Lương An với đất và người Quảng Trị

Tính ham chơi, những ngày vừa nắng ấm sau mưa, đón chờ xuân đến, có người bạn rủ đi thăm chiến khu Ba Lòng, tôi chợt nhớ đến mấy câu thơ của Lương An: 'Đò em lên xuống Ba Lòng/ Chở người cán bộ qua vùng chiến khu (...) Ai về bến Trắm thì lên Về cho sơm sớm, mưa đêm khó chèo' (Cô lái đò).

Sông Thạch Hãn đoạn chảy qua Thị xã Quảng Trị - Ảnh: V.LAN

Những câu thơ chở nặng tình đất, tình người ảng Trị, trôi xuyên qua hai cuộc kháng chiến, cho đến hôm nay, sau nửa thế kỷ hòa bình thống nhất, vẫn còn âm vang trên sông nước, ở một miền quê lắm sông, nhiều bến và không ít bãi bờ. Đây cũng là bài thơ nổi tiếng nhất của Lương An, đến mức khi nhắc đến ông, người ta nhớ ngay đến Cô lái đò và nhiều người nhầm tưởng, ông chỉ có được mỗi bài này, gọi ông là “nhà thơ một bài”.

Thực tế, tuy là một cán bộ chính trị/ văn hóa văn nghệ, nhưng ông còn có một sự nghiệp văn chương in đậm dấu ấn của miền quê văn hiến, nơi ông được sinh ra và trưởng thành: Nắng Hiền Lương (thơ, 1962), Vè chống Pháp (nghiên cứu, 1984), Thơ Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (nghiên cứu, 1994), Thơ Mai Am và Huệ Phố (nghiên cứu, 2002), và Tuyển tập Lương An (2004).

Lương An tên thật là Nguyễn Lương An, sinh năm 1920, ở Triệu Tài, Triệu Phong, Quảng Trị. Học ở quê rồi vào học trường Quốc học Huế, tốt nghiệp Thành chung, đang học tiếp ban Tú tài thì tham gia Việt Minh (5/1945), Khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, ông công tác ở Ủy ban hành chính Trung Bộ, rồi Ủy ban hành chính tỉnh Quảng Trị.

Từ đó, ông đã kinh qua nhiều cương vị công tác như hoạt động văn hóa văn nghệ trong Tỉnh ủy, Mặt trận Liên Việt tỉnh Quảng Trị, rồi Liên khu ủy 4 (1949), Trưởng ban biên tập các báo Sinh hoạt văn hóa, Thống nhất (1958-1972), Phó trưởng ty Văn hóa Quảng Trị (1973), Ủy viên thường trực Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Trị Thiên (1983) cho đến lúc nghỉ hưu (1984).

Có người cho rằng: “Trước Cách mạng tháng Tám vào khoảng năm 1941, ông làm công chức hành chính, và bắt đầu làm thơ, nhưng không mấy kết quả” (Trần Mạnh Thường, Các tác gia văn chương Việt Nam, tập 1, Nxb Văn hóa thông tin, 2008, tr.1045). Thực ra, Lương An đến với thơ từ những ngày mới rời xa quê nhà vào học trường Quốc học và bắt đầu công bố những bài thơ đầu tay trên báo Tràng An (Xuân quê nhà, Bên dòng Hương, Thuở trước, Đan áo...).

Tất nhiên, trong trào lưu chung của phong trào thơ mới lúc bấy giờ, thơ của một chàng trai mới mười chín, đôi mươi như ông cũng hòa chung cùng một giọng điệu với thơ ca lãng mạng: “Xuân ở quê nhà như kết hoa/Đường quanh quanh rộn bóng người qua / Giăng mành sương mỏng vương chân ấm/Cành lá điềm nhiên đợi nắng nhòa” (Xuân quê nhà, sáng tác tại Huế, 1939).

Học hết bậc Thành chung, ông học tiếp ban tú tài được mấy tháng, nhưng do nhà nghèo, em đông, không có tiền học tiếp, “Lương An bèn dự cuộc thi tuyển công chức bên Nam triều vào năm 1941, được bổ làm “thừa phái”-một chân thư ký hàng ngày vào sổ sách công văn ở Bộ Lại.

