Truyện ngắn: Chuyện một người đẹp

'Đừng sợ!', Nguyễn Ánh an ủi nàng, định tra gươm vào vỏ, chợt nhìn thấy xiêm y của mỹ nhân để cạnh lò hương trầm; Ánh dùng mũi gươm khều lấy, đưa cho nàng.

“Mỹ nhân tự cổ như danh tướng”

Tháng Sáu năm Tân Dậu, tức là năm1801, Nguyễn Ánh theo lời khuyên của Võ Tánh bỏ thành Quy Nhơn, đem đại quân tiến đánh Phú Xuân. Vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản ngự giá thuyền rồng, nghe đàn hát trên dòng Hương Giang. Nhà vua mang theo một chiếc lá sen hái từ hồ Tĩnh Tâm, bảo người hầu đội lên đầu, rồi lim dim mắt thả hồn theo làn gió ban mai mát rượi…

Đoàn chiến thuyền của Nguyễn Ánh tiến ồ ạt vào cửa Thuận An. Tin báo về kinh đô, Quang Toản giật mình sợ hãi, giật cái lá sen vứt xuống thuyền. Toản hô tả hữu dẫn thủy quân trực chỉ Thuận An chống cự. Vua Cảnh Thịnh không sao chống cự nổi với chiến thuyền hùng hậu của Nguyễn Ánh, liền phi báo cho Trần Quang Diệu và Võ văn Dũng rút quân về cứu viện. Nhưng, nước xa không cứu được lửa gần. Kinh đô Phú Xuân thất thủ.

Nguyễn Ánh tiến vào nơi mà 26 năm trước đã phải dứt áo ra đi. Bồi hồi xúc động, Ánh đứng giữa sân Rồng kêu lên: Thật hay mơ? Thật hay mơ?…

Nguyễn Ánh rút thanh gươm đi thẳng vào cung cấm.

Sao thế này? Trướng rủ, màn che. Một mùi hương lạ lùng, thật quyến rũ. Đám cung nữ quỳ mọp dưới chân vị Hoàng đế. Dùng mũi gươm rạch tấm màn che, Nguyễn Ánh đứng sững lại. Mỹ nhân! Mỹ nhân! Ta đang nhìn thấy Mỹ Nhân!

Trong bồn nước mạ vàng được rải đầy những cánh hoa hồng, hơi nước ấm như một làn sương mỏng, người con gái khỏa thân đẹp tuyệt trần đang tắm. Đúng ra, nàng đang sợ hãi nép mình dưới làn nước không ngừng tỏa hương thơm…

“Đừng sợ, đừng sợ! Mỹ nhân tự cổ như danh tướng! Đừng sợ!”, Nguyễn Ánh an ủi nàng, định tra gươm vào vỏ, chợt nhìn thấy xiêm y của mỹ nhân để cạnh lò hương trầm. Ánh dùng mũi gươm khều lấy, đưa cho nàng …

Vừa quay bước, Ánh nghe tiếng cung nữ kêu lên sau lưng mình: "Hoàng hậu, thưa hoàng hậu!".

Hoàng hậu ư? Trời! Số phận thật trớ trêu.

Nguyễn Ánh đứng giữa sân rồng chết lặng. Người nghe như có tiếng cười. Tiếng cười như sấm vỡ trên đầu.

Hơn hai mươi năm, tiếng cười như sấm ấy cứ đeo đuổi Nguyễn Ánh, dai dẳng, kinh hoàng…

Một đêm gần đảo Thổ Chu, chiến thuyền của Nguyễn Ánh bị hải thuyền của Nguyễn Huệ vây đánh tơi tả. Trong đêm tối mịt mùng, đáy thuyền của Nguyễn Ánh bị chọc thủng, nước tràn vào. Cả gia quyến sợ hãi. Nguyễn Ánh ngửa cổ nhìn trời kêu: Trời đã sinh ra ta, sao còn sinh ra Huệ? Lẽ nào trời tiệt đường sống của ta?

Thật lạ lùng, thuyền chở Nguyễn Ánh không chìm, cứ vùn vụt trôi về phía đảo Phú Quốc. Thoát nạn đêm ấy, nhờ những con cá Ông Tượng, Nguyễn Ánh cảm tạ trời đất: “Trời đã không hại ta, ấy là trời quyết giữ ngôi Vương cho ta”.

