Việt Nam xuất siêu tháng 1/2021: Điều cũ lặp lại

Ước tính, tháng 1/2021, Việt Nam xuất siêu 1,3 tỷ USD, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 3,1 tỷ USD.

Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2021 đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm điện thoại di động phiên bản mới S21 và do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm trước rơi vào tháng Một.

Ước tính tháng 1/2021 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27,7 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 1/2021 có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 67,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu tháng 1/2021, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 15,6 tỷ USD, tăng mạnh 71,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 9,7 tỷ USD, tăng 32,3%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 1,8 tỷ USD, tăng 21,4%. Nhóm hàng thủy sản đạt 600 triệu USD, tăng 19,6%.

Việc Samsung xuất khẩu mạnh sản phẩm điện thoại di động phiên bản mới S21 đã thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 7,5 tỷ USD, tăng 57,4% so với cùng kỳ năm trước. Đứng thứ hai là Trung Quốc đạt 5,8 tỷ USD, tăng 111,6%. Tiếp theo là thị trường EU; thị trường ASEAN; Nhật Bản; Hàn Quốc.

Về nhập khẩu, ước tính tháng 1/2021 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 26,4 tỷ USD, giảm 5,4% so với tháng trước và tăng 41% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 1/2020 có 4 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 50,6% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về cơ cấu nhập khẩu hàng hóa tháng 1, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 24,7 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,7% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa. Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 1,7 tỷ USD, tăng 41,5% và chiếm 6,3%.

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2021, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 9,6 tỷ USD, tăng 72,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là Hàn Quốc, thị trường ASEAN, Nhật Bản, thị trường EU, Hoa Kỳ.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, tháng 1/2021, nền kinh tế xuất siêu 1,3 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 3,1 tỷ USD.

Số liệu Tổng cục Thống kê công bố cho thấy kịch bản diễn ra nhiều năm nay tiếp tục lặp lại ở tháng 1/2021: đó là Trung Quốc vẫn là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam; khu vực trong nước luôn nhập siêu và khu vực FDI luôn xuất siêu.

Từng trao đổi với Đất Việt về câu chuyện này, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, FDI xuất siêu càng nhiều thì phần chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài càng lớn, lợi nhuận của khu vực FDI được chuyển về nước họ.

Về bản chất, xuất khẩu của FDI là xuất khẩu của nước chủ sở hữu mượn thị trường Việt Nam do có sự ưu đãi đặc biệt sang những nước thứ ba khác. Nếu hàng hóa do khu vực đầu tư nước ngoài sản xuất nhưng bán tại Việt Nam thì thực chất là họ xuất khẩu sang Việt Nam và lợi nhuận cao hơn khi họ sản xuất trong nước họ rồi xuất khẩu sang Việt Nam do họ nhận được nhiều ưu đãi và nhân công rẻ. Điều này phần nào được thể hiện qua đóng góp của khu vực FDI trong GDP tuy giá trị xuất khẩu rất lớn nhưng giá trị gia tăng của khu vực này trong GDP thấp.

Đáng lưu ý, doanh nghiệp Việt khó tham gia được chuỗi cung ứng của FDI vì trình độ công nghệ thấp, quản lý kém. Tỷ lệ nguyên liệu doanh nghiệp FDI mua của doanh nghiệp Việt Nam rất thấp, FDI chủ yếu sử dụng thiết bị, nguyên liệu của doanh nghiệp nước họ và doanh nghiệp các nước khác sản xuất tại Việt Nam.

Về phần doanh nghiệp Việt, lý giải thực tế doanh nghiệp Việt luôn nhập siêu và chủ yếu nhập nguyên liệu của các nước, ông Nam cho biết, doanh nghiệp Việt chủ yếu làm gia công, như dệt may, nếu liên quan đến máy móc thiết bị thì cũng chỉ lắp ráp khâu cuối cùng, nhiều trường hợp chỉ để lấy xuất xứ Việt Nam. Ngay mặt hàng nông sản vốn là thế mạnh của Việt Nam cũng chủ yếu là xuất thô, chưa qua chế biến hay chế biến sâu. Cho nên, nếu vui thì cũng chỉ là vì bán được nhiều, còn giá trị gia tăng không đáng kể.

Minh Thái

To Top