Năm học mới và bài toán thiếu giáo viên

Do khó khăn trong tuyển dụng giáo viên, nhất là một số môn mang tính chuyên biệt (như Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc) nên đến nay, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thể hoàn thiện kế hoạch công tác cho năm học mới 2021-2022.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, một số trường đã sử dụng giáo viên Toán - Tin dạy môn Tin học. Trong ảnh: Giờ học môn Tin học tại Trường THPT Nguyễn Huệ, huyện Đại Từ (ảnh chụp tháng 3-2021).

Hiện nay, ngành Giáo dục tỉnh còn thiếu khoảng 400 giáo viên dạy các môn Tiếng Anh, Công nghệ và Tin học, trong khi theo chương trình giáo dục phổ thông mới, đây là các môn học bắt buộc áp dụng từ lớp 3. Đối với cấp THCS, hiện thiếu khoảng 150 giáo viên dạy môn Tiếng Anh và Tin học và khoảng 100 giáo viên các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử, Địa lý. Riêng với cấp THPT (bao gồm cả khối Giáo dục thường xuyên), cơ cấu giáo viên chủ yếu thiếu ở một số môn mới như Nghệ thuật, nội dung Giáo dục địa phương, Giáo dục kinh tế và pháp luật...

Hiện nay, để đảm bảo đội ngũ giáo viên dạy các môn mang tính chuyên biệt, các nhà trường đang vận hành một số cơ chế linh hoạt, như: Bồi dưỡng giáo viên đã từng được đào tạo nhiều môn để có thêm phương án phân công giảng dạy, hợp đồng thuê khoán giáo viên của các trường trên địa bàn để đội ngũ này có thể linh hoạt giảng dạy cùng lúc một vài trường lân cận…

Như tại Trường Tiểu học Vô Tranh (Phú Lương), trong số 40 giáo viên toàn trường, có đến 8 giáo viên hợp đồng. Cô giáo Vũ Thị Hạnh, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Chúng tôi tổ chức trao đổi để những giáo viên lâu năm hỗ trợ về kinh nghiệm cho các giáo viên mới. Ngược lại, các giáo viên trẻ sẽ hỗ trợ lại về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Với các môn: Kỹ thuật, Đạo đức, Âm nhạc, Mỹ thuật, chúng tôi bồi dưỡng chính các giáo viên được đào tạo 9 môn để giảng dạy. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp tình thế, chứ Nhà trường chưa có đội ngũ chuẩn về những môn học này.

Với Trường THCS Bình Thuận (Đại Từ), hiện cả trường chỉ có 1 giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Tin học. Vì vậy, việc phân công giảng dạy gặp nhiều khó khăn. Riêng đối với môn Mỹ thuật, do chưa có giáo viên nên Nhà trường phải bồi dưỡng giáo viên Âm nhạc để giảng dạy.

Trước sự thiếu hụt đội ngũ giáo viên, ngành Giáo dục cũng đã tham mưu, phối hợp với các ngành, địa phương để tìm giải pháp. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là thiếu biên chế và cơ chế tuyển dụng chưa thực sự tạo được sức hút với giáo viên. Chính vì vậy, giải pháp chủ yếu vẫn là chủ động khắc phục khó khăn tại các trường để bảo đảm học sinh được học đầy đủ nội dung, không cắt giảm chương trình.

Ở góc độ đào tạo, quản trị nhân lực, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã cung cấp nhu cầu giáo viên cho các cơ sở đào tạo để đào tạo giáo viên các cấp học... Đặc biệt, Ngành đã tiến hành rà soát, cử giáo viên ở những bộ môn có tỷ lệ biên chế cao hoặc còn dư biên chế so với định mức nhưng có năng khiếu về chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp để đào tạo văn bằng 2 (các chuyên ngành Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội..) để bổ sung cho những đơn vị còn thiếu giáo viên.

Được biết, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) cũng đã kịp thời xây dựng kế hoạch về đổi mới mô hình, phương pháp đào tạo giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới, từ đào tạo theo môn học (đơn môn) chuyển sang hướng đào tạo theo lĩnh vực. Hiện nay, đối với cấp THCS, Nhà trường đã đào tạo giáo viên lĩnh vực Khoa học tự nhiên, đồng thời chuẩn bị triển khai đào tạo giáo viên lĩnh vực Khoa học xã hội.

Trần Nguyên

To Top