TS. Trần Hữu Sơn
VĂN HÓA DÂN GIAN ỨNG DỤNG- KỲ 14
VĂN HÓA ỨNG XỬ CỦA NGƯỜI DAO ĐỎ VỚI MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN PHẢN ÁNH TRONG KHAI KHẨN RUỘNG BẬC THANG Ở SA PA
Tháng 6 năm 2009, tạp chí du lịch Mỹ đã bình chọn ruộng bậc thang ở Sa Pa là một trong 7 ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới. Chủ nhân của các thửa ruộng bậc thang này là người Dao, người Hmông, người Giáy. Mỗi một tộc người có kiểu khai thác ruộng bậc thang khác nhu, phản ánh ứng xử khác nhu với môi trường. Ruộng bậc thang ở Sa Pa là kiểu ứng xử với môi trường có địa hình dốc và chia cắt lớn của người Dao. Thông qua hệ thống khai khẩn ruộng bậc thang, chuyên đề sẽ đi sâu nghiên cứu các tiểu hệ thống như ứng xử với địa hình, ứng xử với nguồn nước, ứng xử với đất và rừng, ứng xử với môi trường văn hóa xã hội (các thiết chế xã hội với ruộng bậc thang, các tín ngưỡng, lễ nghi…). Từ nghiên cứu các kiểu ứng xử như vậy, muốn tìm thấy bản sắc văn hóa Dao thấp thoáng trên từng thửa ruộng bậc thang ở Sa Pa.
1. Nghiên cứu về ruộng bậc thang của người Dao đã có một số tác giả người Việt Nam và Trung Quốc đề cập trong các công trình nghiên cứu. Trong tác phẩm “Người Dao ở Việt Nam” (1971), các tác giả Bế Viết Đẳng, Nguyễn Khắc Trung, Nông Trung, Nguyễn Nam Tiến đã giới thiệu sơ lược về canh tác ruộng bậc thang của người Dao mới xuất hiện vào thập kỷ 60 thế kỷ 20. Năm 1999 công trình “Văn hóa truyền thống của người Dao ở Hà Giang” do Phạm Quang Hoan, Hùng Đình Quý (Chủ biên) được xuất bản. Đây là công trình đầu tiên giới thiệu sơ lược về quá trình canh tác ruộng bậc thang của người Dao Đỏ và Dao Áo dài. Tháng 6 năm 2011, Nguyễn Trường Giang đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài “Quá trình khai thác và canh tác ruộng bậc thang của các tộc người Hmông, Dao ở huyện Sa Pa tỉnh Lào Cai”. Luận án gồm 6 chương phân tích quá trình khai khẩn, canh tác và các giá trị của ruộng bậc thang của người Hmông, người Dao. Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu công phu về ruộng bậc thang nhưng các tác giả chưa phân tích đặc điểm ứng xử của người Dao với môi trường tự nhiên và văn hóa xã hội. Ở Trung Quốc, các công trình nghiên cứu về người Dao như “Lịch sử văn hóa dân tộc Dao” của Từ Tổ Tường (2001), “Văn hóa và lịch sử Dao Đỏ” của Túc Vệ Hồng (2008), “Điều tra lịch sử xã hội của người Dao ở Quảng Tây” của tập thể các nhà nghiên cứu Dao học Quảng Tây (2009)…chỉ giới thiệu sơ lược về ruộng bậc thang ở các đề mục về kinh tế người Dao. Nhưng ruộng bậc thang người Dao được các tác giả chú ý dưới góc độ sản phẩm du lịch. Từ nghiên cứu ruộng bậc thang là tài nguyên du lịch, đến việc quy hoạch xây dựng các khu ruộng bậc thang thành điểm du lịch cộng đồng (Ngô Trung Quân – 2007, Tôn Cửu Hà – 2009).
Như vậy ruộng bậc thang của người Dao mới được nghiên cứu sơ lược, hoặc nghiên cứu dưới góc độ tri thức bản địa. Còn văn hóa ứng xử với môi trường của người Dao mới đề cập sơ lược ở một số công trình (Đào Đình Bắc – 2001, Nguyễn Trường Giang – 2010). Văn hóa ứng xử của người Dao với môi trường phản ánh đậm nét qua khai khẩn ruộng bậc thang vẫn là khoảng trống, chưa được các nhà khoa học đề cập. Trong bài viết này chúng tôi chọn vùng người Dao Đỏ cư trú ở các xã Bản Khoang, Tả Phìn và Trung Chải làm điểm nghiên cứu. Chúng tôi áp dụng phương pháp quan sát tham dự, phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm với các chủ hộ khai khẩn ruộng bậc thang để sưu tầm tư liệu. Đặc biệt, chúng tôi chọn điểm ruộng bậc thang kỳ vĩ nhất cao 121 bậc của dòng họ ông Lù Quẩy Vàng thôn Vù Lùng Sung xã Trung Chải làm điểm nghiên cứu.
