Trung Quốc: Nhau thai bán tràn lan trên mạng, được chế thành viên nang

Nhau thai vẫn tiếp tục được trao đổi tại chợ đen ở Trung Quốc, nhiều năm sau khi Bắc Kinh ra lệnh cấm buôn bán mặt hàng này.

Nhau thai đã qua xử lý được bán trên mạng. Ảnh: Global Times

Nhộn nhịp “chợ đen” nhau thai

Theo Global Times, những tay buôn chợ đen thu mua nhau thai bỏ đi – đôi khi còn mùi tanh của máu – từ bệnh viện, nhà tang lễ và cơ sở xử lý chất thải y tế với giá khoảng 80 nhân dân tệ/bộ nhau thai (tương đương hơn 280.000 đồng).

Sau đó, số nhau thai này được xử lý và bán cho các cơ sở bất hợp pháp với giá vài trăm nhân dân tệ.

Phóng viên tờ Global Times phát hiện ra rằng các đường dây mua bán nhau thai hoạt động khá sôi nổi trên các trang mua sắm điện tử, bao gồm Xianyu – sàn giao dịch đồ cũ của Alibaba.

Người bán chủ yếu dùng những cái tên mơ hồ để mô tả sản phẩm của mình, thay vì quảng cáo công khai rằng chúng là nhau thai.

Trong bài đăng bán nhau thai với giá 360 nhân dân tệ trên Xianyu, người bán cho biết: “Có thể giảm giá xuống còn 260 nhân dân tệ nếu mua nhiều.” Người này tiết lộ với phóng viên Global Times rằng “đã thu mua nhau thai thô với giá 2.000 nhân dân tệ/kg”.

Người bán từ chối cung cấp thêm chi tiết, vì sợ bị phát hiện vi phạm các quy định giao dịch trực tuyến.

Theo Huang Chengsheng, bác sĩ sản khoa tại Bệnh viện Nhân dân số 6 Thượng Hải, các bệnh viện ở Trung Quốc có thể trả lại nhau thai cho phụ nữ mới sinh, hoặc xử lý chúng như chất thải y tế. Nhiều bà mẹ mới sinh chọn mang nhau thai về nhà để ăn, bác sĩ Huang nói.

Một số người Trung Quốc, đặc biệt là người lớn tuổi, tin rằng nhau thai là thứ giàu chất dinh dương, tốt cho sức khỏe.

Một bà mẹ có con 22 tháng tuổi ở tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) cho biết trước khi sinh con, cả mẹ đẻ và mẹ chồng của cô đều hỏi về nhau thai.

Cả hai người đều muốn ăn nhau thai của cô để bồi bổ cơ thể, người mẹ họ Chen nhớ lại. Nhưng Chen đã yêu cầu bệnh viện bỏ nhau thai của cô, thay vì giao lại cho gia đình. “Tôi không muốn họ ăn nó”, Chen nói. “Thật rùng rợn”.

Biến nhau thai thành viên nang

Một bà mẹ khác ở Thượng Hải – yêu cầu giấu tên – cho biết sau khi sinh, cô đã gửi nhau thai của mình đến một cửa hàng gần bệnh viện để chế biến thành bột và đóng thành viên nang.

“Đó là thuốc bổ dành cho bố chồng tôi, ông ấy rất yếu”, người mẹ trẻ nói, đồng thời tiết lộ quá trình xử lý nhau thai diễn ra khá nhanh chóng, chi phí chưa đến 500 nhân dân tệ.

Chế biến nhau thai thành viên nang đã trở thành một ngành kinh doanh ở Trung Quốc, vì một số người có thể cảm thấy khó chịu khi ăn trực tiếp.

Một nữ doanh nhân làm nghề chế biến nhau thai ở tỉnh Chiết Giang nói với Global Times rằng bà cung cấp dịch vụ tận nơi cho các gia đình vừa sinh con.

Cô cho biết mình có ít khách hàng hơn trong những năm gần đây vì cô không còn được phép đăng quảng cáo. “Nhưng nhu cầu thực tế vẫn còn mạnh,” bà nói thêm và lưu ý rằng vẫn có nhiều người hỏi về nơi họ có thể chế biến nhau thai.

Tuy nhiên, các chuyên gia y học cổ truyền Trung Quốc và dược sĩ hàng đầu đều không khuyến khích người dân tiêu thụ nhau thai vì chúng không có lợi và gây nguy hiểm cho sức khỏe.

“Theo y văn thời cổ đại, nhau thai người có thể được sử dụng để tăng cường khả năng miễn dịch, hoặc để điều trị bệnh hen suyễn và viêm phế quản”, dược sĩ Yao tại một bệnh viện tỉnh Hồ Nam cho biết.

Tuy nhiên, ông Yao lưu ý rằng đây không phải là một phương pháp chữa bệnh.

Tệ hơn nữa, một số nhau thai còn có thể chứa virus truyền nhiễm như HIV, viêm gan B, giang mai. Người ăn phải nhau thai không hợp vệ sinh có thể bị nhiễm bệnh.

Tại Trung Quốc, việc buôn bán nhau thai bất hợp pháp có thể bị phạt theo Quy định Quản lý Chất thải Y tế. Những người vi phạm thường phải chịu khoản tiền phạt không quá năm lần số tiền thu lợi bất hợp pháp.

Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng số tiền phạt cần phải tăng lên nữa, ví dụ gấp 50 lần số tiền thu lợi bất hợp pháp, thì hình phạt mới thực sự mang tính chất răn đe.

Minh Hạnh

Theo Global Times

To Top