Văn nghệ sĩ xứ Thanh viết về đề tài xây dựng nông thôn mới

Phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) lan tỏa sâu rộng, tác động sâu sắc làm thay đổi tích cực, toàn diện nông nghiệp - nông dân - nông thôn ở nước ta, mở ra những phì nhiêu, màu mỡ mới cho các cây viết 'canh tác', 'gặt hái' trên 'cánh đồng' vốn đã thân thuộc như máu thịt, hơi thở. Trong mạch nguồn chung ấy, văn nghệ sĩ xứ Thanh hăng hái 'nhập cuộc', hưởng ứng thể hiện trên những trang viết, tác phẩm của mình.

Nhà văn Ngân Hằng, Phó tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ xứ Thanh là một trong những cây viết dành nhiều sự quan tâm đến phong trào XDNTM của tỉnh.

Nông nghiệp - nông dân - nông thôn vừa là vùng “ký ức”, cội nguồn nhưng cũng là kỳ vọng, là một phần quan trọng kiến tạo tương lai của dân tộc ta. Nhận thức sâu sắc điều đó, cùng với các hoạt động thông tin, tuyên truyền khác, văn học nghệ thuật ở các địa phương và trong cả nước đã nhanh chóng nhập cuộc, thở cùng hơi thở của chương trình xây dựng NTM, kịp thời phản ánh cả cái được và cái chưa được của phong trào, của mảng hiện thực mới ấy.

Những cách làm hay, sáng tạo, những tấm gương điển hình, những đổi thay ở mỗi vùng quê, những cái tích cực và cả những hạn chế, tồn tại... Đó đều là ngồn ngộn chất liệu, là cái tươi mới, thời sự, chuyển động mà mỗi người cầm bút luôn khao khát kiếm tìm trong cuộc sống. Bằng tài năng, trí tuệ, sức sáng tạo của mình, văn nghệ sĩ khái quát, nâng tầm, thổi hồn vào cuộc sống, nâng tầm cuộc sống, hướng con người đến giá trị chân - thiện - mỹ. Cùng với cả nước, văn nghệ sĩ xứ Thanh đã đồng hành, thổi hồn, lan tỏa giá trị của phong trào xây dựng NTM bằng thành công trong những tác phẩm của mình.

Nhà văn Lê Ngọc Minh và những bài bút ký về xây dựng NTM

Lập nghiệp xa quê từ năm 22 tuổi, khi đã ở bên kia con dốc của cuộc đời, nhà văn Lê Ngọc Minh, hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa dành nhiều thời gian, tâm huyết viết về xứ Thanh - mảnh đất quê hương, nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình. Những chuyến đi thực tế rong ruổi qua các vùng quê tươi đẹp, ông càng cảm nhận rõ hơn sức sống tiềm tàng, chiều sâu văn hóa - lịch sử lắng đọng và sự đổi thay, phát triển của xứ Thanh. Cũng như nhiều văn nghệ sĩ khác, nhà văn Lê Ngọc Minh nhanh chóng bị hấp dẫn bởi chính những điều mới mẻ, hiệu quả, thiết thực mà phong trào xây dựng NTM mang lại. Nhà văn Lê Ngọc Minh cho biết: “Có thể nói, xây dựng NTM là một trong những chủ trương, chính sách đúng đắn, hiệu quả, có sức lan tỏa rộng rãi nhất của Đảng và Nhà nước. Từ đây, nông nghiệp - nông thôn - nông dân có sự thay đổi lớn lao. Diện mạo NTM ngày càng khang trang, xanh - sạch - đẹp. Đời sống của người dân không ngừng được nâng lên. Và tôi cho rằng, cái được lớn nhất của phong trào xây dựng NTM là nâng tầm giá trị văn hóa truyền thống và khơi dậy mạnh mẽ sức dân. Rõ ràng, khi cảm thấy được trân trọng, quan tâm, khuyến khích đúng cách, người nông dân có sức bật rất nhanh chóng”.

Từ nguồn cảm hứng căng tràn ấy, ông đã có hàng chục bài ghi chép, bút ký, truyện ngắn... về phong trào xây dựng NTM ở Thanh Hóa hoặc lấy ý tưởng từ phong trào ấy được đăng tải trên các ấn phẩm báo chí địa phương và Trung ương. Nhiều trang viết để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả và “bén duyên” với các cuộc thi viết. Năm 2020, nhà văn Lê Ngọc Minh liên tiếp nhận các giải thưởng: giải nhất cuộc thi ký “Thanh Hóa chung sức xây dựng NTM” do Tạp chí Văn nghệ xứ Thanh tổ chức với chùm tác phẩm: “Người nông dân không phải ly hương” và “Ngày hội tôi nhớ về”; giải C cuộc thi viết và ảnh báo chí “Khát vọng Thanh Hóa” do Báo Thanh Hóa tổ chức. Nhà văn Lê Ngọc Minh thẳng thắn chia sẻ: “Cuộc sống luôn vận động và phát triển. Hiện thực ấy vô cùng màu mỡ, sinh động, hấp dẫn và đầy bất ngờ mà nếu chỉ ngồi một chỗ để tưởng tượng ra thì chắc chắn bạn sẽ không bao giờ hình dung hết được. Với những yêu cầu khắt khe về mặt thể loại, muốn có một bài bút ký hay, thuyết phục thì người viết không còn cách nào khác là phải xách ba lô lên và đi”.