2. Văn hóa ứng xử với môi trường là mối quan hệ giữa con người với môi trường. Trước khi tìm hiểu mối quan hệ này của người Dao thể hiện ở việc khai khẩn ruộng bậc thang cần hiểu rõ về khái niệm văn hóa ứng xử là gì? Môi trường là gì?
Văn hóa ứng xử được Trần Ngọc Thêm (1999), Nguyễn Viết Chức (2002) và Nguyễn Thanh Tuấn (2008) đưa ra những khái niệm tương đối thống nhất . Các tác giả cho rằng văn hóa ứng xử là cách thức quan hệ, thái độ và hành động của con người đối với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và bản thân con người nhằm tận dụng, ứng phó.
Môi trường là toàn bộ các điều kiện và hiện tượng, yếu tố bên ngoài, bao quanh, ảnh hưởng đến con người. “Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo có quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên.
Trong môi trường, các nhà khoa học phân ra các loại hình môi trường khác nhau. Môi trường tự nhiên bao gồm các yếu tố tự nhiên tồn tại khách quan ngoài ý muốn con người như đất, nước, địa hình, khí hậu…Môi trường văn hóa xã hội là tổng thể các mối quan hệ giữa người và người tạo nên thuận lợi hoặc khó khăn cho sự tồn tại, phát triển của các cá nhân và cộng đồng con người. Trong môi trường này con người không chỉ thích ứng mà còn làm biến đổi cả môi trường tự nhiên[1]
Như vậy văn hóa ứng xử của người Dao Đỏ Sa Pa với môi trường (phản ánh qua việc khai khẩn ruộng bậc thang) là toàn bộ ứng xử của người Dao với các yếu tố tự nhiên tồn tại khách quan như địa hình núi dốc, khí hậu, nước, đất…Ứng xử với các yếu tố xã hội như các thiết chế xã hội (gia đình, dòng họ, làng…). Các yếu tố tự nhiên này là môi trường tự nhiên.
3. Địa hình Sa Pa ảnh hưởng đến việc khai khẩn ruộng bậc thang có nhiều kiểu địa hình khác nhau. Chúng tôi chọn vùng Bản Khoang, Tả Phìn, Trung Chải – khu vực có nhiều ruộng bậc thang nhất của huyện Sa Pa để nghiên cứu. Khu vực này có độ cao trung bình từ 1.300 mét đến 1.700 mét, phần lớn lãnh thổ nằm trên nền khối núi trung bình.
Khu vực Bản Khoang – Tả Phìn do phần lớn lãnh thổ nằm trên khối núi trung bình granit, một phần cấu tạo bởi đá phylit với tập hợp các dạng sườn ưu thế quá trình bóc mòn xâm thực và bóc mòn rửa trôi, xen với bề mặt tích tụ đa nguồn gốc trên suối Nậm Pung. Địa hình có độ dốc phổ biến > 25°, phía Tây địa hình trên phylit ít dốc hơn (15 - 20°), mật độ chia cắt ngang cao (1,5 – 2,0 km/km2), chia cắt sâu (100 – 200). Nơi đây chịu sự thống trị của kiểu khí hậu á nhiệt đới mát ẩm đai núi trung bình, một năm có 5 – 7 tháng lạnh, 3 – 4 tháng khô, mùa mưa từ tháng 3 – 11, cực đại vào tháng 7. hệ quả dẫn tới hệ thống thủy văn tương đối dày đặc, sông hồ nhỏ, tiềm năng xâm thực sâu yếu, khả năng bồi tụ cao tạo ra các cảnh quan tích tụ aluvi có diện tích lớn nhất huyện là Nậm Pung và Phìn Hồ, ngòi Đum và suối Móng Sến hầu hết chạy đứt gãy kiến tạo hướng đông bắc – tây nam. Đất mùn feralit có độ phì từ thấp đến trung bình, cơ giới nhẹ chỉ thích hợp cho phát triển cây trồng lâm nghiệp, cây lương thực ngắn ngày. Ở đây, rừng tự nhiên kín đã được thay thế bằng các thửa ruộng bậc thang trồng lúa nước trên đất phù sa suối Nậm Pung và Phìn Hồ lớn nhất toàn huyện (276 ha năm 2003). Tiểu vùng Tả Chải là lưu vực của các suối Pờ Sì Ngài, Móng Sến, Vù Lùng Sung đổ về ngòi Đum.
Như vậy, đặc điểm nổi bật của môi trường cư trú của người Dao đỏ ở Sa Pa là địa hình dốc có độ cao từ 1.300 mét đến 1.700 mét, độ chia cắt lớn. Mùa lạnh kéo dài từ 5 đến 7 tháng. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10.
4. Từ đặc điểm môi trường như vậy, người Dao đã sáng tạo ra loại hình canh tác trên đất dốc mới – canh tác ruộng bậc thang. Ruộng bậc thang là sự thích ứng của người Dao với điều kiện môi trường tự nhiên núi cao, độ chia cắt lớn. Tri thức địa phương của người Dao phản ánh đậm nét ở việc khai khẩn ruộng bậc thang.
