Lan tỏa nghệ thuật hàn lâm

Vốn chỉ được biểu diễn ở nhà hát - 'thánh đường nghệ thuật', các loại hình nghệ thuật hàn lâm (opera, giao hưởng, nhạc kịch, ballet…) đang có những cách tiếp cận mới để đến gần hơn với công chúng.

Chương trình hòa nhạc “Vì một Hà Nội đáng sống”.

Trải nghiệm mới

Cách đây chưa lâu, tại không gian sáng tạo Complex 01 (ngõ 167 Tây Sơn, Hà Nội), 120 nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế đến từ Dàn hợp xướng Đa dạng, Hợp xướng Hanoi Voices và nhiều nghệ sĩ khác đã tổ chức buổi hòa nhạc đặc biệt mang tên “Vì một Hà Nội đáng sống”.

Điều đặc biệt, đây là lần đầu tiên một trình nghệ thuật hàn lâm được biểu diễn tại không gian nền của một nhà máy cũ. Địa điểm này vốn là nhà máy in Công đoàn những năm 1960 được cải tạo thành không gian đa chức năng với khung nền, các khẩu hiệu, hình dáng nhà máy xưa được giữ nguyên.

Chia sẻ về dự án, ông Lê Quang Bình, điều phối viên của mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” cho biết, việc biểu diễn hòa nhạc ở không gian mở là một ý tưởng sáng tạo nhằm làm giàu thêm đời sống văn hóa của người dân thủ đô.

Điều này chỉ thực hiện được nếu thành phố có nhiều không gian mở để nghệ sĩ, thanh niên, các nhà hoạt động xã hội, các nhà đầu tư cho công nghiệp sáng tạo gặp gỡ, trao đổi và cùng phát triển các ý tưởng và sản phẩm mới.

Việc chuyển đổi các nhà máy cũ thành các không gian công cộng sáng tạo sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng quan trọng cho công nghiệp văn hóa. Tôi hy vọng người dân, các nhà đầu tư và chính quyền thành phố ủng hộ cho việc chuyển đổi nhà máy cũ thành không gian công cộng sáng tạo.

Có thể nói việc chuyển đổi không gian trình diễn các chương trình nghệ thuật hàn lâm đang là một cách tiếp cận khá hiệu quả tới đông đảo công chúng. Bởi ngoài Nhà hát Lớn Hà Nội, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam… những năm gần đây ngay tại Hà Nội xuất hiện một số không gian sáng tạo ra đời và đã mang đến cho công chúng yêu nghệ thuật những trải nghiệm mới.

Có thể kể đến các không gian như Heritage Space, X98 (phố Hoàng Cầu), Cà phê thứ bảy (phố Ngô Quyền), Hanoi Rock City (phố Tô Ngọc Vân), Manzi (phố Phan Huy Ích), Thành phố sáng tạo (Hanoi Craetive City - số 1 phố Lương Yên), Ơ kìa Hà Nội (ngõ 639 Hoàng Hoa Thám)...

Trước đó, một số nhà hát đã mạnh dạn chủ động đưa âm nhạc hàn lâm xuống đường, ra phố, về nông thôn tìm khán thính giả. Chẳng hạn, các nghệ sĩ của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã phối hợp triển khai dự án âm nhạc cộng đồng lớn mang tên “Luala concert” - định kỳ hàng tuần đưa nhạc Giao hưởng - thính phòng ra khỏi nhà hát, đi biểu diễn ngay trên vỉa hè Hà Nội.

Dự án này đã gặt hái những thành công nhất định, được dư luận xã hội đánh giá cao. Gần đây nhất chương trình hòa nhạc Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm với sự tham gia biểu diễn Dàn nhạc giao hưởng London đã tạo được ấn tượng trong lòng khán giả Thủ đô.

Chương trình hòa nhạc Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert.