Chính sự hăng hái nhập cuộc cùng với vốn kiến thức, am hiểu và tình yêu sâu sắc dành cho văn hóa làng, dẫu ở bất cứ nơi nào, từ miền ngược cho đến miền xuôi, vùng ven biển, nhà văn Lê Ngọc Minh luôn có sự quan sát tỉ mỉ, liên tưởng, so sánh độc đáo. Ông là người tinh tế, nhạy cảm trong cách tiếp cận, xử lý thông tin và phát hiện đề tài. Những cái hay, cái mới, cái sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm NTM ở vùng đất mà ông đặt chân đến được “lẩy lên” bởi nhiều chi tiết, hình ảnh rất nhỏ nhặt, bình dị, đời thường. Thạc sĩ, nhà lý luận, phê bình văn học Thy Lan, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ xứ Thanh nhận định: Ký của Lê Ngọc Minh chững chạc. Những trang viết sống động, các nhân vật dù chỉ lướt qua nhưng đều để lại ấn tượng. Bút ký của Lê Ngọc Minh đã khắc họa sâu đậm về vùng đất ông đề cập, số phận con người trong quá trình xây dựng NTM mang tính thời đại”.

“Chiều sâu” của một cây viết trẻ

Nhà văn Ngân Hằng, Phó tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ xứ Thanh là cây viết trẻ về tuổi đời nhưng trưởng thành trong nghề viết. Đối với chị, xây dựng NTM là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, vừa mang tính cấp thiết vừa mang tính chiến lược, lâu dài. Bởi lẽ, phong trào xây dựng NTM tác động đến nông dân - một bộ phận dân số lớn nhất, tác động đến nông nghiệp - một trong những thành phần kinh tế lớn nhất, tác động đến nông thôn - một không gian kinh tế, văn hóa - xã hội lớn nhất của đất nước. Đây luôn là một mảng chính yếu trong đời sống xã hội trước đây và trong giai đoạn hiện nay. Trên thực tế, chương trình xây dựng NTM đã và đang gặt hái nhiều kết quả khả quan theo lộ trình. Người nông dân ý thức được vai trò chủ thể của mình trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn; đời sống văn hóa, tinh thần của nông dân được cải thiện; sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng hàng hóa, hiệu quả cao, diện mạo nông thôn có nhiều đổi khác...

Từ đó, chị càng nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của người cầm bút trong việc đồng hành cùng phong trào ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả này: “Phản ánh và qua đó góp phần thực hiện chương trình xây dựng NTM - mảng chính yếu trong đời sống xã hội - đương nhiên, là trách nhiệm và tình cảm của văn nghệ sĩ, của văn học nghệ thuật ở mỗi địa phương và trong cả nước”. Tuy nhiên, sự vận động, phát triển của phong trào xây dựng NTM đòi hỏi mỗi người cầm bút không chỉ là “người thư ký trung thành của thời đại”. Hơn hết, “người viết phải thật sự sáng suốt để tham gia xây dựng ý tưởng về cái mới, tham gia vào việc tạo dựng hình hài cái mới đạt chuẩn chân - thiện - mỹ, mang tính dân tộc và hiện đại” - nhà văn Ngân Hằng chia sẻ. Hơn hết, tình cảm của người nghệ sĩ và đặc trưng của mỗi loại hình nghệ thuật sẽ là những yếu tố tạo ra những tác phẩm sinh động, hấp dẫn, chạm đến trái tim của công chúng, thôi thúc công chúng bằng cả tình yêu của mình tham gia thực hiện chương trình xây dựng NTM. Nếu văn nghệ sĩ không có những rung động thật lòng trước mục tiêu và kết quả của chương trình xây dựng NTM thì rất khó cho ra đời những tác phẩm có chất lượng cao.

Điều đó lý giải vì sao, khi viết về phong trào xây dựng NTM, nhà văn Ngân Hằng thường yêu thích tìm đến thể loại bút ký. Chị bày tỏ: “Bút ký là thể loại văn học có sự giao thoa giữa báo chí và văn học, vừa đòi hỏi chất liệu thực từ cuộc sống nhưng đồng thời cũng cho người viết không gian để bày tỏ quan điểm, tình cảm, đánh giá trước sự vật, hiện tượng đó. Vì vậy, bút ký giúp cho tôi có thể gửi gắm tâm tư, tình cảm sâu sắc hơn, tác động đến tư tưởng của người đọc, gợi lên nhiều suy nghĩ, trăn trở với bạn đọc cũng như với công cuộc xây dựng NTM hiện nay”. Trong tác phẩm mới nhất - tập truyện ngắn và bút ký mang tên “Ngôi nhà ba lá”, nhà văn Ngân Hằng đã dành một phần dung lượng để giới thiệu đến bạn đọc những bài bút ký - thành quả sau những chuyến đi lặn lội từ miền xuôi lên miền ngược với tất cả tinh thần, nhiệt huyết, trách nhiệm của người cầm bút. Những trang bút ký: “Trọn niềm tin với mảnh đất ân tình”, “Vùng quê của những huyền thoại”, “Vì một màu xanh biên cương”... và nhiều tác phẩm khác của chị như những khúc ca đẹp về vùng đất và con người nơi tác giả đặt chân đến. Trong một nhịp sống năng động, phát triển, từng mảnh đất, từng con người mà tác giả viết đều góp phần phản ánh kết quả đáng ghi nhận của phong trào xây dựng NTM.

Phong trào xây dựng NTM của tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua đã gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đó là hành trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Thực tiễn vận động và phát triển của nó vẫn đang đòi hỏi văn nghệ sĩ phải làm tốt hơn vai trò, trách nhiệm của mình. Đối với những người cầm bút, hoạt động sáng tạo nghệ thuật, chẳng điều gì thể hiện rõ ràng nhất tài năng, tâm hồn, tư tưởng, thái độ và dấu ấn của mình bằng thành công của các tác phẩm - “những đứa con tinh thần”, “con đẻ của thời đại”.

Bài và ảnh: Nguyên Linh

To Top