Xét tuyển học bạ - 'thẻ quyền năng' mở cánh cổng đại học

Không chỉ giúp sĩ tử giành 'vé sớm' vào đại học, xét tuyển học bạ còn mở ra cơ hội để thí sinh được lựa chọn ngành mình yêu thích.

Cùng với kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường đại học ngày càng đa dạng hóa phương thức tuyển sinh. Thí sinh không cần phụ thuộc vào một kỳ thi duy nhất mà có nhiều lựa chọn để xét tuyển đại học ngành yêu thích, đơn cử là xét tuyển học bạ.

Đã qua một tuần kể từ thời điểm Nguyễn Huỳnh Anh Tú (học sinh lớp 12, Trường THPT Thanh Đa, TP.HCM) đặt bút ký vào phiếu đăng ký xét tuyển học bạ của Đại học Công nghệ TP.HCM (Hutech). Niềm vui ngập trong ánh mắt, Anh Tú hào hứng chia sẻ: “Vậy là 12 năm học của mình gần như đã khép lại, mở ra một hành trình mới. Mình không biết diễn tả niềm vui lớn này thế nào!”.

Nỗ lực suốt những năm cấp 3, điểm học bạ của Anh Tú khá đẹp. Trong những học kỳ gần nhất, Tú đạt học sinh khá, giỏi với điểm trung bình trên 7,5. Với thành tích này, nữ sinh tự tin giành “vé sớm” vào đại học bằng hình thức xét tuyển học bạ.

“Sau khi hoàn thành bước đầu tiên để xét tuyển học bạ, mình đã phần nào giảm bớt gánh nặng áp lực thi cử. Chính cô giáo là người đã tư vấn và hướng dẫn mình. Hiện tại, mình đang dồn toàn bộ sự tập trung cho ôn thi tốt nghiệp THPT”, Anh Tú chia sẻ.

Khác Anh Tú, lý do Trần Hoài Thương (học sinh lớp 12, Trường THPT Gò Vấp, TP.HCM) chọn phương thức xét tuyển học bạ là được theo đuổi ngành học yêu thích. Mong muốn trở thành sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, Thương tham khảo khá nhiều đại học và quyết định nộp hồ sơ vào một ngôi trường uy tín ở trung tâm thành phố.

“Học lực của mình khó thể đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, chưa kể tỷ lệ chọi giữa các trường có ngành Quản trị kinh doanh rất lớn. Vì thế, khi biết trường đại học mình nhắm đến có phương thức xét tuyển học bạ, mình đã nộp đơn xét tuyển từ đợt đầu tiên”, Hoài Thương nói.

Xét tuyển học bạ đang được đông đảo thí sinh lựa chọn trong kỳ tuyển sinh năm 2021. Đây cũng là phương thức được nhiều trường đại học áp dụng, nhằm đa dạng cách thức tuyển sinh, đồng thời thêm sự lựa chọn và tăng tỷ lệ trúng tuyển cho thí sinh.

Điểm khác biệt của hình thức này là điều kiện và thời gian xét tuyển. Theo đó, đơn vị tuyển sinh sẽ tự quy định 2 yếu tố này. Trường có thể dựa vào điểm 3 học kỳ gần nhất, điểm năm lớp 12, điểm 3 năm cấp 3 hay xét yếu tố hạnh kiểm... tùy theo đề án tuyển sinh.

Những năm trước, xét tuyển học bạ dường như là sân chơi của các trường đại học tư thục. Phương thức này còn được xem như “chìa khóa” để mở cánh cửa đại học cho những thí sinh không đạt được thành tích mong muốn trong quá trình thi cử. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, xét tuyển học bạ ngày càng được áp dụng rộng rãi với sự gia nhập “đường đua” của nhiều trường danh tiếng.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kỳ thi THPT, xét tuyển học bạ càng phát huy được ưu thế vốn có. Một trong những điểm mạnh của phương thức này là giảm bớt gánh nặng tâm lý trước kỳ thi THPT cho sĩ tử.

