Xây dựng nếp sống văn hóa từ những điều giản dị

Được triển khai từ nhiều năm qua, phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' ngày càng chứng tỏ sức sống lâu bền bằng những mô hình hay, cách làm giản dị mà rất hiệu quả tại nhiều thôn, bản, khu phố khắp toàn tỉnh. Thông qua đó đã cho thấy, nếp sống văn hóa có thể hình thành từ chính những thói quen rất nhỏ trong cuộc sống mỗi người.

Hội LHPN phường Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả) tổ chức lễ trồng cây hưởng ứng phong trào "TP Cẩm Phả - thành phố triệu đóa hoa hồng", tháng 3/2021.

Nói về việc xây dựng nếp sống văn hóa từ cơ sở, không thể không nhắc tới điểm sáng là cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” đã trở thành thương hiệu của các cấp Hội LHPN trong tỉnh, tạo chuyển biến từ nhận thức tới hành động trong từng cán bộ, hội viên. Trong đó, chỉ riêng nội dung về vệ sinh môi trường, làm đẹp đường thôn ngõ phố, cũng đã được cụ thể hóa thành rất nhiều những công trình, phần việc đa dạng, phù hợp với từng địa bàn dân cư, cơ quan đơn vị. Nhiều tuyến đường dân sinh được trồng hoa tươi; nhiều gia đình thực hiện tốt việc phân loại rác sinh hoạt, thu gom rác đúng giờ, đúng nơi quy định, giúp môi trường sống luôn sạch sẽ, trong lành...

Chị Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN phường Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả), cho biết: “Các hoạt động vì môi trường đã trở thành phong trào mạnh nhất của phụ nữ Cẩm Thịnh chúng tôi. Bởi không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu tuyên truyền nữa, từng chi, tổ hội trên địa bàn đều rất nỗ lực để biến các nội dung của “5 không, 3 sạch” thành công việc cụ thể. Như thực hiện gần 1.000 thùng rác tái chế từ thùng sơn cũ để tặng lại cho các hộ dân sử dụng; đảm nhận trồng, chăm sóc các tuyến đường hoa, các khu vườn hoa tại các nhà văn hóa; xóa sạch các “điểm đen” về vứt rác bừa bãi trong khu dân cư; các chị em gương mẫu dùng làn đi chợ, dùng túi nilon thân thiện môi trường để giảm rác thải nhựa... Đáng mừng nhất là phong trào thu hút được cả các hội viên đoàn thể khác, đông đảo người dân nam nữ, già trẻ cùng tham gia nhiệt tình”.

ĐVTN thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn) thực hiện chiến dịch.

Với kiến thức và sức sáng tạo của tuổi trẻ, Đoàn Thanh niên nhiều địa phương cũng đã triển khai rất hiệu quả các hoạt động xung kích vì cộng đồng, chung tay xây dựng nếp sống mới. Nổi bật như các hoạt động về cải thiện môi trường sống, như: Xóa những quảng cáo, rao vặt trái phép; “khoác áo mới” cho các tủ điện, bốt điện bằng những hình vẽ đẹp mắt; chiến dịch “Hãy làm sạch biển”... Cùng với đó là các phong trào xung kích, tình nguyện tại vùng cao, vùng khó khăn để hướng dẫn người dân thay đổi nếp sinh hoạt lạc hậu, hình thành thói quen dùng nước sạch, xây dựng chuồng trại, nhà tiêu hợp vệ sinh, tổ chức việc lễ, việc tang văn minh, tiết kiệm... Sự quan tâm kịp thời của cấp ủy, chính quyền và góp sức của thanh niên đã giúp nhiều địa phương có sự chuyển biến rõ rệt. Thậm chí đưa được những nội dung này vào hương ước, quy ước chung của cộng đồng để cùng thi đua thực hiện.

Hết năm 2020, đánh giá của các địa phương, đơn vị cho thấy, toàn tỉnh có khoảng 94% gia đình văn hóa; 91% thôn, khu văn hóa; 48% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 66% phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa đô thị; 50% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; có 1.456 quy ước, hương ước tại thôn, bản, khu phố có hiệu lực...

Nếp sống văn minh được hình thành từ các khu dân cư còn được thể hiện bằng gần 5.000 “Tổ nhân dân tự quản ANTT”, và 430 “Cụm dân cư tự quản ANTT” được xây dựng trong toàn tỉnh. Từ gia đình, thôn xóm, đến các xã, phường, cơ quan, đoàn thể, trường học... đã xuất hiện nhiều mô hình quần chúng bảo vệ ANTT. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức “tự phòng, tự quản, tự hòa giải”, “thượng tôn pháp luật” trong cộng đồng. Người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức trong việc giữ gìn tài sản, mạnh dạn hơn trong việc phát hiện, tố giác tội phạm, hỗ trợ tốt cho lực lượng chức năng. Từ đó thế trận an ninh nhân dân ngày càng được củng cố vững chắc, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, cho biết: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có sức sống bền bỉ, một phần là nhờ các cấp MTTQ, các tổ chức đoàn thể, các địa phương đã rất chủ động, linh hoạt triển khai hướng về cơ sở. Mỗi nơi một mô hình, mỗi tổ chức, cá nhân một cách làm, song điểm chung là đều bắt đầu từ những việc làm bình dị và thiết thực, đáp ứng được nhu cầu thực tế, xuất phát từ mong muốn của cộng đồng dân cư.

Hoàng Giang

To Top