4.1 Chọn địa điểm khai khẩn ruộng bậc thang là vấn đề quan trọng hàng đầu. Một mảnh nương, một vạt đồi muốn khai phá ruộng bậc thang phải có hai điều kiện như có nguồn nước dẫn vào ruộng và địa hình tương đối bằng để làm các thửa ruộng bậc thang. Người Dao có kinh nghiệm chọn địa điểm khai thác ruộng bậc thang ngay từ khi chọn đất làm nương. Đất được chọn tốt nhất là loại đất có màu đen, tơi xốp. Tiếng Dao gọi là “lìn đâu loỏng”. Chọn được đất nương người Dao không khai khẩn ruộng bậc thang ngay mà tiến hành làm nương tra lúa hoặc trồng ngô khoảng 3 đến 4 vụ. Khi đất đã tơi xốp nhiều mới chuyển sang làm ruộng bậc thang. Nhưng muốn khai khẩn nương thành ruộng bậc thang cần phải tìm được nguồn nước có khả năng dẫn nước về ruộng. Kinh nghiệm của người Dao muốn tìm được nguồn nước phải tìm khe núi – nơi hai vạt núi giao nhau tạo thành khe, rãnh. Theo ông Tần Vần Siệu người khai khẩn ruộng bậc thang giỏi của thôn Tà Chải xã Tả Phìn, huyện Sa Pa thì ở khe núi nào có nhiều tảng đá to có màu đen, rừng rậm thì nơi đó có nhiều nguồn nước. Mặc dù người Dao lập làng, chọn vùng gần suối làm nhà nhưng người Dao không bao giờ làm ruộng bậc thang ngay ven bờ suối. Người Dao có câu tục ngữ nói về kinh nghiệm chọn đất làm ruộng bậc thang:
“Wuôm hên soang dâu dẩm khoi lình”
Có nghĩa: “Nước lũ, bờ suối chớ khai ruộng”
Hoặc: “Trồng bông núi cao phòng gió thổi
Khai ruộng ven suối phòng lũ quét” [2]
Tuy khu đất khai ruộng bậc thang không nằm kề bên suối nhưng phải thấp hơn nguồn nước có điều kiện dẫn nước về. Thời gian khai khẩn ruộng bậc thang không thống nhất. Có nơi tiến hành khai khẩn ruộng vào thời điểm nông nhàn (sau khi gặt hái xong). Ông Tẩn Dào Châu ở thôn Tả Van xã Tả Van Sa Pa cho biết có thửa ruộng ông khai phá vào tháng hai, có năm lại khai phá vào tháng một chạp. Nhưng theo các chủ khai ruộng ở xã Trung Chải và xã Tả Phìn huyện Sa Pa thì thời điểm khai phá ruộng bậc thang thuận lợi nhất là khi có mưa, đất ẩm, mềm, dễ vỡ đất lại tiện cho việc be bờ.
Khi chọn được địa điểm khai ruộng thuận lợi, người Dao ước tính khu đó làm được bao nhiêu thửa ruộng (đồng bào cắm cọc để ước tính cả khoảng rộng của ruộng, đồng thời làm cột tiêu đắp bờ ruộng). Sau khi cắm cọc tiêu, người Dao đắp bờ và dọn sạch đám nương chọn làm ruộng. Người Dao dùng dao phát cán dài (dụ ngau)[3] phát cỏ, chặt cây dại. Sau khi phát cỏ, cây dại xong, người Dao dùng cuốc bướm (Poong), đào gốc cây nhỏ, vun cỏ. Trường hợp còn gốc cây to hoặc đá, người Dao dùng xà beng (lịa đẩu) đánh gốc, bẩy đá. Hoặc dùng cuốc chim (cáy cáu) đào bới cả dễ cây, đào đá. Nếu mảnh ruộng nào có nhiều đá nhỏ thì phụ nữ người Dao nhặt vào gùi đổ ra rìa ruộng. Trường hợp có đá to, người Dao dùng cuốc chim, xà beng bẩy đá. Người Dao lựa chọn từng viên một bẩy đi, không bẩy nhiều viên một lúc nhằm tránh sạt lở. Thậm chí, trên nương có hòn đá quá to vẫn giữ nguyên. Sau khi san mặt bằng, người Dao dùng hai máng tre đựng nước đầy đặt ở giữa ruộng để đo độ bằng phẳng của ruộng. Nếu mặt nước trong máng tre nghiêng bên nào, người Dao dùng bàn chang, cuốc, xẻng san gạt lại mặt ruộng cho bằng phẳng.
