Văn đàn tiếc nuối 'vua truyện ngắn' Nguyễn Huy Thiệp

Sự ra đi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã khiến độc giả và giới văn chương tiếc thương. Văn đàn đã trống nay càng thêm trống.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: T.L

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhớ lần trò chuyện cuối cùng với Nguyễn Huy Thiệp trước khi ông bị tai biến. Khi đó, ông mang nhuận bút của một tờ báo gửi cho nhà văn tại nhà riêng của ông trong một con ngõ nhỏ ở Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội. "Ngôi nhà của ông cũng phong phanh, chân chất, giản dị như chủ nhân của nó", nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho biết. Trong cuộc trò chuyện này, "vua truyện ngắn" chia sẻ với nhà thơ Nguyễn Việt Chiến rằng, ông vẫn còn một cuốn tiểu thuyết chưa xuất bản, có tên gọi "Bên rìa nước". Đây là cuốn tiểu thuyết võ hiệp, được ông viết trong 10 năm, gồm 16 chương với những chuyện hiệp nghĩa, khôi hài và hoang đường chép bên rìa nước kinh thành. Nguyễn Huy Thiệp nói, đây là một tác phẩm kén độc giả, ông chủ trương in cũng được, không in cũng được...

Điều đặc biệt, trong bản thảo tiểu thuyết võ hiệp "Bên rìa nước" mà nhà thơ Nguyễn Việt Chiến được xem qua, có nhiều đoạn viết như thơ. Theo Nguyễn Huy Thiệp, đó là thơ kệ, là tổng hợp của nhiều loại thơ cổ của Việt Nam. Tác giả "Tướng về hưu" cũng giới thiệu với Nguyễn Việt Chiến những chiếc bình và đĩa gốm sứ do chính tay ông làm, tự vẽ tranh và đề thơ lên đó. "Vì tình yêu hội họa và say mê thơ, Nguyễn Huy Thiệp đã bỏ công sức, tiền của ra làm tới vài trăm đĩa gốm sứ, trên đó có tranh do ông vẽ và có thơ của các nhà thơ nổi tiếng xưa nay. Ngoài ra, ông còn vẽ tranh và đề thơ trên nhiều loại bình gốm sứ bày trong nhà. Đặc biệt, có khá nhiều chân dung tự họa của Nguyễn Huy Thiệp vẽ trên gốm và tất cả các bìa sách của ông được nước ngoài in, ông đều vẽ lại trên đĩa sứ", nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho biết.

Từ trái qua phải: họa sĩ Kim Duẩn, nhà văn Nguyễn Việt Hà, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn Trương Quý và con trai nhà văn (Ảnh chụp Tết 2015); Nguyễn Huy Thiệp ngoài tài văn còn rất ham vẽ trên đĩa gốm tặng bạn bè; Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khi ra mắt "Tuổi 20 yêu dấu" năm 2018.

Nhà văn Tạ Duy Anh chia sẻ về Nguyễn Huy Thiệp: "Khi ông nổi danh như cồn thì tôi đang nằm chết dí ở thị xã Lào Cai, ăn mắm tôm khô đến thối cả ruột. Tôi biết ông qua truyện ngắn "Muối của rừng", đọc ngay trên chốt canh địch. Tờ báo Văn nghệ đã bị tôi làm cho nhàu nát, chỉ vì truyện của ông. Thực sự tôi đã bị sốc, bởi lần đầu tiên được đọc một thứ văn đẹp và sâu sắc như vậy do người Việt viết. Một hôm, sau khi truyện ngắn "Bước qua lời nguyền" của tôi in trên báo Văn nghệ, tôi thật sự hoảng hốt khi nghe mọi người (gồm cả thầy Hoàng Ngọc Hiến) bảo rằng Nguyễn Huy Thiệp đến ký túc xá thăm tôi nhưng đúng lúc tôi đi vắng nên không gặp. Tôi sẽ còn nuối tiếc về chuyện này. Điều không bao giờ tôi dám mơ đã thành hiện thực. Thế mà tôi lại để tuột mất! Mấy hôm sau, tôi rủ chị Dư Thị Hoàn xuống thăm nhà ông. Ông đi vắng. Chị Hoàn gửi lại mấy dòng thư cho Nguyễn Huy Thiệp. Tôi bèn ké chị viết lời cảm ơn ông ở một góc nhỏ, rồi ký tên, khi ký tay tôi run bắn. Nhưng cho đến giờ, đó hóa ra là lần cuối cùng chúng tôi chủ động đến thăm nhau và đều thăm hụt. Cho đến lúc ông từ giã cõi trần, tôi chỉ gặp ông khoảng 5-6 lần và hầu hết đều thoáng qua. Lần gặp "oan gia" nhất là khi tôi biên tập lần đầu (bởi còn có thêm lần biên tập thứ hai) tiểu thuyết "Tuổi 20 yêu dấu" của ông.

