắng, điểm tĩnh và lạc quan. Có anh còn ngậm thuốc lá, phanh cúc ngực ngạo nghễ… Tóm lại, có lẽ đây là một trong những tấm ảnh ấn tượng, xúc động nhất về cuộc chiến bảo vệ Biên giới phía Bắc còn lại cho đến nay!

Tôi hình dung sau mỗi lần hành quân, sau mỗi lần luân phiên đổi gác trực chiến, người lính trẻ Đặng Vương Hưng lại trở về nơi có ngọn đèn dầu leo lắt, hoặc ánh lửa bập bùng để sống cùng cuốn sổ tay và cây bút. Nhờ đó mà những dòng nhật ký ghi chép vội vàng, những truyện ngắn, những bài thơ của anh đã ra đời. Để rồi trong ba lô, gia tài của người lính Đặng Vương Hưng không chỉ có súng đạn, mà còn có cả những bài thơ, những trang sổ tay ghi chép tại chiến trường...

Tôi hình dung khi Chuẩn úy Đặng Vương Hưng được Tư lệnh Quân khu 1 điều động từ Sư đoàn 347 thuộc Quân đoàn 14 về làm Trợ lý Tuyên huấn Quân khu... Anh bắt đầu làm báo chuyên nghiệp “có thẻ” từ đây. Nhưng cây bút đầy chất lính không chịu ngồi yên, anh lại khoác ba lô xuống đơn vị, cùng ăn, cùng ngủ, cùng chiến đấu với bộ đội.

Cũng từ đó, những bài báo, bài thơ, những hình ảnh sinh động của người lính nơi tiền tuyến được Đặng Vương Hưng truyền tải tới bạn đọc nơi quê nhà yêu dấu. Đặc biệt với những người chiến sĩ nơi tuyến đầu qua các bài viết bởi tác giả đang cùng ăn cùng ở cùng chung chiến đấu bên nhau trước kẻ thù.

Nhà thơ Đặng Vương Hưng

Tôi hình dung ra những năm tháng ấy, người lính cầm bút Đặng Vương Hưng đẫm mình trong thực tế cuộc chiến đấu đầy khó khăn gian khổ của bộ đội biên giới. Những bài viết, bài thơ mang hơi thở cuộc chiến và cả tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu giữa những người đồng đội đồng chí, giữa người chồng người vợ được anh sáng tác và xuất hiện nhiều hơn và kịp thời không chỉ trong các số báo Quân khu Một, mà còn liên tục xuất hiện trên Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân, Báo Quân đội, Tạp chí Văn nghệ Quân đội và nhiều báo chí khác, để cổ vũ động viên khích lệ tinh thần cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ...

Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, người sĩ quan quân đội Đặng Vương Hưng đã chuyển ngành sang hoạt động trong Lực lượng Công an nhân dân. Từ những năm đầu thập kỉ 90 của thế kỉ 20, khả năng sáng tạo của anh càng được tỏa sáng trên cả lĩnh vực báo chí và văn học. Tên tuổi Đặng Vương Hưng được gắn liền với Tạp chí Văn nghệ Công an và Báo An ninh Thế giới!

Hơn thế, anh còn được xem là Nhà văn khơi nguồn cho sự ra đời của tủ sách vô giá “Những lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam” trong đó, có 2 cuốn sách nổi tiếng “Mãi mãi tuổi 20” và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm!

Vài năm gần đây, khi mạng xã hội facebook phát triển, bạn đọc quen thuộc với việc mỗi sáng được đọc một bài thơ Lục Bát ngắn miễn phí của nhà thơ Đặng Vương Hưng. Sự xuất hiện đều đặn mỗi ngày, khiến những người yêu thơ, không chỉ là các cựu chiến binh thấy yêu, thấy nhớ và kính nể sức lao động không mệt mỏi của nhà thơ mặc áo lính…