Bờ ruộng bậc thang đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ nước. Vì vậy, bờ ruộng bậc thang của người Dao tuy nhỏ (để tiết kiệm diện tích ruộng, chỉ cao gần gang tay, rộng hơn 1 gang tay) nhưng lại rất chắc chắn. Khi khai phá ruộng, người Dao có kinh nghiệm không vội đào đất để san bằng mặt ruộng ngay mà phải đắp bờ dưới của thửa ruộng cần san đắp. Trước hết, dựa vào mốc cột tiêu cắm trước, người Dao dùng cuốc đắp bờ. Họ vừa đắp vừa dùng chân giẫm để nèn chặt bờ. Người Dao cũng sắn các vuông cỏ đắp phía trên bờ. Đồng bào đắp chân bờ choãi rộng và hơi nghiêng phía trên (không đắp bờ thẳng dễ bị sạt lở). Đắp xong, người Dao còn lấy cây gỗ nhỏ đập đất, nèn chặt bờ. Ở Tả Phìn và Trung Chải, đề phòng bờ bị sạt, người Dao còn đào rãnh sâu từ 20 cm đến 30 cm để đắp đất cho chắc chắn. Đó là kiểu đào móng làm bờ. Như vậy là người Dao có kinh nghiệm cuốc đất ở bên trên, tạo đắp đắp bờ dưới. Lấy bờ dưới làm chuẩn (cùng với hệ thống cọc tiêu) để đắp tiếp các bờ khác. Người Dao lần lượt đắp đất tạo bờ ruộng từ trên xuống dưới. Trường hợp thửa ruộng bậc thang quá to hoặc quá rộng, người Dao sẽ đắp bờ ngăn đôi ruộng nhằm đảm bảo giữ đủ nước và giữ độ phì của đất. Sau khi làm bờ, người Dao mới tiến hành san ủi mặt bằng từng thửa ruộng bậc thang.
4.2 Ứng xử của người Dao với môi trường còn phản ánh đậm nét về tri thức dẫn nguồn nước, phân chia nguồn nước trong việc khai khẩn ruộng bậc thang.
Sau khi tìm được nguồn nước ở khu vực cao hơn ruộng bậc thang, người Dao làm mương dẫn nước về ruộng. Mương là các đường dẫn nước, tiếng Dao gọi là “wuôm chuổn”, thường có ba loại là mương chìm (mương đào), mương nổi (mương đắp) và mương nửa chìm nửa nổi (vừa đào vừa đắp). Có thể một hệ thống mương bao gồm cả ba dạng, bởi vì để dẫn nước vào ruộng thường phải đi qua các địa hình khác nhau. Người Dao thường đào mương bắt đầu từ các khe nước hoặc dòng chảy trên cao. Để bảo vệ cho mương vững chắc, nhất là những đoạn mương đắp nổi, người ta làm thêm những kè phụ bằng gỗ, tre, đá, đất…để đắp phụ ngoài những đoạn mương nổi, đắp chặn dòng chảy trong lòng mương để nước dâng lên vào ruộng hoặc chảy vào đoạn mương khác khi cần thiết. Khi đào mương dẫn nước có độ dài khoảng 100m phải mở một cửa xả nước để tránh lũ. Mưa to, người Dao lấy hòn đá đắp chặn ở cửa xả nước, cho nước tự chảy bớt ra ngoài. Trong trường hợp địa hình phức tạp không thể đào hoặc đắp mương dài liên tục được thì người ta làm máng dẫn để thay thế. Máng có thể là những cây mai, vầu bổ đôi, đục bỏ các “mắt” hoặc những tấm ván được ghép với nhau hình chữ U, được đặt trên giá đỡ bằng tre, gỗ hoặc treo qua cây. Chúng có tác dụng nối liền 2 đoạn mương bị tách rời, để dòng chảy được liên tục. Khi qua suối, người Dao dùng thân cây móc làm máng dẫn nước. Máng cây móc sử dụng được 2, 3 vụ. Máng vầu chỉ dùng 1 vụ. Nếu không đào được mương phụ (hoặc không cần thiết phải đào) thì người ta dùng máng để dẫn nước từ mương chính tưới cho thửa ruộng gần nơi mương đi qua. Cũng có thể dùng máng dẫn nước thẳng từ “mỏ nước” để tưới cho ruộng.
Khảo sát lai lịch từng con mương dẫn nước của người Dao ở xã Trung Chải càng thấy rõ quá trình lao động cần cù, sáng tạo của chủ nhân các thửa ruộng bậc thang. Điển hình thửa ruộng 121 bậc ở làng Vù Lùng Sung của dòng họ ông Lò Quẩy Vảng xã Trung Chải hiện có cả thảy 05 con mương dẫn nước từ 2 con suối Vù Lùng Sung và suối Nẳng Dế Soang vào ruộng ở các độ cao khác nhau. Các con mương ấy được đào bởi nhiều người vào nhiều đợt khác nhau như sau:
- Con mương thứ nhất do 3 đôi vợ chồng anh em cụ Lò Phủ Quẩy (ở chung một nhà) mở vào nằm 1927 lấy nước từ suối Nẳng Dế Soang với tổng chiều dài là 1,5 km. Thời gian đào con mương này hết 6 ngày nhưng số người đi không đủ, trung bình mỗi ngày chỉ có 4 người, tổng cộng là 24 công. Nước từ con mương này đổ vào triền ruộng cao nhất của khu ruộng 121 bậc. Nước mương này hiện do 5 chủ ruộng khai thác, bảo vệ là Lò Quẩy Vảng, Lò Diếu Sèo, Lò Diếu Siểu, Lò Diếu Sài và Lò Diếu Vần. Ngoài ra, có 1 chủ ruộng khác làm ruộng gần đó cũng xin được dẫn nước từ con mương này là ông Lò Quẩy Và. Đoạn trổ đường mương chia nước cách khu ruộng 121 bậc khoảng 100m.
