Tủ sách gia đình: Món quà vô giá dành cho trẻ

'Nhiều gia đình có tủ rượu, phòng karaoke nhưng lại không có giá sách', đó là nỗi trăn trở của Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM Lê Hoàng, người đã tâm huyết với công tác khuyến đọc nhiều năm nay.

Sách là “món ăn tinh thần” không thể thiếu đối với trẻ em

Trong khuôn khổ Ngày Sách Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam đã phối hợp cùng Đường sách TP đã tổ chức tọa đàm “Tủ sách dành cho con trong gia đình - tại sao không?”, qua đó giúp các bậc phụ huynh nhận thức được giá trị, tầm quan trọng của tủ sách trong mỗi gia đình. Tại buổi tọa đàm, Giám đốc Trung tâm Phát triển Văn hóa đọc và kỹ năng sống Hướng Dương Việt, PGS.TS Hoàng Thị Tuyết đã đặt câu hỏi: “Theo quý vị, đâu là món quà giá trị nhất mà quý vị tặng cho con?”. Nhiều người cho rằng phải cho con học này, học kia, chọn trường tốt, giáo viên giỏi v.v... thế nhưng bà Tuyết khẳng định, món quà quý giá nhất mà cha mẹ nên mang đến cho con, đó là niềm đam mê đọc sách.

Những lợi ích từ việc tiếp cận sách sớm vào lúc đầu đời mang lại cho trẻ nhiều cơ hội, đó là: Nâng cao khả năng tập trung, khả năng ghi nhớ, tư duy phân tích phản biện, trí tưởng tượng, khả năng hiểu thế giới, mở rộng năng lực ngôn ngữ… Một thống kê cho thấy có tới 78% trẻ em Việt Nam dưới 6 tuổi được dùng điện thoại thông minh. Dựa vào số sách làm ra bình quân trên đầu người hằng năm (trong đó phần lớn là sách giáo dục), ước tính số trẻ em dưới 6 tuổi thường xuyên tiếp cận sách là khá thấp. “Nếu tạo cho trẻ thói quen đọc sách trước 3 tuổi, chúng ta có thể thắng được sức cám dỗ của Internet”, PGS.TS Hoàng Thị Tuyết nhấn mạnh.

Muốn trẻ đọc sách không phải là chuyện ngày một ngày hai mà cần phải có thời gian để “mưa dầm thấm lâu” và thói quen đọc sách của trẻ sẽ được hình thành từ chính hành động của cha mẹ. PGS.TS Hoàng Thị Tuyết dẫn lại một nội dung nghiên cứu của Đại học Yale (Hoa Kỳ) cho rằng, các yếu tố như sự tự chủ, thói quen đọc và sự tự tin phải được trang bị cho trẻ trước 9 tuổi. Muốn trẻ hình thành thói quen đọc sách, trước tiên cần phải có sách trong nhà.

Đứng dưới góc độ của một phụ huynh với nhiều kinh nghiệm, phóng viên Trần Thị Mỹ Dung (báo Nhân Dân tại TP.HCM) chia sẻ: “Suốt 4 năm nay, mỗi ngày mình dành ít nhất 1 tiếng để đọc sách cùng con. Biết bé thích Ông già Noel, mình mua rất nhiều sách về chủ đề này, làm mọi cách miễn là con chịu cầm sách. Sau khoảng nửa năm, bé bắt đầu quen dần, lúc đầu bé chỉ xem hình thôi vì chưa biết chữ, mình là người đọc sách cho con nghe. Với mình, việc đọc sách cho con cũng như một nghệ thuật vậy, có nhập vai, đổi giọng theo các nhân vật để thu hút và gợi cho con nhớ… từ đó giúp con thích thú hơn với sách”.

Nếu như nhiều phụ huynh còn băn khoăn về đầu sách phù hợp cho con trẻ thì bà Nguyễn Thị Kim Nhung, nguyên chuyên viên Thư viện Phòng GD&ĐT quận 11 cũng đưa ra gợi ý: “Từ hàng ngàn đầu sách, tôi và 50 giáo viên tiểu học đã chọn lọc ra khoảng 500 cuốn phù hợp với từng chủ đề, từng môn học cho học sinh. Danh mục này cũng có thể giúp cha mẹ xây dựng tủ sách gia đình để có thể đọc sách cùng con tại nhà, giúp con tìm đọc những cuốn sách hay phù hợp lứa tuổi, bài học, môn học; để hiểu và tham gia các hoạt động đọc sách cùng con tại trường”.

Thông qua sách, những người làm cha, làm mẹ sẽ dạy dỗ con hoàn thiện nhân cách, tri thức và tâm hồn. Và để phát triển văn hóa đọc cho trẻ, bên cạnh các đầu sách giáo khoa quen thuộc, các cuốn sách bé được tiếp cận tại trường học… thì gia đình chính là trụ cột, là nơi ươm mầm giúp con trẻ hình thành thói quen đọc sách, để rồi dần dà sách trở thành một “món ăn” không thể thiếu đối với các em.

BÁ TRƯỜNG

To Top