Ngày Tết, thưởng thức bánh Tét Trà Cuôn vừa đạt kỷ lục châu Á

Bánh tét là một trong những món ăn đặc sản ngày tết truyền thống của người dân Nam bộ. Trong đó, bánh tét Trà Cuôn nổi tiếng ở miền Tây bởi sự khác lạ từ hình thức đến hương vị đã làm nên thương hiệu riêng biệt cho món bánh truyền thống này.

Độc đáo từ hình thức đến hương vị

Vào những dịp Tết, làng bánh tét Trà Cuôn trở nên bận rộn hơn nhiều để kịp cho việc sản xuất, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của mọi người. Ảnh Xuân Lương

Bánh tét Trà Cuôn xuất phát từ một ấp tên gọi Trà Cuôn thuộc xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, à Vinh, một địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống.

Theo lời kể của các chủ cơ sở bánh tét trong làng, món bánh tét này do một phụ nữ người Khmer là bà Thạch Thị Lết gói bán cho bà con trong xóm. Nhờ vào những đòn bánh tét này, cuộc sống gia đình bà đỡ phần khốn khó, chăm lo con cái.

Bánh tét Trà Cuôn ngoài mang hương vị đặc trưng vùng đất Cầu Ngang - Trà Vinh, còn về kích thước khủng của từng đòn bánh. Mỗi đòn bánh chỉ dài hơn một gang tay nếu so với các loại bánh tét như bánh tét lá cẩm, bánh tét truyền thống thì ngắn hơn nhưng đòn bánh tét Trà Cuôn trông đầy đặn, cầm chắc tay hơn hẳn, nếu cân thử thì đòn bánh nặng hơn 1kg.

Bánh tét Trà Cuôn, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang hiện đã trở thành đặc sản khá nổi tiếng ở Trà Vinh, được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến, coi đó là quà quí để tặng người thân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh Xuân Lương

Bánh tét Trà Cuôn không giống bánh những nơi khác, nó đặc biệt ở chỗ từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến cách gói và cách luộc bánh. Bánh được gói bằng loại nếp sáp, đậu xanh nấu nhiễm và thịt mỡ, ba rọi ướp thơm.

Bánh tét thường thì có màu trắng của nếp, cho thêm lá cẩm thì bánh có màu tím, cho vào nước cốt gấc thì bánh có màu đỏ, còn cho vào nước cốt bồ ngót già thì bánh có màu xanh rất tự nhiên. Nguyên liệu từ thiên nhiên này còn tạo ra mùi thơm rất đặc trưng và tươi bắt mắt.

Theo một chủ cơ sở bánh tét tại Trà Cuôn cho biết: “Điều khác biệt giữa bánh tét Trà Cuôn là bánh ngày xưa chỉ có nếp đậu xanh và mỡ, bây giờ bánh có thịt, có trứng muối. Đặc biệt bây giờ có thêm bánh tét 3 màu làm từ trái gấc, lá cẩm và lá bồ ngót”.

Để làm ra được một đòn bánh tét ngon, đòi hỏi người thợ phải lành nghề. Ngoài khâu nguyên liệu được lựa chọn kỹ càng cũng cần đến tay gói khéo trong việc gói bánh và nấu bánh. Thao tác cột dây phải vừa phải, nếu xiết chặt quá có thể khiến đòn bánh chín không đều, không đạt độ giòn dai theo yêu cầu. Ngược lại, nếu xiết quá lỏng, bánh sẽ bị thấm nước và không ngon và không có hình dạng bắt mắt.

Bánh tét đạt kỷ lục châu Á

Từ một món ăn dân dã, bánh tét Trà Cuôn trở thành đặc sản giúp bà con có việc làm ổn định, quanh năm, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Bánh tét Trà Cuôn không giống bánh những nơi khác, nó đặc biệt ở chỗ từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến cách gói và cách luộc bánh. Ảnh Xuân Lương

Hiện làng nghề bánh tét Trà Cuôn có khoảng 7 cơ sở sản xuất với gần 20 hộ gia đình làm nghề. Mỗi cơ sở tạo được việc làm quanh năm cho 7 đến 10 thợ chuyên nghiệp.

Vào những dịp ết, làng nghề trở nên bận rộn hơn nhiều để kịp cho việc sản xuất, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của mọi người. Một thợ ngày thường có thu nhập từ 180 - 250 ngàn đồng, nhưng ngày Tết thì cao gấp 2 đến 4 lần.

Là người có hàng chục năm thâm niên với nghề làm bánh tét, bà Mai Hoàng Lý - chủ cơ sở sản xuất bánh Hai Lý cho biết, nếu bình thường chỉ sản xuất khoảng 300 đòn bánh/ngày, thì những ngày Tết số bánh có thể lên đến 3 - 5 nghìn đòn bánh/ngày.

Nhờ hương vị thơm, ngon đặc trưng, “không đụng hàng” mà bánh tét Trà Cuôn đã vươn ra khỏi địa phương. Đặc biệt, có nhiều cơ sở còn xuất khẩu bánh ra nước ngoài.

Tháng 12/2023, bánh tét Trà Cuôn được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục châu Á về ẩm thực và quà tặng đặc sản của Việt Nam theo bộ tiêu chí Kỷ lục ẩm thực và đặc sản châu Á năm 2023.

Xuân Lương - Hồng Thắm

To Top