- Con mương thứ 2 do hai anh em các cụ Lò Phủ Ngan và Lò Phủ Thìn (bố của Lò Quẩy Phù và là bác họ của ông Vảng) mở vào năm 1971. Ông Ngan trước kia cũng có ruộng ở đây nhưng sau đó (không nhớ năm nào) đã cho con ông Thìn là Lò Quẩy Phù canh tác. Nước từ con mương này đổ vào quãng giữa của khu ruộng. Nước mương này hiện do 2 chủ ruộng khai thác, bảo vệ là Lò Diếu Phú và Lò Diếu Vần.
- Con mương thứ ba do ông Vảng mở vào năm 1975. Ông Vảng nhớ hồi đó ông đã đổi công với 3 người đàn ông khác để mở con mương này. 4 người khi đó phải mở trong 4 ngày, tổng cộng là 16 công. Ở quãng giữa con mương này do gặp phải đá rắn, không phá được nên họ bắc ống tre mai dài khoảng 4 mét để dẫn nước chảy qua. Từ đó đến nay cứ mỗi năm đều phải thay ống một lần. Tổng chiều dài của con mương này khoảng 1 km. Con mương này đổ vào triền ruộng dưới con mương thứ hai 30 bậc. Nước mương này hiện do 2 chủ ruộng khai thác, bảo vệ là Lò Diếu Chỉn và Lò Duần Và.
- Con mương thứ tư do cụ Lò Phủ Thìn mở vào năm 1981. Khi đó cụ Thìn phải mượn công “pụi công” 2 người đàn ông khác. Ba người phải làm trong 6 ngày, tổng cộng là 18 công mới xong. Tổng chiều dài con mương này khoảng 0,5 km. Nước từ con mương này đổ vào triền ruộng dưới con mương thứ ba 12 bậc. Nước mương này hiện do 1 chủ ruộng khai thác và bảo vệ là Lò Diếu Phấu.
- Con mương thứ năm do các cụ Lò Chằn Tịnh, Lò Chằn Kiên, Lò Chằn Vần và Lò Chằn Trình mở cách nay khoảng 100 năm. Đến nay, chỉ có hậu duệ của cụ Lò Chằn Tịnh tiếp tục kế thừa việc canh tác trên khu ruộng này. Còn con cháu của các cụ Kiên, Vần và Trình thì đã chuyển đi xã Tòng Sành, số ruộng của họ với 50 bậc dưới cùng (gần suối) bán lại cho ông Lò Quầy Kinh. Con mương này dài 0,5 km. Nước mương này hiện do 04 chủ ruộng khai thác, bảo vệ là Lò Diếu Chỉn, Lò Quẩy Kinh, Lò Duần Kinh và Lò Duần Tá.
Bên cạnh việc đào mương thì việc dẫn thủy nhập điền bằng cách làm biến đổi dòng chảy của những con khe, con suối còn được thực hiện bằng cách dựa thế ỷ dốc. Bất cứ nơi nào có độ nghiêng và có nguồn nước thì người ta đều tạo ra các triền ruộng và dẫn nước chảy theo độ nghiêng này. Tức là nước được thả vào triền ruộng cao nhất rồi từ đó chảy dần xuống các triền ruộng thấp hơn.
Ở những nơi có địa hình khó, nhất là phải đưa nước lên chỗ cao hơn thì người ta sẽ đắp đập. Đây là một kieru dẫn nước khá công phu. Trên những dòng suối chảy qua những nơi khai thác làm ruộng bậc thang, người ta đắp những con đập chắn ngang dòng suối cho nước dâng cao rồi đào một con mương nhỏ để dẫn nước từ dòng suối này về ruộng. Kiểu dẫn thủy nhập điền này đòi hỏi phải có sự kết hợp sức lao động của nhiều người. Vì thế, các gia đình có ruộng trong cùng một khu vực phải cùng nhau hợp sức cho việc này. Mương dẫn nước được đào bao quanh khu ruộng và các gia đình chỉ việc bắc máng bương, máng vầu dẫn nước chảy vào ruộng của mình.
Dù cho dẫn nước bằng hình thức nào, cách làm nào thì nguyên tắc cơ bản và chủ yếu nhất trong việc dẫn nước vào ruộng của người Dao vẫn là đưa nước vào bậc thang cao nhất rồi tháo tràn từ ruộng cao xuống ruộng thấp. Từ khi cày bừa đến khi lúa uốn câu, ruộng phải liên tục có nước. Khi lúa vào mẩy, uốn câu, họ tháo sạch nước trong ruộng nhằm để cho lúa chín nhanh, ruộng khô, dễ thu hoạch. Khi muốn tiêu nước, họ đắp đất ngăn ở phía đầu mương cho nước không vào ruộng nước; đồng thời tháo nước cho tràn hết khỏi các triền ruộng xuống suối. Trong các hình thức dẫn nước, phổ biến hơn cả là hình thức đào mương.
