Nguyễn Hiến Lê - Tác phẩm đăng báo: Con chữ theo dòng thời cuộc

Bộ tác phẩm đôi Nguyễn Hiến Lê - Tác phẩm đăng báo (NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh) do Nguyễn Tuấn Bình sưu tầm và giới thiệu ra mắt không chỉ đồ sộ ở hình thức (hai cuốn tổng cộng hơn cả ngàn trang sách) mà thật sự là một tư liệu quý được tuyển chọn công phu về chân dung và sự nghiệp viết báo của học giả này.

Công chúng biết đến Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) là nhà văn, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập tên tuổi, được nhiều người kính trọng, hâm mộ. Lúc sinh thời, Nguyễn Hiến Lê đã xuất bản 122 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, mang tính “hướng đạo thanh niên”. Bộ tác phẩm Nguyễn Hiến Lê - Tác phẩm đăng báo (cuốn một chủ đề Theo dòng thời cuộc; cuốn hai chủ đề Bên lề con chữ) một lần nữa minh chứng cho một đời cầm bút miệt mài, xuất chúng với kiến văn sâu sắc ở đa lĩnh vực nghiên cứu của Nguyễn Hiến Lê từ giáo dục, văn học, triết học, ngữ học, lịch sử, du ký đến gương danh nhân, chính trị, kinh tế, đặc biệt là đào sâu cổ học Trung Hoa …

* Gia tài đặc biệt

Ông Nguyễn Tuấn Bình, người sưu tầm và giới thiệu bộ sách, cho biết “đã gom góp được khoảng 280 trong hơn 320 bài báo của ông Lê - vốn được công chúng biết đến với “hình ảnh một người đàn ông trung niên, tóc bạc, dáng mảnh khảnh, rỗi cầm sách, ngồi là cầm bút, viết liên tục”. Ông Bình tâm đắc kể:

“Trong số “gia tài” đó, tôi từng đọc những đoạn văn “là lạ”: ở đấy không còn nét bình thản, tinh xác, giàu học thuật mà trở nên quyết liệt, sắc bén trước vấn đề thời cuộc; đôi chỗ lại chân thành, cảm động khi nhắc về người thân, bạn bè. Xem một số bài trong Mấy vấn đề xây dựng văn hóa, Những vấn đề của thời đại, Mười câu chuyện văn chương, Vài lời ngỏ với bạn trẻ và Để tôi đọc lại, tôi vỡ lẽ: đây vốn là các tiểu phẩm, hồi ký, tùy bút có tính chất độc lập - nghĩa là không phát triển thành sách hay từng đăng báo trước đó”.

Nhưng cơ duyên và sự mến mộ đã giúp ông Nguyễn Tuấn Bình phát hiện điều “ít ai biết”. Đó là Nguyễn Hiến Lê “còn để lại non hai ngàn trang báo: bài nào cũng sục sôi, nhiệt huyết: “đóng góp ý kiến cho nhiều vấn đề cụ thể quan trọng khác, mà vấn đề nào ông cũng đề cập một cách thấu đáo tinh tường, đặc biệt liên quan đến lãnh vực văn hóa giáo dục”. Những vấn đề này sau nhiều thập niên trôi qua “vẫn hoàn toàn hợp thời và có giá trị tham khảo thiết thực” trong đánh giá của nhiều bậc tri thức Việt Nam.

* Nhà trí thức trách nhiệm

Nguyễn Hiến Lê lần đầu tiên viết báo là những bài tiểu luận, tùy bút trên tờ Tân Việt Nam của chủ bút Nguyễn Văn Nho, tờ báo ra năm 1945 sau khi Nhật lật Pháp. Dù Nguyễn Hiến Lê “đã ghi chép kỹ lưỡng danh mục các bài báo ông viết: khoảng trên ba trăm bài” nhưng quá trình sưu tập chúng không hề đơn giản. “Tư liệu báo chí thất tán nhiều, cơ hồ thu thập còn gian nan hơn sách vở thời trước! Thú thật, tôi thấy như mò kim đáy bể” - ông Bình kể. Thật may, một nhà sưu tập đã chia sẻ lên mạng những trang tạp chí Bách khoa (trước năm 1975) - tờ báo Nguyễn Hiến Lê từng gắn bó dài lâu, rồi ông Bình tìm thêm từ các thư viện tư nhân quen biết những trang báo Giữ thơm quê mẹ, Đại học, Văn, Tân văn, Mai...

“Thuở ngồi trên ghế nhà trường, như bao thanh niên khác, tôi từng say mê Đắc nhân tâm - mà sau này tôi mới biết tên người dịch là Nguyễn Hiến Lê. Lần lần, tôi tìm hiểu thêm nhiều tác phẩm cùng người dịch ấy: từ các tập mỏng viết cho thanh niên như gương danh nhân, rèn luyện trí đức tới những biên khảo chuyên sâu như triết học Trung Hoa hay ngữ pháp Việt Nam. Theo năm tháng, chúng trở thành hành trang theo tôi vào đời” - nhà sưu tầm NGUYỄN TUẤN BÌNH kể.

