Truyền thống hiếu học - bản sắc văn hóa Hà Tĩnh

Không chỉ 190 năm, truyền thống hiếu học đã được các thế hệ người Hà Tĩnh thắp sáng, trao truyền, gìn giữ suốt chiều dài văn hiến của dân tộc, tạo nên bản sắc văn hóa riêng. Hà Tĩnh được mệnh danh 'đất học' cũng vì lẽ đó.

Từ những làng danh nhân, khoa bảng

Chưa có một thống kê nào về số lượng người Hà Tĩnh đỗ đạt và được lưu danh trong sử sách qua các triều đại nhưng theo đánh giá của các nhà nghiên cứu văn hóa, người Hà Tĩnh đỗ đạt trong các kỳ thi của nhà nước phong kiến rất nhiều. Chắt lọc tinh túy dòng sữa mát lành của quê hương, thừa hưởng tố chất thông minh, truyền thống ham học, kiên trì và chịu khó của gia đình, dòng họ, các danh nhân khoa bảng của Hà Tĩnh đã đóng góp to lớn vào nền văn hiến nước nhà.

Nhà thờ họ Bùi, họ Phan và họ Võ tại xã Tùng Ảnh (Đức Thọ) - nơi thờ tự tổ tông của nhiều bậc hiền tài của đất nước. Ảnh tư liệu của Giang Nam

Trải dài theo dãy núi Trường Sơn, Hoành Sơn, Hồng Lĩnh và các con sông: Ngàn Sâu, Ngàn Phố, sông La, sông Lam, nhiều vùng đất Hà Tĩnh đã trở thành địa linh. Ở đó có những gia đình, dòng họ kế tiếp nhau nuôi chí học hành, rèn giũa bản lĩnh, khai thông trí tuệ và đỗ đạt cao.

Nằm bên bờ sông Lam, dưới chân núi Hồng là dòng họ Nguyễn Tiên Điền (Nghi Xuân). Nhiều đời nối nhau, dòng họ “trâm anh thế phiệt” này đã tạo nên một vùng ánh sáng văn hóa với các tên tuổi nổi danh về văn chương khoa cử: Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Du, Nguyễn Khản…

Đại thi hào Nguyễn Du tuy không sinh ra ở quê hương Hà Tĩnh nhưng tố chất của gia đình đã truyền sang ông. Quê hương, gia đình, dòng họ đã nuôi dưỡng tài năng và phẩm chất của Đại thi hào, đặc biệt là trong những năm tháng sôi nổi của tuổi trẻ cũng như sau những năm gió bụi cuộc đời để ông có thể sáng tác Truyện Kiều bất hủ, trở thành danh nhân văn hóa thế giới.

Làng Tiên Điền, quê hương Đại Thi hào Nguyễn Du. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Làng Trường Lưu nằm bên con sông Phúc Giang (thuộc xã Kim Song Trường ngày nay), một con sông nhỏ gắn liền với lịch sử hình thành ngôi làng cổ hàng trăm năm. Nơi đây, dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu thế kỷ XVIII được sử sách lưu danh bởi một gia tộc 4 đời: Nguyễn Huy Tựu, Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ. Thời kỳ vàng son ấy, nhờ nỗ lực vì sự học nước nhà của dòng họ Nguyễn Huy, ở Trường Lưu đã có trường học lớn (“Trường Lưu học hiệu”) và thư viện lớn (“Phúc Giang thư viện”) với hàng ngàn bản sách gỗ.

Bên dòng sông Ngàn Phố hiền hòa, dòng họ Đinh Nho và Nguyễn Khắc ở Sơn Hòa (nay là xã An Hòa Thịnh, Hương Sơn) đã đóng góp cho nước nhà những tên tuổi không chỉ rạng ngời trong bờ cõi mà còn rạng danh ở nước ngoài, đó là Đinh Nho Công (đỗ Tiến sỹ năm 1670),

Đinh Nho Hoàn (đỗ Nhị giáp Tiến sỹ năm 1700), Đinh Nho Hào - GS Toán học; Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, GS Nguyễn Khắc Phi, nhà văn Nguyễn Khắc Phê…

Nhà thờ họ Nguyễn Khắc, xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn). Ảnh Giang Nam