Chính trong những năm này, nhờ được sống ở vùng đất hội tụ nhiều nhà thơ tài danh của đất nước, cũng do công việc rỗi rãi, Lương An đã công bố những bài thơ đầu tiên trên báo Tràng An là tờ báo ông thường xuyên cộng tác với chức danh là “phóng viên thể thao” (Nguyễn Khắc Phê, Thay lời bạt, sách Tuyển tập Lương An, Nxb Thuận Hóa, 2004, tr.568-569). Và, cũng chính ở cương vị này, ông cung cấp những thông tin có lợi cho Việt Minh, thông qua người bạn đồng hương, học cùng lớp, đó là nhà báo Hồng Chương.

Sinh thời, nhà thơ Lương An có bài thơ Làng, với lời đề tặng “Gửi những làng quê Quảng Trị”, trong đó ông đã từng nhận ra sự hồi sinh: “Cây lúa hồi sinh đất hố bom/ Dây khoai che kín lớp tro mùn / Và như tất cả cùng xanh lại/ Với tiếng cười ran mát xóm làng/Trong tôi, làng bỗng trẻ trung sao/ Mỗi cái tên nghe rất tự hào/ Như chẳng có gì mất mát cả/ Như còn lớn đẹp với mai sau”.

Ngoài truyện thơ Giọt máu chung, dài hơn nghìn câu (in lần đầu trong Tuyển tập Lương An, 2004), viết về cuộc chiến đấu của đồng bào KinhThượng ở Tây Nguyên, có thể nói cả cuộc đời cầm bút hơn sáu mươi năm của Lương An, đều cắm sâu ngòi bút của mình vào mảnh đất và con người Bình Trị Thiên, nơi ông sinh ra và gắn bó trên bước đường công tác, kể cả ở ba loại thể văn chương mà ông có can dự vào: thơ, nghiên cứu và chân dung. Đó là vùng thẩm mỹ đậm đặc, nơi nảy sinh cảm thức và nội dung mỹ cảm, là miền quê sáng tạo của tác giả.

Chỉ cần lướt qua tựa đề các tác phẩm cũng có thể nhận ra điều này. Với thơ, thì lấp lánh Nắng Hiền Lương, Về với Hiền Lương, Đôi bờ Hiền Lương, Đường về Vĩnh Kim, Sóng Cửa Tùng, Nhớ về Cửa Việt quê hương, Trên dòng Sa Lung, Nghe kể truyền thuyết dòng sông Đakrông, Tiếng hát về dòng sông Thạch Hãn, Đêm Hải Lăng, Tam Giang, Bên dòng Hương, Ôi Huế 16 năm xa...rồi đến con người - những con người một thời hy sinh cho kháng chiến, chân chất hiền lành như củ khoai hạt lúa, lao động cần cù nhưng rất thông minh, kiên cường quanh vùng giới tuyến, chỉ cần đọc tựa đề có thể hình dung ra đó là những con người ngời sáng trong khói lửa đạn bom: Cô lái đò, Bác lính già, Ông lão vùng nước ngược, Ông lão bên sông, Người con gái bên dòng sông, Gửi em vượt tuyến, Trên xe gặp cô y sĩ trẻ miền núi, Mười một em gái Huế...

Thơ ông có tính chất tự sự, là những câu chuyện về con người và đất trời, sông nước, thể hiện khát vọng về hòa bình, thống nhất, là tâm tư của người dân ở miền quê nghèo khó, đầy đau thương và uất hận vì nỗi chia cắt và đạn bom giày xéo: “Nói về quê hương miền Nam, Lương An không có cái quằn quại xót xa, anh cũng không có cái hô hào, căm thù một cách trống rỗng. Anh cố gắng lắng nghe và chọn những sự việc đi vào tâm tư người đọc” (Hoàng Minh Châu, Những bài thơ về đấu tranh thống nhất, tạp chí Văn học, 207).

Về văn xuôi, những công trình sưu tầm và nghiên cứu công phu, cẩn trọng, có giá trị học thuật, mang ý nghĩa tiên phong của ông cũng xoay quanh vùng đất và con người mà ông yêu quý như Vè chống Pháp (cũng chủ yếu sưu tầm ở khu vực Bình Trị Thiên và khu 4 cũ), Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, Thơ Mai Am và Huệ Phố, là những công trình không thua kém bất kỳ những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, có học vị học hàm nào.

