Trao đổi kinh nghiệm ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống dịch COVID-19

Chiều 26/7, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị Khoa học trực tuyến trao đổi kinh nghiệm về ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Hội nghị kết nối đến hơn 200 điểm cầu các Viện, Bệnh viện, Trường đại học chuyên ngành y dược trực thuộc Bộ Y tế; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố;

Về phía đối tác Đài Loan có sự tham dự của lãnh đạo CDC Đài Loan và Bệnh viện Á Đông Đài Loan và các đơn vị liên quan.

Tại hội nghị, TS. Nguyễn Ngô Quang – Phó cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo bày tỏ thông qua hội nghị sẽ giúp Việt Nam và Đài Loan cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và áp dụng được những giải pháp huy động tổng lực nhân lực, vật lực trong điều trị chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19; phương pháp thực hiện truy vết, xét nghiệm, ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống COVID-19 phù hợp với điều kiện và đặc thù của mỗi nước.

Từ đó, đóng góp được những cách làm hay, mới vào các giải pháp đồng bộ trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của từng quốc gia hiện nay.

Kết hợp mọi nguồn lực để chăm sóc, điều trị bệnh nhân

Từ điểm cầu Đài Loan, ThS Philip Yi-Chun Lo, Thứ trưởng phụ trách CDC Đài Loan cho biết, từ ngày đầu Đài Loan ghi nhận dịch đến ngày 24/7/2021 có 15.558 trường hợp mắc COVID-19 (chủ yếu từ độ tuổi 19 – 64 tuổi với 9.804 trường hợp), tử vong 786 trường hợp (chủ yếu ở độ tuổi trên 75 tuổi với 334 trường hợp).

Từ tháng 5 – 7/2021, do sự xâm nhập của biến chủng B.1.1.7 (biến chủng từ Anh) , Đài Loan đã áp dụng biện pháp “Bán giãn cách COVID-19”. Từ ngày 15/5 – 26/7 thực hiện đóng cửa trường học (từ 19/5), các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được bán mang về, không ăn tại chỗ, đưa ra khuyến khích nhưng không bắt buộc làm việc tại nhà.

Báo cáo tại hội nghị, ông Chun Hsin Liao – Trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Á Đông Đài Loan đã chia sẻ kinh nghiệm kết hợp mọi nguồn lực để chăm sóc, điều trị bệnh nhân và nâng cao chất lượng chăm sóc điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.

Các giải pháp ngắn hạn đó là: yêu cầu tất cả người dân đeo khẩu trang, giảm mọi khả năng tập trung theo cụm nhằm phá vỡ chuỗi lây nhiễm; tăng cường xét nghiệm trên diện rộng tại cộng đồng; vận hành khu cách ly, lấy trường học, khách sạn làm khu vực cách ly theo đối tượng phù hợp;

Điều trị tại bệnh viện, tạm dừng các dịch vụ chăm sóc y tế không khẩn cấp, thực hiện tiêm chủng cho nhân viên y tế càng sớm càng tốt, tăng công suất chăm sóc điều trị đặc biệt và có chính sách kiểm soát lây nhiễm nghiêm ngặt.

Các giải pháp phòng, chống lây nhiễm tại Bệnh viện đã và đang được áp dụng: Đeo khẩu trang trước khi vào bệnh viện; Thực hiện khai báo y tế (lịch sử đi lại, nghề nghiệp, lịch sử tiếp xúc, lịch sử cách ly) trực tuyến; Nếu sốt và có bất kỳ yếu tố dịch tễ nào liên quan thì chuyển người bệnh sang khoa cấp cứu;

Các điểm cầu tham gia hội nghị trực tuyến chiều ngày 26/7

Thực hiện xét nghiệm (RT PCR) nếu có bất kỳ nghi ngờ gì. Thời gian có kết quả khoảng 1 ngày; Cách ly trong phòng bệnh đơn; Báo cáo tình trạng sức khỏe trực tuyến hàng ngày từ nhân viên; Giảm tối thiểu để người bệnh ở khoa cấp cứu; Đặt cồn sát khuẩn ở lối vào, thang máy, và khu đông người; Giãn cách trong bệnh viện.

"Trong trường hợp khi phát hiện ca bệnh, ngừng các hoạt động thông thường của khoa, phòng, khu vực đó; thực hiện truy vết tiếp xúc; Nếu phát hiện thêm ca khác trong cùng khu, phong tỏa khu đó; Xét nghiệm mọi người trong khu đó, kể cả nhân viên y tế theo dõi trong thời gian 2 tuần trở lên"- ông Chun Hsin Liao nói, đồng thời thông tin thêm:

Theo quy định cách ly do lây nhiễm COVID-19 ở Đài Loan (10 ngày), đối với các ca điều trị tại bệnh viện sẽ làm lại xét nghiệm RT-PCR vào ngày 9. Nếu nồng độ virus thấp (CT > 30), người bệnh được xuất viện. Nếu nồng độ virus thấp (CT < 30), giữ ca đó lại và làm PCR tiếp theo sau 48h.

Tận dụng tối đa lợi thế công nghệ thông tin trong phòng chống dịch

Về công tác ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện phòng, chống dịch: Bên cạnh vận hành đường dây nóng của CDC Đài Loan, đơn vị đã sử dụng kết nối thông tin giữa Chính phủ và người dân thông qua kênh kết nối qua mạng LINE với 40% người dân (>9.5 triệu người dùng), sử dụng Chatbot trả lời tự động.

CDC Đài Loan đã sử dụng tối đa lợi thế mạng xã hội này để cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác đến người dân, xây dựng tìm kiếm toàn bộ danh mục thông tin về dịch COVID-19; Chủ động nhắc nhở những người bị cách ly báo cáo tình trạng sức khỏe và cung cấp thông tin liên quan đến việc cách ly;

Hỗ trợ mọi người đặt lịch hẹn tư vấn sức khỏe với bác sĩ qua cuộc gọi video y tế từ xa;… Bên cạnh đó, sử dụng Hệ thống theo dõi tiêm chủng thực hiện theo dõi thường xuyên tình trạng cơ thể sau khi tiêm, Thông tin y tế vắc xin COVID-19, Nhắc nhở về liều vắc xin thứ 2,…

Các ý kiến trao đổi, thảo luận tại hội nghị đã được đưa ra xung quanh việc huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức từ tuyến trung ương đến địa phương cùng với Chính phủ, chính quyền địa phương để đáp ứng tính chủ động về nguồn lực trong các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.

Các đại biểu cùng thảo luận, phân tích, đánh giá về phương pháp truy vết, xét nghiệm, ứng dụng công nghệ thông tin, phác đồ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 do các bên đã thực hiện.

Thông qua các báo cáo, trao đổi tại Hội nghị, các chuyên gia đánh giá: kinh nghiệm và các giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam và Đài Loan có những nội dung, giải pháp khá tương đồng.

Bộ Y tế Việt Nam hi vọng được tiếp tục phối hợp, chia sẻ, hợp tác với các cơ quan, đơn vị y tế Đài Loan trong thời gian tới. Việt Nam cũng đã và đang áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp hữu hiệu trong công tác phòng, chống dịch theo từng diễn tiến của dịch COVID-19 và sẵn sàng chia sẻ những bài học, kinh nghiệm với bạn bè quốc tế nhằm chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng quốc tế cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Thái Bình

To Top