Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng: Cần'nhóm lửa hồng' lan tỏa giá trị văn hóa

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, cần nhóm lên ngọn lửa hồng từ trái tim những người làm văn hóa, từ đó có thể lan tỏa những điều tốt đẹp trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Các nghệ sĩ tham gia hòa nhạc trực tuyến “Chia sẻ để gần nhau hơn” nhằm ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19. (Ảnh: BTC)

Nửa đầu năm 2021, ngành Văn hóa đã hoàn thành một số hoạt động trọng tâm như công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa với 23 di tích cấp quốc gia được xếp hạng, ghi danh 31 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...

Đáng chú ý, ngành đã tiến hành xây dựng thương hiệu quốc gia cho năm lĩnh vực gồm: du lịch văn hóa, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, nghệ thuật biểu diễn và quảng cáo.

Xác định văn hóa là “dây cương”

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác sáu tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm sáu tháng cuối năm 2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) vừa qua, các đơn vị chuyên môn, nhà quản lý từ trung ương tới địa phương đã nhìn lại kết quả và những mặt tồn tại để tìm giải pháp gỡ nút thắt trong công tác phát triển ngành.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh rằng, trong sáu tháng còn lại, Bộ phải giao nhiệm vụ cho các cơ quan nghiên cứu, những người thực hành văn hóa làm rõ nội hàm về “hệ giá trị văn hóa Việt Nam”, “hệ giá trị con người Việt Nam”, “văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”...

Người đứng đầu ngành trăn trở: “Phải luận giải đúng, đủ, từng bước bổ sung, để nâng cao nhận thức cho tất cả các cấp, các ngành, từ đó hiểu đúng văn hóa, thực hành văn hóa đúng và không chệch hướng. Trên cơ sở đó, phải trả lời cho được trước công luận, trước Đảng, trước Nhà nước về những vấn đề văn hóa hiện nay có bị đứt gãy hay không? Văn hóa Việt Nam đang nằm trong sự biến dị hay đang tiếp tục khẳng định giá trị của nó?... Những người làm văn hóa cần phải trả lời bằng được những nội dung đó”.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, cùng với Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, sáu tháng còn lại trong năm, ngành phải làm rõ để từng bước xác lập bộ chỉ số về đóng góp của văn hóa trong quá trình phát triển.

Ông cũng khẳng định: “Chỉ khi lượng hóa được công việc bằng chỉ số này thì chúng ta mới khẳng định được vị thế của ngành... Trước đây chúng ta nói báo cáo kinh tế, văn hóa, xã hội thì hiện nay chỉ có báo cáo kinh tế, xã hội. Trong khi quan điểm của Đảng ta đặt ra là Văn hóa phải đặt ngang chính trị và ngang kinh tế”.

Đẩy nhanh tốc độ số hóa di sản

Một trong những mục tiêu trọng tâm cuối năm của ngành Văn hóa là hoàn thiện ba đề án: Số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Xây dựng bản đồ số, quản lý, liên kết dữ liệu di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và Triển khai thực hiện chương trình Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Có thể thấy, công nghệ số đã và đang được áp dụng trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, nên lĩnh vực di sản cũng không phải là ngoại lệ, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19. Thế nhưng, việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực di sản ở nước ta chưa được nhân rộng, thiếu sự đồng bộ.

Điển hình cho ứng dụng công nghệ vào di sản tại Việt Nam là Công trình số hóa 3D đình Tiền Lệ (huyện Hoài Đức, Hà Nội), di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Nhà hát Lớn (Hà Nội), Lăng Tự Đức và cung An Định (Thừa Thiên Huế)... Gần đây nhất, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đưa vào ứng dụng công nghệ QR code (mã vạch hai chiều) trên 40 hiện vật, cây xanh và các hạng mục công trình trong khuôn viên di tích. Theo đó, du khách chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, đặt trước bảng chỉ dẫn đã cài mã QR code, hệ thống sẽ tự động đăng nhập và chuyển tới điện thoại của du khách thông tin cơ bản về hiện vật đó.

Bên cạnh những hiệu quả về lưu trữ, chi phí thấp, việc số hóa di sản còn mang lại hiệu quả về tính trực quan, độ tin cậy cao và được quảng bá nhanh chóng thông qua mạng Internet. Vì vậy, việc đẩy nhanh hơn nữa tốc độ số hóa di sản chính là “chìa khóa” để nâng tầm thương hiệu cho du lịch văn hóa và cũng là ứng phó tích cực khi các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh phải đóng cửa vì dịch bệnh.

Nghệ sĩ là sức sống của ngành

Trong sáu tháng đầu năm nay, các hoạt động văn hóa và biểu diễn nghệ thuật gần như tê liệt đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống các văn,nghệ sĩ. Theo đó, các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt đối với nghệ thuật truyền thống cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tuyển chọn, đào tạo diễn viên và nhạc công kế cận để duy trì hoạt động.

Trước tình trạng này, Bộ VHTT&DL đã đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ, trong đó hỗ trợ khoảng 2.000 viên chức là các đạo diễn, diễn viên, họa sĩ tại 100 đơn vị công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn đang hưởng lương hạng IV (mức lương thấp nhất hiện nay). Đây là nhóm đặc thù có năng khiếu, tài năng, lại đào tạo lâu năm nhưng thời gian hoạt động ngắn và khó đi hết các bậc lương.

Không chỉ “nhóm lên ngọn lửa hồng” cho các nghệ sĩ bằng sự động viên hay hỗ trợ thiết thực như trên, Bộ VHTT&DL cũng khẳng định sẽ đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền cho phép tạo dựng, xây dựng những cơ chế, chính sách riêng cho những đơn vị làm nghệ thuật tiêu biểu đại diện cho tinh hoa của nghệ thuật dân tộc và đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật chính đáng của cộng đồng.

To Top