Xây dựng đời sống văn hóa: Nhìn từ hoạt động của các CLB văn hóa, văn nghệ tại huyện Hoằng Hóa

Xác định câu lạc bộ (CLB) văn hóa văn nghệ (VHVN) là nhân tố quan trọng, thúc đẩy văn hóa cơ sở phát triển, cấp ủy, chính quyền huyện Hoằng Hóa đã quan tâm, khôi phục các CLB văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng phong trào VHVN quần chúng phát triển đa dạng, sôi nổi.

Tiết mục văn nghệ của huyện Hoằng Hóa tại Liên hoan tuyên truyền cổ động tỉnh Thanh Hóa năm 2020.

Để phong trào VHVN quần chúng phát triển huyện đã chỉ đạo và hỗ trợ các địa phương thành lập đội, CLB VHVN và khuyến khích các CLB tích cực sinh hoạt, trình diễn. Từ năm 2018 trở về trước, huyện thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh phí khôi phục và duy trì thường xuyên các CLB văn hóa phi vật thể. Nhờ đó, đến nay huyện có 36 CLB VHVN có quyết định thành lập; mỗi thôn có 1 đội văn nghệ tự phát, thu hút từ 15 - 30 người tham gia. Các đội, CLB hoạt động sôi nổi theo phương thức xã hội hóa, tự đóng góp kinh phí, mua sắm trang thiết bị âm thanh, trang phục biểu diễn. Nhiều đội, CLB hoạt động tích cực, hiệu quả, phục vụ nhiệm vụ chính trị, văn hóa, du lịch của địa phương.

Ngoài ra, các CLB còn tích cực tham gia các cuộc liên hoan VHVN của tỉnh và giành được thành tích cao. Điển hình như, CLB chèo Vĩnh Gia, CLB chèo Phượng Mao của xã Hoằng Phượng; CLB nghệ thuật dân gian thị trấn Bút Sơn; CLB trống hội Phú Khê, xã Hoằng Phú; CLB nấu cơm thi Trinh Hà, xã Hoằng Trung... Đặc biệt, nhiều thành viên trong đội, CLB VHVN cơ sở có khả năng sáng tác và dàn dựng chương trình, tiểu phẩm có ý nghĩa, dễ truyền tải, góp phần tích cực trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào đời sống Nhân dân; xóa bỏ hủ tục, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Xã Hoằng Phượng được xem là cái nôi của hát chèo. Do đó, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện cho phong trào VHVN quần chúng phát triển. Hiện 100% thôn có đội, CLB VHVN, trong đó, có 2 CLB chèo được thành lập và hoạt động hiệu quả. Điển hình như, CLB chèo Phượng Mao hoạt động từ năm 2006, đến nay, CLB có gần 30 người tham gia. Kinh phí hoạt động, mua sắm loa đài, đạo cụ, nhạc cụ chủ yếu là các thành viên đóng góp và xã hội hóa. Với đam mê hát chèo, các thành viên CLB đã tích cực luyện tập và tham gia nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh và địa phương như, liên hoan văn hóa các dân tộc toàn tỉnh; liên hoan văn nghệ quần chúng; chào mừng kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam... Ngoài phục vụ sự nghiệp chính trị của địa phương, của tỉnh, CLB còn là nơi các thành viên chia sẻ những tâm tư tình cảm, những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống. Đặc biệt, thông qua những buổi sinh hoạt văn nghệ, các thành viên còn học hỏi, trao đổi về cách làm kinh tế, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội..., góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Cũng như xã Hoằng Phượng, thị trấn Bút Sơn thành lập được 2 CLB chèo, 15 đội văn nghệ quần chúng, trong đó, có 6 đội hoạt động thường xuyên. Hoạt động của các đội, CLB VHVN thu hút đông đảo người dân tham gia. Có thể nói, với những người yêu thích VHVN tại thị trấn Bút Sơn thì đội, CLB VHVN đã trở thành sân chơi, nơi thể hiện sở trường, đam mê của họ. Và, đây cũng là nơi truyền tải hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước vào đời sống của từng nhà, từng người dân. Nhờ đó, 100% khu phố trên địa bàn được công nhận đơn vị văn hóa; 91% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa.

Thực tế cho thấy, hoạt động VHVN quần chúng có vai trò quan trọng trong đời sống, góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, phong tục tập quán. Tuy nhiên, nhiều đội, CLB hoạt động cầm chừng, hoạt động theo mùa vụ, chưa hiệu quả do nhiều người đi làm tại các công ty, doanh nghiệp không có thời gian tham gia sinh hoạt. Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ duy trì hoạt động của CLB, hoạt động VHVN bị cắt giảm.

Để phong trào VHVN trên địa bàn tiếp tục phát triển, huyện Hoằng Hóa duy trì hỗ trợ thường xuyên cho các CLB văn hóa phi vật thể và các hoạt động VHVN tại các địa phương. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho những người làm công tác VNVH ở các xã, thị trấn, các hạt nhân văn nghệ ở thôn, xã và trong các cơ quan, đơn vị; tạo điều kiện, khuyến khích các đội văn nghệ, các CLB giao lưu, biểu diễn văn nghệ phục vụ Nhân dân; thường xuyên tổ chức các cuộc thi, hội diễn văn nghệ quần chúng cấp xã, cấp huyện, thông qua đó, chọn những tiết mục hay, đặc sắc phục vụ các chương trình lớn của huyện, của tỉnh; phát hiện tài năng văn nghệ để bồi dưỡng, bổ sung cho đội văn nghệ của huyện.

Thùy Linh

To Top