Văn hóa - Thông tin: Sức mạnh mềm cho phát triển kinh tế - xã hội

Sinh thời Bác Hồ từng nói 'Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy'. Thấm nhuần lời dạy của Người, 77 năm trôi qua (28-8-1945 - 28-8-2022), từ những ngày đầu thành lập còn non trẻ, các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - thông tin tỉnh nhà đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu để đạt được nhiều thành quả quan trọng, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa - Thông tin (28-8-1945 - 28-8-2022)

Lễ hội Mai An Tiêm (Nga Sơn).

Khi nói về mảnh đất xứ Thanh, nhiều học giả đã nhận định rằng “Xứ Thanh là cái nôi di sản của đất nước”. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hóa luôn được biết đến là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, là nơi đã sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt cùng một kho tàng di sản văn hóa vật thể phong phú và giàu giá trị. Đó là 1.535 di tích đã được kiểm kê, bảo vệ (trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới; 5 di tích quốc gia đặc biệt; 139 di tích quốc gia; 709 di tích cấp tỉnh). Trân trọng, tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng, cùng những tinh hoa di sản văn hóa đã được cha ông vun đắp, trao truyền, các thế hệ người dân xứ Thanh hôm nay đang ra sức kế thừa và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa - lịch sử ấy, nhằm tạo điểm tựa vững chắc cho quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập. Tính từ năm 2016 đến nay, tổng kinh phí đầu tư (Nhà nước và tư nhân) cho tu bổ, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh khoảng trên 1.900 tỷ đồng. Nhiều di tích sau khi được trùng tu, tôn tạo đã trở thành trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh như Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, đền Bà Triệu, đền Lê Hoàn...

Trong dòng chảy văn hóa dân tộc Việt Nam suốt từ buổi đầu dựng nước đến thời đại ngày nay, văn hóa xứ Thanh đã góp một “nguồn riêng” để hòa vào làm phong phú, đa dạng, giàu có hơn cho “dòng chung” văn hóa dân tộc. Bởi, nơi đây còn lưu giữ lại được một kho tàng đồ sộ những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc đại diện cho 7 dân tộc anh em cùng sinh sống là Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú, Kinh đó là các tín ngưỡng, lễ hội, nghệ thuật trình diễn, dân ca, truyện kể, thơ ca dân gian, mỹ thuật, nghề thủ công truyền thống, y học dân gian, ẩm thực... Trong số đó, đã có nhiều di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, như: trò diễn Pôồn Pôông, lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy, lễ hội Mường Ca Da, xường giao duyên... Và trên 300 lễ hội lịch sử, tín ngưỡng, tôn giáo, dân gian đặc sắc trải dài từ vùng biển đến miền núi được Nhân dân tổ chức hàng năm. Trong đó có 4 lễ hội cấp tỉnh, 15 lễ hội cấp huyện, còn lại là các lễ hội quy mô làng, xã. Những di sản văn hóa phong phú, đa dạng ấy là yếu tố cấu thành bản sắc văn hóa xứ Thanh; đồng thời góp phần quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Và hơn hết, các di sản này trở thành sợi dây vô hình, có khả năng gắn kết các cá nhân thành một cộng đồng bền chặt.

Việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được tỉnh quan tâm thực hiện, với trọng tâm là nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh được tổ chức sôi động, chất lượng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân. Thời gian qua, tỉnh đã tổ chức thành công nhiều chương trình nghệ thuật mang tầm quốc gia và quốc tế, tạo ấn tượng tốt với công chúng và du khách, tiêu biểu như: Kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa, 990 năm Thanh Hóa, 60 năm đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc, 600 năm khởi nghĩa Lam Sơn và lễ hội Lam Kinh năm 2018; 700 năm ngày mất của nhà sử học Lê Văn Hưu... Nhiều cuộc liên hoan nghệ thuật quần chúng cấp tỉnh được tổ chức thành công, tiêu biểu như: liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh, liên hoan tuyên truyền cổ động bảo vệ môi trường, liên hoan âm nhạc các nước ASEAN, liên hoan đưa thông tin về cơ sở, liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, liên hoan tuyên truyền lưu động...

Văn hóa, văn nghệ luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống Nhân dân. Để tạo sự đa dạng, phong phú trong sân chơi giải trí cho người dân nông thôn, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh, ngành văn hóa - thể thao và du lịch Thanh Hóa đã nỗ lực đưa hoạt động văn hóa, văn nghệ về cơ sở, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về thụ hưởng văn hóa tinh thần giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn. Hệ thống rạp chiếu phim trên địa bàn tỉnh như Công ty CP Beta Media, Công ty TNHH Lottecinema Việt Nam và Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh (hiện đã sáp nhập với Trung tâm Văn hóa tỉnh thành Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh) và các đội chiếu phim lưu động đã tổ chức nhiều đợt phim chuyên đề về an ninh biên giới; biển, đảo Việt Nam; tuyên truyền phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền, giáo dục pháp luật... Từng bước đưa điện ảnh vào các trường đại học, cao đẳng, trung tâm chính trị, đồn biên phòng, đơn vị quân đội,... đặc biệt là phục vụ đồng bào các dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa. Thông qua các buổi chiếu phim đã biểu dương những nhân tố mới, mô hình mới, phổ biến chính sách pháp luật, phổ biến kiến thức khoa học, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong những năm qua, các hoạt động nghệ thuật đã có sự đổi mới trong tổ chức và dàn dựng, chất lượng nghệ thuật được nâng lên, gắn kết chặt chẽ, phục vụ hiệu quả chính sách, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp đã vượt mọi khó khăn phục vụ Nhân dân ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, vùng khó khăn do bị thiên tai, bão lũ với các chương trình, vở diễn đảm bảo nội dung tư tưởng, nghệ thuật. Các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đã xây dựng được 67 vở diễn mới, khôi phục 131 vở diễn cũ, tiến hành biểu diễn 6.040 buổi, thu hút trên 4.800.000 lượt người xem.

Lĩnh vực thể dục - thể thao ngày càng được nâng lên với việc xây dựng kế hoạch triển khai cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021-2030 tỉnh Thanh Hóa; Đề án phát triển bóng đá cộng đồng tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030... Hiện nay, Thanh Hóa đã tổ chức đào tạo được lực lượng vận động viên; thực hiện tuyển chọn, thải loại, bổ sung vận động viên cho 30 môn thể thao, đảm bảo chỉ tiêu 695 vận động viên của các đội tuyển tỉnh, trẻ và năng khiếu. Nhờ đó, thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp liên tục gặt hái được nhiều thành công, góp phần làm dày thêm bảng vàng thành tích thể thao Thanh Hóa nhiều năm trở lại đây.

Thực tiễn phát triển đất nước những năm qua đã cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của văn hóa - thông tin trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, gìn giữ, vun đắp và phát huy hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người hay bản sắc văn hóa dân tộc cũng chính là giữ gìn và phát huy tạo nền tảng hay sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững quê hương, đất nước. Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11-2021 đã nhấn mạnh: Việc tiếp tục xây dựng, giữ gìn, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

To Top