Ở làng Thu Hoạch cũ, nay là xã Thạch Châu (Lộc Hà) có dòng họ Phan Huy nổi lên như một điểm sáng của vùng đất biển cửa. Phan Huy Ích đỗ Tiến sĩ (1775), làm quan dưới thời Lê Trịnh. Con trai của ông - Phan Huy Chú là nhà thơ, nhà thư tịch, nhà nghiên cứu phê bình văn học nổi tiếng với rất nhiều trước tác và từng được mệnh danh là nhà bác học. Kế tiếp truyền thống dòng họ, cố GS Phan Huy Lê - nhà sử học, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện sĩ Viện Hàn lâm Văn khắc - Mỹ Văn, Học viện Pháp quốc đã cống hiến không mệt mỏi cho sử học nước nhà và thế giới...

Những gia đình khoa bảng của nhiều thời kỳ ở các vùng quê Hà Tĩnh “trăm hoa đua nở” như gia đình nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đổng Chi ở xã Ích Hậu (Lộc Hà). Cha ông là nhà nho yêu nước Nguyễn Hiệt Chi, chú là nhà yêu nước Nguyễn Hàng Chi.

Các con ông đều đi theo con đường nghiên cứu văn hóa. Gia đình PGS Lê Bá Hán quê xã Đức Bồng (Vũ Quang). Ngoài ông có học hàm PGS, 4 người con thì 1 GS, 3 PGS: GS Lê Thị Hoài An giảng dạy ở Trường Đại học Lô-ren-nơ (Pháp), 3 PGS đang công tác ở các trường đại học, cao đẳng trong nước. Gia đình GS Phùng Hồ quê ở Bùi Xá (Đức Thọ), bố là GS Vật lý, con là GS Phùng Hồ Hải - Viện trưởng Viện Toán, vị GS được phong trẻ tuổi nhất Việt Nam v.v…

Hành trình đi sứ Trung Hoa (tức Hoàng hoa sứ trình đồ) do Đình nguyên Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) - người con tài hoa của vùng đất Can Lộc - biên tập, hiệu đính và chú thích đã được UNESCO công nhận Di sản tư liệu ký ức thế giới

Ngoài làng Trường Lưu trứ danh, huyện Can Lộc còn rất nhiều làng học khác qua các thời kỳ như Trảo Nha (Đại Lộc, nay là thị trấn Nghèn), Nguyệt Ao (Kim Lộc), Thanh Lộc nên có thời kỳ người ta gọi là “bút Cấm Chỉ, sĩ Thiên Lộc”. Cẩm Xuyên có làng học Cẩm Bình, Cẩm Nhượng. Thạch Hà có làng học Phù Việt.

TP Hà Tĩnh có tổ dân phố 6, phường Tân Giang… Những dòng họ, gia đình, làng quê nhiều đời hiếu học và khoa bảng ở Hà Tĩnh không chỉ đóng góp to lớn cho đất nước mà còn hình thành nên tố chất con người Hà Tĩnh, kiến tạo nên bản sắc văn hóa Hà Tĩnh để trao truyền lại cho đời sau.

Đến thế hệ “bước tới đài vinh quang”

Trong kháng chiến chống Mỹ, phong trào “Hai tốt” được phát triển rầm rộ với tên tuổi của các làng học, trường học: Cẩm Bình, Trung Lễ, Liên Việt, Bùi Xá, Phan Đình Phùng… Cô giáo Nguyễn Thị Thảo trở thành Anh hùng lao động từ lớp học mẫu giáo ở làng Bùi Xá (nay thuộc xã Bùi La Nhân - Đức Thọ).

Khi đất nước thanh bình, khát vọng học tập càng thôi thúc những người con quê hương chăm lo đèn sách, chiếm lĩnh các đỉnh cao vinh quang. Trong 30 năm đổi mới, những trường học như: Cấp 2 Thạch Linh (Thạch Hà cũ); Tiểu học Kỳ Hưng, THCS Kỳ Tân (Kỳ Anh); THCS Phan Huy Chú, THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà); THPT Chuyên Hà Tĩnh, THCS Lê Văn Thiêm (TP Hà Tĩnh); THCS Chu Văn An (Hương Khê); Mầm non Xuân An (Nghi Xuân); THCS Nguyễn Tuấn Thiện (Hương Sơn); Mầm non Thiên Lộc (Can Lộc)... là những điển hình về giáo dục.

