Nơi lưu giữ kiến trúc văn hóa cùng nhiều di vật quý thời Lý

Xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội có hai di tích lịch sử cấp quốc gia được đông đảo Nhân dân, phật tử, khách thập phương… trong và ngoài nước biết tới. Đó là cụm di tích đình và chùa La Phù.

Chùa La Phù được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Đình La Phù nổi tiếng với lễ rước ông Lợn, tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng (ÂL). Liền kề với đình là chùa La Phù, hay còn được gọi với các tên khác là chùa Trung Hưng, Thiên Hưng tự. Chùa có vị trí nằm giữa trung tâm làng La Phù.

Chùa La Phù được xây dựng cách đây gần 1.000 năm để thờ Phật và 3 vị thiền sư danh tiếng thời Lý là Không Lộ, Từ Đạo Hạnh và Giác Hải. Bản thân việc ra đời của chùa vào thời đó đã mang một giá trị quý cho khoa học lịch sử, kéo dài danh mục những ngôi chùa cổ thời Lý đã biết, góp phần vào việc tìm hiểu lịch sử Phật giáo nước nhà mà thời Lý là giai đoạn phát triển nhất.

Kiến trúc của chùa gồm: Tam quan, Tam bảo, Nhà mẫu, Nhà thờ tổ, Nhà bia, Nhà khách, Nhà soạn lễ, Nghi môn, Nhà thờ Khổng Tử, Tháp mộ, Lầu Quan âm, Lầu hóa vàng, khu vực nội tự, sân vườn, tường rào... Trong đó, Tam quan có diện tích khoảng 29m2, hình thức kiến trúc một cổng chính lớn ở giữa kết hợp là gác chuông, hai bên là hai cổng phụ. Tam bảo có diện tích khoảng 200m2, được xây dựng theo hình chữ đinh bao gồm Tiền đường và Hậu cung. Tiền đường gồm 5 gian, hậu cung gồm 4 gian, kết cấu mái theo kiểu “Thượng chồng rường hạ kẻ”.

Nghi môn được xây dựng theo kiểu tứ trụ lồng đèn với 2 trụ lớn ở giữa, hai bên là hai trụ nhỏ có cổng pháo…

Là công trình kiến trúc cổ, lại được trùng tu xây dựng dưới nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, chùa La Phù vẫn bảo lưu được cốt cách kiến trúc dân tộc, điều đó khẳng định sức sống, tinh thần dân tộc sâu sắc của những người xây dựng trong việc bảo vệ những giá trị văn hóa nước nhà.

Ni sư Thích Đàm Thuận, Trụ trì chùa La Phù giới thiệu, bên cạnh giá trị kiến trúc, chùa còn bảo lưu được một bộ di vật cực kỳ phong phú và mang giá trị nghệ thuật cao được làm bằng các chất liệu truyền thống như: đá, đồng, gỗ, đất... Trong đó nổi lên rõ nét là quả chuông lớn thời Tây Sơn được đúc năm 1792, hệ thống Phật pháp và ba pho tượng đá mang phong cách nghệ thuật dân gian của thế kỷ 17-18. Những di vật quý đó đã tôn thêm giá trị của di tích chùa La Phù.

Chính bởi các giá trị về văn hóa, kiến trúc và lịch sử nên năm 1988, cụm di tích đình- chùa La Phù chính thức được Bộ Văn hóa ra quyết định công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Hạnh Nguyễn

To Top