Việc chia nước vào ruộng phụ thuộc không chỉ ở yếu tố địa hình, mức độ dồi dào của nguồn nước mà còn ở qiu mô số ruộng canh tác và tập quán cũng như cách ứng xử của con người. Người Dao ở Sa Pa có cách chia nước vào ruộng khác nhau ở hai vùng sinh thái điển hình.
Việc chia nước vào ruộng của người Dao ở các xã Trung Chải, Tả Phìn, Bản Khoang (thuộc vùng sinh thái đai núi trung bình) được thực hiện theo 2 cách áp dụng với 2 kiểu ruộng khác nhau. Với những thửa ruộng mới khai phá, họ lấy ống bương làm cửa dẫn nước từ mương vào thửa ruộng cao nhất rồi tháo tràn nước từ thửa ruộng đó xuống các thửa ruộng thấp hơn. Với loại ruộng đã canh tác lâu năm, họ làm cửa lấy nước bằng đất ngay tại bờ ruộng. Để điều tiết nước cho từng thửa ruộng, họ thay đổi độ to nhỏ, cao thấp của cửa lấy nước. Những thửa ruộng có bờ vững chắc, người ta tháo nước qua cửa bằng đất được mở ngay trên bờ ruộng. Ruộng nhỏ mở một cửa, ruộng lớn mở từ 2 đến 3 cửa nước. Các loại cửa lấy nước được tính toán độ to nhỏ sao cho lượng nước trong ruộng vừa đủ, không để tràn bờ nhưng cũng không để thiếu nước. Các cửa mở ở ruộng cũng mở theo hình dích dắc nhằm tránh vỡ bờ trôi đất.
Người Dao ở các xã Tả Van, Thanh Kim, Bản Phùng, Thanh Phú, Bản Hồ, Nậm Sài, Nậm Cang, Thôn Suối (thuộc vùng sinh thái đai núi thấp) lại áp dụng hai cách chia nước khác. Một là, điều tiết độ to nhỏ, cao thấp của cửa lấy nước. Hai là, phân chia quay vòng theo thời gian, mỗi hộ được vài ngày để lấy toàn bộ số nước chảy trong mương máng vào ruộng của gia đình mình. Hộ này lấy xong đến hộ khác, cứ thế quay vòng cho đến hết mùa vụ. Với cách chia nước này, đôi khi cũng xảy ra tình trạng tranh chấp giữa các hộ dùng chung một nguồn nước. Gặp trường hợp áy, trưởng bản là người đứng ra giải quyết bằng cách kiểm tra thực trạng rồi tìm cách hòa giải, điều chỉnh. Những trường hợp vi phạm nhiều lần trưởng làng sẽ phải triệu tập một cuộc họp toàn làng để phán xét.
Đối với nguồn nước mạch tự đưa ra, người Dao không sử dụng trực tiếp mà phải dẫn nguồn nước ra ngoài, chảy qua hệ thống mương. Nhiều nơi, không xử lý được người Dao phải sử dụng giống lúa địa phương lấy ở khu nước mạch.
Xác định được tầm quan trọng của nước đối với cây lúa nên nước ở ruộng luôn luôn được đặt trong một chế độ hợp lý. Kinh nghiệm dẫn nước và tiêu thoát nước của họ cho thấy nước ở ruộng lúc nào cũng ở mức từ 15 đến 20 cm là tốt nhất. Chỉ khi nào chuẩn bị thu hoạch thì mới tháo cạn nước để mặt ruộng khô cứng lại cho dễ gặt và thuận tiện trong khâu vận chuyển.
Bên cạnh việc giữ nước, người Dao cũng quan tâm đến việc chống xói mòn đất màu, nhất là ở những nơi có độ dốc lớn như Trung Chải, Bản Khoang. Biện pháp phổ biến là việc tính toán mực nước cần thiết trữ ở ruộng rồi mới đặt đường chia nước cho nước chảy đi. Theo cách làm này, giữa các bờ ruộng ở điểm cao cách mặt ruộng khoảng từ 5 đến 7 cm người ta khoét một lỗ nhỏ và đặt vào đó một ống vầu có đường kính khoảng từ 3 đến 4 cm để thông nước và đặt cao cách mặt ruộng khoảng 3 đốt ngón tay. Điều này có tác dụng tích cực trong việc giữ màu, chống xói mòn cho đất.
Việc chung nhau nguồn nước sản xuất buộc các chủ ruộng phải có một qui ước chung. Tuy qui ước này không được ghi thành văn bản nhưng đều được mọi thành viên thống nhất và tự giác tuân thủ. Trong qui ước ấy, mọi người đều xác định: Ruộng đầu nguồn được mở cửa lấy nước nhỏ, khi nào đủ nước rồi họ mới đắp lại. Nước chỉ được tháo ra từ ruộng trên xuống ruộng dưới sau khi ruộng trên đã đủ nước. Thực tế cho thấy ở đây chưa bao giờ xảy ra tranh chấp lớn về nước cung cấp cho ruộng. Mọi tranh chấp nhỏ về nước đều được các gia đình trong nhóm tự cùng nhau dàn xếp.
