Ai là khách hàng mới của du lịch Việt?

Với xu hướng phát triển du lịch nội khối và mức chi tiêu cao, du khách châu Á - Thái Bình Dương trở thành nguồn khách đầy tiềm năng cho du lịch Việt.

Khu vực châu Á trở thành thị trường lớn với mức chi cao nhất thế giới. Ảnh: Linh Huỳnh.

Với giá trị thị trường dự kiến đạt 1,3 nghìn tỷ vào năm 2027, khu vực châu Á - Thái Bình Dương (TBD) được xác định là thị trường du lịch lớn nhất thế giới theo chi tiêu (theo số liệu của The Outbox Company). Thị trường khách châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng kéo dài nhờ sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu mới, trở thành chân dung khách hàng mục tiêu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Sự bùng nổ của khách châu Á

Phát biểu tại Hội thảo Chuyển đổi mô hình kinh doanh du lịch cập nhật xu hướng thế giới ngày 4/4 tại TP.HCM, ông Phước Đặng, CEO The Outbox Company, nói: "Trái với nhiều nhận định chủ quan rằng người châu Á không chi tiêu nhiều. Khách du lịch châu Á được xem là thị trường du lịch lớn nhất thế giới về mặt chi tiêu ở thời điểm hiện tại, dựa trên dữ liệu của WTO".

Với sự bùng nổ của thị trường "Trung Quốc thứ 2" là Ấn Độ và sự trở lại của khách Trung Quốc, châu Á sẽ sớm dẫn đầu thế giới về cả quy mô thị trường và đóng góp về mặt chi tiêu.

Ông Phước cho biết sự phát triển này được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong nhiều năm tới với sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu mới. Trong khi tầng lớp trung lưu ở các thị trường khác bắt đầu suy giảm, riêng ở châu Á, tầng lớp này lại đang tăng trưởng nhanh.

Cũng đồng quan điểm với vị trên, đại diện Google ở Việt Nam, bà Hà Lâm Tú Quỳnh cho biết: "Châu Á - là châu lục có dân số ở độ tuổi Gen Z nhiều nhất trên thế giới. Đây cũng là châu lục có tỉ lệ tăng trưởng GDP cao nhất cùng tỉ lệ người sử dụng điện thoại di động nhiều nhất trên thế giới".

Trong khi Gen Z và công nghệ AI được nhận định là làn sóng thứ 3 thay đổi ngành du lịch. Với những điều kiện trên, đối tượng du khách đến từ châu Á -TBD sẽ là khách hàng chính, mang lại nguồn thu lớn cho nhiều quốc gia.

Du khách Hàn Quốc đang khám phá Làng văn hóa Mari Mari ở Malaysia. Ảnh: Linh Huỳnh.

Bên cạnh đó,thị trường du lịch nội khối đang giữ vai trò chủ đạo ở hầu hết quốc gia trong khu vực trên thế giới trong những năm trở lại đây. Khách du lịch nội khối ưu tiên thực hiện các chuyến đi trong khu vực mình đang sinh sống, sử dụng các chuyến bay ngắn, từ 1-2 tiếng và dưới 8 tiếng.

Trước đây, Tây Âu vốn là nguồn khách truyền thống được yêu thích của du lịch Việt Nam, tuy nhiên sau Covid-19, lượng khách trở lại chưa nhiều. Ông Phước cho biết, theo thống kê chưa chính thức của đơn vị, hơn 50% khách du lịch của thị trường châu Âu trong năm ngoái là người châu Âu chứ không phải là người của khu vực khác, đối tượng khách này cũng ưu tiên du lịch nội vùng.

Theo dữ liệu của Google, châu Á - TBD đang là khu vực dẫn đầu với tỷ lệ du lịch nội khối cao nhất trên thế giới. Tại Việt Nam, thị trường nội khối chiếm khoảng 84% tổng lượng du khách quốc tế trong năm 2023. Năm qua cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của một vài thị trường, đặc biệt là Ấn Độ và Australia, đây là một trong những thị trường trọng tâm của du lịch TP.HCM.

Với sự bùng nổ của thị trường châu Á - TBD và xu hướng du lịch nội khối, ông Phước cho rằng cấu trúc thị trường du lịch Việt Nam sẽ khó có sự thay đổi trong 3-5 năm tới, mặc cho ta có nỗ lực như thế nào thì đây đã trở thành xu hướng mang tính định hình.

Yêu cầu đặt ra cho doanh nghiệp

"Chúng ta phải chấp nhận xu hướng đó và đưa ra những chính sách phù hợp hơn. Đối với thị trường ngoại khối sẽ khó có sự tăng trưởng đột biến trong thời gian tới", ông Phước Đặng nhận định. Ông cho rằng du lịch Việt có cơ hội tìm những phân khúc mới trong một nguồn thị trường.

Du khách trẻ ưu tiên chọn du lịch tự túc, ứng dụng công nghệ và mạng xã hội để tìm kiếm thông tin và lên kế hoạch du lịch. Nhiều người sẵn sàng chi thẳng tay để có những chuyến du lịch đáng nhớ với trải nghiệm xứng đáng.

Trước tình hình trên, ông Phước cho rằng có 3 yêu cầu được đặt ra mà các quốc gia và doanh nghiệp cần tập trung giải quyết.

Thứ nhất, hiểu được chân dung khách hàng của mình là ai, họ thích gì, đến từ đâu. Yêu cầu thứ hai, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và hoạt động tiếp thị điểm đến, tiếp thị sản phẩm đến với khách hàng mục tiêu bằng những cách thức mới, ứng dụng các công cụ truyền thông trực tuyến bên cạnh hoạt động tiếp thị truyền thống.

Hiện tại, du khách không còn có nhu cầu về mặt kết nối dịch vụ, thay vào đó, họ có nhu cầu nhiều hơn về mặt trải nghiệm. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương phát huy lợi thế bản địa của mình qua việc chứng minh sự hiểu biết sâu sắc về giá trị văn hóa, đầu tư hoàn thiện sản phẩm, phát huy nguồn lực địa phương.

Doanh nghiệp cần phải tích cực quảng bá điểm đến, xây dựng tour ấn tượng, thu hút du khách. Ảnh: Oxalis Adventure.

Ông Nguyễn Châu Á - Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Oxalis Adventure cho rằng, sau khi xác định chân dung khách hàng, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần thiết kế, cung cấp sản phẩm chất lượng, có thời gian hợp lý. Tích cực truyền thông, quảng bá điểm đến thông qua nhiều nền tảng như báo chí, chương trình truyền hình, mạng xã hội, KOLs/Blogger, các MV, phim ảnh, sự kiện để xây dựng thương hiệu, tạo niềm tin cho khách.

Để kinh doanh B2C hiệu quả, các doanh nghiệp nên phát triển những platform như website, ứng dụng, xây dựng hệ thống bán hàng tốt, hỗ trợ khách nhanh. Bên cạnh xây dựng chiến lược marketing bài bản, nhân sự cũng cần được đào tạo, ứng dụng AI để viết content nhanh hơn, tăng tỷ lệ xuất hiện trên các công cụ tìm kiếm...

Linh Huỳnh

To Top