Năm Bính Thân 1796, Nguyễn Ánh lấy Gia Định làm đế đô, lập Tống Thị Lan làm Vương phi. Thị Lan là con gái của Quốc Công Tống Phúc Khuông, người Thanh Hóa. Khi Chúa Trịnh lấy danh nghĩa phù Nguyễn diệt Trương xua quân chiếm Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy vào Gia Định. Thân phụ bà cùng gia đình theo chúa vào Nam. Lan xinh đẹp, tính nết đoan trang, dịu dàng, lại hết lòng yêu mến Nguyễn Ánh. Bao nhiêu lần vào sinh, ra tử cùng Ánh vượt qua hoạn nạn. Có lần bị Nguyễn Huệ vây hãm, lương thực cạn kiệt, một giọt nước cũng không còn, Ánh ngất đi trên thuyền. Tống Thị Lan đã cắn răng vắt kiệt bầu vú của mình lấy sữa cho Ánh uống! Khi Ánh tỉnh lại, biết được sự tình đã rập đầu trước nàng mà thề rằng, đời này, kiếp này chỉ yêu một mình nàng.

Năm 1783, bị quân Tây Sơn truy đuổi, thế cùng lực kiệt, Nguyễn Ánh muốn cầu viện ngoại bang. Ánh gửi hoàng tử Cảnh bấy giờ mới lên 4 tuổi cho Bá Đa Lộc sang Pháp. Hoàng tử Cảnh là con đẻ của Vương phi Tống Thị Lan. Bà gạt nước mắt nói với Ánh: “Nghiệp lớn của chàng thiếp không phụ, nhưng chàng chớ để tiếng xấu cho đời sau, nếu cầu viện ngoại bang, chàng chỉ nên cầu viện khí giới, chớ quyết không cầu viện binh lính”. Ánh cho là phải.

Gạt nước mắt tiễn con đi rồi, Ánh nói: "Con ta đi rồi, ta cũng sẽ đi. Bà phải ở đây phụng thờ thân mẫu, chưa biết gặp nhau khi nào và ở chỗ nào. Vậy lấy dạt vàng này làm tin!".

Nói xong, Ánh lấy một dạt vàng, chặt làm hai mảnh, đưa cho bà một nửa rồi lên đường.

Ôi, cuộc chiến tàn khốc. Những lần bị vây và những lần mang quân đi vây hãm kẻ khác, xương người chất cao như núi, máu chảy thành sông. Có phải đất này các bậc đế vương chọn súng gươm làm niềm vui, lấy can qua làm lẽ sống?! Kê cao ghế quyền lực trên xương máu của muôn nhà?!

Nguyễn Ánh thấy đau nhói. Ở gần nơi có trái tim đang đập, một vật gì cộm lên sau làn áo trận. Phải, một nửa dạt vàng …

"Thưa, dạ thưa, đám gia nhân này tống vào ngục hay mang đi chém?". "Mang đi chém! À không, trừ nàng, các ngươi phải đối xử với nàng như các phi tần".

"Muôn tâu! Nếu Hoàng thượng lấy đầu họ, tấm thân này cũng xin đi theo". Nguyễn Ánh chau mày. Tấm thân ngàn vàng sao lại đi sánh với …

Ánh ngoái nhìn nàng. Một người đẹp như thế…

“Ta muốn có nàng, vậy hãy tha cho đám gia nhân”. Ánh nghĩ, nhưng lệnh vua đã ban biết làm thế nào?

May sao, dưới trướng Nguyễn Ánh có người hiểu ý, liền thưa: "Nay mai đánh thành Thăng Long, bắt được Quang Toản, Hoàng thượng chém luôn một thể". "Phải! Phải! Các người cứ thế mà làm".

Lại nói, sau khi thua trận, Quang Toản rụng rời, hoảng hốt, liền thay áo vua bằng áo dân thường, cùng vài người hầu cưỡi ngựa trạm chạy ra Bắc. Đến Thăng Long, Toản hội tướng sỹ lo việc chống giữ, bỏ mặc gia quyến trong tay Nguyễn Ánh.

Mùa xuân năm Nhâm Tuất 1802, quân nhà Nguyễn vượt sông Gianh đánh hạ đồn Tâm Hiệu thuộc châu Bố Chánh. Từ đó, quân Tây Sơn liên tiếp thua trận.

Ngày 28 tháng Sáu, vua Gia Long tiến ra Thăng Long. Quân Tây Sơn hoàn toàn tan vỡ. Quang Toản bỏ thành, qua sông Nhị Hà chạy về hướng Bắc. Cùng chạy có bọn đô đốc Tú và người em ruột Toản là Quang Thùy. Cùng đường, bọn Thùy, Tú thắt cổ tự vẫn. Quang Toản cùng đám gia nhân bị thổ hào bắt, nhốt vào cũi đưa đến trước cửa quân.

