Văn hóa dân gian ứng dụng- Kỳ 6

TS. Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian ứng dụng, có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa dân tộc. Ông đã có mười đầu sách, công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian. Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển giới thiệu tới độc giả công trình nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng của ông, dày 324 trang.

TS. Trần Hữu Sơn

VĂN HÓA DAN GIAN ỨNG DỤNG- Kỳ 6

ĐẶC ĐIỂM DU LỊCH TÂM LINH VÀ VẤN ĐỀ XÂY DỰNG SẢN PHẨM DU LỊCH

Du lịch tâm linh trở thành loại hình du lịch có sức hút du khách nội địa lớn nhất. Bình quân mỗi năm có từ 40% đến 45% khách nội địa đi du lịch tâm linh. Nghiên cứu về du lịch tâm linh đã có một số tác giả đề cập đến như Nguyễn Phạm Hùng (1999), Đoàn Thị Thủy Trang (2010), Nguyễn Thị Thu Thủy (2011), Hà Văn Siêu (2013), Nguyễn Văn Tuấn (2013), Nguyễn Thị Thu Duyên (2013), Võ Quế (2015)… Các tác giả đề cập đến tài nguyên, giá trị sản phẩm du lịch tâm linh… giải pháp, định hướng phát triển du lịch tâm linh ở Việt Nam. Tuy nhiên, tác giả chưa phân tích loại hình, đặc điểm các loại hình du lịch tâm linh. Bản báo cáo này nhằm đề xuất các khái niệm, đặc điểm, các loại hình du lịch tâm linh ở miền Bắc Việt Nam và các yếu tố ảnh hưởng đến xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp theo loại hình du lịch tâm linh.

1. Khái niệm

Du lịch tâm linh theo Nguyễn Văn Tuấn thực chất là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người[1]. Như vậy, du lịch tâm linh dựa vào nhu cầu tâm linh nhằm đáp ứng yêu cầu tham quan, tìm hiểu, cầu xin lực lượng siêu nhiên, tôn giáo đáp ứng nguyện vọng của cá nhân, cộng đồng đi du lịch. Du lịch tâm linh có nhiều loại hình khác nhau. Mỗi loại hình có đối tượng du khách đại trà và đặc thù riêng biệt, có thời gian, không gian, đặc điểm du lịch riêng.

2.Phân loại các loại hình

Du lịch tâm linh có nhiều loại hình khác nhau. Căn cứ vào không gian, địa điểm của du lịch tâm linh có thể phân chia du lịch tâm linh thành du lịch tâm linh ở miền núi, miền biển hoặc đồng bằng. Hiện nay, hành khách hành hương thường căn cứ vào tuyến du lịch để phân loại, tên các tuyến du lịch tâm linh như du lịch tâm linh dọc theo sông Hồng, theo sông Lô, về Nam Định… Một cách phân loại khác trong du lịch tâm linh là dựa theo thời điểm tổ chức các sự kiện du lịch tâm linh để phân loại như du lịch tâm linh theo mùa xuân (hành hương mùa xuân), mùa thu… Trong du lịch tâm linh, điều quan trọng nhất là phải căn cứ vào đối tượng của tôn giáo, tín ngưỡng để phân loại du lịch. Mỗi loại hình tôn giáo, tín ngưỡng như Phật giáo, Đạo giáo, Đạo Mẫu, Thiên Chúa giáo… đều có đặc điểm riêng về du khách, dịch vụ, các điểm, tuyến tham quan, hình thức tham gia các sự kiện… Vì vậy, chúng tôi dựa vào các hình thức tôn giáo, tạm thời phân loại các loại hình du lịch tâm linh như du lịch tâm linh theo đạo Phật, theo đạo Mẫu, đạo Thiên Chúa, du lịch tâm linh theo tính đại trà, theo kiểu hành hương về các vùng đất thiêng (du lịch lễ hội đền Hùng, đền Bà Chúa kho…).

2.1. Du lịch tâm linh theo đạo Mẫu

Du lịch tâm linh theo đạo Mẫu là một hình thức du lịch gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Du lịch tâm linh theo đạo Mẫu có những đặc điểm riêng về không gian, thời gian, đối tượng khách, các dịch vụ…

2.1.1. Về không gian

Không gian tổ chức du lịch tâm linh theo đạo Mẫu thường gắn liền với các điểm di tích (quần thể di tích) và các tuyến hành hương theo đạo Mẫu. Ở miền Bắc, căn cứ vào các di tích thờ đạo Mẫu (hình thành các điểm tham quan đạo Mẫu nổi tiếng). Các điểm tham quan về đạo Mẫu đều gắn liền với các di tích thiêng của hệ thống thần điện đạo Mẫu (từ tam tòa Thánh Mẫu, ngũ vị quan lớn, tứ vị chầu Bà, các ông Hoàng, thập vị hương Cô, tứ vị thánh Cậu, Trần triều).