Tác giả Nguyễn Tuấn Bình chia sẻ: “Công việc kinh doanh phát hành sách đến tay nhiều người đọc đã mang lại cho tôi nhiều thứ. Giờ là lúc tôi dành thời gian 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày để cặm cụi viết lách, hi vọng mang đến cho công chúng nhiều tác phẩm sưu tập tâm huyết, có giá trị như một cách “đền ơn” lĩnh vực sách vở, văn chương”

Nhà sưu tập Nguyễn Tuấn Bình cho biết khi tiến hành biên soạn Nguyễn Hiến Lê - tác phẩm đăng báo, ông muốn thể hiện rõ cá tính của “nhà báo” Nguyễn Hiến Lê nên tập trung “giới thiệu các bài viết có tính chất độc lập, bàn về các vấn đề thời sự hoặc những tiểu phẩm, tùy bút, hồi ký thể hiện tâm tư, tình cảm và quan điểm của ông về mọi mặt đời sống”.

Ông Bình chia sẻ: “Khi đọc những bài báo đó, bạn đọc cảm nhận được Nguyễn Hiến Lê “là một nhà trí thức đầy trách nhiệm thể hiện ở thái độ yêu nước thương dân chân thành, lúc nào cũng bận bịu việc đời, trăn trở với những nỗi thăng trầm của dân tộc cũng như về những vấn nạn của thế giới mà số phận của dân tộc không thể tách rời” (theo sách Nguyễn Hiến Lê - con người và tác phẩm, NXB Tổng hợp TP.HCM năm 2018).

Ví dụ như trên tạp chí Bách khoa các số ra tháng 5, 6, 7-1962), học giả Nguyễn Hiến Lê viết nhiều bài báo về giáo dục, ông bày tỏ: “Phải mạnh bạo cải tổ nền giáo dục Việt Nam” với chương trình giáo dục tựu trung lại cần “hợp với phương tiện của chúng ta; hợp với trình độ tinh thần trẻ em của ta như vậy mới có thể thi hành được; đào tạo những con người để phục vụ (học là để hành) mà kiến thiết xứ sở, và đồng thời thỏa mãn những nhu cầu căn bản của mình (…); hướng về nông nghiệp, tiểu công nghệ và kỹ nghệ như vậy mới là có lợi thiết thực…”.

Nguyễn Hiến Lê - tác phẩm đăng báo được sắp xếp khá khoa học tác phẩm đăng báo của Nguyễn Hiến Lê theo các phần sưu tầm, giới thiệu và khảo luận. Hai cuốn sách được nhà sưu tập Nguyễn Tuấn Bình thực hiện với lòng mong muốn “lan tỏa tinh thần Nguyễn Hiến Lê tới thế hệ ngày mai”. Ông Bình cho biết sau bộ tác phẩm về Nguyễn Hiến Lê, ông đã viết xong hai quyển sách khác về Lịch sử của những cây cầu và Nghệ thuật làm cầu, dự kiến phát hành cuối năm 2021. “Đây có thể là những kiến thức cần thiết cho sinh viên kiến trúc về lĩnh vực xây dựng cầu. Tôi cũng vừa dịch xong một tác phẩm văn chương đoạt giải Nobel” - ông Bình cho hay.

Trao đổi với Đồng Nai cuối tuần, bà Đinh Thanh Thủy, Giám đốc NXB Tổng hợp TP.HCM nhận định:

“Tên tuổi và những tác phẩm đã xuất bản xưa nay của học giả Nguyễn Hiến Lê luôn khiến nhiều thế hệ độc giả ngưỡng mộ, tìm đọc. Giá trị nội dung những tác phẩm đó qua bao năm tháng vẫn chưa hề lạc hậu. Điều thú vị là các độc giả, những người yêu mến Nguyễn Hiến Lê cũng không ngừng tìm kiếm đằng sau những tác phẩm đã công bố kia, còn những trước tác gì khác, bài viết nào khác còn sót đâu đó trong các xuất bản phẩm trước đây không?

Trên tinh thần cộng hưởng cùng bạn đọc và người sưu tầm tư liệu, lâu nay NXB Tổng hợp TP.HCM đã phối hợp cùng những người “mê” Nguyễn Hiến Lê tập hợp được nhiều tác phẩm như: Nguyễn Hiến Lê - Những lời tựa và bài giới thiệu sách (do Nguyễn Hiền Đức sưu tầm, tuyển chọn năm 2019); hay bộ 2 cuốn Nguyễn Hiến Lê - Những tác phẩm đăng báo (do Nguyễn Tuấn Bình sưu tầm, tuyển chọn) ấn hành cuối tháng 5-2021 này. Đây cũng là dấu ấn thể hiện tâm nguyện của chúng tôi góp phần chuyển tải tri thức đến với công chúng yêu sách thông qua những tác phẩm có giá trị vượt thời gian”.

Cẩm Điệp

To Top