Ở thành Thăng Long, nhà vua hạ chiếu kêu gọi bá tánh yên ổn làm ăn, chia đặt quan văn, quan võ ở các trấn. Vua Gia Long vời các công thần nhà Lê, các bậc kỳ hào đất Bắc hỏi về công việc, giảm bớt thuế khóa, phu phen, bãi bỏ mọi sự phiền hà.

Vài tháng sau, Vua Gia Long trở về Kinh đô Phú Xuân, sửa lễ cáo miếu, đem bọn vua tôi Quang Toản ra, dùng cực hình giết chết.

Ngay từ khi chiếm được kinh thành Phú Xuân, Nguyễn Ánh đã có ý ép người đẹp thành thân với mình. Tấm thân trong ngọc, trắng ngà trong làn nước tỏa hương thơm, hình ảnh ấy không sao dứt khỏi tâm trí Ánh. Trên đời này sao lại có người con gái đẹp đến vậy? Cái tòa thiên nhiên ấy chẳng phải trời đã cố ý ban tặng cho mình đấy ư?

Bọn Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành cùng đám quần thần hết sức can ngăn: "Muôn tâu! Người đẹp mà Hoàng thượng ngày đêm nghĩ đến chẳng phải là Công chúa Ngọc Bình đấy ư?". "Phải!". "Công chúa Ngọc Bình, em ruột công chúa Ngọc Hân?". "Đúng thế!".

"Muôn tâu! Ngọc Hân là vợ của Nguyễn Huệ Quang Trung, kẻ thù không đội trời chung với Hoàng thượng". "Ta biết". "Ngọc Bình là vợ của vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản".

"Trớ trêu thay! Trớ trêu thay!". "Quang Toản lại là con trai của Nguyễn Huệ, thưa Hoàng thượng".

"Thôi, thôi! Ý ta đã quyết, các ngươi chớ bàn!".

Đám quần thần biết không thể thay đổi được ý vua, liền cáo lui. Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành lắc đầu bảo nhau: Anh hùng khó qua ải mỹ nhân. Khó thay, thật khó thay!

Vua Gia Long nghe thấy, nhưng, cố ý tảng lờ.

Để người đẹp vui lòng, cố quên đi thân phận của mình, Vua Gia Long xây cho nàng một bể tắm bằng vàng, lò hương trầm mạn ngọc. Nước nàng tắm được pha bằng tinh dầu hoa hồng và sữa dê núi.

Một lần, sau khi tự tay bế nàng đặt lên Long sàng, vua Gia Long ngồi nhìn nàng trong trong tư thế thoát y và bảo: "Ta vừa nằm mơ thấy một nàng tiên từ trên trời bay xuống ghé tai ta: “Này, Gia Long! Ta giao em gái ta cho nhà ngươi đấy. Em gái ta vốn là một nàng tiên, vì có chút nghịch ngợm bị đày xuống hạ giới. Người phải chăm sóc em ta cẩn thận, nếu không, đừng trách ta không báo trước".

Ngọc Bình có ý cả sợ nói: "Thiếp tuy là con vua, nhưng phận mỏng, gặp buổi binh đao khói lửa, nước mất, nhà tan, dâu bể khó lường. Phận thiếp như chiếc lá đã lìa cành, gặp cơn xoáy lũ. May được Hoàng thượng để mắt tới, nhặt lên. Thiếp đội ơn mưa móc của Hoàng thượng, sao còn dám ví với tiên nữ ở trên trời được?".

Vua Gia Long cảm động, ôm lấy nàng: "Nước không mất, không mất! Nhà tan lại có nhà mới! Nàng hãy vì ta mà sống yên vui!".

Có được người đẹp, những đêm gối ấp, tay kề, Vua Gia Long trong cơn cuồng say, ngỡ thân thể mình cũng tan ra trong cơn khoái cảm không bờ. Chợt giật mình, nhớ tới Tống Thị Lan, người vợ cùng kết tóc xe tơ. Ngày gặp nhau, mỗi người mang nửa dạt vàng ghép lại. Biết chồng có người đẹp, nàng vẫn dịu dàng, rộng lượng khiến Vua Gia Long vô cùng cảm phục. Năm 1806, vào một ngày trời đất giao hòa, vua Gia Long tấn phong bà làm Hoàng hậu.

