Vĩnh Phúc: Bao giờ di tích khảo cổ Đồng Đậu (Yên Lạc) trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh về nguồn cội ?

Một trong những điểm đến du lịch văn hóa tâm linh về nguồn cội ở Vĩnh Phúc là di chỉ khảo cổ nổi tiếng Đồng Đậu nhưng loay hoay mãi vẫn chưa thành hiện thực?

Bài 1: Tầm quan trọng…không thể lãng quên

Ảnh: Tiến Dũng.

Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) Phạm Thị Phương Linh (bên phải) hướng dẫn chúng tôi khảo sát di tích khảo cổ học Đồng Đậu cho biết: Di tích này cách trung tâm huyện Yên Lạc 1, 5 Km về phía Đông, nằm trọn vẹn trên gò cao khoảng 6 m so với mặt ruộng trũng xung quanh, có tổng diện tích 8,5 ha, thuộc thôn Đông, thị trấn Yên Lạc. Kể từ khi phát hiện (năm 1962) đến nay, di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu vẫn được bảo vệ, phục vụ cho các cuộc khai quật, nghiên cứu, tham quan học tập của các cơ quan khoa học chuyên ngành, các nhà khoa học trong nước, ngoài nước và học sinh các trường tại địa phương.

Toàn cảnh di chỉ khảo cổ học Đông Đậu (Yên Lạc - Vĩnh Phúc).

Đến nay, di tích Đồng Đậu đã trải qua 7 lần thám sát và khai quật lớn vào các năm: 1965- 1966, 1967, 1968 - 1969, 1984, 1987, 1999 và 2012, với tổng diện tích là 758m2, tập trung ở các sườn phía Đông, Nam, phía Tây và đỉnh gò với tầng văn hóa dày trung bình trên 3m (có chỗ tới 6 m). Lần khai quật thứ 7 vào tháng 12/2012 với sự tham gia của 3 cơ quan là Bộ môn khảo cổ học Khoa Lịch Sử Đại hoc Khoa học và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội Khảo cổ học Việt Nam và Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc.

Qua 7 lần khai quật đã phát hiện được rất nhiều di vật khảo cổ với hàng nghìn tiêu bản hiện vật, hàng tấn mảnh gốm các loại, cực kỳ phong phú về chất liệu, chủng loại, đa dạng về loại hình, kiểu dáng tiêu biểu của 3 nền văn hóa: Phùng Nguyên – Đồng Đậu – Gò Mun bằng đá (rìu, đục, bàn mài, vòng, hạt chuỗi trang sức), đồng (rìu, dũa, mũi tên, lưỡi câu, mũi lao) gốm (mảnh nồi, vò, chạc, dọi xe chỉ, bi gốm và nhiều công cụ bằng xương, sừng. Di cốt động vật như: lợn, hươu, nai, trâu, bò, chó, hổ… và khá nhiều xương cá.

Đồng thời tại đây còn tìm thấy tượng hình trâu, bò, gà và nhiều xương thú vật, lần đầu tiên đã tìm thấy những hạt gạo cháy, chứng tỏ nghề nông nghiệp trồng lúa nước đã có từ rất lâu đời và đóng vai trò quan trọng trong đời sống của cư dân Việt cổ. Gò Đồng Đậu là một di chỉ quý, góp phần khẳng định trong tiến trình lịch sử của dân tộc trải dài trong khoảng 2 thiên niên kỷ, người Việt cổ đã dừng lại và định cư ở Đồng Đậu, tạo dựng ra đồng bằng Bắc Bộ và đã tạo ra nền văn minh Sông Hồng, đặc biệt đã xây dựng một nền văn minh lúa nước rực rỡ.

Rìu, bôn bằng đá phát hiện tại di tích khảo cổ học Đồng Đậu năm 1999. Ảnh: vinhphuc.gov.vn/

So với tất cả các khu vực khảo cổ khác (thường có tầng văn hóa khoảng 40-50cm), Đồng Đậu có tầng văn hóa dày nhất tới 6 m và có diễn biến từ dưới lên theo tiến trình thời gian. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra 4 tầng văn hóa của di tích khảo cổ này. Lớp dưới cùng (cổ nhất) khai quật được nhiều đồ đá, gốm, công cụ bằng sừng và nhiều di cốt động vật.

