Vụ 'kêu cứu' vì trắng tay sau 6 năm học: Trường Múa nói do 'quên'!

Ngày 1/4, Ban lãnh đạo Học viện Múa Việt Nam đã tổ chức buổi họp báo liên quan đến sự việc hàng trăm phụ huynh kêu cứu chuyện con không có bằng tốt nghiệp THCS, THPT sau 6 năm học văn hóa tại đây.

Cuộc họp có đầy đủ ban lãnh đạo nhà trường và đại diện nhóm phụ huynh 'kêu cứu'.

Cuộc họp nảy sinh do các phụ huynh ý kiến, sau nhiều năm học văn hóa song song, đến khi ra trường, con em họ không được nhận từ bằng THCS, THPT, trung cấp chuyên nghiệp; bằng cao đẳng Diễn viên múa được cấp thì gần như "vô nghĩa" bởi khi nộp hồ sơ thi tuyển vào các trường đại học không được chấp thuận.

Mở đầu cuộc họp, ông Trần Văn Hải, Quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam chia sẻ những bức xúc của phụ huynh có con em đã và đang theo học tại học viện về những khúc mắc, tồn đọng thời gian qua.

“Tôi nghĩ việc phụ huynh có những bức xúc như vậy chúng tôi cũng hết sức cảm thông, chia sẻ. Chúng tôi cũng là những phụ huynh có con em đang đi học”, ông Hải nói.

Ông Hải cho hay đây là sự việc diễn ra từ giai đoạn trước của nhà trường.

Ông Trần Văn Hải, Quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam. Ảnh: Thanh Hùng

Nhà trường luôn luôn có 2 hệ đào tạo:

Thứ nhất, hệ đào tạo dài hạn - diễn viên kịch múa, tuyển sinh từ khi 11 -12 tuổi và học suốt từ 6 đến 6,5 năm cho đến khi tốt nghiệp ra trường.

Thứ hai, hệ đào tạo ngắn hạn - diễn viên múa dân gian, học 3 hoặc 4 năm. Hệ này khi vào học, các em đã tốt nghiệp THCS từ bên ngoài.

“Phụ huynh khi đăng ký cho con vào đây với mong muốn trở thành các diễn viên múa, nghệ sĩ chứ không phải để học văn hóa”, ông Hải nói.

“Như vậy có thể khẳng định, 60 năm nay, Học viện đào tạo theo đúng quy định mà nhà nước đã ban hành”.

Theo ông Hải, việc đào tạo văn hóa phổ thông trong trường múa là rất đặc thù, khác biệt so với trung cấp nghề của các ngành nghề khác.

Ông Hải cho hay, năm 2013, Trường CĐ Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) tuyển sinh bậc cao đẳng Diễn viên múa, đây là chương trình đào tạo đặc thù, từ 11-12 tuổi cho đến khi tốt nghiệp THPT. Việc này được thực hiện theo quyết định 92/2004, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Bộ GD-ĐT cho phép Học viện mở hệ đào tạo cao đẳng Diễn viên múa. Tức là không phải từ hệ trung cấp lên cao đẳng như thông thường mà đặc thù - hệ này sẽ tuyển sinh từ đầu và khi tốt nghiệp sẽ nhận bằng cao đẳng chính quy.

"Với hệ này, không có quy định chúng tôi phải cấp bằng và chúng tôi cũng không phải cơ sở được quyền cấp bằng THCS hay THPT", ông Hải nói.

Về vấn đề bằng trung cấp chuyên nghiệp, ông Hải cho biết năm 2013, Trường CĐ Múa Việt Nam đăng ký tuyển sinh hệ cao đẳng diễn viên múa và được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Bộ GD-ĐT phê duyệt đề án.

Tuy nhiên, ông Hải thừa nhận, khi triển khai thực hiện tuyển sinh, Trường CĐ Múa Việt Nam khi đó đã "mắc lỗi kỹ thuật".

"Khi đăng ký với Bộ GD-ĐT, Trường CĐ Múa Việt Nam đã không đăng ký đầu vào trung cấp mà chỉ đăng ký đào tạo ngành cao đẳng Diễn viên múa. Do đó, Bộ GD-ĐT mặc nhiên nghĩ rằng nhóm các học viên này khi vào học vốn đã có bằng trung cấp rồi", ông Hải nói.

Ông Hải cũng cho hay, không phải đến bây giờ, Học viện mới phát hiện ra chuyện này.

"Từ năm 2020 khi các học viên tốt nghiệp thi vào các trường đại học, chúng tôi đã rà soát và nhận thấy có vấn đề”, ông Hải nói.

Ông Hải cho hay, ông cũng biết có 3 học viên của học viện sau tốt nghiệp đỗ vào các trường đại học văn hóa nghệ thuật, nhưng vào học được 1 tháng thì các trường này đã trả vì không đủ hồ sơ.

“Việc này đúng thật học sinh rất thiệt thòi. Qua thống kê, có 273 học sinh đã và đang học hệ liên thông cao đẳng không có bằng trung cấp. Để đảm bảo quyền lợi cho người học, giải quyết những vấn đề tồn đọng ở những giai đoạn trước, chúng tôi cũng đã tổ chức các cuộc họp và trình Bộ Văn hóa, Thể Thao & Du lịch về những vấn đề này”, ông Hải nói.

Ông Hải cho hay đã kiến nghị cho phép Học viện cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình văn hóa, và có thể dùng giấy này để đăng ký học thêm các môn học còn thiếu để có bằng tốt nghiệp THCS, THPT.

Ngoài ra, nếu các cơ quan các cấp cho phép Học viện được cấp phôi bằng bù cho các học viên có bằng trung cấp chuyên nghiệp thì vấn đề sẽ được giải quyết.

Tại cuộc họp, chị Phạm Thị Thủy, phụ huynh học viên khóa 2 ngành Diễn viên Múa cho hay, các phụ huynh không nhận được thông báo rõ của Học viện về việc học viên sẽ không được cấp bằng THCS và THPT.

"Chúng tôi không đồng ý về việc này, bởi đây là lỗi của một số cá nhân, chúng tôi cần có hướng để giải quyết về vấn đề bằng tốt nghiệp THCS và THPT cho các con", bà Thủy nói.

Song, ông Hải cho rằng có lẽ trong quá trình dài, phụ huynh đã chưa rõ trong cam kết đào tạo ban đầu của học viện.

Thanh Hùng

To Top