Việc khai thác và bảo vệ nguồn nước của người Dao ở Sa Pa cho đến nay vẫn được người Dao ở Sa Pa áp dụng theo phương pháp cổ truyền, sự thay đổi có chăng chỉ ở một vài tiểu tiết nhỏ. Chẳng hạn, thay vì việc dẫn nước về nhà bằng máng tre khoét bỏ mấu đốt xưa kia thì ngày nay người ta sử dụng vòi nhựa dẻo hoặc vòi cao su; việc đựng nước bằng thùng gỗ, ống tre mai được thay thế bằng các thùng, xô, chậu nhựa hay kim loại. Có thể hình dung cách quản lý, bảo vệ nước của người Dao ở Sa Pa qua sơ đồ sau:
Việc khai thác nguồn nước, làm mương, máng dẫn nước vào ruộng đã trở thành nếp sống của người Dao từ nhiều đời nay. Các qui định, tập tục về bảo vệ nguồn nước đã ra đời, được đưa vào qui ước của làng bắt buộc mọi người phải tuân thủ. Trong qui ước của làng Vù Lùng Sung được trưởng làng phổ biến trong cuộc họp tổng kết cuối năm, nhắc nhở những việc cần làm trong năm tới có nói rõ: tuyệt đối không được chặt phá rừng bừa bãi, không được phát nương làm rẫy. Nếu ai có khả năng khai phá ruộng bậc thang thì phải báo trước với trưởng thôn. Với nguồn nước, tuyệt đối cám chăn thả gia súc, không được đào ruộng hay trồng bất cứ loại cây gì tại các con mương, mỏ nước hay đầu nguồn nước. Ai vi phạm sẽ phải dọn trả lại hiện trạng như cũ.
Trong đời sống hàng ngày, người Dao ở Sa Pa cũng có một số kiêng kị liên quan đến nguồn nước. Các gia đình không bao giờ đặt bàn thờ song song với hướng nước chảy. Vì vậy, đồng bào kiêng không khơi rãnh thoát nước chạy song song phía sau ngôi nhà. Phụ nữ có kinh nguyệt không được đến gần nguồn nước sạch. Người đã được cấp sắc không được chui qua máng…
Việc bảo vệ nguồn nước còn bắt nguồn từ việc bảo vệ rừng. Người Dao ở Sa Pa luôn coi trọng việc giữ lại các khoảnh rừng ở những đỉnh núi cao, những triền núi dốc. Một mặt, đó là những nơi khó có điều kiện canh tác ruộng bậc thang. Nhưng mặt khác, đó lại cũng là những nơi phát tích những mạch nguồn cung cấp nước cho các dòng chảy. Ở làng Vù Lùng Sung, người Dao cho đến nay vẫn bảo tồn gần như nguyên vẹn 3 cánh rừng phía cuối thôn:
- Cánh rừng thứ nhất nằm về phía nam của làng có tên gọi theo tiếng Quan hỏa là Đào Mào Kỳ (núi con hổ)
- Cánh rừng thứ hai nằm về phía động của làng có tên gọi theo tiếng Quan hỏa là Phan Quây Kỳ (núi người Tây) do trước đây lính Pháp đóng đồn trên đó.
- Cánh rừng thứ ba nằm về phía Tây của làng có tên gọi là Tạ Lấy Kỳ (núi Tạ Lấy) do trước đây có người tên là Tạ Lấy làm nương trên đó nên người ta đã lấy tên ông này đặt cho ngọn núi ấy. Ngày nay, không còn ai làm nương ở đó nữa. Rừng đã phục hồi nên cánh rừng này cũng lấy luôn tên ấy làm tên gọi.
Các cánh rừng ở đây kết hợp với cánh rừng phía nam làng Pờ Sì Ngài (nằm về phía bắc của làng Vù Lùng Sung) tạo thành một vành đai giữ nước bao bọc lấy làng Vù Lùng Sung. Các cánh rừng này có đặc điểm chung là phía trên đỉnh núi do có nhiều vách đá dựng đứng nên con người không thể khai phá để trồng trọt nên vẫn là rừng nguyên sinh. Phía dưới là những diện tích đất trước đây đã dùng để làm nương nay được khoanh nuôi bảo vệ rừng tái sinh nên hầu hết đã phục hồi rừng, cây đã khép tán. Gần phía khu dân cư là một vành đai savan gồm những cây nhỏ và cây bụi.