Vùng đất thiêng thờ Mẫu có quần thể di tích Phủ Dầy ở thôn Vân Cát, Tiên Hương, Báng Gia thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Theo Ngô Đức Thịnh, quần thể di tích Phủ Dầy là một siêu điện thần của đạo Mẫu tam phủ, tứ phủ[2].Ở đây có các di tích thờ thánh Mẫu Liễu Hạnh (Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, lăng Mẫu) và các di tích được tích hợp của hệ thống đạo Mẫu như đền Công Đồng, Phủ Tổ, Phủ Độ, Phủ Khải, Phủ Khâm sai, Phủ Nguyệt Lãng… Trung tâm thờ Mẫu ở Phủ Dầy còn gắn với lễ hội Phủ Dầy, kéo dài 10 ngày.

Vùng đất thiêng thờ Mẫu còn có trung tâm thờ Mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Tây Hồ. Quần thể di tích thờ Mẫu thượng ngàn ở đền Bắc Lệ xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Đền thờ Mẫu thượng ngàn còn ở suối Mỡ (tỉnh Bắc Giang). Quần thể di tích thờ Mẫu Thoải ở đền Dùm (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang). Không gian tín ngưỡng thờ Mẫu còn bao gồm các di tích thờ ngũ vị quan lớn như đền thờ quan Đệ Tam ở đền Lảnh Giang; Di tích thờ quan Đệ Ngũ ở Đò Tranh - Hải Dương, Cửa Ông – Quảng Ninh, Lạng Sơn. Hệ thống các di tích linh thiêng thờ Tứ vị chầu Bà như quần thể di tích thờ chầu Đệ Nhị ở Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái; di tích thờ chầu Bé ở Bắc Lệ, tỉnh Lạng Sơn; Di tích thờ chầu Mười ở Đồng Mỏ, tỉnh Lạng Sơn… Trong vùng đất thiêng còn có hệ thống các đền thờ ông Hoàng. Nổi bật là đền thờ ba ông Hoàng (ông Hoàng Ba ở đền Lảnh, tỉnh Hà Nam; ông Hoàng Bẩy ở Bảo Hà, tỉnh Lào Cai; ông Hoàng Mười ở Bến Thủy, tỉnh Nghệ An). Hệ thống vùng đất thiêng còn có các di tích liên quan đến thập vị hương Cô, tứ vị thánh Cậu, phủ Trần triều (Kiếp Bạc, Vĩnh Phúc) và nhiều di tích khác.

Vùng đất thiêng của đạo Mẫu gồm nhiều di tích và quần thể di tích. Các di tích này được kết nối với nhau theo hai trung tâm và ba tuyến chính:

Trung tâm Phủ Dầy
Trung tâm Phủ Tây Hồ
Tuyến du lịch ngược sông Thao và sông Lô như hệ thống thờ Mẫu Thoảiở đền Dùm; thờ Mẫu Âu Cơ ở Hạ Hòa, Phú Thọ; thờ Mẫu Chầu Bà Thượng ngàn (Chầu Đệ Nhị ở Đông Cuông, Yên Bái); thờ ông Hoàng Bẩy ở Bảo Hà; thờ Cô Đôi ở Cam Đường…
Tuyến du lịch Bắc Giang – Lạng Sơn như thờ Mẫu thượng ngàn ở suối Mỡ - Bắc Giang, Bắc Lệ - Lạng Sơn…
Tuyến du lịch tâm linh đạo Mẫu: Nam Định – Hà Nam – Thanh Hóa – Nghệ An (từ trung tâm Phủ Dầy đến đền thờ ông Hoàng Mười ở Bến Thủy).

2.1.2. Về thời gian

Du lịch tâm linh theo đạo Mẫu là loại hình du lịch mang đậm tính mùa vụ, gắn liền với thời gian của tín ngưỡng thờ Mẫu, trong đó thời gian nổi bật là “tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”.

