Giữ gìn và phát huy giá trị di tích, đình làng

Nghĩa Hành là huyện còn lưu giữ nhiều đình làng, di tích văn hóa, lịch sử có kiến trúc cổ độc đáo. Nhiều năm qua, chính quyền địa phương cùng với nhân dân đã chung tay tôn tạo nhằm lưu giữ các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương.

Giữ đình làng xưa

Mang vẻ đẹp mộc mạc, nhưng lại toát lên sự tinh tế, cổ kính, không gian những đình làng xưa ở huyện Nghĩa Hành không chỉ là công trình kiến trúc biểu tượng của cả làng, mà còn ẩn chứa trong đó những câu chuyện lịch sử, những ước vọng của người dân gửi gắm qua kiến trúc và từng đường nét chạm khắc.

Đình An Định, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành), đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. ẢNH: KIM NGÂN

Với người dân nơi đây, đình làng là nơi thể hiện rõ nhất lối sinh hoạt mang tính cộng đồng gắn bó bền chặt dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử. Theo thời gian, nhiều đình bị xuống cấp. Người dân đã cùng chung tay với chính quyền góp công, góp của tu sửa, giữ gìn các công trình kiến trúc cổ có niên đại hàng trăm năm cho đời sau. Điển hình như Di tích kiến trúc nghệ thuật đình An Định ở thôn An Định, xã Hành Dũng. Đây là công trình đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 2018.

Đình An Định là một ngôi đình lớn có giá trị cả về mặt lịch sử văn hóa lẫn kiến trúc nghệ thuật. Đình này được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII, tọa lạc trên khu đồi bằng phẳng rộng hơn 5.000 m2. Đình An Định là một tổng thể kiến trúc bao gồm các công trình như cổng, trụ đình, sân đình, đình ngoài, hậu đình, nghĩa từ, miếu thờ thổ thần và sơn thần...

Đình An Định thờ Thành hoàng - vị thần bảo hộ của làng và các vị tiền hiền, hậu hiền có công khẩn hoang mở đất lập làng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đình làng An Định nói riêng và thôn An Định nói chung là căn cứ địa vững chắc của cách mạng. Nơi đây còn là cơ sở của ngành quân y của Liên khu 5.

Theo Trưởng phòng VH-TT huyện Nghĩa Hành Đặng Kim Dũng, đình làng An Định có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân. Đây là nơi thờ cúng tổ tiên của bảy tộc họ tiền hiền đã góp phần tạo nên vùng đất này. Nhiều năm qua, nhân dân địa phương đã đóng góp tiền của để trùng tu tôn tạo, giữ gìn đình làng. Tính từ năm 2013 đến nay huyện Nghĩa Hành đã huy động hơn 1,5 tỷ đồng tôn tạo để ngôi đình luôn bề thế.

Ngoài đình An Định, đình Lâm Sơn thuộc thôn Phước Lâm, xã Hành Nhân cũng được nhân dân địa phương giữ gìn, tôn tạo. Với kiến trúc độc đáo, đình Lâm Sơn đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

Trưởng ban Quản lý đình Lâm Sơn Đoàn Pháp Luật cho hay: Đình Lâm Sơn còn lưu giữ 7 đạo thần sắc của các triều vua phong tặng. Để gìn giữ ngôi đình, nhiều năm qua, cùng với Nhà nước, nhân dân địa phương đã đóng góp hàng tỷ đồng để tu sửa, bảo vệ để công trình cổ kính này trường tồn theo thời gian. Đầu năm 2021, huyện Nghĩa Hành cũng đã bố trí gần 100 triệu đồng để sửa chữa lại khuôn viên sân vườn, cổng ngõ.

Trải qua thời gian, ngoài hai đình làng trên, hiện Nghĩa Hành còn gìn giữ gần chục đình làng như Phú Khương, Phú Châu (Hành Đức), Long Bình (Hành Tín Tây), An Ba (Hành Thịnh), Long Bàn Bắc (Hành Minh)...

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích

Toàn huyện Nghĩa Hành hiện có 20 di tích lịch sử - văn hóa được các cấp ra quyết định xếp hạng và bảo vệ. Trong đó có 5 di tích cấp quốc gia, 15 di tích cấp tỉnh và một số di tích, thắng cảnh có giá trị khác.

Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm cho biết: Để bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, thời gian qua, cùng với nguồn ngân sách hỗ trợ của tỉnh, nguồn xã hội hóa, huyện Nghĩa Hành đã phân bổ kinh phí sửa chữa, trùng tu tôn tạo 13 di tích, với tổng kinh phí hơn 16 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hơn 9,6 tỷ đồng. Nhiều di tích đã được tôn tạo và phát huy như Di tích Việt - Lào, đình Lâm Sơn, di tích Vụ thảm sát địa đạo Hiệp Phổ Nam, Khánh Giang - Trường Lệ...

Theo ông Sâm để phát huy giá trị các di tích, đình làng trên địa bàn huyện, gắn kết với phát triển du lịch thì bên cạnh việc đẩy mạnh trùng tu, bảo vệ kiến trúc đình làng, các di tích, huyện còn quan tâm đến việc phục hồi không gian văn hóa đình làng. Sắp tới địa phương sẽ tổ chức ngày hội văn hóa đình làng sau đó nâng tầm thành lễ hội đình làng vào dịp ngày lễ 2.9 hằng năm để tạo không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng và tổ chức các hội thi văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian đặc sắc ở địa phương...

KIM NGÂN

To Top