Các hiện vật bằng đồng phát hiện tại di tích khảo cổ học Đồng Đậu năm 1999. Ảnh: vinhphuc.gov.vn/

Đáng lưu ý, năm 1999, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc tiến hành cuộc khai quật lần thứ 6 đã phát hiện được một ngôi mộ táng, còn giữ lại được di cốt người thuộc văn hóa Phùng Nguyên. Cuộc khai quật lần này, mặc dầu chỉ có 25m2, nhưng cũng đã phát hiện được một ngôi mộ nằm ở độ sâu 3m. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy biên mộ rất rõ ràng. Ngôi mộ còn gần như nguyên vẹn trừ xương đùi bên trái bị mất - có thể do người đời sau đào hố trúng mộ và cũng không loại trừ tổ mối làm hủy hoại. Chưa rõ vì lý do nào, nhưng tìm thấy bằng chứng xương mác bên phải bị gẫy nhưng đã liền lại. Đặc biệt có tục nhuộm răng đen và tục nhổ răng cửa bên hàm trên và toàn bộ răng cửa hàm dưới. Rõ ràng đây không phải là răng bị rụng, vì nếu rụng thì cung hàm phải để lại dấu vết của các huyệt răng. Trong khi đó, bộ xương này thấy cung hàm dưới chỗ bị nhổ đã liền lại tạo thành một dìa sắc cạnh.

Di cốt người thuộc lớp Văn hóa Phùng Nguyên phát hiện tại di tích khảo cổ học Đồng Đậu năm 1999, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phú. Ảnh: vinhphuc.gov.vn

Các hiện vật gốm được phát hiện tại di tích khảo cổ học Đồng Đậu năm 1999. Ảnh: vinhphuc.gov.vn

Những di cốt người cổ tìm thấy ở Đồng Đậu được xác định có niên đại bằng phương pháp các bon phóng xạ (C14) cho thấy lớp sớm nhất ở Đồng Đậu có niên đại 3500 năm trở về trước. Ba tầng văn hóa còn lại thì phát hiện thêm được các hiện vật bằng đồng.

Như vậy, 4 tầng văn hóa phản ánh tương đối toàn diện quá trình hình thành và sự phát triển cũng như về đời sống kinh tế, văn hóa của người Việt cổ - Những cư dân thời đại kim khí cư trú liên tục trong khoảng 2000 năm. Những tài liệu khoa học thu được từ lòng đất Đồng Đậu đã góp phần chứng minh nguồn gốc bản địa của văn hóa Đông Sơn và cung cấp nhiều sử liệu gốc để khẳng định con người đã cư trú tại đây với thời gian dài hàng nghìn năm, trở thành trung tâm của người Việt cổ, cùng nhiều cộng đồng dân cư trong vùng xây dựng và hình thành nên nhà nước Văn Lang thời đại Hùng Vương - thời dựng nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm công trường khai quật tại di tích Đồng Đậu năm 1969. Ảnh: vinhphuc.gov.vn

Đây là những bằng chứng vô cùng quý giá để tìm hiểu về phong tục, tập quán và đặc biệt là thành phần nhân chủng của người Việt cổ trên lưu vực sông Hồng. Phát hiện di cốt người cổ ở Đồng Đậu sẽ đóng góp vào những tư liệu khoa học làm sáng tỏ dần vấn đề “Nguồn gốc người Việt” mà nhiều nhà khoa học còn đang gắng công tìm tòi, nghiên cứu.

Từ đó, có thể khẳng định Đồng Đậu cùng với hệ thống di tích khảo cổ từ văn hóa Phùng Nguyên đến văn hóa Đông Sơn đã đưa quá trình mở đầu giai đoạn Hùng Vương dựng nước từ huyền thoại vào chính sử. Chính vì vậy, ngày 21/4/2000, Đồng Đậu đã được Nhà nước xếp hạng là di tích Văn hóa Lịch sử cấp Quốc gia.

(Còn nữa)

Bài 2: Để trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh

Vũ Xuân Bân - Nguyễn Tiến Dũng

To Top