Bên cạnh đó, ông còn có những khắc họa chân dung một cách đậm nét, như những ký sự nhân vật về những danh nhân, các tác giả và những người có công với đất nước, mang đầy tính phát hiện gắn liền với lịch sử-văn hóa vùng đất quê nhà, như Dương Văn An, Nguyễn Hàm Ninh, Lê Thanh Phán, Dương Tường, Trần Xuân Hòa, Nguyễn Đức Đôn...

Thậm chí, ông có cả một cái nhìn tương đối đầy đủ và xuyên suốt dọc theo chiều dài lịch sử về những tác giả trước năm 1945 quê tỉnh Quảng Trị, như Đặng Dung, Bùi Dục Tài, Nguyễn Hữu Thận, Nguyễn Công Tiệp, Nguyễn Văn Hiển, Nguyễn Cửu Trường, Trần Đình Túc, Phan Văn Huy, Hoàng Hữu Xứng, Nguyễn Như Khuê, Nguyễn Trừng, Lê Đăng Trinh, Nguyễn Hữu Bài, Hoàng Hữu Kiệt, Lê Thế Tiết, Phan Văn Hy, Phan Văn Dật, với niềm trăn trở khôn nguôi đầy tinh thần trách nhiệm của một trí thức đối với quê hương: “Chỉ kể thời nhà Nguyễn, Quảng Trị ta có đến 4 vị hoàng giáp, 11 vị tiến sĩ, 10 vị phó bảng, cùng trên 165 vị cử nhân Hán học, nhưng cho đến nay con số tác giả nắm chắc được lại thấy chưa tương xứng. Chắc rằng, ngoài sự mất mát qua thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh, việc tìm tòi chưa đến nơi đến chốn của chúng ta cũng là một nguyên nhân” (Tuyển tập Lương An, sđd, tr.375).

Bên cạnh đó, với tư cách là người trong cuộc, ông còn giới thiệu các tổ chức văn nghệ thời kháng chiến ở Quảng Trị như nhóm Nguồn Hàn (Không trong cũng nước nguồn Hàn), có ý kiến hoặc tranh luận về một số vấn đề văn học mang tính thời sự, như Vài ý kiến qua công tác biên soạn và phiên dịch trong một số sách ra đời gần đây có nội dung liên quan đến Thừa Thiên Huế, Bàn thêm về vấn đề tác giả bài “Răng cắn lưỡi”, Nhân đọc bài trao đổi với ông “Nam Chi...”; hoặc ở một hướng khác, ông đi sâu nghiên cứu địa chí về đất đai, sông núi quê nhà, như Truyền thuyết sông Đakrông, Văn chương Xuân Mỵ, Non Mai sông Hãn, Chảy mãi một dòng sông...

Những công trình nghiên cứu và ký sự chân dung của ông đầy ắp sự kiện, tư liệu đáng tin cậy, giàu tính phát hiện và phản biện, được lập luận chặt chẽ và lấp lánh hình tượng nên có sức thuyết phục người đọc. Nhất là, phía sau trang sách, có thể lắng nghe được hơi thở của từng con chữ, bên dưới bề dày những trầm tích văn hóa giàu tính nhân văn của miền quê Quảng Trị, rộng hơn là những sinh thể tinh thần nhấp nhô trải dài từ Đèo Ngang đến Hải Vân.

Gặp những cô gái xinh tươi, trẻ trung, là cháu chắt của cô lái đò “lên xuống Ba Lòng” ngày xưa, trong những ngày nắng xuân rực rỡ, lòng tôi bỗng bùi ngùi, và ước mơ một điều không bao giờ có thật, rằng giá như Lương An còn sống đến ngày nay để được tận mắt nhìn thấy quê hương yêu dấu của ông ngày mỗi đổi thay. Quả là Quảng Trị bây giờ rực rỡ như mùa xuân, to đẹp hơn rất nhiều lần, với đường xuyên Á, các khu công nghiệp, cảng biển... và cả dự án xây dựng sân bay. Cả Quảng Trị đang hân hoan đón xuân với mai vàng rực rỡ.

Phạm Phú Phong

To Top