Tháng tám giỗ cha, ngày 20 tháng 8 (âm lịch) tương truyền là ngày mất của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và ngày 28 tháng 8 (âm lịch) là ngày hóa của vua cha Bát Hải Đại Vương. Vì vậy, các đền thờ liên quan đến Trần Hưng Đạo và Bát Hải Đại Vương đều mở lễ hội. Nhưng lễ hội được tổ chức trang nghiêm nhất, mang tính quốc lễ là lễ hội đền Kiếp Bạc (từ ngày 15 - 20 tháng 8 âm lịch – nơi thờ Đức thánh Trần). Từ ngày 20 – 28 tháng 8 (âm lịch) là ngày hội chính ở đền Đồng Bằng – nơi thờ vua cha Bát Hải Đại Vương và Đức thánh Trần.

Vì vậy, tháng tám được coi là tháng lễ hội của vua cha Bát Hải Đại Vương và Đức thánh Trần Hưng Đạo.

Tháng ba giỗ mẹ, 10 ngày đầu tháng ba (âm lịch) hàng năm là thời điểm diễn ra lễ hội Phủ Dầy thờ thánh Mẫu Liễu Hạnh. Tháng ba cũng là ngày hội thờ Mẫu ở tất cả các di tích thờ Mẫu như Phủ Tây Hồ vào ngày 3 tháng 3 (âm lịch). Bên cạnh thời gian thiêng là “tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”, hệ thống tín ngưỡng đạo Mẫu còn có các dịp lễ hội gắn với các vị thần linh của đạo Mẫu như lễ hội đền Cô Tân An, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai (17 tháng giêng), lễ hội thờ Cô Bơ (12 tháng sáu), lễ hội thờ quan Tam Phủ (24 tháng sáu), lễ hội thờ ông Hoàng Bẩy (17 tháng bảy), lễ hội Chầu Bà ở Bắc Lệ (9 tháng chín), lễ hội ông Hoàng Mười (10 tháng mười), lễ hội quan Đệ Nhị (11 tháng mười một)… Mỗi dịp lễ hội thường diễn ra ba ngày, giáp với ngày chính hội (ngày tiệc của các vị thần linh). Nhưng với các vị thần linh thường xuyên giáng đồng nổi tiếng linh thiêng thì lễ hội kéo dài hàng tuần, hàng tháng. Lễ hội ông Hoàng Bẩy ở Bảo Hà, Lào Cai năm 2015 đón khoảng 5 vạn khách trong những ngày lễ hội. Lễ hội thờ ông Hoàng Mười ở Nghệ An năm 2014 cũng đón từ 4 – 5 vạn khách. Ước tính các di tích liên quan đến hệ thống đạo Mẫu trong năm 2013 – 2014 đón khoảng 12 - 15 triệu du khách. Như vậy, lượng khách đến các trung tâm, quần thể di tích tín ngưỡng thờ Mẫu tập trung ở “tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ” và các điểm lễ hội (tiệc của các vị thần đạo Mẫu). Tuy các lễ hội thu hút du khách theo mùa vụ nhưng nếu theo tổng thể của toàn bộ các di tích thờ Mẫu thì hầu hết tháng nào cũng có lễ hội (ngày tiệc) của từng vị thần linh. Vì vậy, dòng người đi lễ hội diễn ra quanh năm. Đây là đặc điểm nổi bật của hệ thống của loại hình du lịch tâm linh thờ Mẫu. Đặc điểm này khác với du lịch tâm linh thờ Phật và Thiên Chúa giáo.
Đặc điểm về du khách đi du lịch tâm linh thờ Mẫu. Du khách đi du lịch tâm linh thờ Mẫu gồm hai đối tượng chính là hệ thống con nhang, đệ tử trong các Bản Hội và hệ thống khách thập phương có nhu cầu thờ Mẫu.

+ Hệ thống du khách Bản Hội bao gồm đồng thầy, đồng lính, cung văn, thổ nhang, hầu đồng, đệ tử... Trong một năm, đồng thầy và đội ngũ người đi hầu trình đều đi hầu hết các cửa thánh (riêng những người mới gia nhập đồng phải đi trình chầu tất cả các di tích thờ Mẫu). Theo Nguyễn Ngọc Mai khảo sát, đội hình đi hầu trình thường đi từng đoàn từ 10 – 40 người[3], trong đó có một đồng thầy và các con nhang, đệ tử, đồng lính, cung văn… Những du khách của các Bản Hội này đã hình thành một đội ngũ du khách tâm linh khá hùng hậu. Họ là lực lượng chủ yếu đến các điểm di tích trong các ngày lễ hội quanh năm.

