Văn nghệ quần chúng góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Trên địa bàn khu vực miền núi xứ Thanh hiện nay, phong trào văn nghệ quần chúng (VNQC) đang dần trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đồng bào. Thông qua hoạt động này, nhiều địa phương đã thành lập các câu lạc bộ (CLB), đội văn nghệ, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Một tiết mục văn nghệ quần chúng chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ III huyện Lang Chánh.

Điển hình như tại xã Thạch Lập (Ngọc Lặc), cán bộ, Nhân dân nơi đây đã nhận thức sâu sắc về những giá trị của xường giao duyên đối với đời sống tinh thần. Bởi vậy, xã Thạch Lập đã chỉ đạo các thôn thành lập CLB văn hóa, văn nghệ để từ đó phát động toàn thể hội viên tham gia sưu tầm vốn văn hóa dân gian của dân tộc Mường. Đồng thời, tổ chức dàn dựng, biểu diễn xường vào những buổi sinh hoạt cộng đồng, các ngày lễ, tết ở địa phương.

Năm 2017, xường giao duyên được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để giữ gìn và phát huy, huyện Ngọc Lặc đã tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị của xường giao duyên đến đông đảo Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, huyện cũng mở 3 lớp học hát xường tại các xã Cao Ngọc, Minh Sơn, Thạch Lập truyền dạy về giá trị đặc sắc những điệu xường và cùng chung sức gìn giữ, phát huy.

Đến nay, huyện Ngọc Lặc đã thành lập được hàng trăm CLB VNQC, CLB văn hóa dân gian, như: CLB cồng chiêng, CLB Pồn Pông, CLB dệt thổ cẩm...

Tại huyện Quan Sơn, phong trào VNQC cũng có bước phát triển mạnh mẽ. Hầu hết các địa phương trong huyện đều có đội văn nghệ hoạt động thường xuyên. Những đội văn nghệ không chuyên này không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng cao của người dân, mà còn là công cụ hỗ trợ đắc lực trong giáo dục tư tưởng, đấu tranh đẩy lùi các tập quán lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Cũng chính từ hoạt động của VNQC, góp phần thúc đẩy các phong trào văn hóa, văn nghệ trên địa bàn huyện Quan Sơn phát triển hiệu quả hơn.

Tại xã Cẩm Tâm (Cẩm Thủy) đã thành lập CLB văn hóa cồng chiêng, CLB trang phục dân tộc Mường... Thông qua các CLB này để phát động toàn thể hội viên tham gia sưu tầm vốn văn hóa dân gian của dân tộc Mường, đồng thời tổ chức dàn dựng, biểu diễn những làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc, như: Hát sắc bùa, đánh cồng chiêng... Đến nay huyện Cẩm Thủy đã thành lập trên 300 đội VNQC ở các thôn, làng, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị... góp phần tôn vinh, gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống ở địa phương.

Có thể thấy, từ hoạt động của các CLB, đội VNQC trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh đã được khẳng định, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân. Qua đó, Nhân dân ngày càng ý thức hơn về vai trò của mình trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Bài và ảnh: Gia Bảo

To Top