Thông thường, thí sinh thường rơi vào trạng thái áp lực, căng thẳng trước khi thi đại học vì đặt nhiều kỳ vọng vào “trận chiến cuối cùng”. Điều này phần nào ảnh hưởng đến phong độ làm bài, khiến thí sinh không phát huy hết kỹ năng và kiến thức vốn có.

Trong khi đó, phương thức xét tuyển học bạ có điều kiện tương đối nhẹ nhàng, thủ tục đăng ký đơn giản, thí sinh gần như biết trước cơ hội vào đại học sớm. Điều quan trọng là thí sinh không hồi hộp chờ đợi, so sánh kết quả thi THPT Quốc gia, tiết kiệm thời gian và chi phí. Cuộc “chạy đua nước rút” với những ngày trắng đêm ôn tập, áp lực thi cử giờ đây nhẹ gánh hơn đối với các sĩ tử.

Xét tuyển học bạ còn giúp thí sinh giải “bài toán” khó - trúng tuyển ngành học yêu thích thay vì theo học ngành có điểm chuẩn nguyện vọng phù hợp nhưng bản thân không hứng thú. Thực tế cho thấy việc lựa chọn đúng ngành học là bước đầu tiên giúp sinh viên học tập hiệu quả, phát huy được năng lực trong môi trường đại học. Chọn đúng ngành còn là điều kiện cần cho một tương lai nghề nghiệp vững chắc.

Một ưu điểm khác, nếu xét tuyển điểm thi THPT về cơ bản chỉ dựa vào điểm số của một kỳ thi duy nhất thì phương thức xét tuyển học bạ lại dựa trên kết quả đã được chứng minh trong một khoảng thời gian học tập nhất định. Điều này cho phép đơn vị đào tạo đánh giá toàn diện hơn năng lực của thí sinh. Song song đó, thí sinh vẫn được cộng điểm ưu tiên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Với những ưu điểm trên, phương thức xét tuyển bằng học bạ gần như trở thành xu hướng trong khâu lựa chọn thí sinh đầu vào của các trường đại học trong năm 2021.

Các hình thức quen thuộc của phương thức xét tuyển học bạ là: Xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn (được tính bằng tổng điểm trung bình năm lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển) và xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình một số học kỳ nhất định, như xét tuyển học bạ 5 học kỳ, xét tuyển học bạ 3 học kỳ.

So với các hình thức xét tuyển học bạ khác, xét 3 học kỳ giúp thí sinh tận dụng kết quả học tập của hai năm học cuối cấp để đăng ký xét tuyển. Với hình thức này, học sinh lớp 12 cũng có thể đăng ký “giành vé” vào đại học sớm sau khi hoàn thành học kỳ 1 của năm lớp 12. Dựa trên điểm số đã có, thí sinh có thể xét tuyển vào trường đại học yêu thích mà không cần trải qua cuộc thi căng thẳng.

Một trong những đơn vị sớm áp dụng phương thức xét tuyển học bạ 3 học kỳ là Đại học Công nghệ TP.HCM (Hutech). Trường nhận hồ sơ xét học bạ sớm hơn những năm trước, đợt đăng ký đầu tiên bắt đầu từ 1/3. Điều kiện xét tuyển là tổng điểm trung bình 3 học kỳ (học kỳ 1, học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) đạt từ 18 điểm trở lên. Nhờ vậy, thí sinh lớp 12 có học lực khá/tốt ở 3 học kỳ gần nhất có cơ hội chọn ngành học yêu thích và “đặt vé” trước.

Để “rộng đường” cho thí sinh, trường áp dụng phương thức xét tuyển này cho 50 ngành đào tạo, trong đó có các lĩnh vực nổi bật như Kỹ thuật - Công nghệ, Kinh tế - Quản trị, Khoa học xã hội và Nhân văn, Kiến trúc - Mỹ thuật ứng dụng, Sinh học - Môi trường - Nông lâm, Ngoại ngữ, Luật. Riêng với ngành Dược học, điều kiện xét tuyển thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho nhóm ngành Khoa học sức khỏe.

