Vô danh và hữu danh

Đó là vào những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, khi tôi đang làm việc tại Báo An ninh thế giới – Tạp chí Văn hóa Văn nghệ Công an. Hồi đó, là một cộng tác viên thân thiết, Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thường xuyên đến Tòa soạn chúng tôi chơi. Và tôi là một trong những người may mắn được đọc một số bản thảo truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp sớm nhất, trước khi chúng được công bố. Ngược lại, Nguyễn Huy Thiệp cũng đọc và góp ý cho những bài phóng sự - tư liệu đầy chất văn của chúng tôi, trước khi được đăng trên tờ An ninh thế giới với hàng triệu bản in…

Đầu năm 2003, khi tôi tập hợp một số bài viết để in tập tạp văn “Nếu tôi là tỷ phú” Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã tình nguyện viết Lời tựa cho sách. Nhưng trước đó, tôi đã nhờ Nhà văn Xuân Ba viết giới thiệu rồi, nên Lời tựa của Nguyễn Huy Thiệp đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn chuyển xuống cuối sách làm Lời bạt. Khi sách in ra, rất nhiều bạn đọc thích thú với bài viết ngắn đầy tính triết lý “Vô danh và Hữu danh” của Nguyễn Huy Thiệp, nó đã nâng tầm tư tưởng của vấn đề, không đơn giản chỉ là một bài giới thiệu sách thông thường nữa…

Nhân việc chiều nay, 21/3/2021, nhóm phóng viên Truyền hình Kỹ thuật số VTC1 (Đinh Ánh và Đức Hiếu) đến phỏng vấn tôi về Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (phóng sự được phát trên sóng thời sự, khung giờ 18:30 – 19:00 của của Truyền hình VTC1), xin được đăng lại bài viết “Vô danh và Hữu danh” – một bài viết ngắn, nhưng giọng văn đậm chất Nguyễn Huy Thiệp, đầy triết lý, tưng tửng mà sắc lẻm, không lẫn với ai được!

*

Trong những cuốn sách thiết thực, cần cho nhiều người dân trong cuộc sống hiện nay thì "Nếu tôi là tỷ phú" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Báo An ninh thế giới phối hợp xuất bản năm 2003) của Đặng Vương Hưng, theo tôi là một cuốn sách đầu bảng!

Đặng Vương Hưng là Sĩ quan An ninh, một trong những cây bút chủ chốt của Báo An ninh thế giới (Cơ quan của Bộ Công an). Trên thực tế Đặng Vương Hưng là VIP, song do công việc, do nghề nghiệp, anh luôn giữ vẻ ngoài bình thường, chừng mực. Đặng Vương Hưng luôn đóng vai một người “vô danh”, một người “không quan trọng” (VUP). Và anh đã đóng vai này rất thành công!

Danh – từ cổ chí kim, là một “vấn nạn”, một “công án”, luôn đặt ra cho muôn người và giải được nó (mỗi người một cách) không dễ dàng gì. Lão Tử (604 – 531 TCN) đặt ra thuyết Vô danh (trái với thuyết Chính danh của Nho gia). Thuyết Vô danh của Lão Tử rất độc đáo. Vì sao Vô danh? Vì theo Lão Tử, hễ có Thiện là có ác, có Thị là có Phi… Trên nguyên tắc, không thể có chính danh bởi không có gì tuyệt đối cả. Trong cuộc sống khi cho rằng phải hơn quấy, tốt hơn xấu, khôn hơn dại thì có gì thật phải, thật tốt, thật xấu đâu mà nói. Đấy là chưa kể trong phải có quấy, trong tốt có xấu, trong khôn có dại v.v… Từ nguyên tắc đó, Lão Tử chủ trương bất ngôn chi giáo.

Trong phép trị nước của các nhà chính trị cổ đại Phương Đông thường nhà nước chỉ khen ngợi, cổ vũ cho cái danh trong cơ chế. Hàn Phi Tử (một danh sĩ thời Chiến Quốc) cảnh cáo: Cái danh ở đâu thì kẻ sĩ vì nó mà chịu chết… Khen cái danh ở ngoài phép tắc thì kẻ sĩ sẽ chỉ lo trau dồi danh tiếng của mình mà không lo phục vụ nhà vua. Xét cho kỹ, “hữu danh” thì cái lợi chưa thấy ở đâu nhưng cái hại hiểm họa là nhỡn tiền trước mắt. ở đời, đáng kể chính là sự vô danh âm thầm kia. Khổ vì danh, đấy là kinh nghiệm người đời vẫn thường đúc kết.

Trong cuốn sách Nếu tôi là tỷ phú của Đặng Vương Hưng, tác giả đã dành khá nhiều trang viết cho những thân phận vô danh. Bản thân tác giả cũng đóng vai vô danh. Điều ấy giúp cho tác giả có cơ hội tiếp cận với nhiều “đối tượng” dễ dàng. Tôi đặc biệt khâm phục những người vô danh như bà Clara Chan, tổng giám đốc casino Đồ Sơn với mức lương “khiêm tốn” 30.000 USD mỗi tháng, điệp viên T.31 (Đỗ Văn Kha), điệp viên H.G (Phạm Đăng Hào) trong vụ án gián điệp C.30, đôi tình nhân Trần Trọng Hải – Anbina Trebontasova (thực sự là Roméo – Juyliet của Việt Nam) v.v...

