Gìn giữ các giá trị văn hóa - lịch sử ở Quan Lạn (Vân Đồn)

Xã Quan Lạn (Vân Đồn) sở hữu những bãi biển đẹp, người dân nơi đây cũng rất chú trọng việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, góp phần vào phát triển du lịch trên địa bàn.

Từ nhiều đời nay, ngay cả khi đời sống nhân dân xã còn nghèo, hàng năm người dân xã Quan Lạn vẫn tổ chức Lễ hội đình Quan Lạn vào trung tuần tháng 8 (ngày 18/6 Âm lịch). Lễ hội tưởng nhớ đến Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, người đã có công lãnh đạo quân dân Vân Đồn đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông trên dòng sông Mang vào thế kỷ 13.

Vào dịp lễ hội, người dân Quan Lạn dù sống ở nơi xa xôi, thậm chí ở nước ngoài cũng trở về, tham gia đóng góp vật chất, tinh thần xây dựng quê hương. Người dân trong làng chia làm 2 phe Đông Nam Văn và Đoài Bắc Võ, để luyện quân chuẩn bị đua thuyền.

Ngày hội kéo dài hàng chục ngày, nhưng ngày chính hội (18/6 Âm lịch) diễn ra lễ hội đua thuyền chải. Người dân đứng chật cả 2 bên bờ sông hò reo vang dội cả khúc sông. Các tay đua thuyền hóa trang trong các bộ trang phục tướng, lính đời Trần rồi cùng đua. Cả bên thắng, bên thua đều về ăn mừng, vì hội đua thể hiện cho tinh thần thượng võ, mừng chiến thắng của quân dân nhà Trần năm xưa là chính.

Lễ hội đình Quan Lạn đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, theo Quyết định 4587/QĐ-BVHTT&DL của Bộ VH-TT&DL ban hành từ năm 2019. Tuy nhiên, lễ hội đã được duy trì và phát triển từ truyền thống và ý thức bảo tồn văn hóa của người dân địa phương hàng trăm năm nay.

Đội văn nghệ CLB Liên thế hệ xã Quan Lạn biểu diễn chào mừng Khu du lịch Minh Châu, Quan Lạn được công nhận là Khu du lịch cấp tỉnh.

Tuy là xã hải đảo, hạn chế về điều kiện tiếp xúc với các mặt văn hóa so với các xã trên đất liền, nhưng ở Quan Lạn người dân tự thành lập một đội văn nghệ CLB Liên thế hệ xã Quan Lạn. Các diễn viên trong đội văn nghệ thuộc nhiều lứa tuổi, từ 30 đến 70 tuổi. Khi rời sân khấu, họ lại mỗi người một việc, người ra khơi đánh cá, người trồng rau hoặc làm dịch vụ ở xã… Số tiền họ kiếm được hàng ngày, họ đều trích lại một khoản nho nhỏ, để đóng góp tự mua sắm quần áo, nhạc cụ biểu diễn. Nhìn họ biểu diễn trên sân khấu, ít ai nghĩ rằng đây là đội ca múa “Cây nhà, lá vườn” ở một xã đảo, trong đó có nhiều tiết mục do đội hoàn toàn tự biên, tự diễn.

Ông Phạm Văn Hữu, Chủ nhiệm CLB Liên thế hệ xã Quan Lạn, đồng thời cũng là đội trưởng đội văn nghệ, cho biết: Chúng tôi có 20 tiết mục tự biên tự diễn và sưu tầm từ nhiều nguồn. Đội văn nghệ chúng tôi nhiều người biết hát tuồng, chèo và một số thế loại dân ca trong nước. Nội dung các bài hát đều là ca ngợi quê hương và những chiến công hiển hách của cha ông xưa trên mảnh đất Quan Lạn, để viết nên truyền thống lịch sử hào hùng ngày nay.

Người dân Quan Lạn rất tích cực xây dựng đời sống mới. Chúng tôi đến thôn Thái Hòa, tuy không phải là thôn ở trung tâm xã, nhưng cũng có nhiều nhà cao tầng khang trang. Người dân Thái Hòa chỉ có một số ít làm du lịch còn đa phần sống bằng nghề khai thác hải sản. Thôn tích cực tuyên truyền, vận động người dân đóng góp công sức làm đường giao thông, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường. Các hộ sống gần bãi biển ký cam kết không xả rác, đổ nước thải bừa bãi ra môi trường xung quanh, tạo điểm du lịch xanh-sạch-đẹp thu hút du khách hơn.

Ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi ở thôn Thái Hòa, xã Quan Lạn.

Ở thôn Thái Hòa, người dân tự ý thức lưu giữ ngôi nhà cổ có niên đại hàng trăm năm. Ngôi nhà vừa mang nét kiến trúc cổ của Châu Âu, lại đan xen nét cổ xưa Châu Á. Chủ ngôi nhà hiện nay là cụ bà đã 93 tuổi tên là Vũ Thị Dược.

Theo anh Hoàng Văn Khương, cán bộ văn hóa - xã hội xã Quan Lạn thì chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà là một vị chánh tổng, vì thời kỳ này chỉ có những người có quyền, có thế lực mới có đủ tiền làm được những ngôi nhà như thế, bởi thời đó người dân Quan Lạn còn rất nghèo. Chủ nhân ngôi nhà hiện nay tự ý thức giữ gìn ngôi nhà, giữ nét kiến trúc cổ xưa, tương lai ngôi nhà có thể được đưa vào hệ thống tuyến, điểm du lịch của xã, tạo thêm nét hấp dẫn cho du khách khi đến với Quan Lạn.

Không chỉ riêng Thái Hòa, từ nhiều năm nay tất cả 8/8 thôn của xã đều đạt và duy trì danh hiệu Thôn văn hóa, hàng năm 85-90% số hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.

Ngày 10/4 vừa qua, tại xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn đã diễn ra lễ công bố Quyết định số 3389/QĐ-UBND của UBND tỉnh công nhận Khu du lịch Minh Châu, Quan Lạn là Khu du lịch cấp tỉnh. Đây là cơ hội giúp Quan Lạn bảo tồn và phát huy tốt hơn những giá trị văn hóa - lịch sử của địa phương, góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch trên địa bàn.

Công Thành

To Top