Trong hệ thống luật tục của người Dao Đỏ ở Sa Pa, các quy định về bảo vệ rất cụ thể và chặt chẽ. Mỗi làng người Dao có ba loại rừng cần bảo vệ nghiêm ngặt là rừng thiêng (puông kiềm), rừng đầu nguồn nước (wôm nhuần kiềm), và rừng già của cộng đồng (kiềm cố). Các làng người Dao đã sử dụng hương ước, đặt ra các quy định cấm khai thác, phá rừng đầu nguồn; sử dụng tín ngưỡng và luật tục nhằm tạo cơ chế thiêng hóa bảo vệ các rừng chung của cộng đồng. Hàng năm vào ngày đầu xuân hoặc sau khi cấy xong, các làng tổ chức họp để bàn bạc quy ước bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước. Quy ước của thôn Móng Sến 1, xã Trung Chải quy định rõ không ai được chặt cây, đốt lửa, không thả gia súc, không làm nương, không được làm đường, không được khai thác lâm, thổ sản trong khu rừng đầu nguồn,... Ai vi phạm sẽ bị xử phạt theo hình thức phạt vạ. Vi phạm nhỏ sẽ mổ lợn cúng thần rừng, mời cả cộng đồng ăn uống. Nếu vi phạm nặng phải mổ trâu cúng thần rừng... Đồng thời, mỗi làng hàng năm cử ra hai người chuyên trách lo việc bảo vệ và cúng rừng thiêng, rừng đầu nguồn. Như vậy, cơ chế bảo vệ rừng của người Dao gồm việc thiêng hóa khu rừng thiêng, có chế tài xử phạt nghiêm, có sức ép của dư luận cộng đồng lên án người vi phạm, có lực lượng bảo vệ của mỗi thôn làng. Nhờ vậy, hiện nay nhiều khu rừng đầu nguồn của người Dao Đỏ ở Sa Pa vẫn được bảo vệ như: khu rừng đầu suối Ngòi Đum ở thôn Móng Sến 1, xã Trung Chải rộng 5 ha; rừng đầu nguồn thôn Tả Chải, xã Tả Phìn rộng 3 ha,... Các khu rừng này góp phần bảo vệ nguồn nước cho hệ thống các ruộng bậc thang.
5. Khai khẩn ruộng bậc thang của người Dao Đỏ ở huyện Sa Pa đã phản ánh đặc điểm văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của họ.
Người Dao Đỏ ứng xử với môi trường tự nhiên, phản ánh qua việc khai khẩn ruộng bậc thang là kiểu ứng xử “mềm”, chủ yếu là nương nhờ và thích ứng với điều kiện thiên nhiên, không đối chọi với thiên nhiên . Tuy người Dao tiến hành xẻ núi làm ruộng bậc thang nhưng đều lựa chọn địa điểm có nguồn nước thuận lợi, sườn đồi không quá dốc. Đặc biệt, người Dao không bao giờ phá rừng làm ngay ruộng bậc thang mà thường chuyển hóa đất cánh tác một cách từ từ. Đầu tiên làm nương rẫy, ba bốn vụ sau mới khai ruộng bậc thang. Thế ứng xử hài hòa với thiên nhiên còn phản ánh đậm nét ở việc bảo vệ nguồn nước, cách dẫn nước, rất ít khi chắn ngang dòng nước mà chủ yếu lợi dụng độ dốc để làm mương dẫn nước. Mặt khác, tùy theo từng loại địa hình có cách khai khẩn khác nhau, dẫn và tiêu nước khác nhau. Việc tôn trọng tự nhiên và thích ứng với môi trường luôn được người Dao vận dụng vào cả quá trình khai ruộng.
Văn hóa ứng xử của người Dao với môi trường tự nhiên là ứng xử hệ thống. Người Dao nhận thức rõ muốn khai khẩn, sử dụng ruộng bậc thang phải có nguồn nước, phải bảo vệ được rừng đầu nguồn, phải có phương thức chống sói mòn hợp lý... Vì thế, họ vừa khai ruộng, vừa xây dựng hệ thống dẫn và tiêu nước, vừa bảo vệ rừng đầu nguồn; đồng thời cách ứng xử cũng được thể chế hóa thành luật tục, hương ước và chế tài xử phạt người vi phạm...
Hiên nay, với tình trạng khan hiếm nguồn nước (do làm thủy điện, do các cư dân ở vùng đầu nguồn khai thác nguồn nước trồng hoa, do phá rừng,..) dẫn đến tình trạng nguồn nước có nguy cơ cạn kiệt. Vì vậy, muốn khai khẩn, sử dụng được ruộng bậc thang, đòi hỏi phải có chính sách điều tiết nguồn nước, bảo vệ môi trường giữa các cộng đồng một cách hài hòa, bền vững.
[1] Nguyên Thanh Tuấn (2008) – Văn hóa ứng xử Việt Nam hiện nay – NXB Từ điển Bách khoa và Viện Văn hóa – Trang 32 và 33
[2] Nguyên văn tiếng Dao: “Choong hang choán pủi bùng dáo quẩn
Choàng hên khoi lình bùng wôm quát”
[3] Dao phát dài (dụ ngau) là loại dao quắm, lưỡi dao dài 40 cm thẳng, đều nhưng có mũi khoằm. Độ dài của cán dao phụ thuộc vào yêu cầu cụ thể của công việc. Khi chặt cành hay đẵn cây to, cán dao ngắn, nhưng khi dùng phát cỏ, cán dao được làm dài