Ngoài xét tuyển học bạ 3 học kỳ, xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn cũng được nhiều thí sinh đăng ký khi Hutech nhận hồ sơ đợt đầu. Các phương thức xét tuyển học bạ tại Hutech độc lập với xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT và Đánh giá năng lực, nên không ảnh hưởng đến quá trình dự thi tốt nghiệp và xét tuyển nguyện vọng của thí sinh.

TS Nguyễn Quốc Anh - Phó hiệu trưởng Hutech - nhận định kỳ tuyển sinh năm nay có tỷ lệ cạnh tranh cao hơn do số lượng thí sinh chọn phương thức xét tuyển học bạ tăng mạnh. Theo quy tắc xét điểm từ cao xuống thấp, điểm sàn cho đợt sau có khả năng tăng so với các đợt trước đó. Trong trường hợp này, thí sinh chủ động xét tuyển học bạ càng sớm thì tỷ lệ chọi càng thấp, cơ hội "giành vé" vào đại học trước khi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT càng lớn.

“Chất lượng đầu vào là yếu tố quan trọng nhưng quá trình học tập rèn luyện của sinh viên mới là điều quyết định. Sau 6 năm áp dụng, những thế hệ sinh viên đầu tiên trúng tuyển theo phương thức xét tuyển học bạ đã ra trường, kết quả học tập cũng như tỷ lệ việc làm đều không khác biệt so với thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét tuyển điểm thi THPT. Đây là cơ sở quan trọng để chúng tôi tin tưởng chất lượng đầu ra của hình thức xét tuyển này”, ông Quốc Anh nhận định.

Ông phân tích thêm, để đảm bảo đầu ra cho sinh viên, trường đã nghiên cứu các chiến lược giảng dạy phù hợp và không ngừng hoàn thiện môi trường giáo dục. Bên cạnh bề dày truyền thống, Hutech còn xây dựng môi trường học tập năng động theo mô hình “Đại học Gen Z”, chú trọng trải nghiệm của sinh viên.

Theo đó, sinh viên được trải nghiệm các giờ học thực tiễn, trau dồi nghiệp vụ với hệ thống thực hành - thí nghiệm chuyên dụng của mỗi ngành. Nhờ sự đồng hành và hướng dẫn của giảng viên, sinh viên tự do thể hiện khả năng sáng tạo, quản lý, tổ chức sự kiện, thực hiện dự án, xây dựng ý tưởng khởi nghiệp.

Hoàn thiện kiến thức chuyên môn và giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm là mục đích chính của các hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp tương tai. Hutech thường xuyên tổ chức các chương trình như “Học kỳ doanh nghiệp” - cơ hội để sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp uy tín hay “Ngày hội việc làm” - nâng cao kỹ năng phỏng vấn xin việc cho sinh viên…

Với môi trường đại học trẻ và năng động, trường cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi văn hóa - nghệ thuật như Miss Hutech, Hutech’s Talent, các giải thể thao sinh viên, hoạt động thiện nguyện, công tác xã hội... Qua những hoạt động này, sinh viên nâng cao kỹ năng sống, phát huy thế mạnh và tài năng vốn có.

Theo TS Nguyễn Quốc Anh, kỹ năng là một trong những khía cạnh quan trọng mà sinh viên cần tập trung trau dồi. Nhà tuyển dụng thường chú ý đến kiến thức, kỹ năng của sinh viên sau khi ra trường, thể hiện qua bảng điểm đại học, CV nổi bật, cách trả lời phỏng vấn tuyển dụng...

“Đây là định hướng chiến lược của Hutech trong quá trình đào tạo sinh viên. Thực tế, dù sinh viên trúng tuyển bằng phương thức nào thì vẫn được tiếp cận cùng một chương trình đào tạo, hội nhập môi trường đại học năng động và quan trọng nhất là nhận bằng chính quy như nhau. Trách nhiệm của nhà trường là tạo ra môi trường giáo dục tốt nhất để sinh viên có một hành trình học đại học nhiều trải nghiệm”, ông Quốc Anh khẳng định.

Giang Chi Anh

Đồ họa: Ái Tân Luật

To Top