Xây dựng văn hóa để con người hoàn thiện hơn

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 có ý nghĩa quan trọng, để từ đó các chỉ tiêu về văn hóa hàng năm, 5 năm được tổ chức thực hiện. Từ đó, có thể đánh giá từng giai đoạn phát triển.

Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc", Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2021. Với mong muốn tiếp nhận thêm những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, giới văn nghệ sĩ trong và ngoài nước để hoàn thiện Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 với tính khả thi cao, Báo điện tử Tổ Quốc giới thiệu bài góp ý của bà Hoàng Thị Hoa- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIV.

Bà Hoàng Thị Hoa- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIV

1. Quan điểm của Đảng xác định: phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Phát triển văn hóa và xây dựng con người đã được Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW. Trong Nghị quyết Đại hội đã lấy một trong ba khâu đột phá chiến lược là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy giá trị văn hóa con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc. Trọng tâm là xây dựng môi trường và đời sống văn hóa phong phú, đa dạng. Đây chính là chủ trương quan trọng cần phải triển khai tổ chức thực hiện trong các hoạt động trong điều hành đất nước nói chung cũng như của từng cấp ủy, chính quyền, địa phương và từng ngành.

Tuy nhiên, theo tôi để các quan điểm của Đảng trở thành hiện thực trong cuộc sống thì trong chiến lược cần quan tâm một số nội dung sau:

- Mục tiêu xây dựng đất nước trong giai đoạn mới là phát triển bền vững, nên các nội dung về văn hóa cần phải được đặt trong sự ưu tiên, quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đối với từng cấp ủy, chính quyền.

- Nhà nước thực hiện tốt chức năng xây dựng các cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực phát triển văn hóa, sử dụng thể chế các nguồn lực, công cụ điều tiết, cơ chế phân phối, cơ chế phân phối lại để phát triển văn hóa.

- Về nguồn nhân lực: Phát triển nguồn nhân lực văn hóa đáp ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, tổ chức thực hiện ở các ngành công nghiệp văn hóa. Nguồn nhân lực công tác trong ngành văn hóa cần được quan tâm trong đào tạo, tuyển dụng cũng như cơ chế đãi ngộ.

- Phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam: Xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam trong quá trình thực hiện phải lấy mục tiêu từng bước nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân trong các vùng miền của đất nước, từ thành thị, nông thôn, miền núi… Truyền thống tốt đẹp của dân tộc phải từng bước đước bảo tồn và phát huy. Các sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng đa dạng, phong phú. Muốn như vậy cần có sự ưu tiên đầu tư, có cơ chế khuyến khích sự sáng tạo trong các ngành văn hóa, tôn trọng tự do sáng tạo của cá nhân. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.

- Nghiên cứu, sắp xếp các tổ chức cơ quan ở trung ương, địa phương hoạt động trong ngành văn hóa cho phù hợp. Chỉ ra những tồn tại để trong Chiến lược này đề ra phương hướng khắc phục.

- Trong Chiến lược có rất nhiều chỉ tiêu cụ thể. Theo tôi, thì cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện những chỉ tiêu để làm sao khi xác định chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội cho Chính phủ, các địa phương có thể đưa vào làm mục tiêu phấn đấu.

- Trong kế hoạch 5 năm (2021-2026) của Chính phủ vừa qua, trong 47 trang phụ lục các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội không có chỉ tiêu nào về văn hóa.

Các sản phẩm văn hóa, các tác phẩm điện ảnh, hội họa, nghệ thuật biểu diễn … cần được quan tâm đúng mức

2. Hội nhập quốc tế ngày sâu rộng hơn nên chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện phương châm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Việt Nam đã có Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII chúng ta đã đạt được nhiều kết quả, đến nay hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn trong mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Vì vậy, trong quá trình đó, chúng ta vừa học hỏi những điều tốt đẹp của thế giới mang lại. Đồng thời cũng phải tăng cường hoạt động giao lưu, quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Các sản phẩm văn hóa, các tác phẩm điện ảnh, hội họa, nghệ thuật biểu diễn … cần được quan tâm đúng mức.

3. Trong các nội dung về phát triển văn hóa trong thời gian tới, cần quan tâm đến hoạt động điện ảnh. Vấn đề cần thay đổi nhận thức trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đó là, điện ảnh không chỉ là hoạt động văn hóa, giải trí, mà còn phải là ngành kinh tế. Nhiều quốc gia trên thế giới thành công trong lĩnh vực điện ảnh, họ đã đưa kế hoạch phát triển điện ảnh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và giai đoạn của đất nước và từng địa phương.

