Kiến trúc độc đáo của Cụm linh vật ở Bình Định

Những ngày qua, các địa phương trên cả nước đã 'trình làng' nhiều linh vật rồng Tết 2024, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân, du khách gần xa. Cùng với đó, tỉnh Bình Định cũng đã khánh thành Cụm biểu tượng linh vật Xuân Giáp Thìn 2024. Cụm linh vật được đánh giá cao bởi tính uy nghiêm, độc đáo.

Toàn cảnh Cụm biểu tượng linh vật.

Khu trưng bày linh vật có chiều dài hơn 100m, chiều rộng 40m, điểm cao nhất của cụm linh vật cao gần 9m với cụm biểu tượng chính, các biểu tượng phụ, bộ chữ hai bên đường vào ở mặt chính diện…

Tất cả được sắp đặt đan xen cùng 25 loại hoa, lá, cây cảnh các loại với gần 50.000 chậu kết hợp kỹ thuật ánh sáng, phun hơi nước và âm thanh tạo nên một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt độc đáo, ấn tượng và hoành tráng phục vụ nhân dân và du khách gần xa thưởng lãm khi về với Quy Nhơn, ình Định trong dịp xuân Giáp Thìn 2024.

Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định cho biết: “Cụm biểu tượng linh vật năm Giáp Thìn 2024 là công trình nghệ thuật sắp đặt có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh Bình Định, với ý tưởng thiết kế sáng tạo độc đáo. Cụm biểu tượng linh vật có chủ đề “Tự hào truyền thống Cha Rồng – Mẹ Tiên”, dựa trên truyền thuyết dân gian Việt Nam về Lạc Long Quân và Âu Cơ với trăm trứng nở trăm con, thể hiện niềm tự hào về nòi giống Tiên Rồng và truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam với khát vọng vươn lên trở thành “Rồng” của đất nước và quê hương Bình Định”.

Cụm biểu tượng linh vật có chủ đề “Tự hào truyền thống Cha Rồng – Mẹ Tiên”.

Mô hình linh vật có phối cảnh độc đáo khi nhìn từ trên cao như hình ảnh một đầu Rồng lớn, có thể thay đổi màu sắc lung linh về đêm thông qua hiệu ứng ánh sáng và hơi nước. Các chi tiết trên mô hình linh vật sắp đặt có bố cục chặt chẽ với hình tượng Lạc Long Quân và Âu Cơ ở trung tâm mặt chính diện, bên trên là tượng Rồng oai phong màu vàng đồng làm tông chủ đạo, phía sau là các dãy núi đan xen hùng vĩ.

Phối cảnh mặt sau là mô hình không gian khoa học của tỉnh và hình ảnh tượng trưng về các công trình hiện đại, nhà ở xã hội… biểu tượng của khát vọng sáng tạo, phát triển vươn lên một tầm cao mới của tỉnh nhà. Hai bên là 02 con rồng với màu sắc ấn tượng đang uốn lượn, vươn xa.

Biểu tượng Trăm trứng nở trăm con được diễn tả tượng trưng về số lượng, cách điệu theo ý nghĩa mỗi quả trứng có kích cỡ, hình dáng đa dạng, bên trong đang nở ra là những nét văn hóa truyền thống đặc sắc; sản phẩm văn hóa, du lịch, OCOP đặc trưng của tỉnh đã và đang góp phần tích cực vào sự phát triển của quê hương Bình Định.

Cụm linh vật biểu tượng cho khát vọng sáng tạo, phát triển vươn lên một tầm cao của tỉnh Bình Định.

“Cụm linh vật có giá trị gần 5 tỷ đồng, toàn bộ kinh phí đều từ nguồn vận động xã hội hóa và được thực hiện theo hình thức “Chìa khóa trao tay”. Nhà tài trợ làm việc trực tiếp với đơn vị thi công và bàn giao sản phẩm cho tỉnh Bình Định, dưới sự tham mưu, giám sát về chất lượng nghệ thuật của Sở Văn hóa và Thể thao”, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định Tạ Xuân Chánh thông tin.

Ngay khi cụm linh vật được trưng bày tại quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Quy Nhơn đã thu hút một lượng lớn người dân, du khách đến tham quan, check-in tại đây.

Chị P.T. Thảo (tỉnh Phú Yên) hào hứng nói: Từ khi nghe thông tin về cụm linh vật của tỉnh Bình Định, tôi đã rất háo hức muốn được tận mắt chiêm ngưỡng và khi đến đây tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự độc đáo của tuyệt tác này. Nó vượt xa sự kỳ vọng của tôi”.

Anh N.X. Tùng (huyện An Lão) chia sẻ: “Hôm nay, tôi đã đưa gia đình mình vượt gần 100km xuống thành phố Quy Nhơn để ngắm linh vật. Tôi thấy Cụm linh vật này rất đẹp. Tôi thường xuyên coi mạng xã hội và tôi có thể tự hào rằng linh vật của tỉnh Bình Định đẹp nhất nhì cả nước. Tôi rất tự hào về quê hương mình”.

Thu Loan

To Top