+ Hệ thống du khách thập phương bao gồm các nam nữ thanh niên, các nhà doanh nghiệp và đội ngũ hùng hậu những người có nhu cầu tâm linh về đạo Mẫu. Đội ngũ du khách này chủ yếu đến các di tích thờ Mẫu vào hai thời điểm quan trọng “đầu năm đi vay, cuối năm trả lễ”. Lực lượng này càng phát triển mạnh khi điều kiện kinh tế có sự chuyển biến tích cực, nhất là vài năm gần đây khi kinh tế nước ta có sự phục hồi ổn định. Năm 2012, lượng du khách đi du lịch tâm lịch thờ Mẫu ở dọc sông Hồng khoảng 1 triệu thì đến năm 2015 đã tăng lên 3,5 triệu người. Sự bùng nổ của du khách tâm linh đạo Mẫu ngày càng phát triển.HHaHHh

2.2. Du lịch tâm linh theo Phật giáo

Hệ thống du lịch tâm linh theo đạo Phật có nhiều hình thức khác nhau. Có loại hình hành hương về vùng đất thiêng của Phật như trảy hội chùa Hương, du lịch tâm linh đến Thiền phái Trúc lâm Yên Tử, tuyến du lịch tâm linh về chùa Bái Đính ở Ninh Bình, du lịch ở các chùa Bắc Ninh... Các trung tâm và tuyến du lịch tâm linh thờ Phật trong những năm gần đây phát triển khá mạnh.

Về không gian

Không gian thờ Phật đã được mở rộng, bên cạnh các không gian thờ Phật truyền thống như chùa Hương, các chùa ở Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, chùa Yên Tử ở Quảng Ninh… đã xuất hiện trung tâm thờ Phật mới ở Bắc Bộ như quần thể di tích chùa Bái Đính, thiền viện Trúc lâm Tam Đảo và hệ thống các chùa ở Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc mới được trùng tu, xây dựng.

Về thời gian

Khác với loại hình du lịch tâm linh theo đạo Mẫu, thời gian du lịch tâm linh theo đạo Phật chủ yếu diễn ra vào mùa xuân với các cuộc hành hương dài ngày. Đặc điểm về thời gian mang nặng tính chất mùa vụ đã quy định chặt chẽ cho các dịch vụ phục vụ du lịch tâm linh theo đạo Phật. Tuy nhiên, thời gian đi du lịch tâm linh theo đạo Phật thường kéo dài nhiều ngày gắn với các mùa lễ hội như chùa Hương, Yên Tử…

Đối tượng du khách

Trước kia, du khách đi du lịch tâm linh chủ yếu là những người trung, cao tuổi (nhất là phụ nữ), nhưng những năm gần đây đội ngũ du khách đã “trẻ hóa” và đa dạng hóa. Nam nữ thanh niên đi du lịch tâm linh theo đạo Phật ngày càng chiếm tỷ lệ cao hơn trước. Trong đoàn hành hương xuất hiện các đoàn hành hương theo các giới, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương.

Bên cạnh các loại hình du lịch tâm linh theo đạo Mẫu, đạo Phật còn có các loại hình du lịch tâm linh như giỗ tổ đền Hùng, đền Bà Chúa Kho, xin phát ấn đền Trần… Đây là loại hình du lịch tâm linh phát triển khá mạnh khi điều kiện kinh tế - xã hội đã ổn định, phục hồi. Đặc biệt, du lịch tâm linh đền Bà Chúa Kho đáp ứng nhu cầu của tầng lớp doanh nghiệp, thương nhân có điều kiện phát triển trong nền kinh tế thị trường.

