Xây dựng khối đại đoàn kết, hòa quyện ý Đảng lòng dân, đổi mới, sáng tạo đưa Ninh Bình phát triển bứt phá

Nhân dịp đón xuân Tân Sửu năm 2021, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh đã dành cho phóng viên Báo Ninh Bình cuộc trao đổi về những kết quả đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là suy nghĩ, trăn trở trong công tác xây dựng Đảng cũng như kỳ vọng về một Ninh Bình của nhiệm kỳ mới.

P.V: Năm 2020 là năm ghi dấu ấn đậm nét của Ninh Bình trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong công tác xây dựng Đảng. Xin đồng chí cho biết kết quả nổi bật trong việc thực hiện nhiệm vụ then chốt này?

Đ/c Nguyễn Thị Thu Hà: Năm 2020 là năm đầy ắp những sự kiện quan trọng, đánh dấu sự nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh ta, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của năm và của cả nhiệm kỳ 2015-2020. Cùng với công tác phòng, chống dịch, tỉnh đã tập trung tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 6,35%, xếp thứ 10 trong toàn quốc, xếp thứ tư khu vực đồng bằng sông Hồng; quy mô nền kinh tế đạt gần 66,5 nghìn tỷ đồng. Thu ngân sách đạt kết quả cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh

Việc tổ chức đại hội đảng các cấp và nhất là Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII vừa qua thành công tốt đẹp là minh chứng về trí tuệ, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và sự đoàn kết, thống nhất cao trong toàn Đảng bộ. Đảng bộ tỉnh Ninh Bình được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Trên cơ sở các quy định, hướng dẫn của Trung ương, riêng Ninh Bình đã chủ động hướng dẫn thực hiện quy trình nhân sự đối với một số loại hình đảng bộ, chi bộ đặc thù, do vậy đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, bất cập cho cơ sở trong quá trình chuẩn bị nhân sự. Đặc biệt, công tác chuẩn bị văn kiện của cấp ủy hết sức cầu thị, kỹ lưỡng, công phu, sát tình hình thực tiễn; dựa trên tiềm năng, thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của địa phương để đề ra các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể, có tính khả thi cao; phát huy tối đa trí tuệ của đảng bộ, tranh thủ ý kiến các cơ quan cấp trên, các chuyên gia, nhà khoa học. Do vậy đã xác định trúng 3 khâu đột phá, 6 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo triển khai trong nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ 2020-2025, có nhiều điểm mới trong công tác xây dựng Đảng được cụ thể hóa thành chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng như: chỉ tiêu về kết nạp đảng viên; chỉ tiêu về xây dựng tổ chức cơ sở đảng hằng năm; chỉ tiêu giám sát thường xuyên đối với tổ chức đảng và đảng viên là cấp ủy viên các cấp; chỉ tiêu kiểm tra, giám sát chuyên đề đối với tổ chức đảng và đảng viên. Phần về xây dựng Đảng chiếm một phần lớn trong văn kiện với những nội dung, giải pháp mang tính đột phá, chiến lược. Công tác chuẩn bị nhân sự chủ động trước một bước; thực hiện đúng nguyên tắc và giữ vững nguyên tắc, nhất quán, đúng quy trình, quy định, đúng thẩm quyền, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm và minh bạch. Ninh Bình là 1 trong 8 tỉnh đạt cả 2 yêu cầu về tỷ lệ cán bộ nữ và cán bộ trẻ tham gia cấp ủy cấp tỉnh.

Năm 2020 cũng là năm Tỉnh ủy đặc biệt coi trọng quan tâm đến công tác xây dựng Đảng trên tất cả các mặt nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng tiếp tục có nhiều đổi mới tích cực, hiệu quả. Nổi bật là đã tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; có những cách làm sáng tạo để đại hội đảng các cấp trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn tỉnh. Trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, đã tiến hành tổng kết Quyết định số 140-QĐ/TU, ngày 1/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách và các doanh nghiệp kết nghĩa với các xã đặc thù; tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác phát triển đảng viên và sơ kết Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng. Công tác dân vận của hệ thống chính trị được đẩy mạnh và tăng cường theo sát chủ đề năm là "Năm dân vận chính quyền". Tỉnh ủy cũng đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định, chỉ thị, nghị quyết về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, đối thoại trực tiếp với nhân dân của người đứng đầu cấp ủy. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng có nhiều đổi mới theo hướng sát cơ sở.

Ảnh minh họa.

P.V: Xin đồng chí trao đổi kỹ hơn về những điểm nổi bật của Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII?

Đ/c Nguyễn Thị Thu Hà: Nhiệm kỳ này, theo Quy định của Trung ương, dự thảo Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh được đưa ra thảo luận ngay tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII.

Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 được xây dựng khoa học, công phu, có sự đổi mới, sáng tạo; thể hiện tâm huyết, quyết tâm, trí tuệ, trách nhiệm của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; bố cục hợp lý, chặt chẽ; có nhiệm vụ, giải pháp cho từng lĩnh vực cụ thể; đảm bảo quan điểm chỉ đạo xây dựng Chương trình hành động bám sát Nghị quyết, là những hành động khả thi, thể hiện rõ những việc quyết tâm thực hiện trong nhiệm kỳ và những việc tạo nền móng cho giai đoạn phát triển trong tương lai. Nội dung của Chương trình hành động tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ lớn. Đó là: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát triển kinh tế; phát triển văn hóa-xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và tiếp tục củng cố vững chắc quốc phòng, quân sự địa phương; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Trong đó, có những nội dung mới lần đầu tiên được xác định sẽ xây dựng thành những nghị quyết, chỉ thị, đề án để tổ chức thực hiện như chuyển đổi số, công tác kiểm tra giám sát, công tác phát triển đảng viên…

Một điểm nổi bật là Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh được ban hành thống nhất với Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong đó xác định những nghị quyết, chỉ thị, đề án, chương trình, kế hoạch rất cụ thể, chi tiết cho từng giai đoạn phải thực hiện và giao UBND tỉnh bố trí, phân bổ nguồn lực ngay từ đầu nhiệm kỳ để triển khai. Cùng với đó các nghị quyết, chỉ thị, đề án, chương trình, kế hoạch có sự phân công, phân cấp, giao chủ thể thực hiện rõ ràng, tránh chồng chéo. Điều này sẽ làm cho nghị quyết và hành động song hành, nhanh chóng được triển khai, sát với thực tiễn, thiết thực, hiệu quả, không hình thức.

P.V: Vai trò nêu gương của người đứng đầu trong thời gian qua tại tỉnh ta đã được triển khai thực hiện khá đồng bộ, khoa học. Khái quát hơn, đó chính là xây dựng Đảng về đạo đức, đồng chí có thể chia sẻ nhiều hơn về vấn đề này?

Đ/c Nguyễn Thị Thu Hà: Xây dựng Đảng về đạo đức là điểm mới, điểm nhấn rất quan trọng được Đại hội XII của Đảng bổ sung và khẳng định; làm cho mục tiêu "xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức" trở nên sáng rõ, hài hòa và bền vững, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền hiện nay. Tại tỉnh ta, xây dựng Đảng về đạo đức đã trở thành nội dung trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và cụ thể hóa bằng các quy định về "nêu gương". Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 10-QĐi/TU, ngày 14/1/2019 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cụ thể thành "10 xây", "10 chống" chỉ đạo triển khai thực hiện trong Đảng bộ tỉnh. Hằng năm, Tỉnh ủy đều lựa chọn chủ đề "Nêu gương" để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phấn đấu thực hiện; khắc phục dần tình trạng thờ ơ, vô cảm, quan liêu, cửa quyền của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Một điểm nổi bật là Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 04-HD/TU về "Nhận diện nội dung cơ bản của các biểu hiện suy thoái theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng", cụ thể từ 27 biểu hiện suy thoái thành 90 biểu hiện; chỉ đạo in ấn thành sổ tay để phát hành đến cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh để mỗi người tự soi chiếu, tự sửa.

Thời gian tới, cần tập trung xây dựng Đảng về đạo đức với những giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn như: Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ tỉnh đến chi bộ; chú trọng kiểm tra việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng kết hợp với phát huy vai trò giám sát của báo chí và nhân dân đối với việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

P.V: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò của cán bộ và công tác cán bộ. Xin đồng chí cho biết quan điểm chỉ đạo của tỉnh về công tác cán bộ trong thời gian tới?

Đ/c Nguyễn Thị Thu Hà: Trong nhiệm kỳ qua, Trung ương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo từng bước hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ, ban hành Nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo xây dựng, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới nhiều quy định, quy chế về đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm và kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.

Trong thời gian tới cần thực hiện các khâu trong công tác cán bộ theo đúng nguyên tắc, đúng quy trình, quy định; có cơ chế kiểm soát chặt chẽ người có chức, có quyền trong công tác cán bộ, không để xảy ra tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng... theo Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị "về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền". Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại tỉnh; đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cập nhật kiến thức mới. Tỉnh cũng sẽ tổ chức sơ kết, tổng kết những mô hình mới như thực hiện thí điểm mô hình cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện Hoa Lư; thực hiện Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch ủy ban MTTQ tỉnh và ở một số huyện, thành phố; thực hiện chủ trương trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm chính trị cấp huyện. Bên cạnh đó tổ chức sắp xếp lại bộ máy cán bộ sau đại hội theo hướng công tâm, phát huy sở trường, năng lực của cán bộ gắn với đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, quy hoạch, bổ nhiệm...

