Thuốc lá làm nóng: Nên cấm hay quản

Trong 66 thị trường đã thương mại hóa thuốc lá làm nóng, có khoảng 2/3 quốc gia nằm trong Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) thuộc WHO.

Việc Hội nghị lần thứ 8 các nước thành viên (COP8) thuộc Công ước khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chủ trì năm 2018 công nhận sản phẩm thuốc lá làm nóng là thuốc lá có thể được coi là cơ sở để các nước đưa ra hướng kiểm soát hợp lý cho các sản phẩm thuốc lá làm nóng.

Những quy định được đề cập trong Công ước khung về Kiểm soát Thuốc lá

Đến nay, định nghĩa thuốc lá theo luật Việt Nam và quốc tế có sự nhất quán lớn. Thông tin từ Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá Vinacosh (trực thuộc Bộ Y tế) nêu rõ, trong điều 1 khoản (f) của Công ước khung FCTC có định nghĩa: các sản phẩm thuốc lá là những sản phẩm từ một phần hoặc toàn phần nguyên liệu thuốc lá.

Điều này cũng được tái khẳng định trong tại Hội nghị COP8, theo đó thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá và các nước cần kiểm soát sản phẩm này theo luật kiểm soát thuốc lá hiện hành của nước sở tại.

Ảnh 1: Điều 1, khoản (f) định nghĩa “các sản phẩm thuốc lá” có nghĩa là các sản phẩm tạo ra từ vật liệu lá thuốc. Nguồn: Chương trình Phòng chống Tác hại của Thuốc lá - Công ước Khung - Giới thiệu (vinacosh.gov.vn)

Khác với thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng chứa nguyên liệu thuốc lá và được sản xuất theo công nghệ làm nóng-không-đốt cháy để tạo ra nicotine. Điếu thuốc lá là sản phẩm đặc chế bởi nhà sản xuất và người dùng khó có thể tự ý thay đổi thành phần cấu tạo khi sử dụng. Theo điều 2.1 của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHCTL) ban hành năm 2012, được triển khai nhằm thực thi Công ước khung FCTC định nghĩa: “Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”.

Liên quan đến việc kiểm soát thuốc lá, trong Công ước khung cũng nêu rõ việc “khuyến khích các bên thực hiện các biện pháp ngoài biện pháp được quy định bởi công ước” và “phù hợp với luật lệ quốc gia”.

Trên cơ sở định nghĩa mà FCTC lẫn pháp luật hiện hành của Việt Nam thì thuốc lá làm nóng đang thuộc định nghĩa “thuốc lá” vì có chứa thành phần nguyên liệu là lá thuốc lá và vì vậy sản phẩm này chịu sự quản lý và kiểm soát bởi Luật PCTHTL của quốc gia.

Cơ chế của thuốc lá làm nóng là sử dụng nhiệt để làm nóng mà không đốt cháy như thuốc lá điếu thông thường. Do vậy, thuốc lá làm nóng được xem là “dạng khác” theo định nghĩa tại Điều 2.1 của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và cần phải đưa vào quản lý theo luật hiện hành,” ông Phạm Sĩ Hải Quỳnh, luật sư thành viên của Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF - Hồng Đức) cho biết.

Như vậy, đề xuất liên quan đến việc cấm các sản phẩm thuốc lá làm nóng cũng có thể được xem là đồng nghĩa với cấm thuốc lá. Ở góc độ pháp lý tại Việt Nam, theo đánh giá của LS. Quỳnh: Đến nay, kinh doanh thuốc lá vẫn là ngành nghề kinh doanh hợp pháp và được pháp luật thừa nhận. Do đó, những sản phẩm là thuốc lá theo định nghĩa của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá (Luật PCTHTL) thì không thể cấm mà cần phải đưa vào quản lý theo đúng quy định.

Thuốc lá làm nóng được quản lý như thuốc lá tại nhiều quốc gia

Tháng 7/2020, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) công bố về việc cho phép một sản phẩm thuốc lá làm nóng duy nhất được phép thương mại với chỉ định giảm thiểu phơi nhiễm với các chất độc hại lên cơ thể so với thuốc lá điếu. Cơ quan này cũng tiến hành phân loại thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá không đốt cháy (non-combustible cigarettes) để phân biệt với thuốc lá điếu đốt cháy và thuốc lá điện tử.

Dù thuốc lá làm nóng nằm trong nhóm thuốc lá không đốt cháy, nhưng vẫn theo luật quản lý các sản phẩm thuốc lá, cùng với cảnh báo sức khỏe từ Tổng Y sĩ Hoa Kỳ. Cụ thể, bao thuốc chứa những cảnh báo sức khỏe được chính phủ phê duyệt và sử dụng luân phiên. Các loại thông điệp của cảnh báo sức khỏe này bao gồm: hút thuốc lá gây ung thư phổi, bệnh tim, khí phế thũng và có thể gây biến chứng trong thai kỳ; cai hút thuốc lá ngay bây giờ sẽ làm giảm đáng kể những nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe; việc hút thuốc lá ở phụ nữ mang thai có thể gây tổn thương thai nhi, dẫn đến tình trạng sinh non và trẻ sơ sinh nhẹ cân.

Tất cả những cảnh báo sức khỏe này sẽ được thay đổi luân phiên trên các hộp sản phẩm thuốc lá đặc chế của thuốc lá làm nóng, .

Còn tại Nhật, Bộ Tài chính quản lý việc kinh doanh sản phẩm này theo Đạo luật kinh doanh thuốc lá ban hành năm 1984. Nhờ vào đặc tính “giảm thiểu phơi nhiễm” nên so với thuốc lá điếu đốt cháy, việc quản lý – kiểm soát thuốc lá làm nóng có phần cởi mở hơn. Theo đó, khung pháp lý quy định thuốc lá làm nóng, bao gồm cả về việc áp thuế, cảnh báo sức khỏe và hạn chế sử dụng khác xa so với thuốc lá điểu đốt cháy. Chẳng hạn, tại nhiều nơi, thuốc lá làm nóng không bị cấm sử dụng ở nơi công cộng.

Công ước khung Kiểm soát thuốc lá nhắc lại thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá tại COP8

Hiện trong 66 thị trường đã thương mại hóa thuốc lá làm nóng, có khoảng 2/3 quốc gia nằm trong Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đáng chú ý, trong số này có đến 9 quốc gia thuộc nhóm 15 nước tiêu thụ thuốc lá cao nhất thế giới theo báo cáo năm 2017 của WHO.

Minh Trực

To Top