Giáo dục Hà Tĩnh với những đổi mới quan trọng đã viết tiếp truyền thống cha ông bằng những thành tích đáng tự hào. (Trong ảnh: Một giờ dạy ứng dụng công nghệ thông tin của cô Nguyễn Thị Bích Thúy - Trường Tiểu học Thị trấn Thạch Hà, tháng 11/2020).

Một thế hệ mới của con em Hà Tĩnh đã làm rạng danh truyền thống đất học Hồng Lam: Trịnh Kim Chi, HCV Olympic Toán châu Á - Thái Bình Dương, Phan Mạnh Tân giành vòng nguyệt quế đường lên đỉnh Olympia, Lê Nam Trường - HCB Toán quốc tế; Võ Anh Đức, Phan Nhật Duy - HCV Toán quốc tế… Số học sinh đạt học sinh giỏi quốc gia, thủ khoa các kỳ thi đại học, đậu vào các trường đại học danh tiếng của thế giới trong vòng 30 năm lại nay không thể tính hết, trong đó có những em là con nhà nghèo. Họ đã bước tới “đài vinh quang” để sánh vai cùng năm châu như Bác Hồ hằng mong mỏi.

Ông Thái Sơn - Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội KHKT Hà Tĩnh cho biết: Theo số liệu khảo sát từ năm 1945 đến nay, có gần 750 GS, PGS người Hà Tĩnh được phong với nhiều nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia hàng đầu trên các lĩnh vực. Trong 10 năm từ 2011 đến nay, có khoảng 250 người Hà Tĩnh được phong GS, PGS, trong đó có 45 GS (chiếm tỷ lệ gần 1/10 cả nước). Đặc biệt, Hà Tĩnh là địa phương có 2 nhà khoa học (SN 1970) được đặc cách phong tặng danh hiệu GS là Phùng Hồ Hải và Trần Đinh Hòa.

Cội rễ bền sâu của sự học, nói cách khác là “nội lực” nằm ở động cơ đúng đắn của người học: học để chiếm lĩnh và làm chủ tri thức, học để thành nhân, thành danh, để lý trí soi sáng trong mọi hành động, học để giành bảng vàng và chứng tỏ năng lực của bản thân. Cao hơn tất cả là để đóng góp trí tuệ cho sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy, nhiều GS, tiến sĩ mặc dầu đã đi ra nước ngoài vẫn luôn tích cực đóng góp cho quê hương, đất nước.

10 học sinh Hà Tĩnh (trong số 114 học sinh giỏi toàn quốc) được Bộ GD&ĐT quyết định được miễn thi tốt nghiệp THPT và được xét tuyển thẳng vào các trường đại học, cao đẳng năm 2021.

“Ngoại lực” để các nhà khoa bảng ở Hà Tĩnh phấn đấu không mệt mỏi cho con đường khoa cử chính là sự động viên của gia đình, dòng họ, sự cổ vũ của toàn xã hội và sự giáo dục rèn luyện của nhà trường, thầy cô giáo. Nhiều ông bố bà mẹ dãi dầu mưa nắng, “thắt lưng buộc bụng” nuôi con thành “ông nghè, ông trạng”.

Nhiều dòng họ, làng quê đón người đỗ đạt về vinh quy bái tổ như ngày hội. Nhiều bậc thầy ngày đêm tìm phương pháp truyền chữ cho trò với ước nguyện duy nhất là để trò thành danh. Ngày nay, với phương châm xã hội hóa giáo dục, những học sinh nhà nghèo đỗ đạt cao đã được các doanh nghiệp đỡ đầu nuôi ăn học đến khi ra trường.

Phương châm sống, phương cách ứng xử với sự học và việc học đã trở thành căn cốt, bản chất của người Hà Tĩnh. Qua sự tích tụ thời gian, điều đó trở thành bản sắc của người Hà Tĩnh. Đất học Hà Tĩnh cũng nổi danh trong cả nước là vì vậy.

Bùi Minh Huệ

To Top