Thưởng thức âm vang cồng chiêng Tây Nguyên giữa lòng Hà Nội

Tối 26/11, người dân Thủ đô và du khách đã được thưởng lãm màn trình diễn cồng chiêng độc đáo của đồng bào dân tộc Bahnar tại Không gian phố đi bộ Hồ Gươm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Chương trình biểu diễn múa cồng chiêng được thực hiện bởi 18 nghệ nhân Bahnar và 2 nghệ nhân Jrai đến từ miền đất đầy nắng và gió Tây Nguyên.

Đây được xem là một sự kiện có ý nghĩa hết sức đặc biệt, bởi lần đầu tiên một dàn cồng chiêng Tây Nguyên cùng các vũ công Tây Nguyên rực lửa biểu diễn sống động giữa lòng Thủ đô Hà Nội.

Bên cạnh đó, người dân Hà Nội còn được chứng kiến những nghệ nhân nhí- tài năng kế tục, trao truyền di sản văn hóa cồng chiêng đại ngàn.

Theo quan niệm của người Bahnar, cồng và chiêng là những vật dụng thiêng liêng, là tài sản quý giá trong mỗi gia đình, dòng họ. Âm vang của cồng chiêng như sợi dây kết nối, liên lạc với Yàng (trời) và đấng thần linh, mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh, sinh hoạt của cộng đồng.

Những thang âm vang vọng từ cảm tác hung vũ từ đại ngàn sẽ theo đôi tay, nhịp chân của những thanh, thiếu niên Bahnar chơi cồng chiêng và cô gái Jrai đàn hát dân ca.

Người dân Thủ đô thích thú chụp hình bên nghệ nhân người dân tộc Bahna tại phố đi bộ hồ Gươm.

Không khí phố đi bộ hồ Gươm càng trở lên sôi động, hấp dẫn hơn khi vũ điệu cồng chiêng vang vọng một vùng trời.

Nghệ thuật trình diễn cồng, chiêng được thể hiện đa dạng, độc đáo. Tính độc đáo của cồng, chiêng thể hiện ở trình độ điêu luyện của người biểu diễn trong việc áp dụng những kỹ năng đánh cồng, chiêng.

Những thanh, thiếu niên vùng Tây Nguyên hòa quyện trong vũ điệu cồng, chiêng.

Quyện hòa trong tiết tấu, giai điệu của cồng, chiêng là những âm thanh nghe như giai điệu của rừng đại ngàn, của suối reo, thác chảy; lấp lánh sắc màu của nắng, của gió, của đất; là tâm hồn mộc mạc, chân thành, khoáng đạt của đồng bào.

Đình Trung

To Top