Văn học thiếu nhi - đôi điều tản mạn

Nhớ lại thời trẻ thơ, chúng ta hẳn không sao quên được những câu chuyện cổ tích mà hầu như bao giờ cũng bắt đầu bằng mấy tiếng giản dị, thân thương 'Ngày xửa ngày xưa', những câu hát đồng dao nhí nhảnh, nhịp điệu, những lời ru bổng trầm, da diết của bà, của mẹ.

Những câu ca, câu chuyện ấy in sâu vào tâm trí ta từ lúc nào, đã hình thành, lay động và làm giàu những gì tốt đẹp nhất trong mỗi con người. Chẳng có gì ngạc nhiên khi khá đông các nhà văn, nhà thơ nước ta đều có sáng tác cho trẻ em. Nhà văn Tô Hoài với Dế mèn phiêu lưu ký, Nguyễn Đình Thi với Cái tết của mèo con, Nguyễn Huy Tưởng được nhiều người nhắc đến với Lá cờ thêu sáu chữ vàng… Có nhiều nhà văn gần như suốt đời chỉ sáng tác cho thiếu nhi như: Phạm Hổ, Võ Quảng, Phong Thu, Nguyễn Nhật Ánh…

Ở tỉnh ta có khá đông tác giả viết cho thiếu nhi: Đỗ Nhật Minh với Câu chuyện về một đội kịch, Chú Rô và cô Dế lắm điều… Anh Vũ có Khói đất, Vườn trên cửa sổ, Mai Phương có Mùa chim ngói bay về, Đặng Tiến Huy có Xe xóc, xe ôm, Những lá thư cổ tích, Cảnh Mạnh – Chiếc ngà voi, Duy Phi – Vòm trời lưng nghé, Dương Quang Luân – Con bê vàng, Trần Quốc Thịnh – Anh em thần vồ, Vũ Hoàng Nam – Hành trình của giọt nước, Bác Trâu già và chú Sáo non, Nguyễn Anh Thân – Bí ẩn ngàn thiêng Yên Thế, Vẹt con đi học… Rất tiếc trong số các tác giả trên, nhiều người đã mất, để lại một khoảng trống không nhỏ trong sáng tác cho trẻ thơ.

Lâu nay đã có vài ba cuộc hội thảo về văn học thiếu nhi, ý kiến chung là đề tài này chưa đạt được mong muốn cả về số lượng, chất lượng, không theo kịp với xu hướng trẻ thơ hiện nay. Viết cho các em thực đúng và hay, hấp dẫn quả là rất khó. Cái khó nhất và cũng là điểm trọng yếu khi viết cho thiếu nhi là dạy mà không dạy, giản dị mà sâu sắc lại phải hồn nhiên, lôi cuốn. Văn chương phải bắt nguồn từ thế giới trẻ thơ – một thế giới động, giữa thực và ảo, một thế giới lung linh sắc màu, có cả sự phi lý, đầy xúc cảm – để trò chuyện tâm tình mà khơi gợi, bồi dưỡng cái đẹp, cái thiện.

Không thể chấp nhận sự áp đặt rao giảng đạo đức với thứ ngôn ngữ thuyết lý bề trên. Nguyên do dẫn đến tình trạng trên có nhiều, ví như về nhận thức, vốn sống, tài năng mà không dễ ai cũng có được. Trước khi viết cho các em, người viết cần xác định: Những đặc thù của trẻ thơ – nhận thức và tâm lý? Sáng tác cho/ với trẻ thơ? Sự đồng điệu và khác biệt giữa viết cho thiếu niên và nhi đồng? Đội ngũ sáng tác cho trẻ em của tỉnh nhà còn mỏng, chưa có ai chuyên viết về đề tài này.

Chúng ta chưa thực sự quan tâm trong việc phát hiện, bồi dưỡng những cây bút nhỏ tuổi và ngay cả những tác giả quen thuộc đã từng có nhiều tác phẩm cho các em cũng thiếu sự động viên và hỗ trợ kịp thời. Có cảm giác đối tượng nhỏ bé này đang bị bỏ ngỏ trong sáng tạo văn chương, tác phẩm có được cũng chỉ do sở thích, cảm hứng của ai đó. Những tác phẩm cho các em hầu hết là đối tượng nhi đồng, ít lứa tuổi thiếu niên, nặng về đồng dao, nhẹ về mảng sinh hoạt và gần như quên lãng về lịch sử, khoa học, đời sống…

Ở phần trên đã đề cập những hạn chế, khi viết cho trẻ thơ ở một số tác giả cũng như những tồn tại trong việc hoạt động, nhận thức về văn học cho thiếu nhi. Tuy vậy cũng phải ghi nhận những đóng góp tích cực và có hiệu quả của nhiều cây bút hiện nay. Nhiều tác phẩm được các em yêu thích, nhận được giải thưởng ở T.Ư, địa phương. Do khuôn khổ bài báo, không thể dẫn ra những truyện ngắn đặc sắc của họ để minh chứng mà chỉ đề ra vài ba ví dụ về thơ.

Viết cho đúng, cho hay với các đối tượng đều rất khó. Chẳng ai dám khẳng định viết cho người lớn thì khó, viết cho trẻ em thì dễ. Mỗi đối tượng đều có đặc thù riêng. Văn chương vốn có quy luật nghiệt ngã. Người thầy của nhà văn là bạn đọc. Người thử thách tác phẩm là thời gian.

Chỉ có bạn đọc nhỏ tuổi mới quyết định giá trị tác phẩm của tác giả. Nếu thực sự tâm huyết với trẻ thơ, thực sự sáng tác cho/với trẻ thơ thì phải chấp nhận sự nghiệt ngã ấy. Đương nhiên nói thì dễ, bàn và lý luận ai cũng có thể đủ sức nhưng khi cầm bút viết mới thấy nhọc nhằn, gian nan vô cùng. Ước vọng cả đời cầm bút được vài câu thơ, một bài thơ, một đoạn văn, một truyện ngắn mà trẻ nhỏ háo hức đọc, chuyền tay nhau đọc, sống mãi cùng năm tháng thật khó biết chừng nào.

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Tất cả những gì tốt đẹp nhất hãy dành cho trẻ em. Hy vọng sẽ có nhiều cây bút tỉnh nhà có các tác phẩm hay cho các em và văn học thiếu nhi được sự quan tâm thích đáng.

To Top