Tìm kiếm khán giả

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực cho nghệ thuật hàn lâm thì việc tìm kiếm khán giả lại đang một bài toán “hóc búa” cho những người làm nghệ thuật.

Theo nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh, ở Việt Nam nghệ thuật hàn lâm chưa có lịch sử lâu dài ở cả hai khía cạnh lịch sử và biểu diễn. Nếu như ở các quốc gia khác, việc đi nghe nhạc ở nhà thờ vào cuối tuần hay mua vé đi nghe nhạc ở nhà hát là một thói quen thì ở nước ta, điều đó vẫn còn khá mới mẻ. Do vậy, nếu cứ giữ nguyên những chuẩn mực, không gần gũi thì khán giả sẽ bỏ qua. Vì thế, không chỉ tôi mà các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực này đều cố gắng tìm ra những cách tiếp cận mới mẻ.

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh cũng dẫn chứng, trong những buổi biểu diễn nhỏ, chúng tôi kết hợp biểu diễn tác phẩm với việc giải thích một chút về tác phẩm đó, hay kết hợp biểu diễn âm nhạc trong không gian triển lãm... “Một vấn đề nữa là giáo dục âm nhạc trong trường học. Tôi nhớ hồi học tiểu học, hình như trong 5 năm học chỉ có một bài giới thiệu về Moza. Chính sự hời hợt khiến mọi thứ xa lạ với chúng ta ngay từ bé. Muốn tạo ra một lớp công chúng mới thì cần thay đổi từ giáo dục”, nghệ sĩ Lưu Đức Anh nói.

Đồng quan điểm, NSƯT Trần Ly Ly- Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam cho rằng, Điều đầu tiên nên làm là thúc đẩy nhu cầu thưởng thức nghệ thuật hàn lâm từ nhà trường. Còn điều cần làm hiện nay là sáng tạo ra những sản phẩm thu hút được khán giả nhưng vẫn giữ được nét kinh điển của nghệ thuật hàn lâm. Nếu khán giả chưa đến với mình, thì mình chủ động đến với khán giả. Làm sao phải tiếp cận dần nhưng không biến chất về nghệ thuật.

Có thể biến một tác phẩm tác phẩm kinh điển thành những phần nhỏ. Vẫn là aria, vẫn là Ballet của vở này nhưng chỉ một chút thôi, đủ để người ta hiểu được một phần của nghệ thuật, chứ không kéo dài cả vở khiến khán giả bị quá tải và nhàm chán. Cũng như đọc một cuốn sách khó vào và rất dài, thì mỗi hôm chỉ đọc được 10 trang, hôm sau lại tiếp tục. Điều này sẽ tạo nên thói quen và sự tò mò trong thưởng thức.

Nhìn chung, để nghệ thuật hàn lâm có lịch biểu diễn và tiếp cận với công chúng, vai trò quan trọng nhất thuộc về các nghệ sĩ. ở đó, thay vì ngồi và chờ các chính sách, cơ chế từ Nhà nước, một số nhà hát giao hưởng, thính phòng và các nghệ sĩ nên chủ động đi tìm khán giả, mang âm nhạc hàn lâm ra khỏi không gian sang trọng và quy chuẩn của các phòng hòa nhạc, biểu diễn ngoài đường phố, trong nhà thờ, hay giữa rừng.

Bên cạnh đó, cạnh công tác đào tạo, sử dụng nhân tài, Nhà nước cần có kế hoạch đặt hàng hoặc hỗ trợ kinh phí cho một số nhạc sĩ có khả năng viết các tác phẩm nghệ thuật hàn lâm, bởi không nên lệ thuộc hoàn toàn vào các tác phẩm của nước ngoài. Song song với những tác phẩm kinh điển thế giới, cần có những tác phẩm của tác giả Việt Nam. Đây cũng là một khâu khá quan trọng trên con đường phục hồi và khẳng định bản sắc của nghệ thuật hàn lâm Việt Nam.

Minh Quân

To Top