Lần ấn tượng nhất là chúng tôi gặp nhau trong đám cưới của Vũ Hoàng Giang (nếu tôi nhớ không lầm). Ông chủ động đến hỏi xin số điện thoại của tôi và cười thật hiền: "Tôi sắp cưới vợ cho thằng con trai, tôi sẽ nhắn mời ông và thông báo ngày giờ, ông đến nhé". Lần cuối cùng tôi và ông gật đầu chào nhau là trong triển lãm tranh của Đào Hải Phong. Đó là lần duy nhất tôi nắm tay ông và từ phía sau. Khi Ban soạn thảo sách giáo khoa nhờ tôi tiến cử một số tác phẩm đưa vào dạy trong nhà trường, đến phần Nguyễn Huy Thiệp, tôi ghi ngay truyện ngắn "Muối của rừng". Sau đó tôi được thông báo là Ban soạn thảo quyết định chọn truyện "Tướng về hưu". Tôi không có ý kiến gì. Nhưng rồi cuối cùng hình như họ lại chọn "Muối của rừng". Nghe tin ông lâm trọng bệnh đã lâu nhưng khi ông mất, vẫn không thể tin được. Văn đàn đã trống, nay càng thêm trống. Thôi đành xin cúi đầu vĩnh biệt ông, một đàn anh lớn, rất lớn".

Với nhiều cây bút trẻ, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thực sự là một thần tượng, có ảnh hưởng sâu sắc đến văn chương của mình. Nhà văn Dương Bình Nguyên cho rằng, Nguyễn Huy Thiệp là "người viết có ảnh hưởng lớn tới thế hệ cầm bút sau này. Tôi rất thích phong cách truyện ngắn của ông và ít nhiều chịu ảnh hưởng vào những ngày đầu viết truyện ngắn. Sau ông, vẫn có nhiều văn tài nhưng chưa có ai để lại những thăng hoa như vậy...". Nhà văn Nguyễn Bích Lan bày tỏ: "Tôi biết ông lần đầu qua "Tướng về hưu". Tạm biệt ông, một nhà văn có bút lực đủ mạnh và chất văn chương đủ giàu để mang đến cho độc giả những tác phẩm đáng đọc. Sống một đời cầm bút như ông cũng bõ!".

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950, quê gốc Hà Nội. Hơn 50 năm cầm bút, ông có 50 truyện ngắn, 10 vở kịch, 4 tiểu thuyết cùng nhiều tiểu luận, phê bình văn học gây chú ý, được xem là hiện tượng hiếm của văn đàn trong nước và được gọi là "vua truyện ngắn". Ông từng nhận huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino (Italy, 2008). Một số tác phẩm nổi bật của ông gồm truyện ngắn "Tướng về hưu" (chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên năm 1988), "Những ngọn gió Hua Tát" (tập truyện ngắn và kịch, 1989), "Tiểu Long Nữ" (tiểu thuyết, 1996), "Tuổi 20 yêu dấu" (tiểu thuyết, xuất bản ở Pháp năm 2002)... Nguyễn Huy Thiệp là 1 trong 50 tác giả có các tác phẩm, cụm tác phẩm xuất sắc được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật năm 2021. Ông qua đời vào chiều 20/3/2021 tại Hà Nội, thọ 71 tuổi.

Hà An

To Top