3. Đặc điểm của du lịch tâm linh và vấn đề xây dựng sản phẩm du lịch

Đặc điểm nổi bật của du lịch tâm linh là diễn ra ở các địa điểm thiêng. Đây là hệ thống các di tích gắn với các trung tâm thờ Phật, thờ Thánh, thờ Mẫu. Các trung tâm di tích này tuy đã được mở rộng nhưng chưa được quy hoạch khoa học, thiếu nhiều điều kiện về cơ sở hạ tầng du lịch (bãi đỗ xe, nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống…).
Du lịch tâm linh thường gắn với thời gian thiêng (ngày lễ của các đạo, ngày giỗ, ngày tiệc, ngày hội của các vị thần linh), thời gian nông nhàn (mùa xuân, mùa thu). Tính mùa vụ của thời gian thiêng đã quy định chặt chẽ cho hệ thống các dịch vụ du lịch. Trong các ngày lễ hội, mật độ du khách đổ về các địa điểm thiêng tăng lên đột biến gây ra sự quá tải cho điểm và tuyến du lịch tâm linh. Nhưng những ngày thường các điểm và tuyến du lịch tâm linh lại rất ít người thăm viếng. Tính mùa vụ của du lịch tâm linh đã đặt ra những thách thức đối với các nhà quản lý du lịch cả về quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, quảng bá, tạo sản phẩm du lịch.
Đối tượng khách du lịch tâm linh chủ yếu đi du lịch nhằm mục đích cầu mong, nguyện vọng của bản thân và gia đình. Họ ít được trang bị kiến thức về giá trị di sản văn hóa tâm linh (như thiếu hiểu biết về sự tích các vị thần linh, anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước…); giá trị nghệ thuật, kiến trúc; giá trị nhân văn. Cơ chế thị trường cũng tác động mạnh mẽ đến nhu cầu du lịch tâm linh và các dịch vụ phát triển du lịch tâm linh. Trong mùa lễ hội, hiện tượng “chặt chém” khách về giá dịch vụ xảy ra thường xuyên. Vấn đề an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự cũng là những thách thức đối với cơ quan quản lý.
Hệ thống các sản phẩm du lịch tâm linh đều na ná giống nhau, ít có các sản phẩm đặc thù của từng điểm và tuyến du lịch.

4. Một số khuyến nghị

Du lịch tâm linh là hệ thống du lịch tuy đã xuất hiện từ rất sớm nhưng ngày nay đã biến đổi theo xu hướng thị trường hóa, toàn cầu hóa, lượng du khách tăng đột biến trong thời điểm thiêng… Trước thực trạng này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần nghiên cứu, xây dựng các văn bản mang tính chất quy phạm pháp luật gắn liền quản lý du lịch tâm linh với quản lý lễ hội, quy hoạch trùng tu các di tích gắn với du lịch...
Kinh nghiệm quản lý của một số trung tâm du lịch tâm linh làm khá tốt như Ban quản lý di tích đền Bà Chúa Kho, Ban quản lý di tích Phủ Dầy… Vì vậy, cần nghiên cứu kinh nghiệm quản lý của các điểm và tuyến du lịch tâm linh, các di tích gắn liền với du lịch tâm linh nhằm vừa phân cấp cho cộng đồng tăng cường về trách nhiệm quản lý, vừa tăng cường vai trò quản lý của cơ quan nhà nước. Tránh cả hai quan điểm khoán trắng cho cộng đồng người dân hoặc chỉ đạo, can thiệp quá sâu vào hoạt động của các di tích, các lễ hội, các sản phẩm du lịch tâm linh.
Du lịch tâm linh chưa thực sự thu hút các doanh nghiệp tham gia. Nhiều điểm, tuyến du lịch tâm linh mới đón du khách theo kiểu tự phát… Vì vậy, đề nghị các doanh nghiệp cần tích cực tham gia hệ thống các dịch vụ du lịch; nghiên cứu, phối hợp với cộng đồng, ban quản lý di tích, các nhà khoa học xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù cho từng loại hình du lịch tâm linh, cho từng điểm và tuyến du lịch tâm linh. Tính đặc thù của các sản phẩm du lịch được phản ánh từ các lễ vật dâng cúng đến các đồ lưu niệm, dịch vụ hướng dẫn, tìm hiểu di tích. Tổng thể hệ thống các dịch vụ cần nghiên cứu mang sắc thái riêng của từng vùng, từng loại hình.
Các sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các ban quản lý di tích… cần có chương trình nghiên cứu, phối hợp đưa ra các giải pháp khắc phục sự hạn chế của tính mùa vụ. Nghiên cứu các lễ hội (ngày tiệc của hệ thống đạo Mẫu) để quảng bá, xây dựng lịch du lịch tâm linh theo đạo Mẫu. Đặc biệt, đề xuất các giải pháp về chống sự quá tải ở các điểm, tuyến du lịch tâm linh trong thời gian nhất định.

Du lịch tâm linh là một loại hình du lịch đặc thù ngày càng phát triển mạnh ở Việt Nam. Vì vậy, cần có sự quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Sự quan tâm thể hiện qua các giải pháp hiệu quả.

______________________________________

[1] Tham luận của Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn tại Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững (Ninh Bình, 21-22/11/2013).

[2] Ngô Đức Thịnh (2015), Đạo Mẫu tam phủ, tứ phủ, Nxb Thế giới, tr.123.

[3] Nguyễn Ngọc Mai (2013), Nghi lễ lên đồng – Lịch sử và giá trị, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, trang 150.

TS. Trần Hữu Sơn

To Top