Trong veo tiếng sáo rừng chiều

Đã là con trai người Mông phải biết thổi khèn, thổi sáo, thổi đàn môi/Đã là con gái người Mông phải biết nghe tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng đàn môi…', câu ca cổ ấy đã theo bao thế hệ của người Mông như một lời răn về việc giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc. Tôi đã đi hầu khắp các bản trong, bản ngoài của người Mông trên dọc dài Hoàng Liên Sơn hùng vỹ, đã hỏi biết bao cụ cao niên, già làng, trưởng bản rằng sáo Mông (tiếng địa phương là tràm pài) có từ bao giờ, nhưng đều nhận được câu trả lời: 'Không ai biết sáo Mông có từ bao giờ, chỉ biết rằng đó là linh hồn của dân tộc. Là linh hồn nghĩa là nó ra đời khi người Mông đầu tiên có mặt, đặt tên trên trái đất này…'.

Anh Thào A Pho và chị Giàng Thị Chư nên duyên nhờ tiếng sáo Mông

Cũng như bao người con sinh ra giữa trập trùng đại ngàn Hoàng Liên, chàng thanh niên Thào A Pho, thôn Thào Hồng Dến, xã Mường Hoa (thị xã Sa Pa) luôn đau đáu giữ tiếng sáo, hồn thiêng dân tộc. Nghe khách phương xa muốn tìm hiểu về tiếng sáo của dân tộc mình, anh Pho nồng nhiệt đón mời. Thôn nằm trên ngọn núi cao nhất vùng, ở đó không gian khoáng đạt, rộng rãi và bao la. “Người ta bảo lên đỉnh Thào Hồng Dến thổi, tiếng sáo trong hơn và vang hơn. Có lẽ vì đó mà trước giờ, người trong vùng rất thích lên đỉnh Hồng Dến để thổi sáo, hay thả hồn vào những nhạc khúc du dương”, anh Pho chia sẻ.

Cũng bởi vậy mà bao thế hệ người Thào Hồng Dến từ khi nằm trong bụng mẹ đã thấm đẫm những điệu khúc của tiếng sáo, nên khi lớn lên trở thành người thổi sáo giỏi nhất vùng. Ban đầu chỉ là những tiếng thổi “u… u”, nhưng theo thời gian, mỗi bài sáo có âm thanh mượt mà, có vần, có điệu hơn. Tiếng sáo cất lên là cả cảnh núi non hùng vỹ như tiếng suối chảy, tiếng chim kêu khi nhẹ nhàng luyến nhớ, khi lại ồn ào, mạnh mẽ. Nhiều bản sáo Mông đã trở thành những tuyệt phẩm để rồi không chỉ có người Mông, mà khách phương xa cũng yêu thích. Đó là những khúc: “Gọi bạn”, “Xuống chợ”, “Tiếng thơ”, “Mồ côi”, “Đêm trăng bản Mông”…

“Để tạo nên những bài sáo hay, ngoài kỹ thuật điêu luyện của người thổi, yếu tố quan trọng còn là cây sáo chuẩn của đồng bào Mông”, anh Pho vừa giới thiệu vừa đưa tôi đi lối tắt sang gặp ông Thào A Gió. Người mà theo anh Pho là làm sáo Mông giỏi nhất vùng. Ông Gió khệ nệ bê ra cả gùi sáo Mông đã thành phẩm. Thoạt nhìn, cây sáo rất đơn giản cũng giống như sáo trúc bình thường ở các hiệu bán nhạc cụ, đồ lưu niệm, thân trúc có độ dài 30 đến 45 cm, có loại dài 80 cm, trên thân khoét các lỗ thoát hơi với vị trí được tính toán liên quan đến khuông nhạc. Ông Gió bảo, để làm cây sáo có âm thanh hay phải rất kỳ công. Trước tiên là khâu chọn nguyên liệu để có ống sáo như ý, người làm sáo phải lên núi để tìm những thân trúc sống ở độ cao từ 1.700 đến gần 3.000 m là tốt nhất. Trúc được chọn có thân thẳng, thịt dày, mềm dẻo để tạo sự đàn hồi khi sáo khô, như thế thanh âm sáo không bị vỡ. Điểm khác biệt của sáo Mông với sáo trúc thông thường là ở một đầu ống sáo có gắn miếng gỗ chữ nhật bên trong với lưỡi gà bằng đồng hoặc bạc, gọi là lam. Lam phải được tán mỏng để mỗi khi hơi thổi sẽ rung lên, tạo ra những âm thanh uyển chuyển theo từng ngón tay miết trên các lỗ sáo.