Hoàng hậu Tống Thị Lan hạ sinh được hai hoàng tử. Hoàng tử cả Nguyễn Phúc Chiêu mất sớm. Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh sau khi từ Pháp về được phong làm Đông cung Thái tử. Mùa hè năm Tân Dậu 1801, khi Nguyễn Ánh chiếm được kinh đô Phú Xuân và có được người đẹp Ngọc Bình, đang ngây ngất trong chiến thắng và những khoái cảm tột cùng, Ánh nằm mơ thấy thanh gươm của mình phát sáng, đầu mũi gươm đầm đìa máu tươi. Máu chảy thành dòng, ngập cả kinh thành Phú Xuân.

Nguyễn Ánh sợ hãi kêu: "Này trời cao, máu lửa, binh đao, đâu phải chỉ thời ta? Thời nào mảnh đất này chẳng binh đao máu lửa? Bậc Đế vương dùng binh đao để giành ngôi báu, khi đã có ngôi báu, ắt phải dùng binh đao để giữ. Nào phải mình ta đâu?!".

Trời cao một màu tro bụi. Sấm rền như tiếng gươm khua. Rồi tiếng cười rầm rĩ nghe rợn tóc gáy. Tiếng cười ấy đeo đuổi Ánh suốt bấy nhiêu năm. Trên đời này, Ánh ghét nhất và sợ nhất là tiếng cười ấy. Huệ đã mất rồi, giặc cỏ Tây Sơn tan rồi, sao hắn còn dám cười ta?!

Nguyễn Ánh bàng hoàng tỉnh dậy, vẫn còn văng vẳng bên tai: "Này, ngươi gọi ta là giặc cỏ. Vậy ta nên gọi người là gì? Thịnh suy, được mất, hợp tan, sướng khổ, lâu hay mau, đều thuộc lẽ trời. Mỗi hạt đất, mỗi lọn khí, nơi ta và người đã lớn lên chẳng phải đều là thịt xương của hàng triệu triệu sinh linh đó sao? Ngươi có được thứ này, ngươi sẽ mất đi thứ khác!".

Đêm ấy, sấm chớp xé rách nền trời. Mưa như trút nước xuống kinh thành Phú Xuân. Cũng đêm ấy, Đông cung Thái tử Cảnh không hiểu sao đột ngột lìa đời.

Mùa hạ năm Canh Ngọ 1810, Vua Gia Long xa giá qua miền Trúc Lâm, chợt nghe văng vẳng bọn trẻ đang thả diều bên sông hát:

“Số đâu có số lạ lùng

Con vua mà lấy hai chồng làm vua”.

Nhà vua giật mình, hỏi đám cận thần: "Ai hát cái chi đó?". "Muôn tâu! Bọn trẻ hát đồng dao ngoài đồng".

Câu hát rõ mồn một cứ văng vẳng bên tai, khiến vua Gia Long vô cùng tức giận. Phải, phải! Nàng là con vua Lê Hiển Tông, sao nàng lại là vợ của một kẻ đớn hèn như Nguyễn Quang Toản? Cảnh hành hình Quang Toản hiện ra trước mắt Gia Long. Một ông vua ngồi trong cũi khóc lóc. Không, không! Hắn không phải là vua! Hắn không thể là vua! Không thể đặt cạnh ta! Lấy hai vua? Không, không, không!

Xa giá nhà vua lao như gió, trở về cung. Vua Gia Long rút thanh gươm báu, chém tới tấp vào bức màn gấm có thêu hình cánh phượng, hét lên như sấm: "Hắn không phải là vua! Không! Không! Không! Không phải hai vua!".

Nàng Ngọc Bình đang ngâm mình trong làn nước ấm, lấp lánh ánh vàng, nghe tiếng thét liền vỡ tim mà chết.

Nàng ra đi đã kịp để lại cho nhà vua hai vị hoàng tử là Quảng uy Công Nguyễn Phúc Quân, Thường tín Công Nguyễn Phúc Cự và hai công chúa: An Nghĩa Ngọc Ngôn, Mỹ Khê Ngọc Khuê. Năm đó, Đức Phi Ngọc Bình mới 25 tuổi.

Ôm thi thể người đẹp trong hai cánh tay rồng, Vua Gia Long đau đớn kêu lên:

"Mỹ nhân tự cổ như danh tướng

Bất hứa nhân gian, kiến bạch đầu".

Người đẹp nàng ơi! Nàng còn hơn danh tướng. Nàng thà chết chứ quyết không để người đời nhìn thấy mái đầu bạc.

Suốt một tuần, người dân Kinh thành Phú Xuân ai cũng bảo: Thật lạ! Thật lạ! Ở đâu cũng sực nức mùi hương trầm.

Đồn rằng, lò hương trầm mạn ngọc của Đức Phi Ngọc Bình đột nhiên bốc cháy, không sao dập tắt được.

Dương Kỳ Anh

To Top