Chung tay phát huy giá trị di tích Trường cấp II Hương Phúc

Di tích Chứng tích chiến tranh Trường cấp II Hương Phúc (Hương Khê, Hà Tĩnh) có nhiều hạng mục cần được đầu tư nâng cấp với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng.

Di tích Chứng tích chiến tranh Trường cấp II Hương Phúc nằm bên Quốc lộ 15A, trên địa bàn xã Hương Trạch, huyện Hương Khê.

Thời gian qua, di tích đã nhận được sự chung tay xây dựng của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh thiếu niên, với chủ đề “Kế hoạch nhỏ - góp viên gạch hồng” và sự ủng hộ của các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh.

Theo đó, ngoài ngân sách Nhà nước, 2 năm qua, huyện Hương Khê đã kêu gọi xã hội hóa được trên 2,4 tỷ đồng, trong đó có sự tham gia đóng góp của tất cả các trường học trên địa bàn huyện và một số trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, địa phương đã triển khai nâng cấp, làm mới một số hạng mục công trình như: Cổng vào di tích, hàng rào phía trước,...

...ốp đá 33 ngôi mộ, làm lại hệ thống nền, lan can xung quanh khu mộ,...

Tuy vậy, vẫn còn nhiều hạng mục cần được đầu tư nâng cấp, tu bổ, làm mới như: cải tạo 2 hố bom, hàng rào xung quanh khu chứng tích, xây mới phòng truyền thống, bãi đậu xe, nhà đón tiếp, cải tạo khuôn viên,...

Nhằm tiếp tục phát huy các giá trị di tích và hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày mất của 33 em học sinh Trường cấp II Hương Phúc (9/02/1966 - 9/02/2026) rất cần sự chung tay của cộng đồng.

Đặc biệt là sự tham gia ủng hộ “Viên gạch hồng” từ các trường học.

Video giới thiệu chứng tích tội ác chiến tranh Trường cấp II Hương Phúc (Trích tư liệu của Đài PTTH Hương Khê).

Theo tư liệu lịch sử, chiều ngày 9/2/1966, một tốp máy bay giặc Mỹ đã ném hàng trăm quả bom xuống khu vực xã Hương Phúc. Trong đó có 6 quả bom rơi vào khu vực trường học, toàn bộ ngôi trường 2 gian bị bom Mỹ phá hủy hoàn toàn. Bom Mỹ đã sát hại tại chỗ 33 học sinh; 24 học sinh và thầy giáo Thái Văn Nhậm bị thương được cấp cứu kịp thời.

Tin giặc Mỹ giết hại học sinh trường cấp II Hương Phúc được truyền đi rất nhanh, gây nên một làn sóng căm phẫn trong Nhân dân cả nước và Nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Sự căm thù giặc xâm lược đã trở thành một làn sóng mạnh mẽ, rộng khắp với các hoạt động phản đối chiến tranh, đòi đế quốc Mỹ rút khỏi Việt Nam.

Ngày 12/2/1966, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh à Tĩnh đã tổ chức mít tinh, gửi kiến nghị lên Chủ tịch hội nghị Giơ-ne-vơ yêu cầu có biện pháp đòi đế quốc Mỹ chấm dứt chiến tranh. Giáo viên, học sinh toàn miền Bắc lúc đó đã để tang học sinh Hương Phúc bị giết hại. Ngày 13/2/1966, Bộ Ngoại giao nước ta đã ra tuyên bố cực lực lên án hành động vô nhân đạo, tàn sát học sinh Trường cấp II Hương Phúc ở Hà Tĩnh và đòi đế quốc Mỹ rút về nước.

Ngày 20/2/1966, đoàn đại biểu Trường cấp II Hương Phúc gồm thầy giáo Thái Văn Nhậm, phụ huynh Trương Thị Vỹ và học sinh Nguyễn Thị Mão (sống sót trong trận bom ngày 9/2/1966) do ông Lê Sỹ Nghĩa, Trưởng Ty Giáo dục Hà Tĩnh làm trưởng đoàn, ra Hà Nội họp báo tố cáo tội ác của giặc Mỹ trước đại diện các đoàn thể Trung ương, các trường đại học và phổ thông, hàng trăm nhà thơ, nhà văn, nhà báo trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, ngày 28/2/1966, đoàn vinh dự được vào Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ. Tại buổi gặp mặt, Bác rất xúc động, chia sẻ đau thương mất mát đối với các gia đình có con em bị chết, ân cần động viên chỉ bảo, nhắc nhở thầy trò nhà trường phải vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục dạy tốt và học tốt.

Để khắc ghi sự kiện lịch sử này, năm 1988, Đảng bộ và Nhân dân huyện Hương Khê đã xây dựng đài tưởng niệm ngay tại hai hố bom, nơi đã sát hại 33 em học sinh. Năm 2001, Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng chứng tích tội ác chiến tranh Trường cấp II Hương Phúc là Di tích lịch sử Quốc gia.

Dương Chiến

To Top