Với đồng bào Mông, cây sáo và những điệu sáo là “báu vật” không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của họ. Mỗi bản nhạc sáo chứa đựng tình yêu đôi lứa, tình yêu với cuộc sống của người vùng cao, tuy phải đối mặt với thiên nhiên đầy hiểm nguy, vất vả, nhưng vượt lên trên tất cả vẫn là sự chiến thắng ngạo nghễ của con người. Cũng chính bởi thế, làn điệu sáo Mông rất riêng, khi dồn dập, mạnh mẽ, nhưng khi lại nhịp nhàng, khoan thai như tiếng mời gọi thiết tha, êm ái. Tục xưa người con trai Mông đều phải biết thổi sáo, thổi khèn, khi ưa cô gái nào thì đêm đêm tới trước nhà trổ tài, nếu điệu sáo làm cô gái xao lòng, cô sẽ ra tiếp chuyện, rồi hẹn thề, tính chuyện trăm năm. Các chàng trai người Mông đi đâu cũng dắt ống sáo trúc bên người, để giải khuây và cũng để chinh phục các cô gái. Với những chàng trai Mông trưởng thành mà không biết thổi sáo thì thiếu tự tin lắm, chuyện đôi lứa, hôn nhân cũng vì thế mà khó khăn.

“Đó là chuyện ngày xưa thôi, giờ lớp trẻ có nhiều ngôn ngữ tình yêu lắm nhưng dù thế nào cũng vẫn phải giữ tiếng sáo của ông cha. Đã là con trai người Mông phải biết thổi khèn, thổi sáo, thổi đàn môi”, anh Pho hào hứng. Được bà con phong cho danh hiệu “vua sáo của bản”, mỗi dịp hội hè của thôn, anh Pho lại dùng tiếng sáo để ngợi ca tình yêu quê hương, tinh thần đoàn kết, tình yêu lao động, cuộc sống. Anh cũng mang tiếng sáo đi khắp nơi, giao lưu với các xã khác mùa lễ hội, tham gia các cuộc thi do thị xã Sa Pa tổ chức. Qua các hội thi khèn, sáo Mông do thị xã Sa Pa tổ chức, anh từng chiếm ngôi vị quán quân nội dung sáo Mông. Ban Giám khảo là các cụ cao niên người Mông ở các bản làng khi nghe anh Pho thổi là gật gù: “Tiếng sáo rất chuẩn âm hưởng, giai điệu và tinh thần của những bài ca cổ”.

Anh Pho lựa một cây sáo mang ra thổi một làn trữ tình réo rắt. Ngôi nhà gỗ bỗng rực sáng bởi ngọn lửa cháy lem theo những thanh củi vừa được cho vào lò. Không gian thật ấm áp, thanh bình. Lần đầu nghe độc tấu sáo Mông, tôi cảm được tiếng nhạc len lỏi tới từng tế bào. Ngồi kế bên, ông Gió, chị Chư, vợ anh Pho chăm chú cảm nhận từng giọt thanh âm, đôi mắt chị bỗng lúng liếng như thanh xuân trăng rằm ngày nào, mái tóc đu đưa, một cách tự nhiên chị đệm theo tiếng sáo bằng một bài hát khe khẽ. Chúng tôi đang dở dang câu chuyện về sáo trúc thì ông Gió có khách, vài cậu bé tầm 11, 12 tuổi đi vào trên tay cầm ống sáo trúc. Anh Pho bảo: Mấy đứa trong thôn đi học bán trú xa nhà, cuối tuần về là tới đây học sáo. Mình không có nhạc lý, chỉ có kinh nghiệm, biết đến đâu thì truyền dạy tới đó thôi.

Mượn luôn không gian lớp học nhà ông Gió, mấy thầy trò bắt đầu cho một buổi luyện sáo say sưa. Bài học đầu tiên của anh Pho giảng cho thế hệ trẻ bao giờ cũng là cấu trúc của cây sáo, nguyên lý hoạt động, phát âm thanh, rồi sau đó mới tới cách cầm sáo, cách lấy hơi, đặt môi lên miệng sáo ra sao. Mấy cậu bé áng chừng học trước khi tập hòa tấu những đoạn nhạc dài kha khá, mấy em bắt đầu làm quen thì bập bẹ với vài nốt nhạc chưa tròn tiếng, các ngón tay cũng lóng ngóng tìm những khuông nhạc là các lỗ thông khí trên thân sáo. Em Thào A Chư, thôn Thào Hồng Dến, hiện đang theo học lớp 8B, Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Hoa chia sẻ: Cháu rất thích tiếng sáo của đồng bào mình, nghe rất thân thương và gần gũi. Cháu sẽ theo học để sau này thổi được hay như chú Pho…

Chiều xuống, mới thế mà trời đã loang tối. Xuôi về đến đầu đường vào thôn, tôi vẫn nghe trong gió rừng trong veo tiếng sáo Mông của anh Pho. Dẫu không hiểu lời sáo nhưng cảm nhận bằng trái tim, tôi biết đó là tiếng sáo của tình yêu chứa chan, âm thanh của hồn thiêng đồng bào Mông.

Tô Dung

To Top