Trong tập sách mà Đặng Vương Hưng gọi là “tạp văn”, tác giả đi sâu vào khá nhiều lĩnh vực mà nếu là một cây bút ngoài giới An ninh thì việc tìm kiếm tư liệu hoặc tiếp cận “đối tượng” sẽ chẳng dễ dàng. Ở thế thượng phong, Đặng Vương Hưng đã xâm nhập được vào thế giới của các điệp viên, thế giới cờ bạc, các trại giam, các tướng lĩnh và các bí mật quân sự, những số phận người Việt Nam ở nước ngoài v.v… Vốn xuất thân là một nhà thơ (Đặng Vương Hưng đã từng xuất bản tới sáu tập thơ) nên anh hay đứng về phía nước mắt (chữ của Dương Tường), anh hay đề cập đến những thân phận thiệt thòi của người trong cuộc. Điều này là hay hay dở? Hay – bởi tính chất nhân văn thương người như thể thương thân đã làm cho người đọc thiện cảm với Đặng Vương Hưng rất nhiều. Dở – bởi đứng trên góc độ một người viết báo đang là quân nhân tại ngũ thì vì nhiều lý do tế nhị “trong cơ chế”, tác giả đáng nhẽ phải kín nhẹm đi “không biết, không nghe, không thấy”… “Quân lệnh như sơn”, yếu tố tình cảm nhiều khi phải gạt ra ngoài giá trị khô khan, khách quan của các thông tin lạnh lùng. Tôi nhận ra sự lưỡng lự trong việc xác định thể loại mà tác giả đặt cho tập sách. “Tạp văn” hay “phóng sự điều tra”, “phóng sự tư liệu”? Sự dung tục của lối hành văn báo chí đôi khi day dứt, hành hạ tình cảm nhà thơ. Thực ra, nếu gọi đây là một tập “tạp văn” thì hoàn toàn không ổn tí nào: Những số phận éo le (do tính cách? do thời thế? do định mệnh?) nếm trải bao nhiêu oan trái, ấy vậy mà người ta vẫn phải vượt lên, “phải sống”… Hình như Đặng Vương Hưng không muốn áp đặt, hoặc khẳng định sự tốt xấu, đúng sai, khôn dại, phải quấy... cho các nhân vật, các “đối tượng” của mình. Anh không hề đóng vai quan tòa, mà luôn nhường “quyền phán xử” cho bạn đọc. Bởi hình như ở đâu đấy, trên cao kia, vẫn có một thế lực vô hình “bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao, có đâu thiên vị người nào?” (Kiều).

Cũng cần phải nói tới tác dụng thiết thực trong những bài viết của Đặng Vương Hưng. Với bài “Có một nàng dâu Nga bán bia hơi ở vùng than”, tác giả đã tạo ra được một phong trào quyên góp “lá lành đùm lá rách” giúp đỡ cho gia đình đôi tình nhân bất hạnh. Anh cũng giúp cho “tổ chức” đánh giá đúng công lao của nhiều điệp viên vô danh, “chiêu tuyết” cho họ, đưa họ từ vị trí “tên phản động” lên cương vị “anh hùng” (trường hợp điệp viên T.31, trường hợp ông Đào Phúc Lộc, trường hợp Me Kíu v.v…). Giá trị “cứu người” của cuốn sách là đáng kể. Trải qua bao nhiêu năm tháng chiến tranh, biết bao số phận vô danh, biết bao oan trái chôn vùi trong quên lãng “ấy mồ vô định biết nằm ở đâu”, việc làm sống dậy những kỳ tích của họ cũng thật là một việc đáng làm.

Nếu tôi là tỷ phú (nói theo ngôn ngữ của các nhà phê bình văn học ở ta hiện nay) là một cuốn sách có “tính công dân” cao. Cần phải thừa nhận giá trị hữu ích của nó đối với đời sống xã hội. Đặng Vương Hưng đã không sa vào các “vụ án lèm nhèm” như nhiều cây bút “nghiệp vụ” viết báo câu khách. Điều này xác định đẳng cấp của anh. Cuốn sách không phải dễ đọc với nhiều bạn đọc thông thường, những tư liệu tác giả sưu tầm và việc xử lý những tư liệu ấy đều khá công phu, chọn lọc.

Nếu tôi là tỷ phú – cái tên cuốn sách có phần nào mang màu sắc thương trường. Nếu tôi là tỷ phú thì làm gì? Bởi câu thúc vì trách nhiệm công dân, trách nhiệm công việc của một sĩ quan an ninh, một nhà báo... nhà thơ Đặng Vương Hưng khuyên bạn đọc không nên đi vào casino đánh bạc mà nên dùng tiền đầu tư vào sản xuất kinh doanh, giúp đỡ người nghèo có thêm công ăn việc làm, xã hội có thêm của cải vật chất và hoạt động xã hội từ thiện.

Kể cũng bật cười về cái sự hài hước nêu trên! Tôi đã có kinh nghiệm tiếp xúc với nhiều tỷ phú: họ rất ít khi nghe người khác “giáo dục”, đánh bạc thì họ vẫn đánh bạc, đầu tư sản xuất thì họ vẫn cứ đầu tư, hoạt động từ thiện thì họ vẫn cứ hoạt động từ thiện… bởi thế họ mới là tỷ phú.

Đặng Vương Hưng rõ ràng chưa là tỷ phú, nếu… Nếu gì? Nếu Đặng Vương Hưng không làm thơ! Nếu gì? Nếu Đặng Vương Hưng là VIP (nhân vật quan trọng) mà không là VUP (nhân vật không quan trọng). Nếu gì? Nếu thế thì không còn là Đặng Vương Hưng – Một Con Người đích thực, với đủ các thứ hệ lụy, cả tài hoa, cả tai tiếng, lẫn lộn vui buồn, trong công việc, giữa cuộc đời… Anh giành được niềm yêu mến của nhiều bạn bè, đồng nghiệp bởi những giá trị mà anh đã cố gắng cống hiến cho xã hội, những giá trị rõ ràng có thực, không phù phiếm, không phù du.

Hà Nội, ngày 10/4/2003 - Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Đặng Vương Hưng

To Top