Trào lưu phim 5 phút: Cú tát vào nền điện ảnh

Trên khắp các nền tảng internet đang nổi lên trào lưu xem phim trong 5 phút, hay còn được gọi là xem phim kiểu 'mỳ ăn liền'. Bên cạnh những ý kiến bảo vệ, trào lưu này cũng đang phải hứng chịu những chỉ trích, phê phán nặng nề khi ảnh hưởng trực tiếp đến nhà làm phim và người xem, thậm chí đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Bất cứ một bộ phim nào cũng có thể trở thành đối tượng của trào lưu tóm tắt phim

Thưởng phim kiểu “mỳ ăn liền”

Chỉ cần lướt qua các trang mạng xã hội, sẽ dễ dàng bắt gặp những video với dòng giới thiệu “Review Phim”, được thực hiện theo công thức: giới thiệu một tác phẩm phim ảnh với thời lượng giới hạn (từ 5 đến 10 phút), sử dụng hình ảnh trong phim kèm lời đọc của “chị Google” và tiêu đề giật gân nhằm thu hút người xem.

Thường, mỗi bộ phim điện ảnh có thời lượng trung bình từ 85 phút trở lên. Trong khi đó, một bộ phim truyền hình sẽ có thời gian dài hơn với trên dưới vài chục tập phim, mỗi tập chừng 45- 60 phút. Bởi vậy, những đoạn video được xem là review này phù hợp với đối tượng người bận rộn trong công việc và học tập. Nhiều khán giả hâm mộ trào lưu tóm tắt phim chia sẻ rằng, họ đã tiết kiệm được kha khá thời gian khi xem những clip kể trên. Đặc biệt là những clip làm về các bộ phim nổi tiếng, hoặc phim đang gây sốt luôn thu hút được sự quan tâm cực kì lớn. Chúng giúp cho người dùng nắm bắt thông tin nhanh lẹ, để dùng trong những cuộc tán gẫu với bạn bè, đồng nghiệp, người thân... mà chẳng cần phải xem cả bộ phim đó.

Chỉ cần trên dưới 10 phút, từ phim thời cổ chí kim cho đến phim vừa ra rạp, từ phim một tập cho đến phim dài tập, từ phim tình cảm đến giật gân, kinh dị… đều được người xem nắm bắt nội dung như thể vừa trải qua hàng giờ đồng hồ “cày” phim. “Nhiều bộ phim tôi chưa từng biết tới trước đây, nhờ những video review đó mà tôi đã biết tới chúng”, chị Thu Hòa (Cầu Giấy) chia sẻ.

Trào lưu bắt nguồn từ cộng đồng mạng Trung Quốc. Sau đó, một số trang web Việt Nam chuyên dịch những video về văn hóa và giải trí của Trung Quốc đã mang những video này về và dịch lại. Lượng tương tác của những video này tăng nhanh đột biến và nhu cầu người xem càng tăng cao. Từ đó, hàng loạt trang mạng đã xuất hiện và tự mình cắt ghép video, biên tập nội dung và thu âm giọng nói để cho ra đời những video “phong cách Việt Nam”.

Các trang web dạng này chỉ mất vài tháng để đạt hàng triệu lượt theo dõi. Mỗi clip có thể nhận được hàng chục, hàng trăm nghìn, thậm chí vài triệu lượt xem chỉ sau một thời gian ngắn. Các nền tảng khác như YouTube, TikTok cũng tràn ngập nội dung trên. Theo tính toán, doanh thu mỗi trang khi đăng video đều đặn có thể lên đến 100.000 USD/tháng, những video tương tác càng cao thì sẽ được cài quảng cáo và trả phí càng nhiều.

Quá nhanh quá nguy hiểm

Có thể thấy sau nạn vi phạm bản quyền đến từ các trang phim lậu, giờ đây các nhà làm phim còn phải đau đầu với các tài khoản video tóm tắt phim. Nhiều tài khoản còn nhăm nhe review các phim mới ra lò để câu view. Khi các video review đạt ba, bốn triệu lượt người xem, cũng đồng nghĩa với việc bộ phim mất đi cơ hội bán vé cho số người này. Điều này đã góp phần tạo thói quen xem phim tiêu cực, khiến các nhà đầu tư cũng ngần ngại không muốn bỏ tiền làm phim.

Đánh giá về những clip “review phim” tràn lan trên mạng xã hội hiện nay, nhà phê bình điện ảnh, nhà thơ Nguyễn Phong Việt khẳng định: “Bản chất của review là kích thích cảm giác của khán giả để họ ra rạp xem bộ phim đó, để biết được bộ phim có hay, có thú vị hay không. Còn các clip này chỉ tóm tắt phim, kể lại phim một cách ngắn gọn. Cách này làm cho người xem bị mất cảm xúc, mất sự bất ngờ và trải nghiệm cần thiết của một khán giả yêu điện ảnh”.

Theo Nghị định số 131/2013/NĐ-CP và bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thì hành vi làm “review phim” là hành vi trái pháp luật. Tùy theo mức độ mà hành vi này có thể bị xử phạt lên đến 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, người vi phạm cũng có thể bị xử lý theo bộ luật hình sự với mức phạt tiền lên đến 300 triệu đồng và phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm đối với cá nhân; phạt tiền lên tới 1 tỷ đồng và phạt tù lên đến 3 năm đối với hành vi có tính tổ chức.

Hình thức này cũng bị cho rằng đã làm méo mó đi nội dung, nghệ thuật và thông điệp gửi gắm qua diễn xuất của diễn viên xuyên suốt bộ phim. Đặc biệt, một số trang review muốn câu kéo, tăng lượt theo dõi đã phiên dịch sai câu thoại của nhân vật, dùng những động từ, tính từ mạnh, thậm chí là thô tục, phản cảm, khác xa với bản gốc. Ngoài ra, họ cũng dùng các từ mô tả như “chị tóc đen”, “em tóc ngắn”, “anh tóc xoăn”, “cô tóc vàng”… khá khó chịu. Giọng đọc đều đều của "chị Google" càng khiến cho các tác phẩm “mỳ ăn liền” trở nên vô cảm.

Theo lý giải của những “mọt phim” chân chính, mỗi một bộ phim đem đến cho khán giả những câu chuyện khác nhau và quá trình xem phim mang tới cho họ những cung bậc cảm xúc, từ bất ngờ, hồi hộp cho tới tâm trạng buồn vui cùng nhân vật. Đây là điều mà một clip kể lại nội dung phim không thể truyền tải hay tác động tới người xem.

Còn theo giới luật sư, review phim là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. “Thứ nhất, các clip này đã xâm phạm quyền sửa chữa, cắt xén sản phẩm, nghĩa là quyền bảo vệ toàn vẹn tác phẩm. Thứ hai là sử dụng hình ảnh của tác phẩm mà không xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Thứ ba, nghiêm trọng hơn, chúng đã gây thiệt hại trực tiếp đến việc khai thác thương mại bình thường của tác phẩm”, Luật sư Phan Vũ Tuấn (Văn phòng luật Phan Law) cho biết. Chính sự quản lý còn lỏng lẻo, chính sách bản quyền còn sơ sài của môi trường mạng hiện nay đã vô tình tiếp tay cho trào lưu “thưởng thức” điện ảnh đang gây nhiều tranh cãi này.

Diệp Anh

To Top