Quan tâm đến quan điểm đầu tư vào điện ảnh. Nhà nước có các cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các cá nhân… đầu tư cho ngành điện ảnh như là một ngành kinh tế khác. Nguồn nhân lực trong ngành điện ảnh được khuyến khích, tôn vinh và có những quy định về xây dựng hình ảnh diễn viên tốt đẹp trong công chúng.

4. Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Đây là mối quan hệ biện chứng, xây dựng văn hóa để con người hoàn thiện hơn.

Nhận thức về xây dựng con người Việt Nam, vấn đề nhân tố con người và phát triển con người gắn liền với nhiều lý thuyết khác nhau, nhưng có một cách tiếp cận là lý thuyết về vốn con người, về nguồn nhân lực. Nhiều quốc gia đã coi đầu tư vào vốn con người là một trong các chính sách ưu tiên. Vốn con người là tổng hợp các năng lực sản xuất của người lao động đồng thời là các khoản chi phí của nhà nước, của doanh nghiệp, của từng con người cho việc hình thành và thường xuyên hoàn thiện những năng lực đó.

Thực tiễn sự phát triển của thế giới hiện đại và những năm đổi mới đất nước, đã làm sáng rõ một kết luận rằng đầu tư vào vốn con người, vào giáo dục là đầu tư cho sự phát triển, là đầu tư có hiệu quả nhất. Đề cập vốn con người là cuộc cách mạng trong tư duy kinh tế, chúng ta đã coi con người là nhân tố hàng đầu, là yếu tố đầu vào của mọi quá trình sản xuất. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước chúng ta tiếp tục khẳng định phát triển nguồn nhân lực trọng tâm là giáo dục đào tạo là một trong 3 khâu đột phá để làm chuyển động tình hình kinh tế xã hội. Mục tiêu cao nhất của đột phá này là kết quả của nó chính là con người nhằm nâng cao nhân lực và tạo cơ hội cho mọi người đều có thể phát huy hết khả năng, tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển. Thước đo của phát triển văn hóa chính là sự phát triển con người.

Bà Hoàng Thị Hoa: Thước đo của phát triển văn hóa chính là sự phát triển con người.

Nói đến công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa phải nói đến sự phát triển văn hóa ngay trong đơn vị nhỏ nhất như gia đình, làng xã, cơ quan, đơn vị. Bởi lẽ sự trưởng thành hay phát triển của mỗi nhân cách trải qua quá trình hoạt động văn hóa, các hoạt động trong toàn bộ đời sống và nhân cách đó trở thành các giá trị định hình bền vững. Nghĩa là để có nhân cách văn hóa phải quan tâm tới toàn bộ các hoạt động đa dạng, phong phú của con người. Trong những năm qua chúng ta đã quan tâm đến xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp phong phú chính là xuất phát từ quan điểm phát triển con người. Quá trình đó đã tạo ra các giá trị văn hóa trong nhân cách mỗi người. Vấn đề quan trọng của nhân cách văn hóa là lối sống được thể hiện ở lẽ sống, nếp sống, mức sống, chất lượng cuộc sống và tinh thần của con người, của một cộng đồng cũng như của xã hội. Trên thực tế có thể mức sống chưa cao nhưng nhờ có lẽ sống tốt đẹp, nếp sống lành mạnh, con người và xã hội có thể trở thành con người có văn hóa, xã hội có điều kiện phát triển và tiến bộ. Đất nước chúng ta trong giai đoạn chiến tranh, kinh tế còn nghèo, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Chúng ta đã quan tâm việc xây dựng lối sống và lẽ sống đẹp cho con người và xã hội, không phải chờ khi có mức sống vật chất tốt hơn. Chính những năm đó, một lối sống tốt đẹp, một đời sống tinh thần lành mạnh, trong sáng, sự đoàn kết gắn bó yêu thương nhau,… tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, những giá trị cao đẹp và sâu sắc trở thành nguyên nhân quan trọng làm nên chiến thắng vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 có ý nghĩa quan trọng, để từ đó các chỉ tiêu về văn hóa hàng năm, 5 năm được tổ chức thực hiện. Từ đó, có thể đánh giá từng giai đoạn phát triển. Cho nên cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện Chiến lược này./.

Hà An (ghi)

To Top