'Cùng kiến tạo không gian văn hóa'

Đây là nhan đề cuốn sách của bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh. Là một lãnh đạo thành phố, một cây bút chính luận báo chí, một người nghiên cứu chuyên đề sâu sắc qua từng ấn phẩm, bà Phạm Phương Thảo luôn dõi theo sự chuyển mình của thành phố, nhất là các hoạt động văn hóa-xã hội, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Cuốn sách do Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành.

Theo tác giả Phạm Phương Thảo, ngày nay, điều làm nên sự khác biệt của mỗi quốc gia, dân tộc chính là bản sắc văn hóa. Nếu phát triển kinh tế mà không chú ý đến phát triển văn hóa thì dễ dẫn đến tình trạng đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. Chính vì vậy mà tác giả đã dành hẳn một chương đầu tiên cuốn sách để nói về giá trị, vai trò cốt lõi của văn hóa ở nhiều khía cạnh khác nhau như: Văn hóa lãnh đạo, quản lý; đạo đức trong đời sống xã hội; xây dựng lối sống; đời sống văn hóa; ứng xử văn hóa và phẩm cách con người...

Trong đó văn hóa lãnh đạo, quản lý được chú trọng hơn cả vì đó là một bộ phận quan trọng của văn hóa, là biểu hiện sinh động trong hệ thống đa dạng của đời sống văn hóa. Quan tâm tới văn hóa lãnh đạo, quản lý chính là quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ. Làm tốt văn hóa lãnh đạo, quản lý sẽ thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, khắc phục quan liêu, phòng chống tham nhũng, góp phần lan tỏa những giá trị sống tốt đẹp trong xã hội.

Bìa cuốn sách.

Cuốn sách được tiếp nối bằng chương viết về những kiến giải cụ thể của tác giả, từ việc nâng cao chất lượng hoạt động lễ hội, xây dựng gia đình hạnh phúc, những hành động vì trẻ em, đến phát triển văn hóa nghệ thuật, đẩy mạnh văn hóa đọc... Tác giả cũng đặt ra một vấn đề đáng suy ngẫm là với công tác quản lý, làm thế nào để vừa bảo tồn di sản, vừa phát triển, làm cho không gian, công trình kiến trúc cũ, mới được hài hòa, thể hiện giá trị văn hóa truyền thống kết hợp với tính hiện đại trong quá trình phát triển đô thị?

Không đưa ra những kiến giải chung chung, ở phần “Xây dựng văn hóa trong văn minh đô thị”, tác giả đã chủ động đưa ra những biện pháp cụ thể với những cơ sở, tổ chức được coi là biểu tượng điển hình văn hóa của TP Hồ Chí Minh như: Cần nỗ lực xây dựng Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là bảo tàng giáo dục lòng yêu nước, yêu hòa bình, hay cần giữ gìn Nhà văn hóa Thanh Niên là nơi ươm mầm những ước mơ, hoài bão, hun đúc sức mạnh đi lên của tuổi trẻ... Ở phần này, tác giả cũng nêu ra những vấn đề cần giải quyết để xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh và phấn đấu giữ vững vai trò đầu tàu, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc nhân dân.

Có thể nói, với lối hành văn bình dị, súc tích, bằng thể loại chính luận sở trường của mình, những trang viết của tác giả Phạm Phương Thảo trong cuốn sách “Cùng kiến tạo không gian văn hóa” đi từ thực tế cuộc sống, ghi chép kết hợp với thu thập những thông tin, tài liệu, phân tích thực trạng và gợi mở những giải pháp để góp phần tạo nên sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, hành động của từng cơ quan, đơn vị, từng khu phố, từng cộng đồng, từng gia đình và trong mỗi người dân để tất cả cùng kiến tạo không gian văn hóa của một đô thị lớn nhất Việt Nam.

YẾN VŨ

To Top