Vĩnh biệt nhà thơ, nhà báo Vũ Duy Thông

Nhà thơ, nhà báo Vũ Duy Thông (ảnh) sinh ngày 26-2-1944, trong một gia đình trí thức tại làng Yên Bài, xã Tự Lập, huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Thuở nhỏ ông theo cha mẹ tản cư lên vùng tự do trong kháng chiến chống thực dân Pháp thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc. Chính tại đây, cậu bé Vũ Duy Thông đã được tiếp thu nền giáo dục của chính thể mới. Ông là học sinh giỏi toàn diện, nhưng đặc biệt có năng khiếu về môn văn. Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường ông đã có thơ đăng các báo ở trung ương và các tập sáng tác của địa phương.

Nhà thơ, nhà báo Vũ Duy Thông (ảnh) sinh ngày 26-2-1944, trong một gia đình trí thức tại làng Yên Bài, xã Tự Lập, huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Thuở nhỏ ông theo cha mẹ tản cư lên vùng tự do trong kháng chiến chống thực dân Pháp thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc. Chính tại đây, cậu bé Vũ Duy Thông đã được tiếp thu nền giáo dục của chính thể mới. Ông là học sinh giỏi toàn diện, nhưng đặc biệt có năng khiếu về môn văn. Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường ông đã có thơ đăng các báo ở trung ương và các tập sáng tác của địa phương.

Tốt nghiệp phổ thông, ông thi đỗ và học tại Khoa Văn, Khóa 8, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, ông được phân công về Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Năm 1966, khi cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lan ra toàn miền bắc, nhà báo Vũ Duy Thông vào công tác tại Hà Tĩnh, một địa bàn ác liệt của Quân khu 4; rồi lần lượt được cử đến Hải Phòng, Thái Nguyên, và sau đó theo bước chân của quân tình nguyện Việt Nam trong sứ mệnh quốc tế, sát cánh với nhân dân Cam-pu-chia tiêu diệt chế độ diệt chủng Pôn Pốt.

Từ một phóng viên mặt trận, nhà báo Vũ Duy Thông trưởng thành, có mặt tại nhiều nơi nóng bỏng về thông tin, viết những bài báo mang lại dấu ấn của báo chí thời kỳ đầu Đổi mới, gây tiếng vang trong làng báo chí cách mạng Việt Nam. Trong đó, phải kể đến bài báo “Ngành than trước ngưỡng cửa báo động”, được coi là phóng sự điều tra gây chấn động dư luận, với tư duy nhìn thẳng vào sự thật đằng sau những báo cáo thành tích, vốn là căn bệnh của xã hội một thời. Nếu không có những năm tháng thường trú vùng mỏ, xông xáo, gần gũi với người thợ mỏ thì không thể viết sâu sắc và dũng cảm đến thế.

Trong thời gian công tác tại TTXVN từ năm 1966, nhà báo Vũ Duy Thông đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp của ngành thông tấn, từ vị trí phóng viên, biên tập viên, Trưởng Tiểu ban Công Thương, Ủy viên Ban biên tập Tin trong nước. Năm 1995, ông được cử giữ chức Tổng biên tập tạp chí “Diễn đàn Văn nghệ” của Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam; sau đó lần lượt giữ các chức vụ: Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông là một trong những người tham gia gây dựng Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam từ những ngày đầu gian khó, trực tiếp biên tập, viết tin, bài, đào tạo nghiệp vụ và hướng dẫn các cán bộ trẻ. Ở bất cứ cương vị nào, ông cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy phẩm chất trí tuệ, kiên định quan điểm, nguyên tắc báo chí của Đảng, cống hiến xứng đáng vào mặt trận tư tưởng - văn hóa.

Ngoài sự nghiệp báo chí, nhà thơ Vũ Duy Thông còn có bề dày sáng tạo và cống hiến về thơ ca. Tiếng thơ của ông cất lên từ cuộc sống chiến đấu nóng bỏng của quân và dân ta ở tuyến lửa chống Mỹ. Đó là tiếng nói máu thịt của tình yêu Tổ quốc, là sự hy sinh tất cả vì lý tưởng độc lập, tự do. Ông đã khẳng định tài năng và bản sắc của mình bằng bài thơ tài hoa Bè xuôi sông La đạt giải ba cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1969. Bài thơ này đã được in trong sách giáo khoa phổ thông để giảng dạy trong nhà trường.

Qua gần 60 năm cầm bút, với các tập thơ in riêng: Những đám lá đổi mầu (1982), Tình yêu người thợ (1987) Gió đàn (1989), Trái đất không chỉ có một người (1993), Chối từ cô đơn (1998), Một trăm bài thơ (1999), Và cuộc đời sẽ cứu rỗi (2003), Du ca đời lá (2006), Con bồ câu tha đi một cọng cỏ (2012), Thơ Vũ Duy Thông (2013), Giã biệt xa xăm (2014), cùng hơn 10 tập văn, thơ cho thiếu nhi, 10 kịch bản phim, sân khấu, phim hoạt hình…, nhà thơ Vũ Duy Thông được đông đảo bạn đọc mến mộ, bạn bè đồng nghiệp đánh giá cao.

Ngoài lĩnh vực báo chí, văn hóa - văn nghệ, nhà thơ - nhà báo Vũ Duy Thông còn tham gia giảng dạy tại các trường đại học, hướng dẫn nghiên cứu sinh… Ông là tác giả của các công trình nghiên cứu được in thành sách như “Cái đẹp trong thơ ca kháng chiến Việt Nam” (1945 - 1975) được tái bản nhiều lần, “Một cửa sổ Văn nghệ” (2012), chủ biên sách “Mác - Ăng-ghen, Lê-nin, Hồ Chí Minh bàn về báo chí xuất bản” (2004)… Trong sự nghiệp của mình, ông đã in khoảng 50 đầu sách, trong đó có chín cuốn nghiên cứu lý luận, phê bình; ông được nhận học vị Tiến sĩ năm 1996 và học hàm Phó Giáo sư năm 2003.

Suốt đời kiên trì rèn luyện, phấn đấu, nhà thơ - nhà báo Vũ Duy Thông luôn nêu cao phẩm chất, đạo đức cách mạng của một đảng viên, tận tâm tận lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hết lòng tương thân tương ái, chân thành hợp tác và giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp. Ông đã được tặng nhiều huân, huy chương cao quý của Đảng và Nhà nước. Mới đây, ông được Hội đồng cơ sở của Hội Nhà văn Việt Nam nhất trí cao đề cử vào danh sách các tác giả được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.

Sau một thời gian lâm bệnh trọng, mặc dù đã được các giáo sư, bác sĩ hết lòng cứu chữa, gia đình tận tình chăm sóc, nhưng vì tuổi cao sức yếu, nhà thơ - nhà báo Vũ Duy Thông đã vĩnh biệt chúng ta vào hồi 13 giờ ngày 28-5-2021, tức ngày 17-4 năm Tân Sửu, hưởng thọ 78 tuổi. Tang lễ sẽ được cử hành vào hồi 11 giờ 30 phút ngày 3-6-2021 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Nhà thơ HỮU THỈNH

To Top