Theo Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong thời gian tới Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ ban hành Đề án "Xây dựng đội ngũ cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đến năm 2030 và những năm tiếp theo". Đây cũng là một trong những giải pháp cụ thể để thực hiện một trong ba khâu đột phá đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh xác định; đồng thời chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc chủ đề công tác năm 2021 của Tỉnh là "Kỷ cương, trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính", qua đó nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh thực sự có tâm, có tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị thời kỳ mới.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh nhấn nút động thổ xây dựng Nhà máy Huyndai Thành Công số 2 (KCN Gián Khẩu).

P.V: Thưa đồng chí, có những điểm gì cần lưu ý trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để tạo nên sức bật mới trong năm 2021, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII?

Đ/c Nguyễn Thị Thu Hà: Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã chỉ rõ mục tiêu đưa Ninh Bình sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng, là trung tâm du lịch quốc gia, tỉnh nông thôn mới và tự cân đối ngân sách. Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; năm tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp. Vì vậy, toàn hệ thống chính trị cần chủ động, tích cực quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng bằng những chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao, với tinh thần chung là chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn, đạt được kết quả cao hơn các năm trước và nhiệm kỳ trước.

Để hiện thực hóa được mục tiêu đó, trong lãnh đạo, chỉ đạo cần kế thừa và phát huy kết quả của thời gian qua; tiếp tục đổi mới phương pháp công tác, quyết liệt, chủ động, tăng cường kiểm tra, giám sát trong lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả các mặt công tác của Đảng bộ, nhất là làm chuyển biến rõ nét tinh thần nêu gương của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tập trung công tác tổ chức cán bộ, các khâu đột phá, chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tăng cường công tác nắm tình hình nhân dân, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng các cấp; tiếp tục tăng cường công tác tiếp xúc cử tri, trực tiếp hơn đến các đối tượng.

Với nền tảng, tiềm năng của Ninh Bình, phải tập trung cho công tác quy hoạch, kế hoạch bởi chỉ có quy hoạch tốt thì mới có dự án tốt, khi đó mới có nhà đầu tư tốt. Đồng thời, yêu cầu phát triển bền vững, phát triển xanh, sạch, có chiều sâu cần được đặt lên hàng đầu. Đó là yêu cầu quan tâm đến các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng như: năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ứng dụng công nghệ trong sản xuất của doanh nghiệp; chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu; thu ngân sách bền vững với cơ cấu ngân sách hợp lý; bài toán về tổ chức phát triển sản xuất cho nhân dân... Đó là yêu cầu phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại với công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tăng giá trị sản phẩm và có số nộp ngân sách lớn. Phát triển nông nghiệp với những sản phẩm đặc hữu, nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, hướng tới phục vụ du lịch...

Muốn vậy, phải bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ; tập trung cho phát triển hạ tầng và cơ chế, chính sách; công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện phải quyết tâm, quyết liệt hơn nữa, lựa chọn ưu tiên, đổi mới sáng tạo, xây dựng nền hành chính liêm chính, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Những yêu cầu giải quyết mối quan hệ giữa quản lý, bảo tồn di sản, văn hóa với phát triển kinh tế; giữa yêu cầu phát triển nhanh với phát triển bền vững; giữa nâng cao năng suất lao động, đổi mới sáng tạo với chất lượng nguồn nhân lực đang có…cần được nhìn nhận khoa học và chiến lược hơn. Những "điểm nghẽn", những vấn đề lớn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: các dự án đầu tư chậm tiến độ; vấn đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch sử dụng đất; nợ xây dựng cơ bản; phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; các vấn đề liên quan đến quy hoạch, quản lý đô thị; giải phóng mặt bằng; thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh; vấn đề ô nhiễm môi trường…cần được các ngành, các địa phương tập trung rà soát, xem xét thấu đáo, tìm giải pháp căn cơ hơn.

Một điều tôi muốn nhấn mạnh trong quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo là phải xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, nhất là trong Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; dân chủ và khai thác trí tuệ tập thể. Khơi dậy lòng tự hào, khát vọng phát triển từ những giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa của vùng đất Cố đô Hoa Lư cùng với phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân để vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển bứt phá trong thời gian tới.

P.V: Đồng chí có điều gì gửi gắm đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh trước thềm năm mới?

Đ/c Nguyễn Thị Thu Hà: Xuân Tân Sửu đang về mang theo động lực mới, niềm tin mới, khát vọng mới. Tôi tin tưởng và tha thiết mong rằng Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh sẽ đoàn kết, hòa quyện ý Đảng lòng dân, nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt giành được nhiều thành tựu hơn nữa trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2020-2025, xứng đáng với truyền thống của vùng đất Cố đô giàu truyền thống lịch sử, văn hóa.

Nhân dịp đón Tết cổ truyền của dân tộc, qua Báo Ninh Bình thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tôi trân trọng gửi đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, cán bộ, chiến sỹ, bà con Ninh Bình đang sinh sống, học tập, công tác trong nước và ngoài nước lời chúc mừng năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, thành công. Năm mới, thắng lợi mới!

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy!

Theo Baoninhbinh.org.vn

To Top