'THƯỚC ĐO VĂN HÓA' CỦA CÁC CUỘC THI

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2020-2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức vừa khép lại. Các đề tài dự thi năm nay khá phong phú, tập trung vào nhiều nhóm lĩnh vực. Ban tổ chức cuộc thi đã chọn ra 12 dự án đoạt giải nhất, 19 dự án đoạt giải nhì, 26 giải ba và 34 giải tư.

Tuy nhiên, những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin một trong số dự án đoạt giải nhất của cuộc thi có tên giống với một dự án đoạt giải nhì của cuộc thi này năm 2019. Điều đáng nói là cả hai dự án đều xuất phát từ một trường THPT của tỉnh Ninh Bình và chỉ khác năm dự thi. Sự trùng hợp này đang khiến dư luận hoài nghi về tính trung thực, minh bạch của cuộc thi. Hoài nghi này không phải là không có cơ sở, bởi sau 9 lần được tổ chức, cuộc thi này luôn xuất hiện những thông tin trái chiều về nhiều dự án đoạt giải.

Các em học sinh nhận giải Nhất cuộc thi. Nguồn: moet.gov.vn.

Nhìn lại các dự án dự thi và đoạt giải của cuộc thi KHKT, có thể thấy phần lớn là các dự án “khủng”, mang tầm cỡ vĩ mô như: phương pháp điều trị ung thư; các sáng chế dành cho những người bị đột quỵ, người khuyết tật bị liệt cơ tay toàn phần; một số bài thuốc chữa bệnh... Nhiều chuyên gia, nhà khoa học khi đọc tên cũng phải thốt lên rằng: Đây là những dự án không tưởng đối với học sinh phổ thông khi mà điều kiện về nghiên cứu, thực hành thí nghiệm trong nhà trường hiện nay còn quá ít. Không chỉ cuộc thi KHKT cấp quốc gia mà từ các cuộc thi KHKT cấp tỉnh, thành phố, các dự án dự giải cũng đều là những dự án mang tính... bác học. Điều này đặt ra câu hỏi cần làm rõ về độ chân thực của các dự án của học sinh tham dự các cuộc thi KHKT. Liệu rằng đây có phải là những công trình nghiên cứu của học sinh hay là những sản phẩm của người lớn, sản phẩm của “căn bệnh thành tích” từ các nhà trường, các phụ huynh?

Những điều tiếng về tính trung thực của kỳ thi phải chăng xuất phát từ việc thí sinh đoạt giải ở các cuộc thi KHKT là một trong những đối tượng được xét tuyển thẳng vào đại học nên phụ huynh muốn giành tấm vé này cho con? Việc chạy đua thành tích lâu nay đã được nhắc tới nhiều và trở thành căn bệnh có chiều hướng lan rộng ở mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực GD&ĐT. Vụ gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 tại một số địa phương hay việc thiếu minh bạch trong quy trình xét công nhận giáo sư, phó giáo sư năm 2019, việc cấp hàng trăm bằng giả của Trường Đại học Đông Đô năm 2020, là những ví dụ điển hình.

Trở lại với cuộc thi KHKT, trước những bất cập đang tồn tại, những ngày qua có nhiều ý kiến tranh luận được đưa ra về việc nên giữ hay bỏ cuộc thi này. Có thể khẳng định rằng, mục đích của cuộc thi KHKT hay bất kỳ cuộc thi nào ở cấp giáo dục phổ thông đều mang ý nghĩa tích cực là khuyến khích học sinh thi đua sáng tạo, học đi đôi với hành, góp phần phát triển năng lực, phẩm chất theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Khuyến khích sáng tạo cũng là một trong những nội dung rất cơ bản của văn hóa học đường. Tuy nhiên, mặt trái của các cuộc thi, các phong trào thi đua trong ngành giáo dục là bệnh thành tích dễ có cơ hội nảy nở khi người dự thi, người chấm thi đều mang động cơ không trong sáng, lành mạnh.

Môi trường giáo dục trước hết phải thể hiện là môi trường văn hóa tốt đẹp nhất. Vì vậy, mọi cuộc thi, mọi phong trào trong ngành giáo dục đều phải hướng tới xây dựng động cơ học tập, rèn luyện, phấn đấu tích cực cho học sinh và giáo viên, đồng thời coi yếu tố trung thực, hiệu quả thực chất là "thước đo văn hóa" để khẳng định giá trị, ý nghĩa tốt đẹp của các cuộc thi, phong trào trong ngành giáo dục.

UYÊN NHI

To Top