Cho tới khi anh công bố chuẩn bị ấn hành Tuyển tập 40 năm LỤC BÁT MỖI NGÀY dày hơn 1000 trang sách thì mọi người cùng bất ngờ, cảm phục và muốn được chia vui cùng anh. Buổi sáng nay, khi tôi viết những dòng này, thì nhà thơ Đặng Vương Hưng cho công bố bài Lục Bát “Mãi mãi tuổi 20” (cùng tên với tác phẩm Nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc) rút từ tuyển tập nêu trên. Không chỉ tôi, mà nhiều người đọc muốn bật khóc với từng câu, từng chữ của bài Tâm Thi đó vào đúng tháng Bẩy tri ân những người ngã xuống vì Tổ quốc. Không phải là nhà thơ của lính, chắc chắc không thể viết được những lời từ gan ruột như thế:

Trong một sự kiện về văn học ...

Giữa ngàn bia mộ Trường Sơn

Thấy bao hồn lính cô đơn lên trời…

Ngỡ như máu vẫn còn tươi?

Trái tim còn đập?

Tiếng cười còn vang?

Ngỡ như bom đạn vội vàng

Bao gương mặt lính vẫn đang mỉm cười?

Tuổi thì mãi mãi hai mươi!

Tình thì mãi mãi là người đang yêu!

Nếu trời cho ước một điều...

Liệt sĩ sống lại!

Bao nhiêu Sư đoàn?

Bỗng nghe ca khúc khải hoàn…

Bước chân rầm rập…

Quân đoàn diễu binh...

Cuối cùng ... Bài thơ này tôi viết để tặng anh Đặng Vương Hưng thay một lời muốn nói: Xin được chúc anh thêm sức khỏe và hạnh phúc. Mong anh sẽ mãi là nhịp cầu nối những bờ vui của các thể hệ cựu chiến binh Việt Nam hôm nay và mai sau!

Sĩ quan trẻ Đặng Vương Hưng năm 1980 tại chân điểm cao biên giới Lạng sơn !

THÁNG 7 TRI ÂN!

Viết tên anh nhắc tên anh , như thấy mình có lỗi!

Chạnh lòng mình khi đã đọc những bài thơ .

Rời cây súng bài thơ anh viết sau trận đánh!

Những câu thơ anh viết gửi về quê hương .

Quê Anh đó có Mẹ hiền cùng đàn em nhỏ!

Có cả vợ mình sau mỗi buổi tan ca .

Anh viết về đồng đội mình như bằng cả Trái tim .

Giống như mình giờ xa nhà đi giữ biên cương .

Người lính trận Ai nói bàn tay chai - lạnh lùng và khắc khổ!

Không có tâm hồn chỉ biết tới chiến tranh .

Nợ anh một lời khi anh viết về những liệt sĩ đồng đội tôi!

Tôi gặp anh sau bao năm dài mưu sinh trôi nổi .

Cứ ngỡ cuộc đời mình chắc chỉ có thế thôi!

Rồi đọc thơ anh khi anh viết về biên giới ...

Viết về cuộc đời của những người lính trẻ như tôi .

Ôi xao xuyến bồi hồi -

Ờ đúng rồi có một thời như thế đó!

Tổ quốc lâm nguy giang sơn bị giày xéo ,

Nỡ sao đành để kẻ thù kia ngang ngược!

Biên giới ngược lên nơi địa đầu chúng tôi có mặt!

Giữ mảnh đất này cho tổ quốc được bình yên .

40 năm có người Thi sĩ Cựu Chiến Binh ấy ...

Tôi viết mấy lời xin được gửi kính tặng anh!

Lục Bát Mỗi ngày anh viết để tặng ai?

Anh viết cho đời cho bạn bè cho cả thế hệ hôm nay .

Rất nhiều đó trong Trái Tim Người Lính!

Có một thời họ đã giấu nhẹm vào màu áo xanh .

Dẫu không trở về nhưng họ vẫn đang sống cùng với chúng ta!

CCB nhà thơ Đặng Vương Hưng và tác giả, tháng 1/2021 tại Sài gòn

Sài Gòn, 7/7/2021 - NDH

Theo Trái tim người lính

Thương binh Nguyễn Duy Hiền

To Top